Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Muốn làm nhà cho tốt phải xây dựng nền móng cho vững, muốn thực hiện kế hoạch cho tốt phải chăm lo củng cố chi bộ. Người khẳng định: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt…”[1]. Hiện nay, nhằm quán triệt sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng đạt hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 948-QĐ/TU ngày 03/11/2023 về tiêu chí xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, “chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện” góp phần quan trọng tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới. Để thực hiện Quy định số 984-QĐ/TU đạt hiệu quả, việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “chi bộ bốn tốt” có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng chi bộ bốn tốt
Chủ tịch Hồ Chí Minh Trên nền tảng vai trò vô cùng quan trọng của chi bộ, Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng “chi bộ bốn tốt” với các tiêu chí cụ thể: đảng viên phải gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, lãnh đạo sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt.
Như vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh trong xây dựng “chi bộ bốn tốt” vai trò đảng viên là bao trùm, quan trọng nhất: Để xây dựng chi bộ bốn tốt, mỗi đảng viên phải tốt. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều tốt mới xứng đáng với danh hiệu “chi bộ bốn tốt”, từ đó đảm bảo sản xuất tốt, chiến đấu tốt góp phần quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Đối với mỗi đảng viên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải ghi nhớ những nhiệm vụ của đảng viên mà phấn đấu thực hiện: Kiên quyết và suốt đời đấu tranh cho Đảng; luôn luôn bồi dưỡng tư tưởng vô sản, không mắc sai lầm, tích cực sửa chữa khuyết điểm; luôn luôn để lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân; tuyệt đối chấp hành nghị quyết, kỷ luật của Đảng; cố gắng học tập không ngừng nâng cao trình độ, thật thà tự phê bình và phê bình; mật thiết liên hệ với quần chúng, nêu cao tinh thần chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, gương mẫu trong mọi công tác và trong đời sống.
2. Chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, “chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện”
Chấp hành Điều lệ Đảng, bám sát Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18/01/2021 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 948-QĐ/TU và chỉ đạo quá trình thực hiện xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, “chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện”.
Đối với việc xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, Quy định xác định rõ đối tượng áp dụng bao gồm các chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (trừ chi bộ ấp, khu phố) và đảng bộ cơ sở thuộc các loại hình. Nội dung trọng tâm củaviệc xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt. Quy định số 948-QĐ/TU đã xây dựng 22 tiêu chí cụ thể, thiết thực lãnh đạo các chi bộ, đảng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đối với việc xây dựng “chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện” được áp dụng đối với các chi bộ ấp, khu phố trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Quy định xác định 5 nhóm tiêu chí: Về thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác chính trị tư tưởng; xây dựng chi bộ và đội ngũ đảng viên; về kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; xây dựng hội đồng bảo vệ an ninh trật tự, ban công tác mặt trận và các đoàn thể với 33 tiêu chí cụ thể.
Trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, Tỉnh ủy chỉ đạo: Triển khai, quán triệt sâu, rộng tạo sự thống nhất cao trong cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân; tổ chức thực hiện đồng loạt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Từng cấp ủy cụ thể hóa phù hợp bằng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong quá trình tổ chức thực hiện việc xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, “chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện” cần gắn kết với việc thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. “Chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” phải thật sự là nơi triển khai, thực hiện đầy đủ, khoa học các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là điển hình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao để các tổ chức đảng trong toàn đảng bộ học tập, làm theo. “Chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện” trên các lĩnh vực, làm đầu tàu lãnh đạo Nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…
Việc thực hiện Quy định số 948-QĐ/TU được Tỉnh ủy rất chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, điển hình. Quy định số 948-QĐ/TU nêu rõ: Chỉ tiến hành công nhận khi chi bộ, đảng bộ bảo đảm các tiêu chí, điều kiện, có sản phẩm và minh chứng cụ thể, tránh hình thức, bảo đảm đúng thực chất, không chạy theo thành tích.
3. Giải pháp tổ chức thực hiện Quy định số 948-QĐ/TU theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng “chi bộ bốn tốt” và vận dụng phù hợp trong điều kiện mới với những giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, chi bộ thường xuyên quan tâm giáo dục đảng viên; xây dựng kế hoạch cụ thể, quy định tỉ lệ rõ ràng; xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, đảm bảo chất lượng và số lượng; phát huy tính nêu gương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đảng viên: “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”[2]. Thực tiễn đã chứng minh đảng viên là lực lượng góp ý, tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng; là lực lượng trực tiếp động viên, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương đó; là tấm gương để quần chúng noi theo. “Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, vì vậy, việc xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh là nội dung trọng tâm của xây dựng chi bộ. Chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) của Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm, nhất là việc các cấp. Đặc biệt chú trọng thực hiện tốt các quy định về nêu gương, làm từ trên xuống, phát huy vai trò cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu; kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách.
Thứ hai, phát huy vai trò của cấp trên, chú trọng kiện toàn đội ngũ cấp ủy, củng cố chi bộ, nhất là giúp chi bộ kém bằng phương pháp “vết dầu loang”.
Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đảng viên là không ngừng kiện toàn đội ngũ cấp ủy, chi bộ; không ngừng xây dựng, củng cố chi bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Thực tế cho thấy chi bộ, tổ chức cơ sở đảng nào chất lượng đảng viên thấp thì cơ sở đảng ở đó yếu kém. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra vai trò của cấp trên trong lúc đẩy mạnh cuộc vận động “chi bộ bốn tốt”: “Mỗi huyện ủy, thành ủy, tỉnh ủy nên trực tiếp giúp một chi bộ kém trở thành “bốn tốt”. Giúp chứ không bao biện. Rồi làm cách vết dầu loang đến chi bộ kém khác”[3].
Thứ ba, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Theo Hồ Chí Minh: Muốn xây dựng chi bộ tốt cần quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, mở rộng dân chủ, phát huy tự phê bình và phê bình trên cơ sở “tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”. Thông qua sinh hoạt chi bộ, mọi chủ trương, đường lối được triển khai thực hiện. Trong sinh hoạt chi bộ cần đặc biệt coi trọng ba tính chất tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục; đặc biệt quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ và nghiêm túc thực hiện tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung; kiên quyết đấu tranh khắc phục bệnh quan liêu, độc đoán, dân chủ hình thức cũng như mọi biểu hiện cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật. Đi đôi với tập trung dân chủ là nghiêm chỉnh thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Bởi lẽ, tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong sinh hoạt chi bộ, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Hồ Chí Minh dạy rằng: Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hay thất bại là do nơi tổ chức thực hiện, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Theo Người, kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên làm tròn nhiệm vụ. Người nhấn mạnh: Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Vì vậy, cấp ủy cấp trên, cấp ủy chi bộ cần thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát. Kiểm tra phải có hệ thống, kịp thời, khách quan, công minh, chính xác, sâu sát; không lợi dụng kiểm tra để “bới lông tìm vết”, “vạch lá tìm sâu”. Thông qua kiểm tra, giám sát, sẽ quản lý chặt chẽ đảng viên đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, thóai hóa biến chất về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.
Thứ năm, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng chi bộ, góp phần tham gia xây dựng Đảng.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”[4]. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với Nhân dân; quan liêu, mệnh lệnh, xa rời Nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất khôn lường. Người yêu cầu Đảng, chi bộ phải gắn bó mật thiết với Nhân dân bởi Nhân dân là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, là bản chất của Đảng; thực hiện nguyên tắc dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ. Vì vậy, các cấp ủy, chi bộ cần phải xây dựng cơ chế, quy định cụ thể để Nhân dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng nói chung và chi bộ nói riêng; tăng cường giáo dục Nhân dân, nâng cao dân trí, tạo điều kiện thuận lợi và phát huy vai trò của Nhân dân thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ sáu, phong trào xây dựng “chi bộ bốn tốt” phải gắn với các phong trào thi đua ở địa phương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn: Phong trào xây dựng “chi bộ bốn tốt” phải gắn với các phong trào thi đua “ba xây, ba chống”, phong trào “5 tấn 1 hécta”… nhằm góp phần quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, vận dụng sáng tạo quan điểm của người, quá trình xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, “chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện” đã gắn kết với việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, cao trào thi đua “Đồng khởi mới”.
Trong bối cảnh triển khai thực hiện Quy định số 948-QĐ/TU về xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, “chi bộ ấp, khu phố trong sạch, vững mạnh toàn diện” hiện nay, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “chi bộ bốn tốt” càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những quan điểm quý báu của Người sẽ là bài học bổ ích góp phần thúc đẩy việc thực hiện Quy định số 948-QĐ/TU đạt hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên./.