Phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ

Cách mạng muốn thắng lợi, trước hết phải xác định đường lối cách mạng. Đường lối quyết định phương pháp. Nếu đường lối sai thì không thể nói đến thắng lợi của cách mạng, còn đường lối đúng, nhưng phương pháp cách mạng sai hoặc không thích hợp có thể làm cho cách mạng dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại. Vì vậy, trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với việc xác định đường lối cách mạng đúng, Đảng đã sử dụng đúng và linh hoạt các phương pháp cách mạng như phương pháp sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, phương pháp thắng từng bước, phương pháp phát huy sức mạnh tổng hợp... đã tạo nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Một cuộc cách mạng muốn thắng lợi, điều quan trọng trước hết là phải xác định được phương pháp và mục tiêu chiến lược cũng như phương hướng và mục tiêu cụ thể cho mọi thời kỳ. Song, thực hiện bằng con đường nào, với những hình thức và biện pháp nào để đạt mục tiêu là vấn đề không kém phần quan trọng. Đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ:“Kinh nghiệm cho thấy phong trào cách mạng có khi dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại, không phải vì thiếu phương hướng và mục tiêu rõ ràng mà chủ yếu vì thiếu phương pháp cách mạng thích hợp”1. Vì vậy, đồng chí Trường Chinh viết: “Lịch sử phát triển cách mạng thế giới đã cho thấy một phong trào nào đó có khi bế tắc, không có lối ra, thậm chí thất bại không phải vì không có mục tiêu và phương hướng rõ ràng, cũng không phải không tổ chức được lực lượng cách mạng, mà chủ yếu vì thiếu phương pháp cách mạng và hình thức đấu tranh thích hợp”. 2

Trong tiến trình lịch sử dân tộc, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sử dụng đúng đắn, linh hoạt một số phương pháp cách mạng chủ yếu như sau:

Một là, phương pháp sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng.

Lịch sử dân tộc từ ngàn xưa cho thấy Việt Nam không có biểu hiện của sùng bái bạo lực, điều này thể hiện rõ trong Bình Ngô đại cáo “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”, sau chiến thắng Như Nguyệt (1077), biết quân Tống cùng đường, Lý Thường Kiệt đã dùng biện sĩ bàn hòa, khiến quân giặc buông vũ khí, ta đỡ tốn xương máu và giữ yên xã tắc. Đến thời Lê, Bình Định Vương Lê Lợi tha cho tù binh và cấp cho 500 chiếc thuyền cùng vài nghìn cỗ ngựa để về nước.... Đó là tiêu biểu của lòng yêu hòa bình, chủ nghĩa nhân đạo cao cả, lòng nhân ái bao la của dân tộc Việt Nam rất đậm trong tiến trình cách mạng, cách hành xử đó nhằm triệt tiêu sự thù oán, triệt mầm họa chiến tranh. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, dân tộc ta đã có nhiều biện pháp thực hiện khác nhau (khác phương pháp sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng) nhằm đạt mục tiêu đã định như việc gửi yêu sách của “Hội những người yêu nước Việt Nam” do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxây là minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, một khi không thể tránh khỏi chiến tranh thì phải kiên quyết tiến hành chiến tranh, kiên quyết dùng bạo lực cách mạng của quần chúng để giành, giữ và bảo vệ hòa bình. Việt Nam, trong 15 năm đầu (khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945) phương pháp sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng thể hiện rõ nhất qua hình thức khởi nghĩa. Đảng ra đời với Cương lĩnh Chính trị đầu tiên xác định phương pháp cách mạng “phải bằng con đường bạo lực cách mạng chứ không thể là con đường cải lương thỏa hiệp - không khi nào nhượng  một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp”3 để thực hiện nhiệm vụ “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”, “làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập” 4. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn hình thức đấu tranh giành chính quyền - không chỉ là đấu tranh giành chính quyền cho Đảng, đấu tranh để Đảng trở thành Đảng cầm quyền mà còn đấu tranh giành quyền lực chính trị cho nhân dân. Đây là cuộc đấu tranh vừa mang tính chất dân chủ, vừa mang tính chất của cuộc cách mạng dân tộc – vì vậy Đại hội II gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Hình thức khởi nghĩa giành chính quyền trong phương pháp sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng được xác định rõ nhất tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5-1941) có nêu “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”, với chiều hướng từ khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền địa phương mở đường tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Muốn cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi phải có đủ điều kiện khách quan và chủ quan, phải chọn đúng thời cơ khởi nghĩa, trước hết là vấn đề dự báo thời cơ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo được Liên Xô tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ II qua bài “Năm mới, công việc mới” trên báo “Việt Nam độc lập” số 114 năm 1942, Người khẳng định: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại; Anh, Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta độc lập tự do”. Và Người cũng từng nói về mốc 1945 Việt Nam độc lập trong diễn ca “Lịch sử nước ta” (1942) “Nay ta đã có Việt Minh/Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh /45 - Sự nghiệp hoàn thành”. Đến tháng 10-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc phân tích tình hình thế giới có nhiều thuận lợi, Người nhắc lại lần nữa lời tiên tri của mình: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”… Như vậy, những lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc cách mạng làm đổi thay vận mệnh đất nước đã thành sự thật.

Tuy nhiên, vấn đề thời cơ không tự nó đến, phải do ta chuẩn bị, không được nóng vội, các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940) và việc dừng khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng cho thấy thời cơ khởi nghĩa chưa đến. Khi Nhật đảo chính Pháp (đêm 9-3-1945), mặc dù Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị Nhật –Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta nhưng “Những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi”5. Để điều kiện cuộc khởi nghĩa Đông Dương chưa chín muồi đi tới chín muồi nhanh chóng cần phải “Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa và sẵn sàng chuyển qua hình thức Tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”6 . Vì vậy, làn sóng khởi nghĩa từng phần đã dâng lên mạnh mẽ ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ cùng với phong trào “Phá kho thóc giải thoát nạn đói” đã từng bước tạo đà cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra và giành thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việt Nam bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, hình thức khởi nghĩa giành chính quyền của phương pháp bạo lực cách mạng của quần chúng có sự thay đổi, đó là từ hình thức khởi nghĩa giành chính quyền chuyển thành hình thức kháng chiến.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp với mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, nên tính chất “cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh tự vệ của dân tộc, là chiến tranh hợp chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ” 7, cùng với hình thức là kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện, kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Từ thực tiễn chiến đấu của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta phải vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa chiến đấu vừa học tập, xây dựng và phát triển lực lượng với một phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện và một nền nghệ thuật quân sự lấy nhỏ đánh lớn, toàn dân đánh giặc có sức mạnh vô cùng to lớn với nội dung cực kỳ phong phú và phát triển ngày càng hoàn chỉnh theo quá trình vận động thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phương pháp bạo lực cách mạng của quần chúng trong thời gian đầu là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (xác định ở Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa III) sau đó chuyển sang hình thức kháng chiến. Từ những cuộc khởi nghĩa diễn ra liên tục ở cơ sở (đồng khởi) như Bình Định, Bắc Ái (Ninh Thuận), Trà Bồng (Quảng Ngãi), Gò Quản Cung (Đồng Tháp), Bến Tre,… đã mở đầu cho cuộc chiến tranh cách mạng “tháng 1-1961, Bộ Chính trị chủ trương chuyển từ khởi nghĩa sang chiến tranh cách mạng”8. Đây là sự sáng tạo của Đảng ta trong sử dụng phương pháp bạo lực cách mạng của quần chúng.

Hai là, phương pháp thắng từng bước.

