Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 12:35

Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Nguyễn Thị Ninh
Khoa Xây dựng Đảng

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[1]. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn, thách thức đang tồn tại ở trong nước hiện nay, để có thể hiện thực hóa những nội dung trên thì việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt. Nhưng thực tiễn phong phú với những thành tựu cách mạng đạt được trong những năm qua đã chứng minh tính đúng đắn và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, các nhà yêu nước đương thời đã anh dũng đứng lên đấu tranh bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, các phong trào đấu tranh đều bị thất bại, chứng tỏ con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản không phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, lúc bấy giờ, nước ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Trong khi đó, trên thế giới, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 thành công đã mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên giải phóng, giành độc lập dân tộc, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy cơ sở lý luận cho con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người khẳng định: “Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”[2]. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đã được chính thức khẳng định trong Cương lĩnh đầu tiên năm 1930 của Đảng ta: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Đây là chủ trương cách mạng triệt để, là sự vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, một xứ thuộc địa nửa phong kiến. Theo Người, chủ nghĩa xã hội không cao xa, viển vông mà rất thiết thực, cụ thể “chủ nghĩa xã hội trước hết làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc” [4].

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đưa dân tộc ta tiến vào kỉ nguyên độc lập, tự do.

Cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới kết thúc đã giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Vào đầu những năm 90, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, cách mạng xã hội chủ nghĩa tạm thời lâm vào thoái trào khiến cho chúng ta đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng. Trong khi đó, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự quá độ chưa từng có nước nào trải qua, đó là sự quá độ từ xứ thuộc địa nửa phong kiến đi lên chủ nghĩa xã hội. Bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa không có nghĩa là sự phủ định sạch trơn mà là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và thượng tầng kiến trúc tư bản chủ nghĩa. Chúng ta chủ động tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất,…để có thể phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại nhằm tiến kịp sự phát triển của thế giới và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta nhận thức rằng quá độ lên chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền nông nghiệp lạc hậu, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả từ chiến tranh rất nặng nề. Không chỉ vậy, các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Do đó, thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta được xác định là dựa trên cơ sở củng cố chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; dựa vào khối liên minh công - nông - trí thức để tổ chức và huy động mọi tiềm lực của các tầng lớp nhân dân, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta với bản lĩnh chính trị vững vàng, những chủ trương đúng đắn, kịp thời “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” được đưa ra từ Đại hội VI cùng với ý chí kiên cường, trí tuệ toàn quân, toàn dân được phát huy cao độ trong việc nhận diện thời cơ, hóa giải thách thức đã luôn chủ động, bình tĩnh, từng bước xử lý khôn khéo những vấn đề phức tạp nảy sinh và đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, từ một nước bị thiếu lương thực, đến nay, chúng ta không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn trên thế giới với nhiểu sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, thủy sản, các loại lâm sản. Từ năm 2010, Việt Nam chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Công nghiệp phát triển nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng. Trong 25 năm từ 1988-2013, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 218,8 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt 106,3 tỷ USD; trong năm 2014, FDI vào Việt Nam đạt 20,23 tỷ USD, tăng 19% so với kế hoạch năm 2014 (17 tỷ USD). Đến nay có 56 nước trên thế giới công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 184 quốc gia, quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của 70 tổ chức quốc tế quan trọng, đã xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia trong đó bao gồm cả 5 quốc gia Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định vị thế quốc gia không ngừng được nâng lên. Công tác xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ; giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ là những mục tiêu đã được hoàn thành trước thời hạn đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ (MDG). Những nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động phối hợp với các quốc gia, đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, dịch bệnh cũng được nhìn nhận tích cực. Việc Việt Nam được bầu là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế,…và được tín nhiệm đăng cai nhiều hội nghị như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện (IPU), Hội nghị cấp cao APEC,…đã cho thấy sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, quá trình hội nhập quốc tế, từ đó ngày càng trở nên sâu rộng và hiệu quả.

Văn hóa Việt Nam có những đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn hóa thế giới và cộng đồng quốc tế.  Các Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa Việt Nam, các Lễ hội Văn hóa - Du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa - du lịch tại nước ngoài, sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế lớn như EXPO, Biennale, các Liên hoan phim nổi tiếng,...ngày càng được tăng cường. Trong năm 2014 vừa qua, chúng ta đã góp phần làm phong phú hơn nền văn hóa nhân loại khi Quần thể Tràng An, Châu bản Triều Nguyễn và Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản thế giới…Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Như vậy, việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến tích cực: Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh được đảm bảo, đối ngoại được mở rộng và đi vào chiều sâu, thế và lực quốc gia được tăng cường, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố. Những thành tựu đó là sự khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Như vậy, kiên trì sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị vững chắc, phát triển lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự đảm bảo cao nhất lợi ích của dân tộc, đồng thời cũng là sự đóng góp hiệu quả, thiết thực nhất của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với cách mạng thế giới, nhất là trong bối cảnh phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và chủ nghĩa xã hội đang đứng trước những khó khăn, thử thách lớn trong thời kỳ sau Chiến tranh lạnh.

Bên cạnh những thành tựu trên, chúng ta còn nhiều hạn chế như kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, nhiều vấn đề xã hội chậm được giải quyết, vẫn còn một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội; trong khi đó, chúng ta thường xuyên bị các thế lực thù địch âm mưu sử dụng thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thay đổi chế độ chính trị ở nước ta…Những yếu tố bên trong và bên ngoài tồn tại đan xen, vừa tạo cơ hội, vừa làm phát sinh nhiều thách thức mới.

Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong bất cứ hoàn cảnh nào đều đồng lòng kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội như lời Người căn dặn: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[5] để phòng ngừa có hiệu quả nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời ngày càng làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, ra sức phấn đấu từ nay đến giữa thế kỷ XXI “xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[6]./.

 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tr.70.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr. 305.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.17.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.505.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.71.

 

Tin khác