Sự sáng tạo đặc biệt và cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, về thành lập Đảng nói riêng ở một “xứ” thuộc địa nửa phong kiến lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc là nội dung đặc biệt sáng tạo và giá trị cực kỳ quan trọng, được hình thành từ khi Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc – con đường “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Sự sáng tạo ấy không chỉ là nhân tố quan trọng dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về sự ra đời của đảng cộng sản ở các nước thuộc địa, lạc hậu, kém phát triển.

Khi đánh giá học thuyết của C. Mác, V.I.Lênin đã khẳng định: “Học thuyết Mác là một học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là học thuyết hoàn bị và chặt chẽ…”(1). Nhưng đồng thời ông cũng cho rằng “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm… Vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi…”(2).  

Quán triệt sâu sắc lời chỉ dẫn của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều sáng tạo độc đáo trong vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác (tức là chủ nghĩa Mác – Lênin) vào điều kiện của nước ta. Ngay từ năm 1924, Người đã nêu rõ: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại... Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(3).    

Vì vậy, khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, một “xứ” thuộc địa nửa phong kiến, Người đặc biệt chú ý nghiên cứu lý luận; trực tiếp hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế Cộng sản và tìm hiểu học tập những mô hình tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng cộng sản anh em khác, để vận dụng sáng tạo nguyên lý xây dựng “đảng kiểu mới” của Lênin vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đảng cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội thuộc địa và lạc hậu, Việt Nam chưa có đủ những tiền đề cơ bản cho một đảng cộng sản ra đời như ở Nga và một số nước tiên tiến khác. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo trong việc kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân tố dân tộc là chủ nghĩa dân tộc và phong trào yêu nước; nhân tố giai cấp là chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào công nhân. Trong điều kiện giai cấp công nhân Việt Nam chưa phát triển về số lượng, phong trào công nhân chưa đủ lớn mạnh để tổ chức thành lập đảng cộng sản mà “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(4), Người đặc biệt coi trọng việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Hai phong trào này “hấp thụ” mạnh mẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tạo nên sự thay đổi lớn về chất, trở thành hành động cách mạng của các giai cấp, tầng lớp trong dân tộc Việt Nam.

Yêu nước là một truyền thống quý báu, là “sợi chỉ đỏ”, là “mẫu số chung” và là “hằng số phát triển”, có vai trò cực kỳ to lớn trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhưng sự thất bại của các phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chứng minh rằng: Kinh nghiệm quý báu của ông cha ta và chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam cũng như khuynh hướng dân chủ tư sản đã lỗi thời, không phát huy tác dụng trước kẻ thù mới, đang đứng trước thách thức to lớn và đòi hỏi được đổi mới. Cách mạng Việt Nam khủng hoảng trầm trọng; con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bị bế tắc đã đặt ra và yêu cầu phải có con đường cứu nước mới, lực lượng lãnh đạo mới, dưới ánh sáng của một hệ tư tưởng mới.

Trong bối cảnh ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với quyết tâm cháy bỏng là “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, đã tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp, nơi sản sinh ra những lời đẹp đẽ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để tìm hiểu sự thật về sự “khai hóa văn minh” ở Việt Nam của người Pháp và tìm xem “nước Pháp và các nước khác… làm như thế nào để về giúp đồng bào”. Khi Người đã đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin và tìm thấy cái “cần thiết cho chúng ta” và “con đường giải phóng chúng ta”(5), Người đã khẳng định một cách dứt khoát: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”(6) (tức là chủ nghĩa Mác – Lênin) và “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(7).

Tuy nhiên, theo Người, trong điều kiện của một “xứ” thuộc địa nửa phong kiến như nước ta, một đảng cách mạng chân chính không thể là tổ chức biệt lập, đóng kín, mà phải gắn bó mật thiết, hữu cơ với dân tộc và giai cấp, phải tiêu biểu cho cuộc đấu tranh của dân tộc và giai cấp, phải là hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết dân tộc và giai cấp, phải đại biểu cho giai cấp dân tộc. Chính vì vậy, phong trào yêu nước ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức, đưa vào là một nhân tố đặc biệt trong việc thành lập “đảng cách mệnh chân chính” - Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1848, C. Mác và Ph. Ăng-ghen, trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã khẳng định: “Giai cấp vô sản ở mỗi nước khi tiến hành cuộc đấu tranh để “tự giải phóng” giai cấp mình khỏi sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, trước hết phải giành lấy chính quyền, tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, tự mình trở thành dân tộc, nghĩa là phải lãnh đạo, trở thành lực lượng lãnh đạo của cả phong trào cách mạng của nhân dân lao động và của cả dân tộc” (8).

Ở nước ta, từ cuối thể kỷ XIX đầu thể kỷ XX, chính sách khai thác thuộc địa “Độc quyền về kinh tế - chuyên chế về chính trị - ngu dân về văn hóa” vô cùng thâm độc của thực dân Pháp đã làm cơ cấu xã hội Việt Nam sự biến đổi to lớn… Trong đó, giai cấp công nhân ngày càng phát triển cả về số và chất lượng, cùng với giai cấp nông dân trở thành lực lượng to lớn của phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc và có vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ra đời cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trong điều kiện “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”(9). Vì vậy, tuy giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm của giai cấp công nhân hiện đại như: Kiên quyết, triệt để, tập thể, có kỷ luật, có tổ chức…; là giai cấp tiên tiến nhất, gánh trách nhiệm đánh đổ chủ nghĩa tư bản và đế quốc để xây dựng xã hội mới; nhưng lực lượng giai cấp công nhân còn ít (chiếm khoảng trên 1% dân số nước ta lúc bấy giờ), chưa đủ sức đại diện cho cả dân tộc và cần được tập hợp giáo dục rèn luyện, giác ngộ. Mặt khác, phong trào công nhân dù có tiên tiến, nhưng vẫn còn yếu, chưa đủ sức đại diện cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Cho nên, nếu không gắn bó mật thiết với phong trào yêu nước, không trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước thì không đứng vững được trong lòng dân tộc, không đưa được sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Do đó, đối tượng để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là giai cấp công nhân, phong trào công nhân, mà còn là phong trào yêu nước và tất cả những người yêu nước trong dân tộc Việt Nam.  Điều đó tạo nên làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, tạo tiền đề và điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở một nước thuộc địa đã được thực tế cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới trong thế kỷ XX kiểm chứng là đúng đắn và khoa học. Đây không chỉ là giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta mà còn là sự cống hiến quan trọng của Người vào kho tàng lý luận Mác-Lênin.

Chính nhờ sự sáng tạo ấy - kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp, Đảng Cộng sản Việt Nam được ra đời trọn vẹn. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp và lãnh đạo các giai cấp, các tầng lớp, kể cả giai cấp tư sản dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất thực hiện nhiệm vụ chung là chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho dân tộc và đang vững bước vững chắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Chính nhờ sự sáng tạo ấy, Đảng ta trên thực tế không chỉ là đội tiền phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiền phong của nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Đảng không chỉ là người lãnh đạo mà còn là “đày tớ’ thật trung thành của nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và dân tộc, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Vì vậy, Đảng đã được cả dân tộc tin tưởng xem là “Đảng mình”, tự nguyện theo Đảng làm cách mạng và luôn quan tâm đóng góp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kể cả những lúc cách mạng gặp khó khăn, Đảng phạm khuyết điểm, sai lầm!

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, trải qua 90 năm phấn đấu, xây dựng đã không ngừng lớn mạnh. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta giành được nhiều thắng lợi vĩ đại và đang từng bước đi lên sánh vai các cường quốc năm châu. Từ vai trò và công lao to lớn ấy, chúng ta có thể khẳng định rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phòng trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Đây không những là quy luật ra đời mà còn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Vì vậy, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động là nắm vững và dùng cơ sở lý luận, lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đánh giá một cách khách quan, toàn diện những thành tựu và hạn chế của chặng đường cách mạng đã qua; tiếp thu thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại, tổng kết những kinh nghiệm thành công và không thành công của Đảng để tìm ra những hình thức, bước đi, giải pháp đúng đắn, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra là yêu cầu bức thiết, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị để đưa nước ta sớm đạt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, từng bước vững chắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với niềm tin và mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân ta, xứng đáng là Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện./.  

________________

Ghi chú:

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Mat-xcơ-va.1980. t23, tr. 50

(2) Sđd, Nxb Tiến bộ, M.1976, t.4, tr.232.          

(3),(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.465, 466.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.417)    

(6) Sđd, tập 2, tr. 304)

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.268

(8) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 624)

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tập 10, tr.3

ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh