Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua, đây là sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng của đất nước. Đây là đạo luật cơ bản nhất của nước ta trong tiến trình tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế. Hiến pháp thể hiện những nội dung mới quan trọng nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp 2013 thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, về bản chất dân chủ, về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân… Và một trong những nội dung bao trùm của Hiến pháp là quy định đầy đủ, rõ nét và đề cao quyền lực, quyền làm chủ của Nhân dân. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Hiến pháp.
Ngay Lời nói đầu, Hiến pháp 2013 thể hiện: "... Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Điều này đã thể hiện rõ trách nhiệm của Nhân dân trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp. Đến Điều 2 Hiến pháp quy định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, đồng thời thể hiện đất nước Việt Nam là do chính Nhân dân làm chủ, Nhân dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Khoản 2 Điều 4 Hiến pháp thể hiện:" Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình", đây là điểm bổ sung mới quan trọng, với vai trò làm chủ của Nhân dân, Nhân dân giao phó trách nhiệm cho Đảng để lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vì vậy, Đảng phải chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước Nhân dân trong việc lãnh đạo của mình. Điều 53 Hiến pháp thể hiện: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" đã khẳng định quyền sở hữu của Nhân dân, Nhân dân thực hiệ quyền của mình bằng cách ủy quyền cho Nhà nước đại diện Nhân dân để sở hữu và thống nhất quản lý, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về việc quản lý tài sản do Nhân dân ủy quyền. Điều 65 Hiến pháp quy định: "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế". Điều này thể hiện trách nhiệm của lực lượng vũ trang là tuyệt đối trung thành với Nhân dân và trước hết là phải bảo vệ Nhân dân là một chủ thể làm chủ đất nước, sau đó là bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều 69 Hiến pháp thể hiện: "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã nhấn mạnh vai trò của Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về Nhân dân. Nhân dân ủy thác thực hiện quyền lực cao nhất cho Quốc hội để thực hiện quyền lập hiến như đề xuất sửa đổi Hiến pháp, thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, thảo luận và biểu quyết thông qua Hiến pháp, khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định...
Như vậy, một trong những nội dung bao quát và nổi bật của Hiến pháp 2013 là: Nhân dân là chủ thể tối cao của Nhà nước, toàn bộ quyền lực của Nhà nước thuộc về Nhân dân, tập trung ở Nhân dân; nghĩa là quyền lực Nhà nước trong mọi lĩnh vực lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung nguồn gốc là phục vụ Nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân ủy quyền, giao quyền; phương thức tổ chức quyền lực và thực tế việc thực thi quyền lực của mọi cơ quan Nhà nước đều phải phục tùng Nhân dân, vì lợi ích chung và chịu trách nhiệm trước Nhân dân.
Điều 6 Hiến pháp 2013 khẳng định: "Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". So với Hiến pháp 1992, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Cụ thể, Hiến pháp năm 1992 chỉ ghi nhận nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đến Hiến pháp năm 2013 quy định Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung đầy đủ hơn các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như trước đây mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp.
Dân chủ đại diện là phương thức thực hiện quyền lực nhà nước cơ bản và phổ biến nhất của Nhân dân. Theo đó, Nhân dân thông qua các cơ quan đại biểu do mình bầu ra và ủy thác quyền lực như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; đến lượt mình Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục lập ra các cơ quan khác của Nhà nước để thực hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Như vậy, cơ quan nhà nước được Nhân dân ủy quyền không chỉ là các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp mà còn bao gồm cả các cơ quan trong hệ thống hành pháp và tư pháp; các cơ quan này thay mặt nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước để điều hành, quản lý xã hội và chịu sự giám sát của Nhân dân. Tính chất dân chủ đại diện thể hiện ở sự hình thành của Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tính chất dân chủ đại diện còn thể hiện ở chỗ đại biểu Quốc hội - đại điện cho tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân cả nước - bao gồm những đại biểu đại diện cho các thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo và các nhóm xã hội khác, là đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân trong cả nước. tất cả những điều này đã nhấn mạnh vai trò của Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân và Nhân dân ủy thác cho Quốc hội thể hiện quyền lực đó.
Dân chủ trực tiếp, là phương thức người dân trực tiếp thực hiện quyền lực Nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình mà không phải thông qua cá nhân hay tổ chức đại diện. Nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp bằng nhiều hình thức khác nhau: tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại trực tiếp giữa Nhân dân với đại diện cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, biểu tình .v.v. Ưu điểm của hình thức dân chủ trực tiếp là Nhân dân trực tiếp quyết định, phản ảnh đúng ý chí, nguyện vọng của mình; nhưng hạn chế của hình thức này là những vấn đề mà Nhân dân trực tiếp quyết định không nhiều vì điều kiện không cho phép. Bởi vì, dân chủ trực tiếp có thể thực hiện được hay không phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trình độ pháp lý của nhân dân... Để khắc phục hạn chế nói trên, để cụ thể hóa các quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, trong đó có hai đạo luật rất quan trọng đó là Luật trưng cầu ý dân và Luật biểu tình. Chính phủ dự kiến sẽ trình Luật trưng cầu dân ý để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vào cuối năm 2015. Quốc Hội dự kiến sẽ thông qua Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện là hai hình thức cơ bản để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước; có mối quan hệ tác động qua lại với nhau và đều có vai trò quan trọng trong nền dân chủ đương đại. Với hình thức dân chủ đại diện Nhân dân lập ra bộ máy nhà nước từ Trung ương tới cơ sở để quản lý, điều hành xã hội một cách thường xuyên liên tục, giữ vững ổn định thể chế và phát triển đất nước. Với hình thức dân chủ trực tiếp Nhân dân góp phần làm cho bộ máy nhà nước đó ngày càng hoàn thiện hơn bằng việc giám sát, tham gia ý kiến hay biểu thị thái độ với chính các cá nhân hay cơ quan nhà nước do mình lập nên. Thực hiện tốt và bảo đảm hài hòa cả hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp là cơ sở vững chắc để hướng tới một thể chế Nhà nước hoàn thiện mà nhân dân là người chủ đích thực của nó./.
Trần Thị Quỳnh Nghi
Phòng TC-HC-QT