Sự kết hợp lực, thế và thời của phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, là một minh chứng hùng hồn cho sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam và là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta. Đó chính là phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. Phương pháp này góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, trước hết là sự kết hợp tốt lực, thế và thời đã tạo nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám. “Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, hiểu theo nghĩa rộng là sự vận động của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Nói cách khác, đó là những quy luật hoạt động mà theo đó mà những tư tưởng của Người được hiện thực hóa. Theo nghĩa hẹp, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là hệ thống cách thức, biện pháp, qui trình hợp thành nguyên tắc điều chỉnh và hướng dẫn hành động của các lực lượng cách mạng trong đấu tranh giành độc lập, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”[1]. Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Thể hiện nét riêng của cách mạng Việt Nam và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, một khi ta đã chuẩn bị tất cả về mọi mặt thì việc kết hợp tốt lực, thế và thời là nhân tố quyết định của cuộc cách mạng. Nếu như chúng ta biết kết hợp tốt lực, thế, thời sẽ tạo ra ưu thế tuyệt đối cho cách mạng.

Lực, đó là lực lượng. Theo quan điểm của Bác, lực bao gồm cả lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần, cả tiềm lực kinh tế, quân sự, truyền thống dân tộc, trí tuệ con người,…Hồ Chí Minh và Đảng ta tích cực xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng.  Năm 1941, nắm vững tình hình quốc tế và sự đòi hỏi của phong trào cách mạng trong nước, Hồ Chí Minh đã bí mật về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng cách mạng. Sau hội nghị lần thứ VIII (tháng 5 năm 1941), Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh, gọi tắt là Việt Minh bao gồm các tổ chức cứu quốc nhằm tập hợp các lực lượng yêu nước của nhân dân ta trong mặt trận đấu tranh cách mạng. Dưới ngọn cờ cứu quốc của Việt Minh, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Song song với việc xây dựng lực lượng chính trị, Đảng ta chú trọng từng bước xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, Trung ương Đảng quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn làm vốn lâu dài cho cách mạng. Chính nhờ có chủ trương đúng đắn đó mà Đảng ta đã xây dựng được các trung đội cứu quốc, lực lượng quân chính quy đầu tiên của Việt Nam.

Tháng 12 năm 1944, Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Với lời căn dặn: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “người trước, súng sau”. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, thực hiện chỉ thị của Bác, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời với 34 chiến sĩ đầu tiên, những chiến sĩ đã được tuyển chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và một số đồng chí đã được đào tạo quân sự ở nước ngoài. Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Bác tuy ngắn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta, đó là các vấn đề về kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân. Bởi vì, lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó. Chỉ thị còn nói rõ về nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang. Bác đã khẳng định: "...Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam"[2]. Quán triệt tinh thần chỉ thị của Bác, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ khi ra đời đã liên tiếp ghi chiến công lớn, hạ hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở rộng địa bàn, tăng cường lực lượng, phát triển thành đại đội chủ lực của quân đội ta. Giữa tháng 5 năm 1945 các đơn vị Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Bên cạnh Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của cách mạng ra đời ở nhiều nơi, đặc biệt là các chiến khu cách mạng. Điển hình là đội du kích Ba Tơ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) hàng loạt các đội tự vệ, du kích ra đời ở khắp các thôn, xóm. Tất cả lực lượng vũ trang đó đã phối hợp và hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị trong quá trình khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa đón thời cơ đến. Sức mạnh của lực không chỉ là sức mạnh của lực lượng chính trị, vũ trang mà còn có sức mạnh của truyền thống dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi khó khăn gian khổ và nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”[3]. Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã hình thành từ rất sớm và rất mãnh liệt.  Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Sau khi hay tin Nhật đầu hàng đồng minh thì các tầng lớp nhân dân kể cả những tầng lớp trung gian đều ngã về phía cách mạng, tạo nên một lực lượng có sức mạnh khổng lồ. Nhờ có đường lối và chủ trương đúng đắn mà Đảng đã lãnh đạo toàn dân ta nhất tề nổi dậy đánh đuổi bọn phát xít, thực dân ra khỏi đất nước, xóa tan ách thống trị của phong kiến hàng nghìn năm, giành độc lập tự do cho nước nhà.

Qua đó, trong suốt 15 năm (1930-1945), Đảng ta và Bác Hồ đã tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Trước khi Nhật đầu hàng Đồng minh thì cách mạng nước ta đã có một lực lượng hùng hậu ở khắp các nơi từ miền núi, nông thôn đến thành thị. Một lực lượng mạnh mẽ đang chờ ngày thời cơ đến để đánh đuổi kẻ thù. Đó là lực của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sức mạnh của lực sẽ tăng lên gấp bội nếu như ở thế tốt. Theo Bác, thế là tư thế, xu thế vận động của lực. Xác định chính xác những vấn đề đó, có thể đưa ra được những dự báo về khả năng thắng lợi của cách mạng và vận dụng từng bước để chuyển yếu thành mạnh tiến tới giành thắng lợi quyết định. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngoài việc tích cực chuẩn bị lực lượng tạo cho mình một lực mạnh mẽ thì ta luôn ở thế tốt, thế chủ động.

Cách mạng nổ ra và giành thắng lợi cần phải có thời cơ. Thời cơ là điểm hội tụ tất cả những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi nhất. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội nghị nhận định những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đang đi đến chín muồi. Hội nghị phát động “Phong trào kháng Nhật cứu nước”, ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, khí thế cách mạng sôi sục. Ngày 12/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện. Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13/8/1945 đến 15/8/1945, trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”, vì vậy phải “kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập Ủy ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Đến 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: "Hiệu triệu toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền". Tiếp đó, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Nam, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng, Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Người đã ra lời kêu gọi “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta!”[4].

Cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu nổ ra từ ngày 14/8/1945 và đến ngày 18/8/1945, với khí thế tiến công như sấm rung, chớp giật, cả dân tộc ta từ Bắc đến Nam, triệu người như một, nhất tề vùng lên đưa cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra vào ngày 19/8/1945 đến thắng lợi ở Hà Nội,  ngày 23/8/1945 thắng lợi ở Huế và các thị xã Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Tân An, Bạc Liêu,  ngày 25/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Lạng Sơn, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Từ đây thành lập nhà nước mới, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính thức ghi tên mình vào bản đồ thế giới.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã đánh đổ nền thống trị thực dân, phát xít gần 100 năm, đập tan chế độ phong kiến lạc hậu lỗi thời hàng ngàn năm, bằng cuộc cách mạng như vũ bão chỉ trong vòng nửa tháng, nhưng đã được tích cực chuẩn bị suốt 15 năm liền. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người nô lệ đã được nâng lên địa vị của người chủ đất nước, từ vị thế của kẻ bị thống trị, nô dịch thành người dân của một nước độc lập tự do, toàn quyền quyết định vận mệnh của dân tộc mình. Cách mạng tháng Tám thành công là một minh chứng cụ thể cho sự vận dụng đúng đắn phương pháp kết hợp tốt thế, lực và thời trong cách mạng, trong phương pháp Hồ Chí Minh. Đó chính là, đường lối cách mạng đúng đắn do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và đó là thắng lợi của nghệ thuật tạo lực, thế, nắm bắt thời cơ, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang./.

_______________________________
Chú thích:
[1] Đề cương Bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị-Hành chính, Hà Nội. 2013, tr.235.
[2] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 3, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.2000, tr.508.
[3] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 6, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.2000, tr.171.
[4] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 3, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.2000, tr.554.

Hồ Thị Thùy Dung
                                               Khoa LLMLN, TTHCM

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh