Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc”, “Cây có vững, gốc mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” và Người cũng rất tâm đắc câu nói dân gian: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Theo quan điểm của Người, biểu hiện trước hết của dân là gốc là phải tin ở dân, gần gũi dân và biết dựa vào dân. Thứ hai là phải thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, “làm cho dân có cái ăn, làm cho dân có cái mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành”; việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng phải làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng phải tránh. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “ Cách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải việc một hai người”, “sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”, “công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”, dân phải được nâng cao trình độ để xứng đáng là người làm chủ.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”, quan điểm của Đảng ta ngày càng hoàn thiện hơn và tập trung khẳng định chân lý bất di bất dịch - “dân là gốc”. Trong Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Đảng ta xác định rõ mục tiêu: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đặc biệt, tại Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, một trong những bài học quí báu của 30 năm đổi mới, Đảng ta tổng kết: “ Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc”. Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết quan điểm “dân là gốc” luôn được chú trọng và càng trở nên ý nghĩa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới nhằm đưa nông thôn nước ta phát triển toàn diện và tiến tới đích cuối là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Chương trình MTQG đã xoáy sâu vào vai trò chủ thể của người dân. Nhận thức được vấn đề này, từ những ngày đầu xây dựng nông thôn mới (năm 2011), cả hệ thống chính trị xã Hữu Định, huyện Châu Thành tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và cách tiến hành sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như phát động phong trào thi đua, mở các cuộc tọa đàm, dựng pano, băng- rol, phát thanh trên đài phát thanh xã, ấp, bản tin của Ban Tuyên giáo xã, lồng ghép vào hoạt động của các ngành, đoàn thể chính trị – xã hội với các mô hình “5 không, 3 sạch”, mô hình 70 triệu đồng/ha/năm, mô hình “5 + 1”, mô hình vườn xanh, sạch đẹp, ấp kiểu mẫu, tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu… với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, “đến tận ngõ, gõ tận cửa”, “nghe thực tế, thấy thực tế, làm thực tế”. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, kết hợp biểu dương khen thưởng kịp thời đối với cá nhân, tập thể gắn với các danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Tuổi cao gương sáng”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, ấp, tổ kiểu mẫu…
Hiểu được phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, nhân dân đã phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới và tích cực tự nguyện đóng góp tiền mặt, tháo dỡ tường rào, công trình kiến trúc, hiến đất, ngày công lao động để làm đường giao thông, mở rộng kênh thủy lợi nội đồng, tham gia các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng cây, trồng hoa các tuyến đường tạo vẻ mỹ quan. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 155.952,33 triệu đồng, trong đó vận động mạnh thường quân là 3.946 triệu đồng, chiếm 2,53%; vốn doanh nghiệp trên địa bàn là 2.990 triệu (1,92%); nhân dân đóng góp là 68.633,6 triệu đồng (44%). Với tỉ lệ do nhân dân đóng góp 44% trong tổng vốn đầu tư toàn xã xây dựng nông thôn mới, thể hiện sự thành công lớn trong việc huy động sức dân. Hữu Định xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, 3/19 tiêu chí, nhưng nhờ vào sự đồng thuận và góp sức của nhân dân, xã nhà đã từng ngày thay da đổi thịt và được công nhận xã nông thôn mới cuối năm 2014.
Hữu Định ngày nay như khoác lên mình một chiếc áo mới. Kết cấu hạ tầng giao thông được hoàn thiện, đường làng, ngõ xóm mở rộng, pêtông hóa thông thoáng, sạch đẹp, đời sống của nhân dân được nâng lên. Tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 33,15 triệu đồng/người/năm, so với 2011, tăng 2,2 lần; theo số liệu thống kê đầu năm 2016, toàn xã còn 64 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 2,73%; giảm 6,03 % so với năm 2011, đây là kết quả phấn khởi đáng ghi nhận.
Hữu Định xây dựng thành công xã nông thôn mới là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Xây dựng được danh hiệu xã nông thôn mới là do dân, để giữ vững danh hiệu này cũng phụ thuộc rất lớn vào vai trò của nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn nâng chất xã nông thôn mới, nhằm tiếp tục phát huy sức dân cần tập trung một số giải pháp sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong nâng chất xã nông thôn mới; tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với thành tích đã đạt được.
- Phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, huy động đoàn viên, hội viên thành lực lượng nòng cốt tạo cơ sở tập hợp quần chúng, kiên trì tập hợp lực lượng dần dần, từ ít tới nhiều với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, không nóng vội, làm thay.
- Cần xác định rõ phần việc thuộc về nhân dân để vận động nhân dân cam kết thực hiện (trồng hoa, hàng rào cây xanh hoặc kiên cố, dọn kênh mương thông thoáng, đường đal vào nhà, cột cờ tuýp sắt, xử lý rác, hố xí hợp vệ sinh, sử dụng điện an toàn, ánh sáng an ninh, ý thức đề cao cảnh giác…). Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cam kết, kịp thời động viên nhắc nhở để gìn giữ, duy trì và nâng chất những kết quả đã đạt được.
- Huy động sức dân đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Chú trọng lực lượng hạt nhân: người dân có uy tín cao, cán bộ lão thành cách mạng, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, chức sắc tôn giáo.
- Tập trung củng cố, nâng chất tổ nhân dân tự quản (NDTQ), nhất là các tổ hoạt động chưa tốt và xem đây là chìa khóa vàng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân xã đối với đảng viên, cán bộ, đại biểu Hội đồng nhân dân được phân công dự họp tổ NDTQ. Đổi mới sinh hoạt với nhiều nội dung, hình thức phong phú, lồng ghép chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn, giữ gìn tình làng nghĩa xóm…
- Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng cây, con giống, hình thành nhiều tổ hợp tác, hướng tới thành lập hợp tác xã, chú trọng liên kết “4 nhà”, tranh thủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quan tâm sản phẩm đầu ra tạo sự ổn định cho nông dân an tâm sản xuất.
- Xây dựng kế hoạch nâng chất xã nông thôn mới. Rà soát và tiếp tục hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới.
- Tiến tới công tác xóa nghèo bền vững trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể của từng đoàn thể, có kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và đánh giá kết quả.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của các trụ sở ấp văn hóa. Xây dựng lực lượng hạt nhân để thúc đẩy hoạt động của phong trào như: đánh bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh, đi bộ, đờn ca tài tử…
- Công cuộc xây dựng nông thôn mới thật sự thành công, bền vững và đi vào chiều sâu cần phải dựa vào sức dân, xác định “dân vừa là động lực vừa là mục tiêu của xây dựng nông thôn mới”. Có dân là có tất cả. Xây dựng nông thôn mới đã khó, giữ vững danh hiệu lại càng khó hơn, vì vậy, cần phải thực hiện lời Bác dạy: vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một ai, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những việc nên làm, những công việc mà Đảng và Nhà nước giao cho./.
Nguyễn Thị Nga
Trường Chính trị Bến Tre