Sưu tầm

Ngày Đăng :

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến
                                                                                  Trưởng khoa Dân vận

 

Dân tộc Việt Nam luôn đề cao truyền thống “tôn sư trọng đạo”, thời phong kiến, nhà giáo được tôn trọng thông qua việc xếp thứ bậc đó là: “Quân - Sư - Phụ”, nghĩa là trước thầy chỉ có vua thôi. Trong một đất nước, xã hội và gia đình cả Vua - Thầy - Cha mẹ là những người đảm nhận những trọng trách vô cùng lớn lao, cao quý. Riêng đối với người thầy, là những người đảm nhận trọng trách trong việc rèn chữ, rèn người, các thế hệ nhà giáo Việt Nam trong từng thời kỳ đã đảm nhận chức năng truyền lại cho thế hệ sau những tinh hoa văn hóa của nhân loại nói chung, dân tộc nói riêng. Dùng tài năng, trí tuệ, phẩm chất nhân cách của mình để hướng dẫn thế hệ trẻ, hình thành hoàn thiện và phát triển toàn diện nhân cách của con người, tạo nên các thế hệ con người với tư cách là chủ nhân của xã hội ở hiện tại và tương lai nắm giữ, vận dụng những tri thức của nhân loại, dân tộc để làm đất nước cường thịnh, văn minh.

Việt Nam ta luôn tự hào có những người thầy đã làm vinh danh, rạng rỡ non sông đất nước như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, “La Sơn Phu Tử” Nguyễn Thiếp, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu,…đặc biệt là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến của chúng ta; nhiều đồng chí cán bộ xuất sắc của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật cũng từng là nhà giáo như Tô Hiệu, Ngô Gia Tự…; có những đồng chí giữ trọng trách cao nhất của Đảng, Nhà nước cũng từng là nhà giáo như: Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Trong xã hội mới hiện nay, đất nước ta cũng có những nhà giáo có học hàm, học vị cao: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ với nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, tiêu biểu như nhà giáo Nguyễn Lân, Đinh Xuân Lâm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đặng Thai Mai… đây là những nhà giáo đã kế thừa, phát huy và bảo vệ được truyền thống Nhà giáo Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, việc xem lại những câu ngạn ngữ, cách ngôn, ca dao, tục ngữ dân gian đề cao cái hay, cái đẹp của nghề giáo sẽ giúp cho mỗi giáo viên chúng tôi thấy rõ hơn về trách nhiệm của mình trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Từ đó, mỗi chúng tôi phải tập trung cao hơn về rèn đức, luyện tài, tự học tập, không ngừng nghiên cứu, trau dồi làm giàu kiến thức để xứng đáng với vai trò của người thầy hiện nay.

- "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy" Tục ngữ Việt Nam.
- "Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn" Uyliam Batơ Dit.
- "Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ" Galileo.
- "Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo" Pestalogi.
- "Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được" Usinxki.
- "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác" Usinxki.
- "Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người" Xukhomlinxki.
- "Người thầy trung bìnhchỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng" William A.Warrd.
- "Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên" Gôlôbôlin.
- "Dạy tức là học hai lần" G. Guibe.
- "Trọng thầy mới được làm thầy" Ngạn ngữ Trung Quốc.
- "Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi" Ngạn ngữ Trung Quốc.
- "Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc" Ngạn ngữ Ba Tư.
……..

Thế kỷ XXI là thế kỷ của trí tuệ, của kinh tế tri thức, thế kỷ mà mỗi chúng ta với tư cách là những nhà giáo dù bất kỳ ở cương vị nào đều phải thấm nhuần và kết hợp, phát huy một cách có chọn lọc những giá trị truyền thống với hiện đại, dân tộc với nhân loại về sự nghiệp trồng người. Sự nghiệp đào tạo ra những chủ nhân hiện tại và tương lai của dân tộc, sự nghiệp vô cùng vinh quang nhưng ẩn chứa đầy những khó khăn và thách thức.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tôn vinh của dân tộc về nghề giáo, mỗi thầy cô giáo cần nhận thức và tâm đắc sâu sắc hơn về nghề mình đã chọn, nghề được mọi người tôn vinh với danh hiệu vô cùng cao quý: “Người Kỹ sư tâm hồn”; đề cao nghề giáo, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời./.

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh