Đảng ta cho rằng, điều có tính nguyên tắc đối với việc vận dụng các phương pháp cách mạng là trong thực tiễn đấu tranh, dù dưới bất cứ hình thức gì và trong bất cứ điều kiện nào, người cách mạng không bao giờ được lãng quên mục đích cuối cùng mà đường lối cách mạng đã vạch ra. Mục đích của việc sử dụng các phương pháp không phải vì bản thân phương pháp, cũng không phải vì mục đích trước mắt, nhỏ hẹp hàng ngày.
Mặt khác, trong việc sử dụng phương pháp cách mạng, tuy nắm vững nguyên tắc là quan trọng nhất, song như thế vẫn chưa đủ. Trên cơ sở nắm vững mục đích cách mạng, nghệ thuật lãnh đạo cách mạng cũng như nghệ thuật sử dụng phương pháp cách mạng còn bao gồm vấn đề biết thắng từng bước cho đúng.
Quả thật, cách mạng là sự nghiệp của hàng triệu quần chúng đứng lên lật đổ các giai cấp thống trị vốn nắm trong tay cả một bộ máy bạo lực đồ sộ với bao nhiêu phương tiện vật chất và tinh thần khác. Do đó, cách mạng bao giờ cũng là một quá trình. Kể từ những mầm móng đầu tiên cho tới khi đạt tới đích cuối cùng, cách mạng nhất thiết phải trải qua nhiều chặng đường đấu tranh gian khổ, phức tạp và quanh co, nhằm gạt hết trở ngại này đến trở ngại khác, làm biến đổi dần dần tình hình so sánh lực lượng cách mạng và phản cách mạng, cho đến lúc tạo ra được một ưu thế áp đảo đối với giai cấp thống trị. Đẩy lùi kẻ địch từng bước, giành thắng lợi cho cách mạng, tiến lên đánh bại hẳn kẻ địch, giành thắng lợi hoàn toàn, đó là một quy luật của đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.
* Muốn sử dụng phương pháp cách mạng cần phải nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạo lực cách mạng ở Việt Nam là sức mạnh của quần chúng nhân dân được giác ngộ và tổ chức thành hai lực lượng: Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, hai hình thức đấu tranh: Đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, kết hợp khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Vì vậy, khởi nghĩa vũ trang là cuộc nổi dậy to lớn của quần chúng với sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, dùng vũ khí để đánh đuổi bọn cướp nước, giành chính quyền. Người nói: Tùy tình hình cụ thể mà quyết định những hình thức đấu tranh cách mạng thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách mạng. Quán triệt quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Người đã chỉ rõ, bạo lực cách mạng ở đây là bạo lực cách mạng của quần chúng, nghĩa là toàn dân vùng dậy đánh đuổi quân xâm lược.
Kinh nghiệm cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng muốn giành được thắng lợi cho cách mạng thì ngoài lực lượng chính trị ra, cần có lực lượng vũ trang và phải biết khéo léo sử dụng đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị phù hợp với tình hình cụ thể từng nơi, từng lúc. Không chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, kể cả lực lượng vũ trang thì không thể chống lại sự tiến công ác liệt của quân thù. Song, theo Đảng ta, bạo lực không chỉ dựa vào lực lượng vũ trang và không chỉ có hình thức duy nhất là đấu tranh vũ trang, mà nhất thiết cần có lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, không có lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị của quần chúng thì đấu tranh quân sự không thể giành được thắng lợi, lực lượng vũ trang không thể được củng cố và phát triển.
* Trong việc sử dụng phương pháp cách mạng còn có vấn đề nắm đúng thời cơ, lợi dụng thời cơ và tạo thời cơ.
Thời cơ có thể xuất hiện do thực lực cách mạng trong nước tạo ra, cũng có thể do hoàn cảnh bên ngoài đưa lại. Nếu không có sẵn lực lượng cách mạng đến mức đủ mạnh thì không thể tạo ra được thời cơ và khi thời cơ đến sẽ không kịp thời lợi dụng được nó. Cho nên, điều chủ yếu là phải nỗ lực lâu dài làm thay đổi tình hình so sánh lực lượng giữa ta và địch, hình thành nên sức mạnh quyết định cả thế và lực.
