Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, Đảng và Bác Hồ luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của cách mạng. Trong bài báo Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo việc gì cũng thành công”[1]. Đây là bài học kinh nghiệm, là đường lối chiến lược xuyên suốt góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Những thành tựu của hơn 35 năm đổi mới tiếp tục khẳng định sâu sắc tư tưởng “lấy dân làm gốc”, nhiều văn bản của Đảng nhấn mạnh vai trò của Nhân dân và công tác dân vận. Qua đó, công tác dân vận luôn được Đảng ta xem là một trong những nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng nhằm củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2009, trên cơ sở tổng kết thực tiễn các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng, tiếp tục mở rộng hình thức vận động quần chúng nhân dân, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Ðảng. Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước bằng Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26/02/2009 về việc tổ chức phong trào thi đua này giai đoạn 2009-2010 và Hướng dẫn số 151-HD/BDVTW ngày 27/4/2009 về tiêu chí cơ bản đánh giá điển hình “Dân vận khéo”.
Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở tỉnh Bến Tre tiếp tục được các cấp ủy đảng xác định là nội dung quan trọng, thiết thực để nâng cao chất lượng công tác dân vận, là phương thức quan trọng để tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã hướng vào việc mới, việc khó như: thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; công tác giảm nghèo bền vững; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; khuyến học, khuyến tài; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; xây dựng tổ chức trong hệ thống chính trị…; đồng thời gắn với quán triệt tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương để tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện mô hình dân vận khéo như: Kế hoạch số 20-KH/BDVTU ngày 20/4/2021 về tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình Dân vận khéo cấp tỉnh; Công văn số 571-CV/BDVTU, ngày 07/3/2023 về tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện mô hình dân vận khéo.
Kết quả, năm 2023 đã công nhận 146/156 mô hình đề nghị thẩm định, công nhận “Dân vận khéo” cấp tỉnh, trong đó 98 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội; 45 mô hình thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, dân vận chính quyền; 03 mô hình thuộc lĩnh vực tôn giáo. Bên cạnh đó, khen thưởng 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dân vận khéo năm 2023. Qua đó, theo nội dung Kế hoạch số 20-KH/BDVTU của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” các huyện, thành phố đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo ngày càng thực chất, hiệu quả bằng việc chọn các mô hình để nhân rộng (chọn 35 mô hình nhân rộng cấp tỉnh; 107 mô hình nhân rộng cấp huyện, thành phố). Thông qua việc nhân rộng mô hình đã có tác động chiều sâu đến công tác vận động cụ thể đối với từng công trình, phần việc mà các địa phương, đơn vị đang quan tâm; góp phần tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu chung vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Bằng những nỗ lực và kết quả đạt được, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại Bến Tre đã có những tác động tích cực trên các mặt phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện, phong trào cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định như: Một số cấp ủy đảng vẫn chưa chú trọng tổ chức thực hiện thường xuyên; việc xây dựng các mô hình dân vận khéo chưa đồng đều trên các lĩnh vực, chất lượng hiệu quả của một số mô hình “Dân vận khéo” còn thấp, chưa có sức lan tỏa; công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào chưa có sức hấp dẫn đối với nhiều đối tượng trong xã hội; một số địa phương, đơn vị ít quan tâm đến kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện; một số mô hình được xây dựng nhưng tính bền vững chưa cao, mang tính “trình diễn”; nội dung mô hình chưa có nhiều đổi mới, chưa tập trung lựa chọn những vấn đề khó, bức xúc trong Nhân dân; nhiều mô hình được công nhận mang lại hiệu quả thiết thực nhưng chưa được duy trì, nâng cao chất lượng thực hiện và chưa có giải pháp nhân rộng ở nhiều địa phương khác…
Thời gian tới, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tiếp tục được triển khai toàn diện, rộng khắp, hiệu quả, thiết nghĩ các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận và dân vận khéo. Mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị là một cán bộ làm công tác dân vận một cách tích cực, hiệu quả.
Hai là, từng ngành, địa phương rà soát triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trọng tâm là Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 23/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần nắm chắc các yêu cầu theo Hướng dẫn số 01-HD/BCĐ, ngày 27/5/2022 của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” về nội dung, tiêu chí, hồ sơ trong việc xây dựng và kiểm tra, công nhận mô hình, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời nắm và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo.
Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân tại địa phương, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại và giải quyết những phản ánh, kiến nghị chính đáng của Nhân dân ngay từ cơ sở; quan tâm xử lý dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân. Triển khai thực hiện đúng quy trình dân chủ trong công tác dân vận, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân khi triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, địa phương.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động hướng mạnh về cơ sở, gần dân, sát dân, tập trung Dân vận khéo trong việc phát huy ý tưởng, phương thức tạo ra sức mạnh tổng hợp, huy động sự tham gia của Nhân dân thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung vận động thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận động Nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, bám sát đầu tư cộng đồng, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.
Năm là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa phong trào thi đua dân vận khéo để việc xây dựng các mô hình, điển hình dân vận khéo có chất lượng hơn, mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa rộng khắp và đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề nóng, các vấn đề bức xúc tại đơn vị và trên địa bàn dân cư. Phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Bến Tre tiếp tục xây dựng và phát sóng chuyên mục “Dân vận khéo”.
Trường Chính trị tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, lồng ghép những nội dung của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,… vào những nội dung liên quan đến nghiên cứu và chương trình giảng dạy, đặc biệt là ở các chuyên đề thuộc học phần xây dựng Đảng; đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; quản lý hành chính nhà nước,… Đồng thời lan tỏa những kết quả đạt được lẫn những khó khăn, hạn chế của phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị để học viên có thể nghiên cứu, rút kinh nghiệm và vận dụng những kết quả đạt được trong quá trình công tác tại địa phương, đơn vị.
Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào và các gương điển hình dân vận khéo. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình dân vận khéo để động viên, cổ vũ phong trào; tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị, không để các điển hình được tuyên dương trở nên “khép kín”, giới hạn trong phạm vi một địa phương hoặc một đơn vị. Các điển hình “Dân vận khéo” được tuyên dương tiếp tục phát huy tốt hơn, nâng chất lượng mô hình để lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở tỉnh Bến Tre đã trở thành điểm nhấn thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân, là cơ sở góp phần thành công của mọi phong trào. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần vào việc xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các đơn vị tiếp tục phát huy những hiệu quả từ phong trào thi đua “Dân vận khéo để công tác dân vận của Đảng nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung ngày càng thực chất và có hiệu quả./.
=================
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, tập 6, tr.234.