Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 10:33

Vũ khí tự chế của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ

Hồ Thị Thùy Dung
Khoa LLMLN, TTHCM

Đã 38 năm kể từ ngày ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2013). Đất nước ta đã độc lập, nhân dân ta đã được tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chiến tranh đã đi qua nhưng những nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, người Việt Nam vẫn kiên cường bất khuất, gồng mình hàn gắn vết thương chiến tranh và nỗ lực lao động để xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập. Trong mỗi chúng ta, có ai biết rõ số lượng vũ khí mà Mỹ đã sử dụng cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam? Con số đó không hề nhỏ, có những lúc, cường quốc to lớn ấy phải dốc hết toàn lực để nhằm khuất phục đất và người Việt Nam. Nhưng chính nghĩa luôn chiến thắng, đất nước Việt Nam đã chiến thắng vẻ vang trước một kẻ khổng lồ. Họ quyết tâm đánh Mỹ bằng tất cả những gì họ có, bằng cả chông tre, tổ ong, dao, búa, tầm vông vót nhọn,…Họ thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, các nhà quân sự Mỹ đã thừa nhận rằng: Một số lượng lớn binh sĩ Mỹ bị chết là do vũ khí tự chế của Việt Nam. Những vũ khí tự chế ấy đơn giản chỉ là những cây chông làm bằng tre được vót nhọn; những tổ ong vò vẽ treo lủng lẳng ở ngoài vườn; súng ngựa trời dùng để phóng mảnh kim loại, thủy tinh gây sát thương cao; giàn thun bắn lựu đạn hay chất độc được đồng bào dân tộc dùng để săn thú rừng,…Tất cả những thứ ấy, lúc thanh bình nó là những vật gần gũi với người dân. Nhưng khi có giặc ngoại xâm thì vũ khí tự chế của Việt Nam mang tính sát thương cực kì lớn và đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những kẻ mang dã tâm xâm lược. Từ đó, ta mới thấy được sự mưu trí, dũng cảm của những con người Việt Nam, luôn kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, luôn thể hiện được chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một dân tộc đối đầu với các thế lực ngoại xâm qua các thời đại lịch sử. Nhân dịp kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số loại vũ khí tự chế của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhằm ôn lại truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm của nhân dân ta.

* Hầm chông giết giặc

Trong những trận càn, nhiều binh sỹ Mỹ vẫn nói với nhau rằng “Đi một bước nữa có thể là bước đi cuối cùng của đời mình!”. Bởi vì: Chúng có thể bị sụp xuống hầm chông và hậu quả thì từ chết tới bị thương. Trên những con đường làng êm ả của Việt Nam, hằng ngày người dân Việt Nam đi làm đồng, đi chợ, đi bắt cá,…rất đỗi bình thường. Nhưng tới khi quân Mỹ đi càn thì con đường ấy lại trở thành con đường xuống địa ngục. Vì nó đầy rẫy những cạm bẫy không lường trước được. Đó là những hầm chông sắc nhọn được vót bằng loại tre già hay tầm vông được cắm thật chặt xuống hố đã được đào sẵn, chỉa mũi nhọn lên trên. Ở trên được ngụy trang bằng những cành cây, rơm rạ, hay lá cây. Bình thường không biết đấy là hầm chông chỉ khi nào quân địch bị rơi tọt xuống hố đó, rồi bị chông đâm thủng bụng, xuyên qua mông, xuyên qua chân thì mới biết là mình đã rơi vào trận địa được nhân dân ta bày sẵn. Nhân dân ta đã sáng tạo ra rất nhiều loại chông: Chông đòn, chông hầm, chông quay, chông bàn, chông hom,…đa số chông được làm bằng tre, có những nơi chông được làm từ thân của cây cau già, hay làm bằng sắt. Hầm chông được bố trí ở khắp nơi: Ở trên đường làng, ở hiên nhà, dưới gốc cây, trong vườn nhà,…có mặt ở khắp đất nước Việt Nam. Hầm chông dễ làm, tre thì ta có sẵn ngay ngoài vườn, từ những cụ già, những người phụ nữ, những em bé cũng tham gia vót chông để giết giặc. Chính vì vậy, hầm chông đã góp phần vào việc đánh giặc giữ làng, giữ nước của dân ta và đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của binh lính Mỹ. Tôi nhớ mãi một cảnh trong phim Biệt Động Sài Gòn, một toán lính Mỹ đi càn ở Củ Chi, có một tên bị rơi xuống hầm chông đau đớn kêu cứu trong tuyệt vọng: “Help me! Help me!” (Cứu tôi với! Cứu tôi với!). Nhưng những tên đồng bọn của hắn dù không bị rơi xuống hầm chông nhưng cũng hoảng sợ cực độ, quay súng bỏ chạy với sự bất lực “No…! No…! I can’t!” (Không! Không! Tôi không thể!). Một đội quân Mỹ được trang bị vũ khí tối tân hiện đại nhưng phải bỏ chạy trước hầm chông đơn giản của Việt Nam. Thấy tự hào làm sao dân tộc ta, một dân tộc bình dị nhưng rất đỗi anh hùng.