Từ năm 1930-1945, các cuộc diễn tập, tổng diễn tập của các cao trào cách mạng: 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 đã cho thấy Đảng đã sử dụng phương pháp thắng từng bước. Từ khởi nghĩa cục bộ từng phần ở các địa phương, tiến lên Tổng khởi nghĩa và đã giành thắng lợi từng bước. Nghệ thuật khởi nghĩa cục bộ từng phần đã diễn ra rõ nhất khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), thời cơ cục bộ xuất hiện, tạo ra thế “cài răng lược” để tranh thủ thời gian chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiến hành Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Đến kháng chiến chống thực dân Pháp, phương pháp thắng từng bước gắn với ba giai đoạn thực hiện phương châm kháng chiến do đồng chí Trường Chinh nêu trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi: Phòng ngự, cầm cự và tổng phản công. Trong giai đoạn phòng ngự, Đảng đã chủ động khước từ đối đầu, tích cực phòng ngự, có cả rút lui để bảo tồn lực lượng, có cả tiến công bộ phận và đã giành thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc khi thực dân Pháp thực hiện âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”. Chuyển sang giai đoạn cầm cự,  Đảng đã chủ động tiến công, mở chiến dịch Biên giới và đã giành thắng lợi, đã đánh bại kế hoạch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp. Đến giai đoạn tổng phản công, Đảng chủ động đẩy mạnh cuộc kháng chiến, tiến hành tổng phản công và giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phương pháp thắng từng bước thể hiện trong việc xây dựng lực lượng vũ trang góp phần đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Từ bước chuyển của phong trào Đồng khởi-1960, Đảng đã quyết định từng bước đưa đấu tranh vũ trang lên cùng với đấu tranh chính trị (tháng 1-1961), đẩy mạnh xây dựng lực lượng cả quân sự lẫn chính trị trên cả ba vùng chiến lược. Quá trình xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân thể hiện rõ phương pháp thắng từng bước của Đảng. Từ hình thức ban đầu: Bộ đội du kích, Tiểu tổ du kích, Đội tự vệ cứu quốc (tháng 5 năm 1944) đã phát triển thành Đội du kích (22-12-1944 với tên gọi là Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân), Cứu quốc quân sau đó thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Tháng 4-1949, mô hình tổ chức quân sự chính thức hoàn chỉnh với lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương và Dân quân du kích. Sự hỗ trợ giữa ba thứ quân trong chiến đấu chính là hình thức phối hợp giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động và quá trình thực hành tác chiến du kích và chính quy. Đây là một nhân tố to lớn làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945- 1954). Đến kháng chiến chống Mỹ, phương pháp thắng từng bước thể hiện rõ nhất từ sau Đồng khởi, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp từng bước hình thành, ngày càng chính quy, hiện đại hơn, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh đã phát triển thành các quân chủng: Lục quân, Hải quân, Phòng không-Không quân đã góp phần đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh- chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ba là, phương pháp phát huy sức mạnh tổng hợp

Phương pháp phát huy sức mạnh tổng hợp được thể hiện như kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế; phát huy sức mạnh của lực lượng chính trị quần chúng;… Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho thấy Đảng ta đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc, Đảng đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, tích cực chuẩn bị điều kiện khởi nghĩa, chớp lấy thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đặc biệt, Đảng đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi lực lượng của toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp cho khởi nghĩa giành chính quyền. Từ khởi nghĩa từng phần ở các địa phương tạo sự cộng hưởng sức mạnh của toàn dân thành cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc buộc phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn đầu hàng vô điều kiện.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phương pháp phát huy sức mạnh được thể hiện qua việc Đảng đề ra đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân độc lập, tự chủ đã phát huy sức mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc; sức mạnh của tiền tuyến và hậu phương, vật chất và tinh thần, hiện đại và truyền thống, trong nước và quốc tế; sự đoàn kết toàn dân tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công nông và trí thức vững chắc; chính quyền dân chủ nhân dân được giữ vững, củng cố và lớn mạnh, làm công cụ sắc bén tổ chức toàn dân kháng chiến và xây dựng chế độ mới; lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân do Đảng trực tiếp lãnh đạo, ngày càng vững mạnh, chiến đấu dũng cảm, mưu lược, tài trí, từng bước làm chuyển biến so sánh lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi cuối cùng.

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sử dụng phương pháp phát huy sức mạnh tổng hợp qua sự kết hợp sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa; sự kết hợp lực lượng nhỏ và lớn, cá nhân và tập thể, địa phương và cả nước; sự kết hợp sức mạnh của truyền thống với sức mạnh hiện tại, sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của cả ba dòng thác cách mạng của thời đại. Sự kết hợp toàn bộ sức mạnh này tạo nên sức mạnh vật chất to lớn, tức là sức mạnh tổng hợp của cách mạng, của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Tóm lại, phương pháp cách mạng đúng đắn, cùng với đường lối đúng sẽ tạo ra thắng lợi cho mọi cuộc cách mạng, đây chính là sự phản ánh đúng đắn những quy luật khách quan của cuộc đấu tranh cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng đúng đắn, linh hoạt các phương pháp cách mạng trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân như phương pháp sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, phương pháp thắng từng bước và phương pháp phát huy sức mạnh tổng hợp đã góp phần đưa cách mạng tiến lên từng bước và giành thắng lớn.

Chú thích:

1 Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do-vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H.1976, tr.33-34.
2 Trường Chinh: Chủ tich Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb.Lý luận, H.1991, tr.149.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr.4.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr.2.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.365.
6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.367.
7 Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1975, t.II, tr.28.
8 Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb.Chính trị quốc gia, H.2008, tr.280.

ThS. Nguyễn Thị Thùy Giao
Khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh