Trong hành trình phát triển của dân tộc, tri thức luôn là nền tảng để con người vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ vận mệnh đất nước. Hơn 75 năm trước, phong trào “Bình dân học vụ” - một chiến dịch xóa nạn mù chữ quy mô lớn, khai sáng cho hàng triệu người dân Việt Nam, thể hiện khát vọng mãnh liệt về một xã hội tiến bộ, công bằng. Ngày nay, trước làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, một phong trào mới đang được hình thành - “Bình dân học vụ số” - với sứ mệnh xóa mù công nghệ, đưa tri thức số đến từng người dân, từng xóm làng, từng khu phố. Trong sứ mệnh mới này, các Tổ công nghệ số cộng đồng đóng vai trò then chốt, là cầu nối giữa cộng nghệ hiện đại với đời sống người dân, góp phần lan tỏa lợi ích của chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân.
1. Từ “Bình dân học vụ” truyền thống đến “Bình dân học vụ” thời đại số
Phong trào “Bình dân học vụ” là một trong những chiến dịch mang đậm tinh thần cách mạng, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát động ngay sau ngày giành độc lập. Mục tiêu của phong trào là xóa nạn mù chữ trong toàn dân, coi đó là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của quốc gia non trẻ. Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 95% dân số mù chữ [1] …Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” [2]. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Người, Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh: Sắc lệnh 17/SL (8/9/1945) thành lập Nha bình dân học vụ và mở khoá huấn luyện đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh; Sắc lệnh 19/SL yêu cầu mọi làng phải có lớp học bình dân và Sắc lệnh 20/SL quy định cưỡng bức học chữ quốc ngữ miễn phí cho toàn dân. Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Các lớp học bình dân được mở khắp nơi: trong nhà dân, đình chùa, miếu mạo; chỉ cần mấy chiếc ghế, bàn gỗ hoặc tấm phản là có thể trở thành lớp học. Nhưng vật dụng dân dã như nong, nia, mẹt, phên tre cũng được tận dụng để ghi chữ, giúp người dân học tập mọi lúc, mọi nơi. Với tinh thần “toàn dân học chữ”, phong trào đã góp phần nâng cao dân trí, thống nhất lòng dân, tạo nền tảng xây dựng và thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Đó cũng là sự cụ thể hóa lý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả đời tôi, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, dân tộc tôi được độc lập, đồng bào tôi ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành” [3].
Bước vào thế kỷ XXI, đất nước đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực cốt lõi. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cần được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ và lâu dài. Tuy nhiên, yếu tố then chốt quyết định thành công của công cuộc này chính là con người - cụ thể là việc phổ cập kiến thức và kỹ năng số đến toàn dân. Từ tinh thần đó, phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động - như một bước phát triển mới, đầy tính nhân văn của phong trào “Bình dân học vụ” truyền thống. Nếu như trước kia, "giặc dốt" là mù chữ, thì ngày nay, "giặc mới" là sự thiếu hụt kỹ năng số, thiếu khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin trong đời sống hàng ngày. Phong trào “Bình dân học vụ số” mục tiêu phổ cập kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình số hóa quốc gia. Mọi người dân, bất kể độ tuổi, trình độ hay nghề nghiệp, đều có quyền và cơ hội được tiếp cận tri thức, kỹ năng số thiết yếu để vận dụng vào đời sống hàng ngày; từ đó chủ động nắm bắt, khai thác và thụ hưởng những thành quả mà khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mang lại. Phong trào này không chỉ là sự tiếp nối truyền thống cách mạng xóa mù chữ, mà còn là sự thích ứng sáng tạo với thời đại, thể hiện rõ khát vọng đưa dân tộc vững bước trên con đường phát triển bền vững, độc lập và tự cường trong kỷ nguyên số.
2. Vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong “Bình dân học vụ số”
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW ngày 21/3/2025, nhằm triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên phạm vi toàn quốc. Đây là phong trào có ý nghĩa chiến lược, phản ánh quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận công nghệ số cho mọi người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi đang còn nhiều khoảng cách về hạ tầng, kỹ năng và nhận thức số.
Phong trào “Bình dân học vụ số” là sự tiếp nối tinh thần khai sáng từ phong trào "Bình dân học vụ" trong kháng chiến - khi người dân học chữ để thoát khỏi nạn mù chữ - mở đường cho tự do tư tưởng và phát triển cá nhân. Ngày nay, khái niệm “mù công nghệ” trở thành rào cản mới trong quá trình hội nhập và phát triển. Học vụ số được hiểu là việc phổ cập kiến thức công nghệ và kỹ năng số - nơi các hoạt động kinh tế, hành chính và xã hội được kết nối, tương tác và sáng tạo liên tục trên nền tảng số. Trong tiến trình đó, Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng giữ vai trò then chốt, giúp phong trào “Bình dân học vụ số” thực sự đi vào đời sống người dân. Các tổ này được thành lập từ các thành viên là cán bộ đoàn thể, cán bộ xã/phường, đoàn viên thanh niên và người dân có hiểu biết về công nghệ. Họ là những người trực tiếp hỗ trợ cộng đồng tiếp cận với các ứng dụng thiết thực như: cài đặt và sử dụng ứng dụng VneID, thanh toán điện tự, đăng ký khám bệnh trực tuyến, đăng ký hộ tịch điện tử, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử…
Tại Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 1.111 tổ công nghệ số cộng đồng (huyện, xã) và 945 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp khu phố/ấp với tổng số 10.195 thành viên tích cực hoạt động. Trong Quý I/2025, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã tổ chức chiến dịch ra quân “đi từng ngõ, gõ từng nhà” - mô hình tiếp cận mang tính nhân văn và hiệu quả, giúp xóa đi rào cản tâm lý và tiếp cận công nghệ một cách gần gũi, dễ hiểu. Các buổi hướng dẫn không chỉ truyền đạt kiến thức công nghệ mà còn lồng ghép các kỹ năng số: phòng chống tin giả, lừa đảo trực tuyến, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ứng xử văn minh trên không gian mạng. Điều quan trọng là các Tổ công nghệ số cộng đồng đã tạo một hệ sinh thái học tập tại chỗ-nơi mỗi người dân đều có thể trở thành người học, đồng thời là người hỗ trợ lẫn nhau. Không dừng lạiở vai trò phổ cập, các Tổ công nghệ số cộng đồng còn đóng vai trò phát hiện, nuôi dưỡng và lan tỏa các mô hình tốt, sáng kiến chuyển đổi số phù hợp với điều kiện địa phương. Nhờ vậy, Tổ công nghệ số cộng đồng không chỉ là cầu nối giữa công nghệ với người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và bền vững từ cơ sở.
3. Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, nâng cao hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số”
Để phong trào “Bình dân học vụ số” thật sự lan tỏa sâu rộng, đến đúng đối tượng và đạt hiệu quả bền vững, cần tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng - lực lượng then chốt đưa tri thức số đến từng người dân; tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, củng cố tổ chức, kiện toàn nhân sự của các Tổ công nghệ số cộng đồng
Để nâng cao chất lượng và tính bền vững trong hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, việc kiện toàn tổ chức, nhân sự cần gắn liền với việc bổ sung các thành viên đến từ doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đang hoạt động trên địa bàn. Đây là lực lượng có chuyên môn sâu về hạ tầng số, công nghệ thanh toán, và dịch vụ công trực tuyến - những lĩnh vực thiết yếu trong quá trình chuyển đổi số cơ sở. Việc tham gia của họ không chỉ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, mà còn giúp duy trì hoạt động của tổ được thường xuyên, hiệu quả hơn và phù hợp với thực tiễn địa phương. Đặc biệt, trong các hoạt động thiết thực như hướng dẫn người dân mở ví điện tử, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sự đồng hành của các đơn vị bưu chính, viễn thông sẽ tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, đa chiều, giúp người dân không chỉ biết mà còn dám làm và làm được.
Thứ hai, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng
Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho các thành viên là giải pháp thiết yếu. Chủ thể chủ yếu thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng là các cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp công nghệ, bưu chính, viễn thông cùng với các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành. Các buổi tập huấn sẽ tập trung vào nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số, công nghệ thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, cũng như quản lý, bảo mật thông tin cá nhân trong môi trường số. Bên cạnh đó, các thành viên sẽ được trang bị kỹ năng truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số một cách dễ hiểu và hiệu quả. Các hình thức tập huấn bao gồm các buổi đào tạo trực tiếp tại cộng đồng, khóa học trực tuyến, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tổ chức các buổi huấn luyện thực hành để các thành viên nắm vững kiến thức và có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn công việc.
Thứ ba, đa dạng hóa hình thức triển khai và phù hợp hóa nội dung theo từng nhóm dân cư
Để phong trào “Bình dân học vụ số” đạt hiệu quả cao và tiếp cận được đông đảo người dân, việc đa dạng hóa hình thức triển khai và phù hợp hóa nội dung theo từng nhóm dân cư là một giải pháp quan trọng. Các hình thức triển khai cần linh hoạt, bao gồm các kênh truyền thông quen thuộc với cộng đồng, như: loa phát thanh, tờ rơi, sinh hoạt cộng đồng, hay video hướng dẫn, các buổi chia sẻ, tọa đàm online và hướng dẫn qua các ứng dụng di động để người dân có thể học mọi lúc, mọi nơi. Nội dung đào tạo cũng cần được tùy chỉnh theo đặc thù của từng nhóm đối tượng, như người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật, hay những người sống ở vùng sâu, vùng xa. Ví dụ, đối với người cao tuổi, nội dung có thể tập trung vào các kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, thanh toán qua ví điện tử một cách đơn giản; đối với thanh niên, có thể hướng đến các kỹ năng số nâng cao như lập trình cơ bản, ứng dụng công nghệ trong công việc và học tập. Đặc biệt, cần tăng cường hình thức hướng dẫn qua các kênh truyền thông quen thuộc với cộng đồng, để mọi người đều có thể tiếp cận thông tin một cách thuận tiện và dễ hiểu. Việc kết hợp linh hoạt hình thức và nội dung phù hợp sẽ giúp phong trào đạt được hiệu quả đồng đều, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.
Thứ tư, Tăng cường ứng dụng mô hình “Cầm tay chỉ việc - Học đi đôi với hành”
Mô hình “Cầm tay chỉ việc - Học đi đôi với hành” là cách tiếp cận gần gũi, phù hợp với trình độ và tâm lý của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, người ít tiếp xúc với công nghệ. Thay vì truyền đạt lý thuyết khô khan, các Tổ công nghệ số cộng đồng cần tổ chức các buổi hướng dẫn trực tiếp tại nhà dân, nhà văn hóa cộng đồng hoặc điểm sinh hoạt tổ dân phố, với nội dung gắn liền với các nhu cầu thực tế như: cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, đăng ký khám chữa bệnh từ xa, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán hóa đơn điện nước qua điện thoại… Qua đó, người dân không chỉ “biết” mà còn “làm được”, hình thành thói quen sử dụng công nghệ trong đời sống thường ngày. Mô hình này không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách số mà còn tạo dựng niềm tin, sự hào hứng và chủ động học hỏi của người dân - yếu tố nền tảng để chuyển đổi số diễn ra thực chất và bền vững ngay từ cấp cơ sở.
Thứ năm, phát triển mạng lưới kết nối - lan tỏa hiệu quả chuyển đổi số trong cộng đồng
Các Tổ công nghệ số cộng đồng không nên hoạt động đơn lẻ, mà cần được kết nối với các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất… nhằm hình thành một mạng lưới hỗ trợ, chia sẻ và lan tỏa kiến thức công nghệ trong đời sống thực tiễn. Thông qua việc phối hợp này, các mô hình ứng dụng công nghệ như “nông dân số”, “tiểu thương số”, “phụ nữ khởi nghiệp số” có thể được triển khai hiệu quả hơn, giúp người dân thấy rõ lợi ích thiết thực của chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý đời sống. Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, tọa đàm, hội thi về kỹ năng số trong mạng lưới cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự học hỏi lẫn nhau giữa các nhóm đối tượng, qua đó tạo nên một hệ sinh thái số năng động, linh hoạt, phát triển từ cơ sở. Đây chính là hướng đi chiến lược để phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ dừng lại ở phổ cập kiến thức, mà còn thực sự góp phần nâng cao chất lượng sống và năng lực số cho toàn dân.
Tóm lại, phong trào “Bình dân học vụ số” chính là sự tiếp nối mạnh mẽ và sáng tạo tinh thần "toàn dân học chữ" ngày trước, chuyển hóa thành "toàn dân làm chủ công nghệ" trong kỷ nguyên số. Việc phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, cùng với các giải pháp đồng bộ, linh hoạt và nhân văn sẽ là chìa khóa để phong trào lan tỏa sâu rộng, hiệu quả, bền vững. Mỗi người dân, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, sống ở thành thị hay vùng sâu vùng xa, đều có thể trở thành công dân số - chủ động, sáng tạo, an toàn trong thế giới kết nối. Đó không chỉ là mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia, mà còn là sự cụ thể hóa sinh động khát vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gửi gắm: “Ai cũng được học hành”, không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, hiện đại, nhân văn.
Tài liệu tham khảo
[1]. Phong trào Bình dân học vụ (1945-1946); https://tapchilichsudang.vn/phong-trao-binh-dan-hoc-vu-1945-1946.html
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.4, tr.7.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, T 4, Tr.187.