Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Với tầm nhìn chiến lược, sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Người đã phát động phong trào cả nước xây dựng đời sống mới, nhằm xây dựng con người và xã hội mới toàn diện. Quan điểm về “Đời sống mới” sau hơn bảy mươi năm vẫn vẹn nguyên giá trị, là cơ sở lý luận và phương pháp luận trong vấn đề xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 20/3/1947, trong lúc cả nước tập trung cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Tân Sinh đã viết tác phẩm “Đời sống mới” nhằm lãnh, chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống mới, tạo nguồn lực về vật chất, tinh thần góp phần cho kháng chiến thắng lợi và xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong tác phẩm Người đã đặt vấn đề: Như thế nào là “đời sống mới”? Người khẳng định “đời sống mới” là “không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, cái gì cũng phải làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, thì phải sửa đổi cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[1]. Bản chất xây dựng đời sống mới là chúng ta phải sửa đổi những công việc rất phổ thông như:“… sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”[2]. Chỉ có bắt đầu sửa đổi từ những nhu cầu cơ bản nhất của con người: ăn, mặc, ở,… mới có thể thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng đời sống mới với mục đích là làm cho đời sống nhân dân ta được đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần được vui mạnh hơn.
Nội dung xây dựng đời sống mới, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm hai vấn đề chính: Xây dựng con người mới và xây dựng xã hội mới toàn diện.
Thứ nhất, là xây dựng con người mới: Cần, kiệm, liêm, chính, có lối sống lành mạnh, văn minh. Bác chỉ rõ, người là “gốc của làng nước”, nếu “mỗi người đều tốt” thì “làng tốt” và “nước sẽ mạnh”. Vì vậy, để xây dựng con người mới, mỗi cá nhân cần: Sốt sắng yêu Tổ quốc, làm những việc có lợi cho nước, việc gì hại đến nước phải tránh; sẵn lòng làm công ích; không tham lam, kiêu căng, trung thực, có tinh thần phụ trách khi làm việc và không ngừng học tập để tiến bộ.
Thứ hai, là xây dựng xã hội mới toàn diện trên tất cả các hoạt động của đời sống xã hội như: Trong một nhà, một làng, trong trường học, bộ đội, trong công sở và trong nhà máy. Trong một nhà, cần chú trọng tinh thần và vật chất, phải trên thuận dưới hòa, đối với mọi việc phải có kế hoạch, ngăn nắp và hăng hái làm gương. Trong một làng thì cần tổ chức hợp tác xã cho hoạt động sản xuất, loại bỏ những phong tục không tốt, xóa mù chữ, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Trong trường học, cần chú trọng dạy đạo đức cho học sinh, biết kính trọng sự cần lao, rèn luyện sức khỏe và tham gia việc tăng gia sản xuất. Trong bộ đội, phải kỷ luật cực kỳ nghiêm, siêng tập luyện, biết tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh, ai cũng biết chữ, biết ít nhiều về chính trị, tăng gia sản xuất, giúp đỡ dân, làm cho dân phục, dân tin và dân yêu. Trong các công sở, vì là làm việc cho dân nên sẽ có ít hoặc nhiều quyền hành, vì vậy phải làm gương cho việc thực hành đời sống mới; để không trở thành con sâu mọt của dân cần phải giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính. Trong nhà máy thì chủ và thợ cần hợp tác chặt chẽ để tăng năng suất và cùng nhau hưởng lợi ích, góp phần phát triển lợi ích nước nhà.
Người cũng nhấn mạnh phương pháp xây dựng đời sống là vận động quần chúng nhân dân. Để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và xây dựng đời sống mới nói riêng trở thành phong trào hành động thiết thực, thì phải tập hợp được mọi tầng lớp tham gia và có phương pháp tuyên truyền, vận động thích hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Trước hết là “phải tuyên truyền, giải thích, làm gương”[3] bắt đầu từ mỗi cá nhân, đến trong từng gia đình, trong mỗi làng và sau đó lan tỏa ra khắp cả nước. Nói một cách đơn giản thiết thực, không chỉ nói một lần mà phải nói nhiều lần, khi nào người ta hiểu và làm mới thôi. Bên cạnh đó, cần ra sức khuyến khích giúp đỡ cho dân làm, tổ chức thi đua gắn với khen thưởng tạo động lực, gắn kết các bộ phận cùng nhau hăng hái thi đua thực hành đời sống mới.
Nguyên tắc thực hành đời sống mới phải đảm bảo dân chủ, tự nguyện, bình đẳng và toàn diện. Theo Người, khi tuyên truyền cần phải dần dần nói cho người ta hiểu, khi người ta hiểu sẽ vui lòng làm, không nên ép buộc; phải hăng hái, kiên trì, cẩn thận và khôn khéo. Nếu đến khi tất cả mọi người đều thực hiện, chỉ có một số ít vận động mãi không được, lúc đó có thể dùng cách cưỡng bức, bắt họ phải làm theo. Và phải làm từ việc dễ đến việc khó, có như thế, đời sống mới sẽ đạt kết quả tốt trên nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục,… và phạm vi thực hành sẽ rộng khắp cả nước.
Tác phẩm “Đời sống mới” với cách viết dưới dạng bài báo phỏng vấn, đã nêu rõ nội dung, bản chất, nguyên tắc và phương pháp xây dựng đời sống, giải quyết được mối quan hệ giữa cứu quốc và kiến quốc, bảo vệ và xây dựng đất nước, tác phẩm đã góp phần to lớn trong việc vận động nhân dân thực hiện xây dựng đời sống mới, tạo ra một đời sống mới đầy đủ về vật chất và tinh thần, góp phần cho kháng chiến lúc bấy giờ thắng lợi và xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Trải qua hơn bảy mươi năm kể từ khi tác phẩm ra đời đến nay, tác phẩm vẫn còn giữ nguyên giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn. Tác phẩm là kim chỉ nam trong công tác xây dựng văn hóa, xây dựng đời sống mới, công tác vận động nhân dân trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, ngày 04 tháng 6 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 800/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, được triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 02/8/2011 về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2020”. Nghị quyết đã xác định“xây dựng nông thôn mới phải tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã trong tỉnh; phải kế thừa lồng ghép các chương trình, dự án các cuộc vận động, các phong trào,… việc xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhằm tạo bước chuyển biến căn bản, rõ nét về chất của các lĩnh vực đời sống xã hội và cuộc sống người dân ở nông thôn.
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng năm 2020”, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mười năm qua với sự đồng thuận giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, nông thôn trên toàn tỉnh Bến Tre có nhiều thay đổi tích cực: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại; an ninh được giữ vững; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ khoa học trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Đến nay toàn tỉnh đã có 49/157 xã nông thôn mới, “12 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 62 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 30 xã 05 - 09 tiêu chí và không có xã đạt dưới 05 tiêu chí”[4]. Tiêu biểu là huyện Chợ Lách qua gần 10 năm triển khai thực hiện, huyện đã cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới và thành phố Bến Tre đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các xã đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, xây dựng các ấp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Xây dựng nông thôn mới đã và đang làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao và trở nên hoàn thiện hơn.
Diện mạo mới của xã Châu Bình - xã Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bến Tre.
Tuy khó khăn, thách thức vẫn còn phía trước, nhưng với tinh thần đoàn kết, chung tay, chung sức, một lòng cùng nhau xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bến Tre đang phấn đấu không ngừng để đạt được các mục tiêu đề ra, nhằm góp phần tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới cho tỉnh nhà. Giờ đây không chỉ riêng Bến Tre, mà trên cả nước nhiều vùng nông thôn đã trở nên xanh, sạch, đẹp và đáng sống. Đó chính là mong ước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện qua tác phẩm “Đời sống mới”, Người mong rằng đất nước Việt Nam xinh đẹp sẽ trở nên phú cường, đời sống người dân sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc, đủ đầy./
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 112,113.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 113.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 125.
[4] Báo cáo 01 năm sơ kết Kết luận 359-KL/TU của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 và định hướng 2025, Bến Tre, tr. 2.
CN. Trương Thị Bích Tuyền
Viên chức tập sự Khoa Xây dựng Đảng