Phụ nữ Bến Tre kế thừa và phát huy truyền thống, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam

Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn giữ một vị trí quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vai trò quan trọng của người phụ nữ đã được chứng minh trong suốt tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam, là nồng cốt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp gạo nuôi quân, chăm sóc, nuôi dưỡng thương, bệnh binh, nuôi giấu cán bộ, vận chuyển thương binh...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu... đã làm rạng danh truyền thống cách mạng phụ nữ Việt Nam. Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến to lớn, lập nên những chiến công hiển hách. Hình ảnh nữ tướng xứ Dừa: Nguyễn Thị Định sống làm tướng, chết thành thần, sự hy sinh của những người phụ nữ anh hùng, quả cảm như chị Nguyễn Thị Út, Đặng Thùy Trâm, 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc... là những hình ảnh đẹp, gan dạ, dũng cảm vì nước quên thân của người phụ nữ Việt Nam. Hàng vạn phụ nữ Việt Nam tích cực quyên góp, ủng hộ các cuộc vận động “hũ gạo cứu quốc”, “cứu trợ đồng bào lũ lụt”, “phong trào cứu đói”... Hình ảnh các bà mẹ lặng lẽ, hy sinh hạnh phúc cá nhân tiễn chồng, con, cháu của mình ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Với những hy sinh, cống hiến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đó là tinh thần anh dũng, bất khuất trong chiến đấu; trung hậu, đảm đang trong đời sống hàng ngày.

Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ  ngày nay càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị thế của mình, tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt chuẩn mực của người phụ nữ trong thời đại mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Phụ nữ tự tin là người phụ nữ tin tưởng vào năng lực bản thân, dám nghĩ, dám làm, tích cực học tập, sáng tạo trong lao động, tích cực rèn luyện kỹ năng sống. Người phụ nữ tự trọng là người biết coi trọng và giữ gìn phẩm chất, nhân cách của mình góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Trung hậu là trung thực, thẳng thắn, nhân ái, giàu lòng thương người, thể hiện cách sống đẹp của người phụ nữ. Đảm đang là phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay, là hình ảnh người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Người phụ nữ Việt Nam phải hội tụ đủ 04 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, nếu thiếu bất kỳ phẩm chất nào, người phụ nữ sẽ khó nắm bắt cơ hội hòa nhập vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; khó thực hiện tốt vai trò, thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm công dân trong xã hội.

Hòa chung với phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Bến Tre với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực, tạo dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, góp phần cho quê hương Đồng Khởi ngày thêm giàu đẹp, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh Bến Tre, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Phụ nữ Bến Tre tự tin, nỗ lực phấn đấu để dần khẳng định được vị thế trong xã hội. Hiện nay, trong hệ thống chính trị, nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp sở là 14/358 người chiếm tỷ lệ 3,91%; từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên là 78/358 người chiếm tỷ lệ 21,78%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chiếm 27.27% tăng 5.05% so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện chiếm 28.35% tăng 6.47%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân xã chiếm 25.55% tăng 5.59%. Điều đó cho thấy, phụ nữ Bến Tre ngày càng được tự tin phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của tỉnh. Trong kinh tế, phụ nữ cùng nhau thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao như mô hình trồng nấm, dệt thảm, thêu kết cườm, đan giỏ lục bình, se chỉ sơ dừa, dệt chiếu... góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Phụ nữ Bến Tre tự trọng góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, gắn kết trách nhiệm của từng cá nhân trong xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” bằng những việc làm thiết thực. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre đã triển khai, phổ biến đến nhân dân về truyền thống gia đình Việt Nam, những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể là các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em, kiến thức nuôi dạy con, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Qua đó, đã xây dựng được những gia đình chuẩn mực: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Phụ nữ Bến Tre trung hậu. Sự trung hậu được thể hiện qua việc vận động nhân dân tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, chú trọng các gia đình phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với các hình thức hỗ trợ như giúp nhau ngày công, con giống, cho vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, xây dựng gia đình phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới... đạt những kết quả thiết thực. Kết quả: Hội Liên hiệp phụ nữ Bến Tre duy trì, giải ngân quay vòng nguồn vốn với số tiền 17.254 tỷ đồng cho phụ nữ nghèo vay phát triển kinh tế; vận động 720 triệu đồng để trao học bổng cho 475 em học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học; vận động 15 tỷ đồng xây dựng 8 căn nhà tình nghĩa, 242 mái ấm tình thương, tặng 35.810 phần quà, 15 tấn gạo, 178 xe đạp, 40 xe lăn... cho các đối tượng chính sách, phụ nữ nghèo, người khuyết tật.

Phụ nữ Bến Tre đảm đang “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, họ biết cách sắp xếp công việc xã hội và gia đình một cách hợp lý thực hiện hài hòa cả 2 vai: việc nhà, việc nước, vừa tạo cơ hội phát triển cho bản thân vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình. Phong trào thi đua “hai giỏi” của phụ nữ được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cụ thể, phụ nữ Bến Tre phấn đấu thực hiện tốt công việc chuyên môn, tham gia các hoạt động phong trào như: Cuộc thi kể chuyện “Tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre, thi cắm hoa, hái hoa dân chủ, thi nấu ăn, thi bóng chuyền hơi nữ, cầu lông, tiếng hát công nhân viên chức,... Qua đó, trong công việc, phụ nữ luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao, gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong gia đình, phụ nữ thực hiện tốt phong trào kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3, phong trào nuôi con khỏe dạy con ngoan và giúp nhau làm kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức như giúp vốn, trợ vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn, Hội Liên hiệp phụ nữ phối hợp với các cấp các ngành tiếp tục tạo điều kiện để phụ nữ phát huy phẩm chất của mình trong gia đình và xã hội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Hiện nay, ở vùng nông thôn, vẫn còn trường hợp người chồng cấm cản vợ tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế; người phụ nữ luôn cho rằng mình là phái yếu, không gánh vác được việc xã hội. Do vậy, để phụ nữ tự tin phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội, tuyên truyền về bình đẳng giới là việc làm rất thiết thực và cần thiết. Tuyên truyền để tránh hiện tượng kỳ thị, coi thường, có hành vi bạo lực, thiếu tôn trọng phụ nữ. Tuyên truyền để phụ nữ  nhận thức đúng vị trí, vai trò của mình, nâng cao tính tự tin để cống hiến sức lực cho xã hội.

Thứ hai, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, trong xã hội vẫn còn nhiều định kiến cho rằng phụ nữ phải đảm nhận nhiều chức năng: Làm vợ, làm mẹ, chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái... Những công việc này đã vắt kiệt sức lực của người phụ nữ, họ không còn thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Vì vậy, xã hội cần đổi mới tư duy của người chồng và những người thân trong gia đình, quan tâm, chia sẻ, động viên nhiều hơn, tạo cơ hội cho phụ nữ học tập, phát triển.

Thứ ba, phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để kịp thời thích nghi với những thay đổi và làm chủ cuộc sống. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, phụ nữ chủ động tiếp cận các thành tựu khoa học cũng như những thay đổi trong thời kỳ mới, chủ động nâng cao hiệu quả công tác cũng như tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, phụ nữ luôn chủ động trong mọi tình huống, không chấp nhận số phận, hoàn cảnh mà phải biết nắm bắt cơ hội, phát huy tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Thứ tư, phụ nữ phát huy hơn nữa những lợi thế của mình: Cần cù, mềm mỏng, kiên trì, nhẫn nại, bao dung, độ lượng, khôn khéo, khi cần thiết thì đủ tỉnh táo, thông minh lựa chọn cách ứng xử sao cho đẹp lòng người, thuận ý mình ... góp phần hoàn thiện phẩm chất người phụ nữ trong gia đình và xã hội./.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo số 382/BC-UBND ngày 01/9/2020 của UBND tỉnh Bến Tre, Tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 515/QĐ-TTg  ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt  Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ,  công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.  

2. Báo cáo số 190/BC-BTV, ngày 30/12/2019 của Hôi Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre báo cáo kết quả hoạt động Hội và phong trào phụ nữ năm 2019.

ThS. Trần Thị Quỳnh Nghi
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh