Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 18:23

Ý nghĩa phương châm Đại hội X Đảng bộ tỉnh và việc cụ thể hóa thực hiện tại Trường Chính trị Bến Tre

Thạc sĩ Nguyễn Trúc Hạnh
Tỉnh ủy viên, Hiệu Trưởng Trường Chính trị

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X đã đề ra phương châm 10 chữ: “Dân chủ, Kỷ cương, Đoàn kết, Năng động, Đổi mới”. Đây không chỉ là tư tưởng chỉ đạo trong suốt tiến trình diễn ra Đại hội mà còn là tư tưởng định hướng cho hành động của toàn Đảng, toàn dân và quân ta, nhằm nâng cao quyết tâm chính trị, đồng sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Việc lựa chọn, đề ra phương châm Đại hội với 5 nội dung được sắp xếp theo thứ tự “Dân chủ, Kỷ cương, Đoàn kết, Năng động, Đổi mới” vừa thể hiện tính lô-gic về mặt lý luận, vừa phù hợp với yêu cầu thực tế tình hình tỉnh Bến Tre hiện nay. Không những thế, phương châm ấy rất sát với yêu cầu của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Bến Tre.

Về phương diện lý thuyết, dân chủ thực sự là điều kiện để mọi người có thể đề đạt chính kiến, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời những ý kiến ấy được tôn trọng, lắng nghe. Mục đích của dân chủ là tạo sự thống nhất, đồng lòng, phát huy sức mạnh của tập thể. Song, dân chủ chỉ thể hiện đầy đủ giá trị và ý nghĩa của nó khi đặt trong khuôn khổ của những nguyên tắc, quy định, gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Thực chất, đây là mối quan hệ không tách rời giữa dân chủ với tập trung, giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; là sự kết hợp hài hòa giữa ý kiến tập thể với bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu - phải dám nghĩ, dám quyết, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Có như thế mới không dẫn đến tình trạng dân chủ quá trớn, dân chủ vô chính phủ.  

Khi dân chủ gắn với kỷ cương sẽ là cơ sở của sự đoàn kết, thống nhất, hài hòa các mối quan hệ lợi ích, tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích chung của tập thể và xây dựng môi trường làm việc thoải mái, chân tình và hiệu quả. Trong môi trường đó, từng cá nhân mong muốn được cống hiến, phát huy hết khả năng của mình và được ghi nhận, đánh giá một cách công tâm, khách quan. Từ đó, tạo nên sự năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.

Về mặt thực tiễn, trong những năm qua, với sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre, công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến. Xét về tiêu chí, Bến Tre hiện nay đã thoát khỏi tỉnh nghèo trở thành tỉnh có thu nhập trung bình. Song, trên thực tế Bến Tre vẫn chưa thoát hết nghèo khó, kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, sức cạnh tranh yếu, hội nhập thấp, thu ngân sách chỉ vừa đủ chi cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, còn phụ thuộc vào sự trợ cấp của Trung ương. Vì thế, nguồn lực đầu tư phát triển rất hạn chế. Cùng với đó, trước sự tác động và ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn hiện nay, Bến Tre càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, sự tụt hậu về kinh tế không còn là nguy cơ mà đã và đang trở thành thách thức hiển hiện đối với Bến Tre trong giai đoạn hiện nay.

Xuất phát từ thực trạng đó, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre càng phải nâng cao quyết tâm chính trị; quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt phương châm Đại hội “Dân chủ, Kỷ cương, Đoàn kết, Năng động, Đổi mới” với tinh thần “Đồng khởi mới” để xây dựng Đảng bộ Bến Tre thật trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, nâng mức sống người dân ngang bằng với mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ nhất, thực hiện “Dân chủ” là để phát huy tinh thần Đồng khởi, vì ý nghĩa của cuộc Đồng khởi năm xưa chính là phát huy sức dân, tạo nên sự đồng lòng, đồng loạt, ý chí và sức mạnh tổng hợp của toàn dân để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp dã man của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Trong điều kiện hiện nay, với tinh thần Đồng khởi mới, Bến Tre quyết tâm tạo nên phong trào đồng khởi khởi nghiệp tại quê hương, huy động mọi nguồn lực trong dân, đưa tỉnh nhà thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân đúng theo tư tưởng chỉ đạo của chủ đề Đại hội.

Thứ hai, có dân chủ rồi phải xác lập cho được “Kỷ cương”, kỷ luật nghiêm minh để tránh sai phạm trong hành động. Nguyên tắc này cần được quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm trong cả hệ thống chính trị, cấp càng cao càng phải kỷ cương. Như thế, vừa thể hiện tính răn đe trong nội bộ vừa nêu gương cho xã hội, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ Bến Tre trong sạch, vững mạnh; nâng cao uy tín đội ngũ cán bộ, đảng viên và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới”.

Thứ ba, dân chủ thực sự gắn với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương nhất định sẽ tạo nên sự thống nhất, đồng lòng, sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm giữa các cá nhân, tổ chức, đây chính là cơ sở của “Đoàn kết”. Có đoàn kết thì tính thống nhất càng cao và càng thống nhất thì tinh thần đoàn kết càng thêm bền chặt. Đoàn kết, trước hết từ trong nội bộ, đặt lợi ích tập thể lên trên, lên trước, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của tỉnh nhà.

Thứ tư, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết là động lực tạo nên tính “Năng động”, sáng tạo của con người. Đây cũng chính là một trong những yếu tố làm nên thắng lợi của cuộc Đồng khởi năm 1960. Hiện nay, trước những khó khăn, thách thức của tỉnh nhà, từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các ngành, các cấp phải trách nhiệm hơn nữa với quê hương, sự năng động, sáng tạo của mỗi người càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nếu không năng động thì chúng ta không thể thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thậm chí tụt hậu xa hơn so với các tỉnh bạn.

Thứ năm, Nếu tất cả các cấp, các ngành đều năng động trong thực hiện nhiệm vụ của mình thì sẽ tạo nên sự “Đổi mới” đồng bộ, nhất là trong điều kiện hội nhập hiện nay, năng động, đổi mới chính là động lực cho sự phát triển. Đây là mục tiêu bao trùm nhất mà Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã đề ra.   

Với ý nghĩa về lý luận và thực tiễn của phương châm Đại hội, Trường Chính trị Bến Tre đã tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quán triệt sâu sắc phương châm cùng với những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện với những đầu việc cụ thể, tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Trường xác định lựa chọn 3 nội dung triển khai thực hiện ngay từ năm 2016 để xây dựng nội bộ thật sự “Dân chủ, Kỷ cương, Đoàn kết”. Đây là cơ sở quyết định cho lộ trình tiếp theo: nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, giảng viên, loại bỏ sức ỳ, xây dựng tư tưởng tiến công, tính “Năng động, Đổi mới”, sáng tạo đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trước hết, về nhiệm vụ xây dựng Đảng, Trường Chính trị quan tâm thực hiện đồng bộ các mặt: xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Căn cứ vào những hạn chế, khuyết điểm trên từng lĩnh vực để đề ra nhiệm vụ cụ thể cho phù hợp.

Đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, xuất phát chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị, từ trình độ nhận thức không đồng đều của đội ngũ CBCC, VC, Trường xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên không chỉ của Đảng ủy mà phối hợp cả Ban Giám hiệu và Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhằm nâng cao nhận thức chính trị, quan điểm, lập trường và tính nêu gương về đạo đức cho đội ngũ. Nắm bắt dư luận để kịp thời góp ý, chấn chỉnh về tư tưởng, phong cách, thái độ, về phẩm chất đạo đức và kỷ luật phát ngôn; kêu gọi, động viên tinh thần trách nhiệm vì tập thể, gạt bỏ những khác biệt, cái tôi cá nhân, khắc phục tình trạng bằng mặt không bằng lòng, cùng nhau xây dựng khối đoàn kết thống nhất nội bộ.

Để có được một nội bộ đoàn kết, thống nhất, phải thực hiện tốt “dân chủ - kỷ cương” trong nhà trường, bắt đầu từ nội bộ Đảng ủy, Ban Giám hiệu đến các phòng, khoa. Sự công khai, minh bạch, sự bàn bạc, trao đổi thấu đáo, sự tôn trọng, lắng nghe, sự quyết đoán của người đứng đầu trên cơ sở hài hòa về lợi ích sẽ tạo nên sự ổn định tư tưởng, đoàn kết thống nhất thật sự. Chính vì thế, trước khi đưa ra quyết định, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đều trao đổi, lắng nghe ý kiến, tạo sự đồng thuận trong tập thể, từ đó lãnh đạo mọi cá nhân chấp hành nghiêm túc.  

Về công tác tổ chức cán bộ, Trường xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiện toàn tổ chức bộ máy; xin chủ trương bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng từ nguồn tại chỗ, thực hiện quy trình dân chủ, công khai, lấy ý kiến tín nhiệm toàn thể cơ quan đối với tất cả cán bộ trong diện quy hoạch được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt; điều chuyển, phân công lại nhiệm vụ cán bộ phù hợp với yêu cầu công việc, năng lực, sở trường; rà soát, bổ sung biên chế từng bộ phận; xin cơ chế đặc thù để tuyển dụng viên chức đưa đi đào tạo văn bằng 2 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm tạo lực lượng giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại và nguồn kế thừa cho tương lai. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện tại đảm bảo đúng định hướng quy hoạch của nhà trường, chuẩn bị quy hoạch A1 cho nhiệm kỳ 2020-2025.

Với tinh thần dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, Trường đã tạo được không khí làm việc phấn khởi, động viên anh em phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, đưa hoạt động nhà trường đi vào nền nếp hơn.

Thứ hai, về thực hiện nhiệm vụ chính trị của trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra “Đổi mới và nâng cao hiệu quả đào tạo của Trường Chính trị theo yêu cầu mới”, cùng với Kết luận 117-KL/TW, ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư, khóa XI. Trong đó tập trung lãnh đạo thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chủ yếu: giảng dạy và nghiên cứu khoa học, khắc phục tình trạng xem nhẹ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Về nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng trước hết là chất lượng đội ngũ giảng viên vì đây là yếu tố quyết định đầu tiên chất lượng đào tạo của Trường. Bắt đầu từ việc rà soát, đánh giá lại năng lực giảng dạy của từng giảng viên, phân công lại bài giảng một cách hợp lý cho cả giảng viên chính thức và giảng viên dự bị, tạo điều kiện cho giảng viên luân phiên tham gia giảng các bài trong chương trình vừa nâng tầm vừa đảm bảo kế hoạch giảng dạy của nhà trường. Ngoài việc thao giảng, dự giờ theo kế hoạch, theo dõi, quản lý chặt chẽ đội ngũ giảng viên, góp ý cả về nội dung, về phong cách, thái độ, tư tưởng, tâm lý khi lên lớp; kịp thời vận dụng Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào bài giảng; đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy hướng đến rèn luyện kỹ năng, xử lý tình huống, gắn lý luận với thực tiễn thông qua mời báo cáo thực tế, giới thiệu mô hình của các ngành, địa phương liên quan nội dung giảng dạy nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học. Cùng với đó, Trường thường xuyên liên hệ, phối hợp cơ quan chủ quản quản lý chặt chẽ quá trình học tập, rèn luyện của học viên, đồng thời tổ chức thi hết môn, tốt nghiệp cuối khóa đảm bảo đúng quy chế, công tâm, khách quan nhằm nâng cao chất lượng học tập của học viên.

Về nghiên cứu thực tế và nghiên cứu khoa học, đây là nhiệm vụ không tách rời với nhiệm vụ giảng dạy nhằm tăng tính thực tiễn cho bài giảng của giảng viên. Tất cả các khoa đều có kế hoạch thực tế ngay từ đầu năm học và triển khai thực hiện tùy vào điều kiện thời gian cụ thể, nhưng cơ bản đảm bảo đúng kế hoạch. Đối với nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên tham gia viết bài đăng website của trường, tham gia tọa đàm nội bộ với chủ đề “nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo cán bộ của Trường Chính trị” và tọa đàm cấp tỉnh về “thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa XI”; tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả đào tạo của Trường Chính trị Bến tre giai đoạn 2010-2015. Đồng thời lựa chọn đề tài khoa học cấp tỉnh sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương để đội ngũ giảng viên cùng tham gia thực hiện. Kết quả nghiên cứu khoa học đưa vào tiêu chí xét thi đua cuối năm cho cán bộ, giảng viên nhà trường.

Tóm lại, Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt cho tỉnh nhà là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng càng nặng nề hơn trước yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay. Chính vì vậy, Trường Chính trị Bến Tre phải nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm hơn nữa; mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không chỉ quán triệt sâu sắc phương châm “Dân chủ, Kỷ cương, Đoàn kết, Năng động, Đổi mới” mà cần hiện thực hóa phương châm ấy vào hành động cụ thể phù hợp với nhiệm vụ được phân công. Với tinh thần trách nhiệm, đồng sức, đồng lòng, tập thể nhà trường sẽ vượt qua mọi khó khăn về rào cản tâm lý, về thói quen, lối mòn để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Trường xứng đáng với niềm tin, lòng mong đợi của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà./.

Taxonomy upgrade extras: 

Tin khác