Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên năm 1930, Đảng ta khẳng định: Công nông là gốc của cách mạng, trí thức, học trò, nhà buôn là bầu bạn của cách mạng. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951, cụm từ liên minh công nông một lần nữa được khẳng định trong nghị quyết của Đại hội. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH cụm từ liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức được Đảng ta khẳng định một lần nữa.
Đặc biệt tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng năm 2006, Đảng ta khẳng định: Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đó chính là sức mạnh của dân tộc nhằm kết hợp với sức mạnh của thời đại chớp lấy thời cơ và vận hội, đẩy lùi nguy cơ và thách thức vững bước tiến trên con đường đi lên CNXH. Đồng thời còn là sự biểu hiện nhất quán về việc vận dụng sáng tạo và phát triển một cách khoa học quan điểm liên minh giai cấp của V.I.Lênin vào thực tiễn tình hình cách mạng Việt Nam.
Có được những quan điểm cụ thể ấy chính là nhờ vào sự kế thừa, vận dụng một cách sáng tạo của V.I.Lênin người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới trong quá trình phát triển một cách toàn diện chủ nghĩa Mác mà đặc biệt là tư tưởng của C.Mác về liên minh giai cấp trong điều kiện thời đại đã thay đổi (giai đoạn chủ nghĩa đế quốc).
Trong tình hình thực tế xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay việc khẳng định những cống hiến vĩ đại ấy của V.I.Lênin đối với lịch sử nhân loại và cũng nhằm khẳng định chân lý bất diệt của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với thời đại ngày nay. Đặc biệt là tư tưởng liên minh giai cấp vẫn còn sống mãi với nhân loại đang trong quá trình đấu tranh cho mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, góp phần đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi những nguy cơ mang tính chất toàn cầu.
Từ thực tế tình hình cách mạng Châu Âu, C.Mác đã nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về chủ nghĩa tư bản trong điều kiện tự do cạnh tranh từ đó cống hiến cho nhân loại những phát minh vĩ đại bằng học thuyết của mình từ lý luận về “hình thái kinh tế - xã hội” đến học thuyết “giá trị thặng dư”; đặc biệt tháng 02 năm 1848 với sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, cuốn sách gối đầu giường đối với những người cộng sản. Một mặt, vạch trần bản chất bóc lột của giai cấp tư sản, mặt khác khẳng định sự diệt vong không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản mà lực lượng làm nên lịch sử ấy không ai khác hơn là sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân.
Tuy nhiên, khi tổng kết thực tiễn phong trào công nhân ở châu Âu, nhất là ở Anh, Pháp cuối thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khái quát thành lý luận về liên minh công, nông và các tầng lớp lao động khác. Các ông đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của thất bại trong các cuộc đấu tranh là do giai cấp công nhân không tổ chức được mối liên minh với “người bạn đồng minh tự nhiên” của mình là giai cấp nông dân. C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: Cách mạng vô sản là bài đồng ca của hai giai cấp công nhân và nông dân. Nếu không có bài đồng ca này thì bài đơn ca ở các quốc gia nông dân sẽ là bài ai điếu. Do vậy, trong các cuộc đấu tranh này, giai cấp công nhân luôn đơn độc và các cuộc cách mạng vô sản này đã trở thành “bài ca ai điếu”. Điều đó đã lý giải một cách khoa học về vị trí và tầm quan trọng của vấn đề liên minh công nông trong cuộc cách mạng vô sản.
Trong điều kiện đã phát triển cao của chủ nghĩa tư bản (chủ nghĩa đế quốc), V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen về tổ chức liên minh công, nông và các tầng lớp lao động khác một cách khoa học phù hợp với tình hình thực tế trong Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917) với phương châm: “Cho tôi một tổ chức, tôi sẽ làm đảo lộn cả nước Nga” nhằm“ Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”.
Trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không chỉ có liên minh công, nông mà còn liên minh với các tầng lớp lao động khác. Như vậy, cả giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đều là những lực lượng lao động sản xuất, lực lượng chính trị - xã hội với những đặc điểm, vai trò xác định. Họ là những giai cấp, tầng lớp đông đảo nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt đối với các nước thuộc địa, tiền tư bản, nông nghiệp lạc hậu quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội đây là lực lượng cách mạng chủ yếu. Với tư cách là giai cấp lãnh đạo, giai cấp công nhân mà đứng đầu là Đảng cộng sản phải nắm bắt được những yếu tố khách quan từ các giai cấp tầng lớp, để tổ chức thành liên minh vững chắc, khi đó không chỉ giành được sự thắng lợi mà cũng “không có thế lực nào phá vỡ nổi”.
Liên minh công - nông - trí trong giai đoạn giành chính quyền, hay ngay cả trong chuyên chính vô sản, V.I.Lênin khẳng định: “Chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiên phong của những người lao động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức, v.v.)”.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhân dân là động lực chủ yếu của các cuộc cách mạng nói chung đặc biệt là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở các quốc gia nông dân những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX hầu hết là những nước thuộc địa, nông dân là lực lượng dân cư đông đảo nhất; lực lượng lao động dồi giàu nhất; lực lượng cách mạng hùng hậu nhất. Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất chủ yếu của xã hội, nông thôn là địa bàn cư trú rộng lớn nhất của nông dân. Tuy nhiên, người nông dân lại phải chịu một cổ hai ba tròng dưới sự áp bức, bóc lột của bọn thực dân, đế quốc, phát xít, phong kiến địa chủ khát khao giành quyền tự do, độc lập.
Do đặc điểm và bản chất hai mặt của giai cấp mình mà nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Lực lượng công nhân thì mới ra đời lại hạn chế về số lượng chính vì thế, giai cấcp công nhân muốn thực hiện thắng lợi vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình tất yếu phải liên minh với giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội khác tạo thành động lực cách mạng to lớn.
Nước Nga trước cách mạng Tháng 10 năm 1917 cũng không ngoài xu thế ấy. Nông dân Nga vẫn là giai cấp chịu sự áp bức, bóc lột nặng nề nhất dưới sự thống trị của chế độ Nga hoàng, bọn địa chủ và giai cấp tư sản Nga. Nắm bắt được tình hình thực tế ấy, V.I.Lênin đã nhận thức được sự tương quan lực lượng trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản Tháng 2 năm 1917, giai cấp vô sản Nga chưa thật sự lớn mạnh, Đảng Bôn-sê-vích chưa liên kết, liên minh rộng rãi với nông dân. Nga hoàng mặc dù đã bị lật đổ nhưng lại tồn tại song song hai chính quyền: Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản Nga và Xô viết các đại biểu công nhân và binh lính.
Quá trình chuyển biến từ cuộc cách mạng dân chủ tư sản Tháng 2 năm 1917 đến cuộc cách mạng Tháng 10 Nga 1917 là quá trình mà V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã tổ chức liên kết, liên minh rộng rãi với nông dân làm nên động lực cách mạng to lớn. Khi đã “Cho tôi một tổ chức, tôi sẽ làm đảo lộn cả nước Nga” tổ chức đó chính là Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo công, nông, binh. Bằng cách “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” đã chứng minh sự vận dụng, phát triển sáng tạo của V.I.Lênin về vai trò của liên minh công - nông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự thành bại của cách mạng.
Quá trình thực hiện cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, sự thắng lợi to lớn của Hồng quân Liên xô trước phát xít Đức và Nhật bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội và cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt vong thành quả to lớn ấy thuộc về liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích mà đứng đầu là V.I.Lênin lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản Nga nói riêng cũng như giai cấp vô sản toàn thế giới nói chung.
Liên minh công - nông - trí trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước nông nghiệp đại đa số dân cư là nông dân thì vấn đề giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân là điều tất yếu. V.I.Lênin đặc biệt lưu ý khối liên minh công, nông trong các giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân để giai cấp vô sản có thể giữ được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước”. Qua khối liên minh này, lực lượng đông đảo nhất trong xã hội là nông dân, công nhân được tập hợp về mục tiêu chung là xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của toàn thể dân tộc. Đây là điều kiện để giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo. Đó chính là tính tất yếu về mặt chính trị - xã hội, là yếu tố tiên quyết.
V.I.Lênin đặc biệt nhấn mạnh khi chuyển từ giai đoạn giành quyền sang giai đoạn “chuyên chính vô sản”, chính trị đã chuyển sang chính trị trong lĩnh vực kinh tế, liên minh muốn được phát huy và củng cố hơn phải lấy kinh tế làm cơ sở. Phải xuất phát từ yêu cầu khách quan về kinh tế - kỹ thuật của một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội, mà nhiệm vụ trung tâm là CNH, HĐH. Do đó phải gắn công nghiệp với nông nghiệp và khoa học công nghệ hiện đại. Về tất yếu kinh tế - kỹ thuật, V.I.Lênin chỉ rõ: Nếu không có kinh tế nông nghiệp làm cơ sở thì một nước nông nghiệp không thể xây dựng được nền công nghiệp.