* Đánh giặc bằng ong vò vẽ

Ở quê hương Bến Tre, cái nôi của phong trào Đồng Khởi. Chẳng ai mà không biết ông Nguyễn Văn Tư (sinh năm 1933, hy sinh ngày 26/10/1964), bí danh Thanh Ngọc, quê ở xã Tân Thành Bình nay thuộc huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre. Ông là một chiến sĩ du kích có kỹ năng đánh độc lập, nhỏ lẻ, với vũ khí thô sơ như chông, mìn, bẫy lựu đạn. Đặc biệt, ông đã sáng tạo ra cách đánh địch bằng ong vò vẽ phối hợp với trận địa chông, mìn, gây cho giặc nhiều tổn thất đáng kể. Trận địa có ong vò vẽ được ông thiết kế công phu: Ong được bắt về điểm sẽ xây dựng trận địa từ hồi tổ còn nhỏ, đem về hàng ngày cho ong ăn thịt trâu, bò cho tổ ong lớn nhanh. Bên cạnh tổ ong, ông Tư thiết kế trận địa hầm chông, mìn, cấm chông dày đặc ở dưới các mương gần đó. Khi địch đã lọt vào “ổ” từ xa ông giật dây phá vỡ tổ ong cho ong bay ra rượt bọn địch đánh tới tấp, khiến chúng hoảng loạn đâm đầu chạy, không biết xung quanh mình trận địa đã bày sẵn: Thằng thì rớt xuống hầm chông, thằng thì rơi vào điểm có cài lựu đạn nổ, thằng thì nhảy xuống mương mong rằng thoát nạn bị ong đánh, ai dè bị chông dưới mương đâm lủng bụng, làm bọn địch chết loạn xạ và phải dừng cuộc hành quân.

Ở Cần Thơ, nhân dân ta bắt ong về nuôi. Hằng ngày đem áo, khăn của mình ra treo ở gần tổ ong để cho ong quen mùi, nhân dân ta lại gần tổ ong thì không sao nhưng khi Mỹ càn tới, ong thấy mùi lạ bèn xông ra đánh tới tấp làm bọn lính Mỹ bị ong đốt bỏ chạy toán loạn.

Ở nước ta, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước có nhiều người dân, đội du kích sáng tạo cách đánh giặc bằng ong vò vẽ rất hiệu quả. Tạo nên một sức mạnh toàn dân đánh giặc càng làm cho phong trào giải phóng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ong vò vẽ được mệnh danh là “Binh chủng không quân” của chiến tranh nhân dân.

* Súng ngựa trời

Súng ngựa trời được quân và dân Bến Tre sản xuất tháng 1/1960, được sử dụng ở ba xã Định Thuỷ, Bình Khánh, Phước Hiệp và một số trận chống càn ở Bến Tre trong phong trào Đồng Khởi. Sau đó, súng được sử dụng phổ biến trong du kích đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ đầu những năm 60 của thế kỷ XX.

Là loại vũ khí thô sơ có hình con ngựa trời, dùng phóng các mảnh kim loại, thuỷ tinh, đá vụn để sát thương sinh lực địch. Cấu tạo của súng ngựa trời gồm: Nòng bằng kim loại (ống nước, ống tôn) đường kính 35-70 mm, dài 0,4-0,8 mét, đáy nòng bịt kín (hàn hay đập dẹt) đặt trên hai chân chống, gần đáy nòng khoan một lỗ để lắp cơ cấu cò hay bộ phận phát hoả đơn giản. Trong nòng nhồi thuốc phóng (thường dùng thuốc đen), tấm đệm bằng gỗ và các mảnh gang, sắt, mảnh sành, thuỷ tinh, đá, bi xe đạp,...có thể ngâm nọc rắn độc, nước tiểu nhằm tăng tính sát thương. Cự ly phóng mảnh tới 150 mét, sát thương sinh lực địch khoảng cách tới 100 mét.

* Giàn thun bắn lựu đạn

Giàn thun cao su bắn lựu đạn do đội du kích sử dụng được làm bằng hai dây lớn, buộc một mảnh bạt vào đuôi. Hai đầu dây cột vào một cây có hai chạc cao hơn đầu người kéo căng ra để quăng lựu đạn đã rút chốt sẵn. Phần mỏ vịt được quấn chặt bằng dây cao su và tính toán sao cho lựu đạn bay xa từ 100m đến 150m thì dây cao su mở hết, rồi phát nổ trong đồn địch. Thời gian cháy chậm của lựu đạn là 7s nên khoảng cách tối thiểu mà ta có thể bắn trúng đó là 330m.

Cách dùng giàn thun bắn lựu đạn để tấn công một đồn địch rất đơn giản mà cực kỳ hiệu quả. Những chiến sĩ du kích của ta thường chọn những bụi rậm, có nhiều cây để buộc giàn thun. Đến một cây to có thân chia ra hai nhánh hoặc hai cây đứng cạnh bên nhau, các du kích lặng lẽ buộc dây thun vào. Họ phân công nhau người thì trèo lên cây cao để quan sát mục tiêu, người thì cầm trái lựu đạn tra vào giàn thun, người đo cự ly để kéo giãn dây thun, còn lại tất cả tập trung kéo dây thun giãn ra để tạo lực đàn hồi bắn trái lựu đạn bay xa. Người chỉ huy hô “bắn”, tất cả đồng loạt buông ra, trái lựu đạn được bắn đi vào không trung và rơi xa mấy trăm mét. Người quan sát trên cây hô “trúng rồi”, ở dưới đất người chỉ huy tra quả lựu đạn tiếp theo; hoặc người trên cây yêu cầu điều chỉnh “qua trái - qua phải, xa hơn - gần hơn” năm mười mét để những người dưới đất điều chỉnh lại “thước ngắm”. Cứ thế mà các du kích nã đạn, chỉ đến khi đánh cháy được đồn địch, họ mới tháo giàn thun và âm thầm rút lui không để lại dấu vết. Bọn địch ở trong đồn được nhận những quả lựu đạn “từ trên trời rơi xuống” chỉ biết âm thầm chịu đựng chứ chẳng biết ai tấn công mình và ở phía nào, chúng chỉ bắn trả một cách mông lung không chủ đích trong khi đội du kích của ta đã rút lui an toàn. Nhờ giàn thun bắn lựu đạn mà du kích Bến Tre đã hạ được nhiều đồn địch trong phong trào Đồng Khởi năm 1960.

* Hạ trực thăng địch bằng cụm 3 trái nổ đơn giản mà hiệu quả

Với trí thông minh óc sáng tạo của một người dân Bến Tre, đồng chí Nguyễn Văn Chồn và đồng đội đã tận dụng đạn pháo lép của Mỹ chế thành trái nổ, lấy vũ khí địch đánh địch, diệt máy bay trực thăng Mỹ ở ấp 5 xã Long Mỹ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vào năm 1969.

Trái được đặt cách mặt đất 0,7m trên giá tréo và được gài bằng 4 sợi dây cho 1 chốt an toàn của trái, mỗi dây dài 25m căng qua các chông sào (chống máy bay). Giữa trái này và trái khác có khoảng cách 50m và được bố trí thành thế tam giác 3 trái 3 cụm. Đồng thời, trên các sợi dây dẫn đến chốt an toàn các chiến sĩ ta còn thêm tàu cau, lá chuối tạo sức giật mạnh chốt, khi có sức gió căng bảo đảm trái sẽ nổ đúng yêu cầu”. Ngày 13/4/1969, trực thăng Mỹ đổ quân vào trận địa, sức gió căng do cánh quạt máy bay giật mạnh tàu cau, lá chuối làm 1 cụm trái nổ, kết quả 2 chiếc tan xác tại chỗ, 2 chiếc khác bị thương.

Bọn Mỹ đưa trực thăng khác đến chở thương, 1 cụm trái khác nổ tiếp làm tan xác thêm 1 chiếc. Trận này ta diệt và làm hư hại nặng 5 máy bay trực thăng, 52 lính Mỹ bị tiêu diệt khi chưa kịp xuống mặt đất.

Cách đánh trực thăng đơn giản nhưng tiêu diệt nhiều giặc được phổ biến ra toàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Chồn được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

* Lấy bom bi Mỹ, đánh Mỹ

Đó là sáng kiến của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Việt Hùng, (tên thường gọi Tư Trung) sinh năm 1944, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Giai đoạn 1965-1966, hầu hết địa bàn Đức Huệ là vùng trắng (vùng không có cơ sở cách mạng, là địa bàn bị địch chiếm đóng), vì thế nên đội du kích của ông phải ở dưới hầm bí mật. Việc tiếp tế vũ khí, đạn dược cực kỳ khó khăn; lương thực, thực phẩm, thuốc men đều phải do nhân dân Đức Hoà, Đức Huệ chi viện. Trước khó khăn đó, nhiều đêm ông trăn trở phải đánh giặc cách nào cho hiệu quả. Và ý tưởng chế tạo bom mìn bằng chính vật liệu từ bom đạn của Mỹ đã hình thành trong ông từ những đêm trăn trở ấy.

Sau mỗi lần địch thả bom bi, có nhiều trái nhỏ sau khi bung ra từ “trái mẹ” song vẫn không nổ, ông tranh thủ lượm về, cùng với đồng đội tìm hiểu nguyên lý hoạt động của chúng và phát hiện ra rằng trái bom bi chưa nổ là do chưa đủ vòng quay. Sau đó, ông và đồng đội đã “chế” ra trái gài bằng cách bật nắp trái bom bi chưa nổ, điều chỉnh kim hoả, buộc dây kẽm bên ngoài, làm một cần bật rồi móc chỉ vào cần bật này (tuỳ theo địa hình để sợi chỉ dài 5-10m hoặc lớn hơn). Với trái gài này, khi có lực tác động vào sợi chỉ, cần bật sẽ bung ra, làm kim hoả chạm hạt nổ và trái bom bi sẽ nổ ngay. Sau đó, ông và đồng đội còn làm mìn gồm: Nguyên trái bom bi ở giữa, khối thuốc nổ, kẽm gai cắt nhỏ trộn xi măng xung quanh, gây sát thương rất lớn khi nổ. Ngoài ra, ông còn mày mò, chế tạo bệ phóng để phóng trái đánh tàu với sức công phá đủ đánh chìm tàu hàng trăm tấn…

Sau khi có vũ khí tự tạo, ông điều nghiên cứu kỹ quy luật đi càn quét của Mỹ, ngụy để tạo trận địa mìn liên hoàn, dày đặc. Cứ một trái mìn tự chế, ông lại đặt kèm theo gần đó cả chục trái gài. Có lần, ông và một đồng chí nằm dưới hầm bí mật sau một bụi tre, khi địch đến gần bụi tre, ông bật nắp hầm, quăng lựu đạn ngay. Bọn địch hoảng hốt tản ra, vấp ngay phải dây của trái gài thứ nhất, khiến trái gài nổ, làm mấy tên chết ngay tại chỗ. Hoảng loạn, chúng chạy thục mạng, tiếp tục vấp phải trái thứ hai rồi đến trái thứ ba. Tổng số 12 tên địch đã phải bỏ mạng vì thứ vũ khí tự chế của ông…

Từ thắng lợi ban đầu, diệt địch bằng chính bom đạn địch ấy, ông và đồng đội đã chế tạo được một số lượng lớn mìn, lựu đạn gài và bệ phóng đánh tàu chiến. Nhờ những loại vũ khí lợi hại đó nên mặc dù lực lượng của ta ở ngay sát nách địch, ngày ngày khiến địch chết và bị thương mà chúng không thể tìm ra nơi quân ta phục kích. Chẳng thế mà ngày ấy địch hay nói câu cửa miệng “Không đụng độ “Việt Cộng” mà vẫn đầu rơi máu chảy”.

* Đánh giặc bằng mìn gạt

Cựu chiến binh, Trung tá Tô Hoài Đức ở Củ Chi chính là người sáng tạo ra loại vũ khí: Mìn gạt. Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia du kích từ khi mới 13 tuổi (năm 1960) và hai năm sau nhập ngũ trực tiếp chiến đấu. Tháng 9/1967, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông được biết đến như người có “biệt tài” sáng chế vũ khí. Ban đầu, ông mượn cán bộ quân giới hai trái mìn cán của Liên Xô về tìm hiểu, sau đó mang đi đánh thử xe tăng. Tuy nhiên, nhược điểm của loại mìn này là khi xe tăng cán lên mới gây nổ. Ông bèn tìm cách dùng thuốc từ những trái đạn, quả bom chưa nổ để làm mìn đánh xe tăng, “chế” bộ điểm hỏa gắn vào và chừa một lỗ nhỏ để cắm chiếc que dài. Làm xong, ông mang mìn đi cài đánh thử và đánh thắng ngay lần đầu. Loại mìn này chỉ cần xe tăng chạy qua, “gạt” nhẹ vào chiếc que là nổ ngay.

Từ đó quân và dân Củ Chi dùng mìn “gạt” để đánh xe tăng, tàu chiến Mỹ và cả lính bộ binh đi càn, máy bay đổ bộ nữa,…Chỉ cần biết được những vị trí địch có thể tập trung quân, máy bay có thể đổ quân, cài sẵn mìn ở đó và chờ kết quả. Hiệu quả của mìn “gạt” giúp quân và dân Củ Chi càng hăng hái thi đua giết giặc, đánh xe tăng địch.

* Đánh giặc bằng độc Ch’pơơr

Ch’pơơr là một loại cây rừng, thường mọc ở những vùng núi cao dọc các thượng nguồn sông suối, thác ghềnh. Mủ cây Ch’pơơr được người Cơtu chứa trong một chiếc lá, sau một quá trình thêm thắt các nguyên vật liệu (như nọc rắn, bồ hóng ở dưới bếp hay mủ cây sơn) thì được nấu kĩ, phơi sương được cô đặc lại; mất gần 2 ngày mới có thể làm được Ch’pơơr. Loại kịch độc này được dùng để phết lên đầu mũi tên để đi săn là chủ yếu. Không những giúp đồng bào Cơtu trong việc săn bắn, tự vệ, mà kịch độc Ch’pơơr còn làm nên những chiến thắng lẫy lừng của người Cơtu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Kịch độc Ch’pơơr đã giúp dân làng Cơtu giết thú dữ và làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngày nay chiến tranh đã kết thúc, thú dữ cũng không còn nhưng đồng bào Cơtu vẫn giữ gìn bí quyết chế tác Ch’pơơr để thể hiện sự trân trọng tổ tiên.

Những loại vũ khí tự chế như hầm chông, tổ ong, súng ngựa trời, giàn thun bắn lựu đạn, mìn gạt, trái nổ,…và nhiều loại vũ khí khác như mìn xi măng, mìn tĩnh nước mắm, mìn chông, dao, búa, mã tấu, súng tự tạo,…đã thể hiện được mưu trí sáng tạo của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quân đội Mỹ hùng mạnh với những vũ khí tối tân hiện đại nhưng phải khiếp sợ trước những vũ khí tự chế của quân và dân Việt Nam. Những vũ khí ấy đã góp phần cho thắng lợi của toàn dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh giữ nước, viết thêm cho lịch sử hào hùng của một dân tộc anh hùng. Là thanh niên của thế hệ Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước của dân tộc ta, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo trong lao động, học tập. Tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc cùng tiếp bước cha anh xây dựng chủ nghĩa xã hội, viết tiếp lịch sử hào hùng của dân tộc bằng những chiến công trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Tin khác