Tấm gương về khát vọng, ý chí và nghị lực tuổi trẻ bác hồ với tuổi trẻ Trường Chính trị Bến Tre hiện nay

Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều phong ba, bão táp; nhưng với khát vọng, ý chí và nghị lực phi thường đã giúp Người vượt qua và chiến thắng tất cả, tìm được hướng đi mới, mở ra tương lai, triển vọng cho cả dân tộc. Khát vọng, ý chí và nghị lực tuổi trẻ của Bác Hồ là tấm gương cho lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, tuổi trẻ Trường Chính trị Bến Tre nói riêng kế tục sự nghiệp của Người, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mãi mãi noi theo.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX lịch sử Việt Nam có những biến động hết sức sâu sắc. Thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta từ một nước độc lập thành một “xứ” thuộc địa nửa phong kiến với yêu cầu bức thiết và cháy bỏng là: “Độc lập dân tộc và người cày có ruộng”. Chế độ phong kiến Việt Nam cùng với hệ tư tưởng Nho giáo lẫn tư tưởng dân chủ tư sản ở phương Tây cũng như cuộc cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, cuộc vận động cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc và cuộc “Minh Trị Duy tân” của Thiên hoàng Minh Trị ở Nhật Bản cũng tỏ ra bất lực trước yêu cầu của công cuộc chống ngoại xâm vì nền độc lập dân tộc.

Thất bại của các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc đã nói lên một sự thật lịch sử là: Không thể cứu nước trên lập trường phong kiến hay lập trường của giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Các đường lối và phương pháp này đều không đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc đã trở thành hệ thống thế giới. Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bị bế tắc. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đang đòi hỏi được đổi mới. Cách mạng Việt Nam đặt ra và yêu cầu phải có con đường cứu nước mới.

Vào trạc tuổi 13, Nguyễn Tất Thành đã “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn “tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau” những từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Và sau đó Người “muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao để “về giúp đồng bào”.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Hai mươi mốt tuổi, Người ra đi từ bến cảng Nhà Rồng để tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Với tên gọi “Văn Ba”, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của một lãnh tụ thiên tài, với hai bàn tay trắng và một nghị lực phi thường, Người xuống tàu Pháp sang “mẫu quốc” để tìm hiểu sự thật về sự “khai hóa văn minh” ở Việt Nam của người Pháp, tìm xem “nước Pháp và các nước khác làm như thế nào để về giúp đồng bào ta”... Hai mươi hai tuổi, đi vòng quanh và đặt chân lên nhiều vùng đất ở châu Phi, Người vẫn chỉ thấy sự bất công với cảnh nô lệ bần hàn, đói khát và tủi nhục.

Cuối năm 1917 - Hai mươi bảy tuổi, Người trở lại Pháp, đầu năm 1919 tham gia Đảng xã hội Pháp, Tháng 7/1920, Người tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy chân lý giải phóng dân tộc từ bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tháng 12 năm 1920 – Ba mươi tuổi, Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp với tư cách là thành viên sáng lập rồi chuẩn bị tiền đề mọi mặt thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành cơ bản con đường cách mạng Việt Nam. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, không có khó khăn, gian khổ nào ngăn được khát vọng cháy bỏng của Người, không có sự giàu sang, phú quý nào mua chuộc được Người, không có uy vũ nào làm lung lay ý chí cứu nước, không một sự “hiểu lầm”, thử thách nào có thể khuất phục được nghị lực phi thường, bản lĩnh kiên định và sự sáng tạo của Người.

Cuộc đời và sự nghiệp nói chung, tuổi trẻ của Bác Hồ nói riêng, là một tấm gương tuyệt vời về khát vọng cháy bỏng, một nghị lực, một quyết tâm, một ý chí phi thường và sự hy sinh to lớn nhưng hết sức chân thực và cụ thể để “tìm đường” giải phóng cho dân tộc và “dẫn đường” cho dân tộc đi tới độc lập, tự do. Cách đây 109 năm, cả dân tộc lúc đó còn đang rên xiết dưới ách thực dân. Tất cả các con đường giải phóng đều bế tắc. Vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách của thời cuộc, những hạn chế của lịch sử, Bác đã đi, đã tìm, đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình và đã tìm thấy con đường đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường giải phóng chân chính cho dân tộc - Đó là con đường “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Kế thừa khát vọng cháy bỏng và học tập tấm gương của Bác, tuổi trẻ hôm nay cần phải phấn đấu vượt bật. Trong đó, trước hết, “chủ nhân” của nước nhà cần suy ngẫm và thực hiện lời dạy của Người trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường đại học nhân dân Việt Nam, 19-1-1955: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”

