Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập là một Đảng chính trị, đội tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mở bước ngoặt lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, với chính sách đầu hàng của nhà Nguyễn, từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Pháp đã đặt ách cai trị thực dân trên đất nước Việt Nam, xã hội Việt Nam chuyển từ xã hội phong kiến độc lập thành xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, dưới sự cai trị của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Thực dân Pháp cướp ruộng đất của nông dân, tập trung ruộng đất lập đồn điền kinh doanh nông nghiệp theo lối tư bản. Chính sách khai thác thuộc địa của Pháp làm biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam, dẫn tới sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam, giai cấp tư sản Việt Nam. Giai cấp công nhân Việt Nam bị tư bản Pháp áp bức bóc lột, vì vậy giai cấp công nhân Việt Nam sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh giai cấp, là lực lượng để tiếp nhận tư tưởng cách mạng và xây dựng chính đảng của mình. Cùng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân Việt Nam bị áp bức và bần cùng hóa, cho nên các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược nổ ra rộng khắp và sôi nổi, cụ thể phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết lãnh đạo nổ ra năm 1885, cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng năm 1886, khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, phong trào yêu nước theo xu hướng tư tưởng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…Các phong trào yêu nước chống Pháp đã phản ánh ý chí, khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam. Dù mục tiêu, lưc lượng và cách thức đấu tranh có khác khác nhau, song đều hướng đến đánh đổ chế độ thuộc địa và phong kiến, giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp đều thất bại “Các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”[1], nguyên nhân thất bại của các phong trào đó là do thiếu cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn để giải quyết triệt để những mâu thuẫn của xã hội; không tập hợp và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của mọi tầng lớp trong dân tộc; thiếu phương pháp đấu tranh thích hợp và chưa có được một tổ chức đủ mạnh có khả năng tập hợp, giác ngộ, lãnh đạo toàn dân tộc.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh quá trình xâm chiếm và nô dịch các nước nhỏ, thực hiện chính sách thực dân tàn bạo nhằm vơ vét của cải vì lợi nhuận độc quyền của chủ nghĩa tư bản, từ đó dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trong việc giành thuộc địa ngày càng gay gắt, làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc thêm sâu sắc. Vấn đề dân tộc và thuộc địa trở thành một trong những vấn đề lớn, cần một hướng đi và phát triển đúng đắn. Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng ở Châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới. Phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ngày càng phát triển. Lênin đã phát triển học thuyết Mác và lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi năm 1917 mở ra thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 không chỉ là cuộc cách mạng giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga, mà còn giải phóng các dân tộc tạo điều kiện để các dân tộc phát triển. Cách mạng Tháng Mười Nga có vai trò to lớn đối với cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam. Những người yêu nước ở Việt Nam, đặc biệt là Nguyễn Tất Thành đã sớm tiếp cận với những vấn đề của thời đại. Ngày 5 – 6 – 1911, Nguyễn Tất Thành đã rời đất nước ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành người cộng sản và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 6 – 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đây là tổ chức yêu nước, cách mạng lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam hướng theo tư tưởng của giai cấp vô sản. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là cơ sở để xây dựng Đảng Cộng sản và thực hiện sứ mệnh lịch sử là chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản. Tháng 3 – 1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập. Tháng 6 – 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập; tháng 11 – 1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập và tháng 01 – 1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập. Như vậy, từ tháng 6 năm 1929 đến tháng 01 năm 1930 đã thành lập ba tổ chức cộng sản Đảng. Các tổ chức cộng sản Đảng đều thống nhất mục tiêu và con đường đấu tranh cách mạng, đều hướng theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, trong một nước có ba tổ chức cộng sản Đảng sẽ khó khăn cho việc tập hợp lực lượng cách mạng và lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng trên phạm vi cả nước. Từ ngày 6 – 1 đến đầu tháng 2 – 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc thống nhất các tổ chức cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện hoàn toàn và lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam “…từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”[2]. Sự ra đời của một Đảng cách mạng là hết sức cần thiết. Nguyễn Ái Quốc đã sớm đặt vấn đề: Cách mạng trước hết phải có cái gì? Và Người cũng đã trả lời: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[3].
Có một Đảng cách mạng lãnh đạo, thống nhất đường lối và tổ chức trong cả nước là bước ngoặt lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trở thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”[4]. Giá trị bước ngoặt lịch sử được thể hiện ở chỗ, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam, gắn liền với mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tạo ra những tiền đề và điều kiện để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu con đường phát triển của dân tộc Việt Nam suốt 88 năm qua./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2007, tập 51, trang 18.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, trang 904.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, trang 267 – 268.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, trang 8.
ThS. Võ Thị Thúy Liễu
Phòng NCKH – TT – TL