Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 23 Tháng 4, 2024 - 17:24

Vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thị Ninh
 Phòng Đào tạo

Một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển của xã hội là tình trạng bạo lực gia đình.  Trong thực tế, hậu quả nặng nề của tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ khiến người phụ nữ bị tổn thương về thể chất, trí tuệ tinh thần, sức khỏe và tính mạng, là nguyên nhân dẫn đến nhiều gia đình bị tan vỡ, nhiều trẻ em phải sống lang thang không nơi nương tựa. Chính bạo lực gia đình đã và đang làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực đạo đức, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của gia đình và toàn xã hội. Đây không là vấn đề riêng của một quốc gia, dân tộc nào mà là vấn đề cần chung sức giải quyết trên phạm vi toàn thế giới. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 25 tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (Nghị quyết này, được đưa lên bởi Cộng hòa Dominica, nhằm kỷ niệm ngày ba chị em Maria, Teresa, và Minerva Mirabel bị sát hại dã man (theo lệnh của Tổng thống độc tài Dominica Rafael Trujillo) năm 1960). Đây là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ trên thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Tại Việt Nam, việc phòng, chống bạo lực gia đình cũng như hưởng ứng Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ dành được nhiều sự quan tâm rộng rãi.

Ngay khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp và trong Hiến pháp năm 1946 của nước ta đã quy định “nam nữ bình đẳng”. Người lên án mạnh mẽ các hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ như khinh rẻ, đánh đập, hành hạ phụ nữ. Người thường xuyên nhắc nhở các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, chống bạo lực gia đình bởi bạo lực gia đình chính là yếu tố cản trở sự phát triển xã hội. Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Việt Nam là nước thứ 6 ký và nước thứ 35 phê chuẩn Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ  (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women - CEDAW). Công ước này được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn và thông qua ngày 18/12/ 1979, có hiệu lực từ tháng 9 năm 1981. Một số luật như Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006; Luật Phòng, chống bạo lực Gia đình số 02/2007/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi số 52/2014/QH13 được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá 13, kỳ họp lần thứ 7 thông qua vào ngày 19/6/2014, Quyết định số1696/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/10/2015 và ghi nhận ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới...là những công cụ pháp lý hữu hiệu có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ thoát khỏi bạo lực gia đình. Ngoài ra, các chiến dịch truyền thông được đẩy mạnh và nhân rộng khắp toàn quốc như năm 2015, chủ đề của chiến dịch truyền thông là “Vì một mái nhà không có bạo lực”, năm 2016, đó là “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”…, tất cả nhằm hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, khẳng định sự cam kết mạnh mẽ và nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.

 Nhờ vậy, nhận thức của toàn thể nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình được thu được những tiến bộ rõ rệt. Bạo lực được hiểu là "sức mạnh dùng để cưỡng bức, trấn áp hoặc lật đổ". Khái niệm này dễ làm người ta liên tưởng tới các hoạt động chính trị, nhưng trên thực tế bạo lực được coi như một phương thức hành xử trong các quan hệ xã hội nói chung. Các mối quan hệ xã hội vốn rất đa dạng và phức tạp nên hành vi bạo lực được chia thành nhiều dạng khác nhau tùy theo từng góc độ nhìn nhận: bạo lực nhìn thấy và bạo lực không nhìn thấy được; bạo lực với phụ nữ, với trẻ em…Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình” (Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007). Gia đình là tế bào của xã hội, là hình thức thu nhỏ của xã hội nên bạo lực gia đình có thể coi như là hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội với rất nhiều dạng thức khác nhau như bạo lực thể chất (hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ), bạo lực về tinh thần (những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình), bạo lực về kinh tế (hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình như quyền tự do lao động, tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản)…Mỗi hình thức bạo lực có thể được biểu hiện dưới nhiều hành vi khác nhau. Như vậy, có thể hiểu bạo lực gia đình trước hết phải là hành vi cố ý của thành viên gia đình và hành vi này phải gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại, về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Các hành vi có thể được thể hiện dưới dạng hành động, như hành hạ, ngược đãi, đánh đập...nạn nhân hoặc không hành động, như bàng quan, thờ ơ, bỏ mặc dẫn đến việc xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, đồng thời cũng gây ra những tổn hại về tinh thần cho nạn nhân. Nhận thức rõ về bạo lực gia đình là cơ sở để mỗi thành viên gia đình có hành động phù hợp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, nhất là đối với phụ nữ.

Trong thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng khá phổ biến về tình trạng bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Vì vậy, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng, tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng của con người vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình[1]. Nghiên cứu năm 2012 của Liên hợp Quốc tại Việt Nam chỉ ra rằng, bạo lực gia đình gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ước tính chi phí của bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam: chi phí thực trả và thu nhập bị mất lên tới gần 1,41% GDP (khoảng 2.536.000 tỉ đồng) năm 2010. Ngoài ra, nghiên cứu cũng nêu rõ những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực có thu nhập ít hơn 35% so với những người không bị bạo lực, điều đó tiếp tục ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế quốc dân. Tổng mức năng suất lao động bị mất theo ước tính là 1,78% GDP. Điều đáng quan tâm là nạn nhân của bạo lực gia đình, chủ yếu là phụ nữ lại có tâm lý cam chịu, không có ý định tố cáo. Chính vì vậy, bạo hành gia đình lại càng tăng cao.

Từ thực trạng trên cho thấy phòng, chống bạo lực gia đình cần phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp.

Thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về bình đẳng giới. Cần chuyển biến quan niệm xã hội về cơ hội bình đẳng cho quyền của nữ giới và nam giới để phát triển, phát huy các khả năng, năng lực của cả hai giới trong đời sống xã hội và trong việc thụ hưởng kết quả phát triển một cách bình đẳng. Việc khắc phục sự bất bình đẳng về giới là tôn trọng những khác biệt giới tính trong lao động và quan hệ xã hội. Để bảo vệ quyền của phụ nữ có hiệu quả hơn, các tổ chức xã hội như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... cần hoạt động tích cực để đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng giới.

Và hơn lúc nào hết, nam giới không chỉ là đối tượng cần thay đổi mà còn là tác nhân quan trọng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Nam giới cần được nhìn nhận với vai trò tích cực trong các hành động chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Họ sẽ chung tay xóa bỏ bạo lực bằng sự sẻ chia và yêu thương.

Thứ hai, hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Người có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định của Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình cần bị xử lý nghiêm để mang tính răn đe cao và đẩy lùi bạo lực gia đình.

Riêng đối với nạn nhân bạo lực gia đình cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, với các lực lượng, đoàn thể xã hội để giải quyết vấn nạn xã hội này. Chị em cũng cần trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, tìm hiểu pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình. Khi bị bạo hành, người phụ nữ cần tìm đến cơ quan tư vấn, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, các ban ngành đoàn thể để can thiệp kịp thời.

Thứ ba, để hỗ trợ hiệu quả cho phụ nữ khi gặp vấn đề về bạo lực gia đình thì cần xây dựng cơ chế chính sách cho các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật; bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trang bị các kỹ năng làm việc cho cán bộ thực thi.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Gia đình là tế bào của xã hội, là cơ sở tạo nên xã hội rộng lớn. Sự trường tồn của quốc gia, dân tộc phụ thuộc lớn vào sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình. Do đó, phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là đối với phụ nữ là góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, tạo nguồn lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

 

[1] Số liệu Báo điện tử Báo Công an nhân dân ngày 04/7/2016.

 

Tin khác