V.I.Lênin bàn về tính tất yếu của liên minh công - nông - trí thức, không chỉ trong giai đoạn giành chính quyền, mà còn đặc biệt lưu ý trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội “trong thời đại chuyên chính vô sản”. Trong cuộc cách mạng giành chính quyền, cần phải liên minh thì trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới liên minh càng phải được tiếp tục duy trì và củng cố. “Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản là duy trì khối liên minh…để giai cấp vô sản có thể giữ được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước”.
Những tư tưởng của V.I.Lênin về liên minh công nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong chính sách kinh tế mới, Thuế lương thực.
Chính sách kinh tế mới (NEP), Thuế lương thực mở ra một hướng cho tất cả các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu không trải qua các chế độ tư bản chủ nghĩa; một hình mẫu mới cho sự kết hợp những quy luật chung với những đặc điểm lịch sử cụ thể của mỗi nước và trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử. NEP một kiểu mẫu cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản nhất, thiết yếu nhất trong thực tiễn, sinh động của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. NEP thể hiện sự sáng tạo mang tính khoa học và cách mạng, một thái độ nghiêm túc và phương pháp mẫu mực cho việc vận dụng sáng tạo của học thuyết Mác vào thực tiễn cụ thể của nước Nga, và với NEP một triển vọng mới đầy tính khả thi trên con đường đưa chủ nghĩa xã hội khoa học vào thực tiễn, biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận thành thực tiễn đã được mở ra không chỉ ở nước Nga mà trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có nước ta hiện nay đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
V.I.Lênin đã luận chứng tính tất yếu của liên minh công - nông mà trước hết là liên minh về kinh tế, coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Xuất phát từ đặc điểm kinh tế chính trị xã hội ở nước Nga lúc bấy giờ, Người khẳng định trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn tồn tại nhiều giai cấp và đấu tranh giai cấp, mà một thực tế là đang xuất hiện giai cấp và những tầng lớp xã hội mới. Trong hoàn cảnh như vậy phải củng cố liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là điều kiện tồn tại cho sự vững mạnh của chính quyền nhà nước vô sản. Một trong những nhân tố quyết định của mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, cũng như các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có nước ta.
V.I.Lênin chỉ ra rằng nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản, trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chũ nghĩa xã hội là thiết lập liên minh kinh tế giữa giai cấp công nhân và nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản. Thực chất của liên minh kinh tế là thực hiện mục đích chính trị là duy trì chuyên chính vô sản, nhằm thủ tiêu chế độ cũ, từng bước xây dựng một xã hội mới, tiến tới xây dựng một xã hội không còn giai cấp, không còn nạn người bóc lột người. NEP thể hiện quan điểm xuyên suốt đó. V.I.Lênin đã chỉ rõ thời kỳ khi có bước chuyển nhiệm vụ từ thời chiến sang thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội thì vấn đề liên minh công - nông từ lĩnh vực chính trị, quân sự sang lĩnh vực kinh tế.
Vì vậy, luận điểm nổi tiếng của V.I.Lênin bắt đầu từ nông dân, nông nghiệp nông thôn là vấn đề trọng tâm của chính sách kinh tế mới được thể hiện bằng hai chính sách mật thiết với nhau là: Chính sách thuế lương thực và khôi phục phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp thông qua chính sách trao đổi hàng hoá, quan hệ trao đổi hàng hoá - tiền tệ.
Tại sao V.I.Lênin đưa vấn đề liên minh công - nông trên cơ sở chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề trọng tâm trong toàn bộ chiến lược của Lênin và cách mạng chủ nghĩa xã hội ở một nước như nước Nga?
Một là, V.I.Lênin xuất phát từ đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội ở nước Nga. Trên cơ sở phân tích, so sánh lực lượng giai cấp và tình hình thực tế của nước Nga, V.I.Lênin đã chỉ rõ: Dùng những biện pháp cần thiết cương quyết nhất là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhằm cải thiện đời sống của nông dân và công nhân, cung cấp nguyên liệu để phục hồi và phát triển công nghiệp, trên cơ sở đó mà tác động trở lại đối với nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Hai là, phát triển lực lượng sản xuất và củng cố liên minh Công - nông, củng cố nhà nước chuyên chính vô sản phải thay đổi chính sách trưng thu lương thực thừa bằng chính sách thuế lương thực. V.I.Lênin chỉ rõ: Giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp lãnh đạo thống trị phải biết hướng chính sách vào việc giải quyết trước tiên những vấn đề cấp thiết hiện nay, là dùng những biện pháp có thể phục hồi ngay lực lượng sản xuất của nền kinh tế tiểu nông. Chỉ bằng con đường ấy chúng ta mới cải thiện đời sống của công nhân, tăng cường liên minh công - nông củng cố chuyên chính vô sản.
Ba là, khôi phục phát triển sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp thông qua quan hệ trao đổi hàng hoá tiền tệ giữa giai cấp công nhân và nông dân trên cơ sở lợi ích kinh tế. Người đã luận chứng cho tính tất yếu của việc xây dựng và phát triển kinh tế hàng hoá, sử dụng quan hệ hàng hoá - tiền tệ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước tiểu nông tự do buôn bán kinh doanh, tự do trao đổi hàng hoá phải đặt lên hàng đầu để củng cố liên minh công nông, cải thiện đời sống của nhân dân là đòn xeo chủ yếu của NEP.
Theo V.I.Lênin thông qua trao đổi tự do hoá trao đổi nghĩa là thương mại hoá quan hệ trao đổi luơng thực dụa trên quan hệ hàng hoá - tiền tệ, nhằm phá vỡ nền nông nghiệp gia trưởng phân tán manh mún, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, thực hiện phân công và phân công lại lao động xã hội trong nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển một cách toàn diện, vừa phát triển chuyên môn hoá sản xuất ngày càng rộng càng sâu.
Bốn là, khuyến khích các thành phần tham gia vào sản xuất và trao đổi trong lĩnh vực nông nghiệp. Kích thích phát triển các ngành nghề mới ở nông thôn, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, hình thành nông thôn mới văn minh hiện đại.
Năm là, trên cơ sở phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, tạo những tiền đề cần thiết để phục vụ công nghiệp, tổ chức lại sản xuất trong các ngành công nghiệp theo hướng xây dựng cơ cấu kinh tế mới, trong đó công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn. V.I.Lênin chỉ rõ: Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể chiến thắng được chủ nghĩa tư bản chỉ khi nào chủ nghĩa xã hội có được một năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản. Muốn vậy chúng ta phải xây dựng cho được một cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho chính chủ nghĩa xã hội “Hãy để người nông dân tự suy nghĩ trên luống cày của mình”. Có như vậy mới giúp đỡ được nông dân, củng cố được liên minh công nông và là sức mạnh vô địch của chuyên chính vô sản.
Sáu là, kết hợp củng cố liên minh công nông với củng cố phong trào hợp tác xã, nhằm tạo ra những bước quá độ dẫn dắt nông dân đi vào con đường sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Theo V.I.Lênin, chế độ của những xã viên hợp tác xã văn minh là chế độ xã hội chủ nghĩa. Do tính chất đó, chế độ hợp tác xã văn minh đòi hỏi tính tự nguyện và lợi ích kinh tế. Chế độ đó hoàn toàn đối lập với cơ chế mệnh lệnh quan liêu hành chính bao cấp. Quá trình hợp tác hoá chỉ phát triển hợp quy luật trên nền kinh tế hàng hoá. Phải tôn trọng bước đi tuần tự, không chủ quan nóng vội đốt cháy giai đoạn, phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, quản lý dân chủ, thông qua hợp tác xã văn minh, giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng hỗ trợ dẫn dắt nông dân đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bảy là, củng cố liên minh công nông trước hết phải nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm với nhiệm vụ. Vì vậy, phải không ngừng củng cố đội tiền phong của giai cấp vô sản, làm cho nó trở thành người đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân, nông dân và trí thức, quyền lợi của cả dân tộc.
Thiết nghĩ, thời đại đã có nhiều biến đổi song tư tưởng liên minh công nông của V.I.Lênin trong chính sách kinh tế mới, Thuế lương thực vẫn còn nguyên ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở các nước nông nghiệp mà nước ta hiện nay là một điển hình.
Liên minh công - nông - trí đối với cách mạng Việt Nam trong quá trình thực hiện đấu tranh giành độc lập dân tộc của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng ta đã thực hiện tốt liên minh công - nông - trí làm động lực to lớn của cách mạng Việt Nam. Từ việc thực hiện mục tiêu cách mạng độc lập dân tộc, người cày có ruộng đến cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện làm nên chiến thắng lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu, rồi Đồng Khởi 1960 làm tiền đề, nền tảng động lực đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào giải phóng Miền nam thống nhất đất nước cả nước bước vào kỷ nguyên mới; kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở đó để giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội mới như mục tiêu Đảng ta đã đề ra là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vai trò đó chỉ được giữ vững và thực hiện có kết quả tốt khi tổ chức tốt liên minh công, nông và trí thức trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật và chính trị - xã hội.
Xét về lợi ích cơ bản và mục tiêu của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của toàn thể nhân dân nhưng nhân dân lại tập trung chủ yếu trong công nhân, nông dân, trí thức. Đó là tất yếu về chính trị - xã hội. Vì mục tiêu chung cũng như lợi ích chính trị của từng giai cấp, tầng lớp là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa, các giai cấp tầng lớp không được tách rời nhau hoặc hoạt động tự phát mà phải gắn bó hữu cơ với nhau thành một khối liên minh vững mạnh.
Liên minh phải được Đảng Cộng sản - đội tiền phong của gia cấp công nhân lãnh đạo và tổ chức hoạt động, thống nhất cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức thì mới làm cơ sở cho Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở gắn kết của các giai cấp tầng lớp công - nông - trí thức ở nước ta còn tất yếu chính trị từ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ.
Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, họ đã đoàn kết lại trong mặt trận dân tộc thống nhất, trong đó liên minh công nông là nòng cốt. Lợi ích, niềm tin của công nhân, nông dân, trí thức đối với Đảng đã được thiết lập vững chắc. Bước vào thời kỳ quá độ, mối liên kết chính trị đó tiếp tục được phát huy cao độ hơn. Sự phân tích trên cho thấy cơ sở khách quan, là điều kiện chính trị - xã hội để liên minh công - nông - trí thức ngày càng bền chặt hơn.
Đặc biệt, liên minh công - nông - trí thức còn là nhu cầu giữ vững vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhu cầu tự giải phóng của nông dân và nhu cầu phát triển của trí thức mà cụ thể là thông qua mô hình bốn nhà.
Tóm lại, khi liên minh công - nông - trí thức được thiết lập, củng cố trên cơ sở các điều kiện khách quan đó thì liên minh trở thành nền tảng chính trị - xã hội vững chắc cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cho sự quản lý của Nhà nước. Để tập hợp lực lượng rộng rãi quần chúng nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân cũng phải lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng, làm nòng cốt. Đúng như đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: Chỉ có đi với giai cấp công nhân thì nông dân mới được giải phóng, có liên minh công nông là có tất cả. Có liên minh công - nông - trí thức cũng là điều kịên bảo đảm sự ổn định chính trị cho công cuộc đổi mới, cải cách của chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Từ cách mạng Tháng 10 Nga 1917 đến nay hơn 94 năm đã trôi qua, lịch sử đã trải qua những bước thăng trầm, biến động, thời đại ngày nay đã có những biểu hiện mới đan xen những thời cơ và vận hội, nguy cơ và thách thức nhưng những giá trị lịch sử của tư tưởng liên minh công-nông-trí của V.I.Lênin vẫn còn giữ nguyên tính khoa học và cách mạng, tính lý luận và thực tiễn của nó mãi mãi sẽ là động lực của tất cả các cuộc cách mạng trong đấu tranh giành chính quyền cũng như trong xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng liên minh giai cấp của V.I.Lênin vẫn mãi mãi là chân lý bất diệt của chủ nghĩa xã hội khoa học cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã vận dụng một cách sáng tạo và phát triển một cách khoa học tư tưởng Liên minh giai cấp của V.I.Lênin phù hợp với tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những thành tựu của hơn 20 năm đổi mới cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn đã minh chứng một cách thuyết phục cho tư tưởng V.I.Lênin về liên minh giai cấp trong điều kiện bối cảnh tình hình của thời đại ngày nay.
Trong giai đoạn hiện nay đẩy mạnh CNH, HĐH để đến năm 2020 về cơ bản nước ta có nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển thì liên minh công-nông-trí của V.I.Lênin là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sức mạnh của toàn dân tộc.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc phát huy vai trò liên minh công-nông-trí là vấn đề chiến lược nhằm khai thác mọi tiềm năng và thế mạnh của ba lực lượng trên ba lĩnh vực, thực hiện thắng lợi mô hình nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Nguyễn Thành Phương
Trường Chính trị Bến Tre