Để làm được điều đó, tuổi trẻ hôm nay phải có hoài bão, khát vọng - Khát vọng làm giàu, đi đầu trong xã hội học tập và tình nguyện vì cộng đồng, ý chí và lòng tin tuyệt đối với Đảng; luôn nâng cao lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc; có bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, xung kích, tình nguyện; đoàn kết, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, làm chủ công nghệ; luôn có đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, có ích; chú trọng phát triển thể lực, khỏe về thể chất; tình nguyện xây dựng Tổ quốc vì cộng đồng, tương thân, tương ái; luôn tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, ý thức thức công dân; tinh thần, thái độ học tập say mê, có phương pháp, kỹ năng hiệu quả; luôn đổi mới, hội nhập và phát triển,...

Tuổi trẻ trường Chính trị Bến Tre với hoạt động xã hội 
Ảnh: Chi đoàn TCT Bến Tre.
 


Chi đoàn thanh niên Trường Chính trị Bến Tre với công tác nghiên cứu khoa học 
Ảnh: Chi đoàn TCT Bến Tre

Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ Bến Tre xác định vai trò, nhiệm vụ quan trọng của mình trong giai đoạn mới, đoàn kết, xung kích, quyết tâm thực hiện “Hành trình sức trẻ Đồng Khởi - Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng” và “Đoàn kết, sáng tạo, chủ động, hội nhập, phát triển”. Đặc biệt là hưởng ứng và phát huy vai trò xung kích trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” mà toàn Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre đang ra sức thực hiện thông qua nhiều phòng trào, cuộc vận động nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển bằng cuộc “Đồng khởi mới”, đưa tỉnh ta vươn lên khá - giàu sánh cùng khu vực và cả nước; người dân Bến Tre phải có cuộc sống hạnh phúc, thân thiện nghĩa tình, năng động, khát vọng phát triển; hướng tới xây dựng Bến Tre theo hướng tiên tiến, phát triển bền vững và tạo nên môi trường sống lý tưởng cho người dân và trở thành “địa phương đáng sống”.

Có khát vọng, hoài bão tuổi trẻ không thôi chưa đủ mà phải biết nuôi dưỡng, hiện thực hóa khát vọng, hoài bão đó bằng tất cả nghị lực vượt khó và tinh thần trách nhiệm trong từng “đầu việc” cụ thể, thiết thực để ngày một trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Tuổi trẻ Trường Chính trị Bến Tre hôm nay cần xác định đúng vai trò trách nhiệm của mình không chỉ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình mà còn phải chủ động tạo dựng “hành trang” cần thiết để làm tròn vai trò “Người chủ tương lai của nước nhà”. Trước mắt là: Phát huy truyền thống văn hóa Trường Đảng và thành tựu, kinh nghiệm đạt được trong nhiệm kỳ qua; bám sát những định hướng của Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh; đoàn kết thống nhất, không ngừng phát huy dân chủ, trí tuệ, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, học tập và rèn luyện; xây dựng đạt các tiêu chí của “Trường Chính trị chuẩn” vào năm 2025. Đồng thời phải tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ và thái độ, tích lũy tri thức và kinh nghiệm, rèn luyện phương pháp và bãn lĩnh … để có thể kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp “huấn luyện cán bộ” nói riêng của “thế hệ thanh niên già” trao lại.

Tuổi trẻ bao giờ cũng gắn liền với hoài bão và khát vọng; nhưng nó chỉ có thể trở thành hiện thức với ý chí và quyết tâm, nghị lực cao độ. Ý chí, khát vọng và nghị lực phi thường của Bác Hồ kính yêu trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước đã trở thành điểm tựa soi sáng cho con đường học tập, rèn luyện và trưởng thành của thế hệ trẻ nói chung, tuổi trẻ Trường Chính trị nói riêng trong quá trình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập, hướng tới xây dựng “Trường Chính trị chuẩn”; góp phần xây dựng quê hương Bến Tre giàu đẹp, văn minh, thực hiện trọn vẹn “khát vọng cháy bỏng” của Bác Hồ kính yêu: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.

ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh