Cách mạng tháng Mười Nga 1917 giành thắng lợi dẫn đến sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm thế giới. Trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống xã hội đối lập: Xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng thành công đã cổ vũ mạnh mẽ và chỉ ra con đường đúng đắn đi đến thắng lợi cuối cùng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc. Ở Việt Nam, thể hiện trong quá trình xác định con đường để giải phóng dân tộc và quá trình hình thành, phát triển con đường cách mạng. Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội không còn là một hệ thống từ khi chế độ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đồng thời tác động nghiêm trọng đến cục diện thế giới nói chung và các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Nhưng đó không phải là sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội như một số học giả tư sản thường rêu rao mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội chưa đúng đắn, một bước lùi, một thất bại mang tính tạm thời. Trong xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển thì vấn đề giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ là quan trọng, vì thế sự thắng lợi của Cách mạng tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị thời đại đối với các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.
Thực tiễn của Cách mạng tháng Mười không những đã thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh mà còn chỉ ra con đường đúng đắn để giành thắng lợi trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh. Trong đó, Việt Nam là một điển hình trong quá trình hình thành và phát triển con đường cách mạng giành độc lập dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam trước khi diễn ra Cách mạng tháng Mười Nga liên tiếp nổ ra. Cách mạng Việt Nam đứng trước những thách thức mới đó là tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn. Con đường theo khuynh hướng phong kiến, tư sản đã từng nổ ra và tạo được tiếng vang nhưng cuối cùng đều thất bại và tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đều bị dìm trong biển máu do thiếu đường lối chính trị đúng đắn, khoa học, thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến. Cách mạng Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng về con đường giải phóng dân tộc. Cách mạng tháng Mười Nga mở ra con đường cứu nước mới cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Lần đầu tiên trong lịch sử một Nhà nước bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đây cũng là mô hình Nhà nước mà dân tộc Việt Nam đang tìm kiếm.
Ba năm sau Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1920 Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Đó là con đường đi theo Cách mạng tháng Mười Nga, con đường cách mạng vô sản. Bác đã khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Và sau này, khi đánh giá về Cách mạng tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Tập 2,. NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.461)
Từ việc xác định con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhằm nâng cao ý thức chính trị cho thanh niên Việt Nam, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm xây dựng Đảng vô sản kiểu mới ở Nga. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện được thành lập. Ngay từ khi ra đời đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và Bản Tuyên ngôn độc lập ra đời đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chúng ta đã vận dụng thắng lợi các bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đặc biệt, sau 1945 chủ nghĩa xã hội đã vượt ra khỏi phạm vi một nước và hình thành một hệ thống với nhiều nước xã hội chủ nghĩa và phát triển mạnh trong những thập niên 50, 60, 70 của thế kỉ XX góp phần thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam được Liên Xô giúp đỡ đã tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau này.
Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm lịch sử - cụ thể vừa tìm tòi, thử nghiệm vừa đấu tranh tư tưởng hết sức gay go, phức tạp: Duy trì, phát huy những cái đúng, tích cực, hiệu quả và mạnh dạn xoá bỏ cái gì tỏ ra lạc hậu, lỗi thời cản trở sự phát triển nhằm thực hiện đường lối đổi mới phù hợp với điều kiện cách mạng nước ta để bảo đảm Việt Nam đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa theo con đường mà Cách mạng tháng Mười đã vạch ra. Thực tiễn đã chứng minh đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, phù hợp. Đất nước ta đã có những biến chuyển hết sức lớn lao, làm thay đổi sâu sắc và toàn diện mọi mặt đời sống xã hội: Chế độ chính trị xã hội ổn định, kinh tế, văn hoá phát triển, quốc phòng an ninh vững chắc, vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá chủ nghĩa xã hội bằng nhiều hình thức và biện pháp trên tất cả các mặt. Đặc biệt là sau sự sụp đổ của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu thì những luận điệu công kích, xuyên tạc những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Mười càng được tăng cường. Với luận điệu cho rằng, Cách mạng tháng Mười là “sự đẻ non”, một “sai lầm của lịch sử” và cho rằng con đường mà Cách mạng tháng Mười mở ra đã đi vào ngõ cụt và chúng ra sức tuyên truyền về cái gọi là “sự cáo chung” của chủ nghĩa xã hội, sự lạc hậu, lỗi thời của học thuyết Mác - Lênin. Hiện nay, Liên Xô không còn nữa nhưng lý tưởng xã hội chủ nghĩa theo con đường Cách mạng tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị. Nhân dân thế giới đang thừa hưởng những lý tưởng của Cách mạng tháng Mười để đấu tranh cho hòa bình và một trật tự thế giới mới: Công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Mặc dù đã 96 năm trôi qua từ khi giành được thắng lợi nhưng những giá trị của Cách mạng tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin đã và đang được khẳng định trong sự phát triển đi lên của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó thành tựu của sự nghiệp đổi mới Việt Nam là một ví dụ đã chứng minh sức sống của chủ nghĩa xã hội. Cho dù chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào thì thời đại do Cách mạng tháng Mười vạch ra - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới vẫn không thay đổi. Cách mạng tháng Mười mãi soi sáng con đường chúng ta hướng tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Đoàn Thị Mao
Khoa Dân vận