Có thể nói, do nhận thức được tầm quan trọng của thời cơ, Ðảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngay từ những năm đầu thập niên 20 (thế kỷ 20), đã sớm đưa ra quan điểm về thời cơ cách mạng ở Ðông Dương đang đến gần. Người viết: Ðằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Ðông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.
Ðến cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra và lan rộng khắp Châu Âu. Tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ, Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 7 (11-1940) đã được tổ chức tại Ðình Bảng (Bắc Ninh), Hội nghị nhận định về thời cơ của cách mạng Việt Nam: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Ðảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Ðông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập.
Năm 1940, phát-xít Ðức tiến công nước Pháp, Pa-ri đã thất thủ rơi vào tay quân Ðức, còn ở Việt Nam, Nhật nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn, hai đế quốc Nhật - Pháp tranh nhau miếng mồi Ðông Dương. Phân tích về diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát-xít và Ðồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện.
Quả thật, khi cách mạng đã vững vàng trên tất cả thế và lực, khi quân thù đã lâm vào tình trạng cực kỳ khốn quẫn, thì đời sống chính trị - xã hội hàng ngày sẵn sàng cung cấp cho ta mọi cơ hội và sự kiện thuận lợi có thể có để dấy lên cao trào...
Trên tinh thần đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5-1941) đánh giá tình hình thế giới và trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng Liên Xô và các nước Ðồng minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, chính quyền của phát-xít Nhật lung lay, đổ nát; nhân dân ta bị bọn thực dân, phát-xít xô đẩy vào thảm họa diệt vong, sẽ bước vào đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.
Ngày 9-3-1945, phát-xít Nhật đảo chính Pháp, kéo theo đó là tình trạng khủng hoảng chính trị ở Việt Nam. Ngay lập tức Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã họp và đưa ra những nhận định khách quan về thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”; và ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ðảng quyết định phát động cao trào chống Nhật cứu nước. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã chứng minh điều đó.
* Phương pháp cách mạng còn chỉ ra là cần phải có quan điểm tổng hợp, quan điểm hệ thống, quan điểm về sự kết hợp tất cả các hình thức, biện pháp đấu tranh thành một khối thống nhất có quan hệ qua lại, được tiến hành đồng thời nhằm cùng một hướng. Đây chính là một đặc điểm nổi bậc trong lĩnh vực tổ chức thực hiện đường lối cách mạng của cách mạng Việt Nam. Là căn cứ để chúng ta hiểu được tính chất muôn màu, muôn vẻ của sự kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, của chiến tranh cách mạng với khởi nghĩa quần chúng, phong trào đấu tranh kết hợp giữa ba vùng chiến lược thành thị, nông thôn đồng bằng và rừng núi, đấu tranh bí mật kết hợp với đấu tranh nửa hợp pháp và hợp pháp, của đấu tranh chính trị và quân sự kết hợp với đấu tranh ngoại giao, cách đánh xa kết hợp với lối đánh gần, đánh đặc công, đánh hậu cứ, của sự kết hợp giữa đánh theo quy mô nhỏ, vừa và lớn, kết hợp giữa lực lượng dân quân, du kích với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực...
Với toàn bộ nội dung trên, phương pháp cách mạng - một phạm trù mới xuất hiện trong quá trình Đảng ta vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh cách mạng, là kết quả của việc Đảng ta khái quát thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trong mấy chục năm qua, vận dụng những bài học kinh nghiệm của phong trào công nhân quốc tế từ trước tới nay. Là sản phẩm của thực tiễn và của sự vận dụng sáng tạo, phương pháp cách mạng một khi hình thành lại có tác dụng rất to lớn đối với thực tiễn, đối với việc phát huy những mặt mạnh cơ bản của ta, khai thác đến mức cao nhất những mặt yếu của địch để từng bước đưa cách mạng đến thắng lợi ngày một nhiều và cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn.
Tóm lại, cùng với đường lối cách mạng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phương pháp cách mạng đã góp phần to lớn vào việc tạo ra sức mạnh tổng hợp thần kỳ cho cách mạng Việt Nam./.
Thạc sĩ Trần Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng