“…Ầu ơ…gió mùa thu Mẹ ru con ngủ
Năm canh dài Mẹ thức đủ năm canh”.
Trải qua bao thế hệ người Việt Nam, trong mọi gia đình, nghèo cũng như giàu, cái nhịp đều đều của tiếng võng kẽo kẹt đong đưa vào những buổi trưa hè vắng lặng hay những đêm khuya yên tĩnh, quyện cùng lời ru…dịu dàng, thiết tha, ngọt ngào của bà, của mẹ, của chị hòa vào làm một trở thành điệu nhạc muôn đời của dân tộc từ Bắc chí Nam. Những câu hát ru với lời lẽ mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha như chính cuộc đời người phụ nữ Việt Nam. Đó là hình ảnh của những người mẹ hiền, dâu thảo, thủy chung son sắt, hy sinh cho chồng cho con, nhưng kiên cường, dũng cảm, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã trở thành một trong những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Ngược dòng lịch sử, hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam hiện lên như những ngọn lửa sáng, cháy hết mình cho những chiến công hiển hách của dân tộc. Từ thời đại Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến hôm nay, phụ nữ Việt Nam luôn giữ vị trí quan trọng trong quá trình hình thành cộng đồng dân tộc, trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước. Ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người phụ nữ đều hoàn thành nhiệm vụ với một sự bền bỉ, dẻo dai và lòng dũng cảm phi thường.
Trên đất nước nghìn năm máu chảy
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, biết bao bà mẹ đã không chỉ một lần gạt nước mắt tiễn chồng con ra trận, có những người chị ngã xuống khi tuổi đời mới 18, đôi mươi. Máu của các chị đã đổ cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hòa bình lập lại, người phụ nữ lại tích cực lao động sản xuất, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thời đại mới - thời đại đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu bước ngoặt cách mạng Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng đã đánh giá, chỉ rõ vai trò, khả năng cách mạng to lớn của phụ nữ ta. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Phụ nữ là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 Đảng đã nhận định: “Lực lượng phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được”. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ, đánh giá đúng vai trò phụ nữ và hơn thế nữa, Người đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải giải phóng phụ nữ và xác định giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng cho phụ nữ là một trong các mục tiêu của cách mạng “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng Chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[1]. Đây là tư tưởng vừa thể hiện sự kế thừa, vừa phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, mà phụ nữ là phần đông. Có phụ nữ tham gia thì cách mạng mới thành công, mặt khác, chỉ khi nào cách mạng thành công dân tộc được độc lập, giai cấp được giải phóng, thì phụ nữ mới được giải phóng.
Thực hiện lời dạy của Người, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế. Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII xác định:“Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ”[2].
Người phụ nữ hiện đại không chỉ đảm đương việc nhà, mà còn cống hiến tài năng cho xã hội. Họ không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng, những cán bộ có năng lực.Vai trò của người mẹ ngày càng trở nên quan trọng, vì không chỉ là người chăm sóc, mà phụ nữ hiện đại đã trở thành người dạy dỗ và định hướng cho con. Bên cạnh thiên chức làm mẹ, tình yêu của người mẹ, họ còn có thêm tri thức, hiểu biết xã hội, vì thế cơ hội dạy dỗ, chăm sóc con lớn hơn rất nhiều và có hiệu quả hơn rất nhiều.Bên cạnh người chồng biết chia sẻ gánh nặng gia đình và xã hội, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc thể hiện và khẳng định mình ngoài xã hội và trong gia đình.
Tiếp nối truyền thống“Đội quân tóc dài” trên quê hương Bến Tre Đồng khởi anh hùng. Phụ nữ Bến Tre hôm nay phấn đấu thực hiện đạt các chuẩn mực của người phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Hiện nay, phụ nữ Bến Tre chiếm trên 48% lực lượng lao động của tỉnh. Phụ nữ tỉnh nhà đã nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng chuỗi giá trị vật nuôi, cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tham gia ngày càng nhiều vào các chương trình phát triển ở từng địa phương góp phần tích cực thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh: Phụ nữ Bến Tre đã phát huy tinh thần lao động cần cù, thông minh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều phụ nữ đã vươn lên làm giàu bằng tư duy mới: tự chủ, độc lập, chính đáng. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều nữ doanh nhân giỏi, những gương điển hình được nhân rộng, phổ biến. Với sự nỗ lực không ngừng của phụ nữ Bến Tre mà nòng cốt là tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các chị đã có 16 đề tài, 271 sáng kiến trên các lĩnh vực quản lý, sản xuất, đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, có 74.344 chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong đó có 908 chị đạt danh hiệu cấp tỉnh; có trên 150 chị được tuyên dương “Tôi người thanh niên Đồng khởi mới”, trên 186.790 gia đình đạt danh hiệu xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” 5 năm liền [3]. Nhiều tấm gương tập thể, cá nhân được tôn vinh và vinh danh trong tổng kết các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” .
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Phụ nữ ngành giáo dục, y tế chiếm tỷ lệ cao trên 76,4%. Đã tích cực tham gia vào hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân và lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Điển hình là bác sĩ thầy thuốc nhân dân Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Bến Tre đã chủ nhiệm 10 đề tài khoa học. Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - giáo viên Trường THPT Chuyên Bến Tre được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đồng thời đông đảo chị em tham gia trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao được đánh giá cao.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền: Trong các phong trào hành động cách mạng và rèn luyện trong thực tiễn đã có 4.884 chị đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Có 100% huyện, thành phố giới thiệu cán bộ nữ đưa vào quy hoạch A1, A2. Kết quả Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tỷ lệ nữ đều tăng cả 3 cấp so nhiệm kỳ trước. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV càng hân hoan hơn khi một người con ưu tú đến từ xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm - đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân được nhân dân cả nước tin tưởng giao trọng trách. Bến Tre trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ có Phó Tổng Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy, hôm nay Bến Tre lại có một người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò đứng đầu cơ quan lập pháp của đất nước.
Trong quan hệ gia đình: Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Các chị luôn là điểm tựa, chia sẻ ngọt bùi với chồng trong mọi hoàn cảnh. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội và gia đình, bảo vệ gia đình khỏi những vấn đề tệ nạn xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào về sự tiến bộ của phụ nữ, song thực tế phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và nhiều trở ngại trên bước đường phấn đấu để đáp ứng yêu cầu của đất nước. Những gánh nặng trong gia đình, lo toan nuôi dạy con cái thường đè nặng lên vai người phụ nữ, trong khi họ vẫn phải đảm đương công việc lao động sản xuất như nam giới.
Xác định việc phát huy vai trò của phụ nữ hiện nay vừa cần thiết, vừa cấp bách và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn đối với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với tinh thần Đoàn kết - Năng động - Đổi mới - Phát triển, Đại hội xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Nhiệm vụ 1. Tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy truyền thống “Đội quân tóc dài”, xây dựng gia đình hạnh phúc
- Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường hoạt động tuyên truyền miệng tại chi, tổ Hội.
- Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát huy truyền thống “Đội quân tóc dài”
- Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững
Nhiệm vụ 2. Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường
- Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững
- Tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ 3. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội
- Nâng cao chất lượng hoạt động Hội cơ sở, tăng cường đào tạo,bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội từ tỉnh đến cơ sở
- Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế.
Đồng thời Đại hội phát động phong trào thi đua “Phụ nữ Bến Tre tự tin khởi nghiệp, làm giàu thoát nghèo bền vững”, cuộc vận động “Phụ nữ Bến Tre đảm đang, xây dựng gia đình hạnh phúc” và thực hiện khâu đột phá.
Về phong trào thi đua “Phụ nữ Bến Tre tự tin khởi nghiệp, làm giàu thoát nghèo bền vững”. Phải nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện hiệu quả chương trình, “Chắp cánh phụ nữ Bến Tre khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, làm giàu thoát nghèo bền vững”
Cuộc vận động “Phụ nữ Bến Tre đảm đang, xây dựng gia đình hạnh phúc”gắn với hai cuộc vận động “Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Tham gia thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, hoàn thành phương hướng, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ IX đã đề ra. Trường Chính trị Bến Tre triển khai xây dựng kế hoạch số: 341/KH-TCT thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức của Trường Chính trị Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020. Và kế hoạch số: 342/ KH-TCT hành động về phòng, chống bạo lực gia đình của Trường Chính trị Bến Tre đến năm 2020.
Nhằm mục đích giảm sự chênh lệch về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đồng thời góp phần xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà trường giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ, trẻ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phó trưởng phòng - khoa trở lên có trình độ từ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trở lên, trong đó có ít nhất: 30% trình độ cao cấp chính trị, 52% trình độ sau đại học, có 65% trình độ đại học chuyên ngành và 60% được bồi dưỡng về quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng - an ninh, kỹ năng quản lý điều hành, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp.
Phụ nữ Trường Chính trị tỉnh Bến Tre nói riêng, phụ nữ tỉnh Bến Tre nói chung luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ phụ nữ đi trước, hưởng ứng thực hiện có hiệu quả các cuộc phát động của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các cấp Hội bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, không ngừng hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực học tập, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.
______________________________________
[1] Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb.Phụ nữ, H.1970, tr.33.
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.163.
[3] Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre khóa VIII trình Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Bến Tre khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Nguyễn Trần Phương Hiền
Giảng viên tập sự
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh