Sở hữu toàn dân về đất đai là tất yếu khách quan trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở góc độ lý luận và thực tiễn

Tóm tắt: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu là quan điểm nhất quán trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn, những quan điểm trái chiều trong xã hội. Vì vậy, phân tích, làm rõ tính tất yếu khách quan của chế độ “công hữu” về đất đai có ý nghĩa quan trọng, tạo đồng thuận trong xã hội góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là nội dung được quy định trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này chưa nhận được sự đồng thuận, vẫn còn những ý kiến trái chiều với góc độ tiếp cận khác nhau, các tác giả cho rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những bất công trong sử dụng đất, bất cập trong quản lý đất đai. Vấn đề đặt ra là phải làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của chế độ công hữu về đất đai trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua đó, xác định rõ nguyên nhân thật sự của những bất cập trong sử dụng, quản lý đất đai thời gian qua là do “chế độ công hữu” hay nguyên nhân khác, và phản đối “chế độ công hữu” chỉ là cái cớ để tạo điều kiện gia tăng lợi ích của một “nhóm lợi ích” trong xã hội thông qua “tư hữu” về đất đai?

Ở góc độ lý luận, thực hiện chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu” mang tính tất yếu khách quan, cụ thể:

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là lựa chọn của Đảng và nhân dân ta, lựa chọn ấy đã đem lại độc lập cho dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đưa nước ta từ nước thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu trở nên thái bình, thịnh trị, có vị thế và tầm vóc trên trường quốc tế, mở ra kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thành quả đó chứng minh sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến tới xã hội cộng sản.

Mục đích cao cả của chủ nghĩa xã hội là giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng một xã hội bình đẳng không có người bóc lột người, xóa bỏ mọi áp bức, bất công trong xã hội. Nguồn gốc của mọi áp bức, bất công trong xã hội chính là chế độ tư hữu, muốn xóa bỏ triệt để mọi áp bức, bất công, trước hết và trên hết phải xóa bỏ triệt để chế độ tư hữu. Bởi vì, chính “chế độ tư hữu đã biến con người thành kẻ tư hữu, chứ không phải con người tự do” [1].

Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh từng có thời kỳ không có tư hữu, mọi người sống trong thế giới đại đồng, họ sống trong thời kỳ sơ khai của loài người, trình độ chinh phục tự nhiên thấp kém, điều kiện vật chất khó khăn, tuy nhiên họ là những con người tự do, xã hội không có áp bức bất công. Qua quá trình phân công lao động xã hội, chế độ tư hữu xuất hiện, kéo theo đó là sự phân hóa xã hội thành kẻ giàu, người nghèo – kẻ tước đạt và người bị tước đoạt, bất công trong xã hội dần xuất hiện, trước hết là địa vị của con người về kinh tế, sau đó là mọi mặt của đời sống xã hội. “Sự xuất hiện của chế độ tư hữu đánh dấu sự bắt đầu của sự chấm dứt cộng đồng bình đẳng và sự ra đời của nhà nước như một công cụ đàn áp.” [2]. Khi áp bức bất công ngày càng gia tăng, xung đột xã hội và đấu tranh giai cấp (đấu tranh giữa người bị tước đoạt và người tước đoạt) ngày càng gay gắt, đến mức không tự điều hòa được, Nhà nước và Pháp luật ra đời. Nhà nước và pháp luật ra đời không phải để giải quyết và triệt tiêu áp bức bất công và xung đột xã hội mà Nhà nước và Pháp luật ra đời nhằm đảm bảo cho cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trong vòng trật tự. Nhà nước và pháp luật là sản phẩm của giai cấp thống trị xã hội (nhóm người thống trị xã hội về mặt kinh tế thông qua chế độ tư hữu – nhóm người tước đoạt), là công cụ trấn áp giai cấp, duy trì sự thống trị của mình. Trong chế độ tư hữu, Nhà nước và pháp luật càng phát triển, áp bức bất công trong xã hội càng gia tăng. Karl Marx viết trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản năm 1848: “Chế độ tư hữu hiện nay là sự biểu hiện cuối cùng và hoàn thiện nhất của sự chiếm đoạt, trong đó bóc lột người này bởi người khác là bản chất” [3]. Vì vậy, muốn giải phóng gia cấp, giải phóng con người phải xóa bỏ chế độ tư hữu, Vladimir Lenin khẳng định: “Tiêu diệt tư hữu về tư liệu sản xuất là điều kiện tiên quyết để giải phóng giai cấp công nhân” [4].

Việt Nam đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và đang trong thời kỳ quá độ, thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước (công hữu) và sở hữu tập thể là nền tảng của xã hội (càng tiệm cận chủ nghĩa xã hội, vai trò nền tảng càng gia tăng). Trong khi đó, đất đai là loại tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, nhất là đối với nước ta – nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, công hữu về đất đai là tất yếu khách quan, phù hợp với con đường, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Ở góc độ thực tiễn, tính tất yếu khách quan trong việc thực hiện chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu” thể hiện ở những nội dung sau:

Một là, đất đai là một loại tài nguyên đặc biệt, vì vậy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ tài nguyên dất vừa là nguyên tắc vừa là mục tiêu trong quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng đất phải được hiểu cả ở góc độ người sử dụng đất và cả ở góc độ tổng thể, lâu dài. Người sử dụng đất bao gồm tổ chức, cá nhân [5] trong xã hội, sử dụng đất với nhiều mục đích khác nhau và bị chi phối bởi lợi ích cá nhân nên rất dễ xảy ra tình trạng xung đột giữa lợi ích của chủ thể sử dụng đất với lợi ích tổng thể, xung đột giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Điều này thể hiện rõ trong thực tiễn sử dụng đất ở nước ta thời gian qua. Tình trạng lãnh phí nguồn tài nguyên đất đai, sử dụng đất sai mục đích, phân lô, bán nền đất nông nghiệp, đất lúa diễn ra tràn lan mặc dù Nhà nước đã thực hiện quyền công hữu đất đai để xây dựng quy hoạch sử dụng đất, xác định mục đích sử dụng đất, quy định về thu hồi đất đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng. Nghĩa là về nguyên tắc, người sử dụng đất phải có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất một cách tổng thể và lâu dài. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp người sử dụng đất vi phạm vì lợi ích riêng. Nguyên nhân do trình độ quản lý nhà nước về đất đai còn yếu kém hay do công hữu về đất đai?. Và điều gì xảy ra nếu tư hữu về đất đai, hay nói cách khác là trao thêm cho người sử dụng đất quyền chiếm hữu, định đoạt về đất đai? – có lẽ câu trả lời đã rõ.

Hai là, để có độc lập, tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội, dân tộc Việt Nam đã hi sinh rất nhiều xương máu của đồng bào nhằm lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, qua đó giải phóng giai cấp (công nhân và nông dân), giải phóng dân tộc, làm tiền đề xây dựng đất nước giàu đẹp như ngày hôm nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu xóa bỏ chế độ công hữu về đất đai hiện nay? – Tôi tin rằng có rất nhiều người có đủ nguồn lực tài chính để tích tụ đất đai, nhất là đất nông nghiệp với một diện tích rộng lớn. Nếu họ tích tụ đất để phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa là điều rất tốt, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng nếu họ tích tụ đất đai nhằm mục đích đẩy người nông dân ra khỏi mảnh đất của họ, bần cùng hóa họ, sau đó thuê người nông dân quay trở lại làm công theo hình thức “phát canh, thu tô” một cách quyết liệt hơn, tinh vi hơn so với trước đây, nghĩa là tầng lớp địa chủ mới sẽ ra đời, phát triển, và chúng ta tiếp tục vận động nhân dân hi sinh xương máu để lật đổ tầng lớp địa chủ mới này chăng, có cần thiết không?

Ba là, một số luận điểm cho rằng chính “công hữu” về đất đai làm nảy sinh nhiều bất cập trong sử dụng, quản lý đất đai thật sự chưa thỏa đáng, chưa truy đến cùng nguyên nhân của vấn đề.

Thứ nhất, quan điểm cho rằng chế độ “công hữu đất đai” là người dân có quyền sử dụng đất chỉ là hư quyền bởi nhân dân không được tham khảo ý kiến trong mọi chuyện liên quan tới quản lý đất đai [6] , đồng thời do quyền sử dụng đất có thời hạn nên người sử dụng đất không an tâm đầu tư vào đất đai. Làm rõ vấn đề này, trước hết cần phân biệt “quyền sử dụng đất” và “quyền sử dụng” tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Quyền “sở hữu” tài sản bao gồm ba quyền năng là chiếm hữu, định đoạt và quyền sử dụng. Nội hàm “quyền sử dụng đất” rộng hơn “quyền sử dụng tài sản”. Người có “quyền sử dụng đất” có thể giao dịch mua bán, thừa kế, tặng cho “quyền sử dụng đất” (thực chất đây là quyền chiếm hữu), người có “quyền sử dụng tài sản” không có quyền này đối với tài sản họ đang có quyền sử dụng nhưng không có quyền sở hữu. Tuy nhiên, người có “quyền sử dụng đất” phải có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch sử dụng đất (thực chất là quyền định đoạt) theo quy định của Nhà nước. Điều này phù hợp với tất yếu khách quan của chế độ công hữu đất đai ở góc độ thực tiễn đã nêu. Hai là, quyền sử dụng đất là “thực quyền”, được quy định rất rõ trong luật đất đai (quyền của người sử dụng đất) và các văn bản pháp lý khác. Quyền tiếp cận thông tin (trong đó có thông tin về đất đai), vấn đề lấy ý kiến tham khảo người dân về quy hoạch, kế hoạch, v.v đều có quy định của pháp luật và là một nội dung của các thủ tục về đất đai. Vấn đề thông tin không đến được người dân, người dân chưa được lấy ý kiến một cách thực chất là do yếu tố quản lý, cách thức thực hiện, tóm lại do trình độ quản lý của bộ máy công quyền. Ba là, xác định thời hạn sử dụng đất là hợp lý, vì đã giao quyền sử dụng thì phải có thời hạn sử dụng cụ thể, không thể giao quyền sử dụng vĩnh viễn. Thời hạn sử dụng đât không phải là rào cản để người sử dụng đất không dám đầu tư vào đất đai bởi hai lý do: thời hạn sử dụng đất được quy định dài hơn rất nhiều so với vòng đời đầu tư (Ví dụ: hạn sử dụng đất là 50 năm đối với đất nông nghiệp), đồng thời người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất (thời hạn 50 năm) nếu sử dụng đất đúng mục đích và có nhu cầu sử dụng tiếp.

Thứ hai, quan điểm cho rằng, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực có nguyên nhân từ chế độ “công hữu đất đai”, điều này liệu có đúng?. Không thể phủ nhận những hạn chế bất cập phát sinh trong lĩnh vực đất đai thời gian qua, nhất là tình trạng tham ô, tham nhũng, câu kết lợi ích nhóm, phương hại đến lợi ích của người dân, cộng đồng và xã hội. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng từng phát biểu trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất...” [7]. hạn chế, bất cập đó xuất phát từ những nguyên nhân trực tiếp như: hệ thống pháp luật về đất đai còn chồng chéo, xung đột với các với các văn bản pháp lý khác; biến động trong lĩnh vực đất đai quá nhanh vượt tầm kiểm soát của bộ máy quản lý; văn hóa nông nghiệp (ví dụ quan niệm “sống nhà già mồ”) của người dân chưa được chưa được quan tâm đúng mức trong xây dựng chính sách pháp luật về đất đai; một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất câu kết với nhau, với các nhóm “quyền lực kinh tế” lợi dụng kẻ hở của pháp luật, chính sách tước đoạt lợi ích của người dân, nhà nước và xã hội. Nguyên nhân của những nguyên nhân nêu trên chính là sự yếu kém trong quản trị nhà nước về đất đai của bộ máy công quyền. Tha hóa là một thuộc tính của quyền lực, ở đâu có quyền lực, ở đó có tha hóa, vấn đề là bộ máy công quyền chưa kiểm soát tốt quyền lực, chưa ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong lĩnh vực đất đai ở “mức cho phép”. Tóm lại, nguyên nhân thật sự của những bất cập, phát sinh trong sử dụng, quản lý đất đai không phải do “chế độ công hữu”, mà do tình trạng quản trị yếu kém của bộ máy công quyền.

Hiểu rõ tính tất yếu khách quan của chế độ “công hữu” về đất đai trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã có ý nghĩa khẳng định tính đúng đắn trong lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phản bác các quan điểm sai trái, đòi xóa bỏ chế độ “công hữu” về đất đai. Ngoài ra, còn giúp các nhà quản lý xác định đúng nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, xây dựng giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong thời gian tới.

 Tài liệu tham khảo

[1] Karl Marx, Bản thảo kinh tế – Triết học năm 1844.

[2] Friedrich Engels, Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước năm 1884.

[3] Karl Marx , Tuyên ngôn Đảng cộng sãn năm 1848.

[4] Vladimir Lenin, Nhà nước và cách mạng năm 1917.

 [5] Quy định tại điều 4 luật Đất đai năm 2024

[6] “Sở hữu toàn dân về đất đai chỉ là hư quyền”, Song Linh, https://vnexpress.net/so-huu-toan-dan-ve-dat-dai-chi-la-hu-quyen-2672673.html?utm, 4g ngày 5/5/2025.

[7] Tổng Bí thư: Nhiều người giàu lên nhờ đất, nghèo đi vì đất, thậm chí đi tù cũng vì đất, Nghĩa Nhân, ttps://plo.vn/tong-bi-thu-nhieu-nguoi-giau-len-nho-dat-ngheo-di-vi-dat-tham-chi-di-tu-cung-vi-dat-post678532.html, 3g ngày 5/5/2025

 

ThS. Võ Thái Bình
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh