Nhân kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam (28/6) và hưởng ứng việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy năm 2013 là “Năm Gia đình Việt Nam” (Công văn số 251/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19 tháng 02 năm 2013). Phụ nữ Trường Chính trị Bến Tre hưởng ứng lễ phát động “Năm gia đình Việt Nam 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre với chủ đề “Kết nối yêu thương” tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc ngày 27 tháng 6 năm 2013.
Trong quá trình xây dựng, gìn giữ và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam đã kế thừa, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông chính là xuất phát từ những gia đình cộng đồng người Việt Nam chúng ta. Vấn đề trên được Hiến pháp 1980 ghi nhận ở điều 64: Gia đình là tế bào của xã hội, nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái thành công dân hữu ích cho xã hội, con cái có nghĩa vụ kính trọng và chăm sóc cha mẹ. Đến Hiến pháp 1992 còn quy định rõ hơn tại điều 64: Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con trở thành công dân tốt, con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ.
Gia đình là tế bào của xã hội. Chính gia đình là nơi tái sản sinh con người, tiếng nói của người Việt Nam, với cộng đồng xã hội là nơi tái tạo và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và làng xã là cấu trúc xã hội cơ bản của xã hội Việt Nam. Từ bao đời nay, ông-cha chúng ta luôn luôn coi trọng việc vun đắp hạnh phúc gia đình và gìn giữ truyền thống văn hóa gia đình. Gia đình từ khi ra đời, tồn tại và phát triển cho đến nay, trong bất kỳ thời đại nào dù cổ xưa hay đương đại, dù cuộc sống có lúc phát triển, thành công rực rỡ hay phải đốí mặt với những bước thăng trầm, khó khăn vất vả trôi qua, sự biến thiên của mỗi cuộc sống gia đình với thời gian. Song trong hiện tại, vẫn còn tồn tại những gia đình có ba, bốn thế hệ (tứ đại đồng đường) chung sống mặc dù có nhiều biến đổi, thu hẹp dần đi, nhưng vẫn được trân trọng và được lưu truyền những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống đó cho các thế hệ con cháu mai sau.
Văn hóa gia đình là một bộ phận hợp thành của nền Văn hóa gia đình, là một bộ phận của nền Văn hóa Việt Nam. Đó là những giá trị, chuẩn mực mang bản sắc Việt Nam, có chức năng kiểm soát, điều chỉnh hành vi và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa các gia đình với nhau và giữa gia đình với xã hội. Vì vậy, giữ gìn văn hóa gia đình cũng chính là góp phần tham gia giữ gìn truyền thống Văn hóa Việt Nam. Nhằm xây dựng tổ ấm cho mình luôn sống hòa thuận, hạnh phúc mỗi người trong gia đình đều có trách nhiệm thương yêu, chăm sóc, đùm bọc, quý trọng và giúp đở nhau. Lúc giàu sang cũng như nghèo khó, lúc mạnh khỏe cũng như ốm đau đều phải cùng nhau chia sẽ những niềm vui, nổi buồn; cũng như những khó khăn thách thức mà gia đình phải đối mặt để cùng chung gánh vác. Chỉ khi mỗi thành viên gia đình cùng hành động như thế thì “ngọn lửa hạnh phúc” mới được bảo tồn, luôn được sưởi ấm và thắp sáng trong mỗi gia đình chúng ta.
Ngày 29 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai từ nhiều năm cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Đây là nền tảng chính trị, luật pháp và xã hội rất quan trọng để mọi gia đình trên cơ sở đó mà xây dựng và phát huy vai trò gia đình mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay và trong xu thế hội nhập không những có nhiều cơ hội, thuận lợi, may mắn mà lại cũng có biến động, nhiều thách thức, khó khăn khó lường mà mỗi gia đình phải chủ động điều chỉnh, thích nghi.
Ngày 03 tháng 01 năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP quy định về công tác gia đình và có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 02 năm 2013. Nội dung cơ bản của Nghị định là đề cao trách nhiệm cho các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm đúng mức việc nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức trong việc thực hiện công tác gia đình, tổ chức kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam (28/6).
Năm Gia đình Việt Nam 2013 là cơ hội để mỗi chúng ta, mỗi gia đình, mỗi cơ quan (trong đó có phụ nữ Trường Chính trị Bến Tre) rà soát lại công tác gia đình, củng cố, giữ gìn và phát huy những gia đình tiêu biểu và ngày càng nhân rộng để góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc nói chung và gia đình Việt Nam nói riêng cho sự phồn vinh của đất nước và giúp cho mỗi người, mỗi gia đình luôn luôn hạnh phúc. Cụ thể như sau:
- Một là, phụ nữ Trường Chính trị Bến Tre tham gia hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2013-2014.
- Hai là, tham gia tốt các phong trào thi đua của các sở ngành phát động với chủ đề “Gia đình hạnh phúc” hoặc Ngày Quốc tế hạnh phúc (20 tháng 3 năm 2014).
- Ba là, tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng gia đình 5 không 3 sạch do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai. Phong trào phụ nữ hai giỏi “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Công đoàn viên chức phát động hằng năm.
- Bốn là, tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về vai trò gia đình và làm thế nào để xây dựng, bảo vệ và gìn giữ gia đình luôn được hạnh phúc.
Tóm lại, trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt,, gia đình càng tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Để thực hiện theo lời Bác dạy và để phát huy truyền thống văn hóa gia đình, giữ gìn gia đình Việt Nam như một nền tảng quan trọng làm cho xã hội phát triển ổn định, hạnh phúc. Phụ nữ Trường Chính trị Bến Tre cùng quyết tâm thực hiện tốt các nội dung trên và luôn khẳng định công tác gia đình là hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng trong Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. /.
Nguyễn Thị Phượng
Phó Trưởng Phòng NCKH-TT-TL