Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 23 Tháng 4, 2024 - 17:32

Vài suy nghĩ về những điểm mốc quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước và ý nghĩa lịch sử của việc tìm con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc

  Nguyễn Thị Thùy Giao

Khoa Xây dựng Đảng

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vị cha già kính yêu của dân tộc, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, tôi xin nêu lên vài suy nghĩ về những mốc quan trọng trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc (từ năm 1911 cho đến năm 1941) có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của Tổ quốc và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước, Người sớm mang trong mình lòng yêu nước, thương dân. Tinh thần yêu nước ấy được hun đúc bằng truyền thống yêu nước với bề dày hàng nghìn năm lịch sử của cha ông và được nuôi dưỡng trong truyền thống yêu nước và đấu tranh bất khuất của gia đình và quê hương. Người rất trân trọng và khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của những sỹ phu yêu nước lúc đó như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh..., nhưng Người có suy nghĩ, cách thức khác trong con đường cứu nước, cứu dân, “… trong lúc những thanh niên Việt Nam cùng lứa tuổi say sưa với phong trào Đông Du sang Nhật Bản thì Hồ Chủ tịch đã khước từ sự lựa chọn của Phan Bội Châu đối với mình và rời Tổ quốc ra đi về phía Tây”[1]. Sự kiện ngày 5-6-1911, với tên gọi “Văn Ba”, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là cột mốc quan trọng đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước của Người. Điều đó đánh dấu sự dứt khoát đoạn tuyệt con đường cứu nước của các bậc tiền bối và tìm con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Đất nước đầu tiên Người đến là Pháp, đây không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở; một quyết tâm lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Người nói: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” [2]. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tàu Amiran Latusơ Tơrêvin của Pháp rời bến cảng Nhà Rồng mang theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi tên Văn Ba với khát vọng cháy bỏng là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Điều cần lưu ý ở đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tổ quốc “hòa nhập” vào thế giới trong thời điểm chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Hệ thống thuộc địa đã hình thành trên phạm vi thế giới. Cuộc đấu tranh giải phóng của các thuộc địa và phụ thuộc tuy đã được đẩy mạnh ở các nước châu Âu, châu Á và trên phạm vi toàn thế giới nhưng chưa có một thuộc địa nào được giải phóng. Con đường giải phóng dân tộc chưa có một hình mẫu, tấm gương soi chung. Vì vậy, hành trình cứu nước của Người lúc này cũng mới chỉ là quyết tâm và định hướng. Người bắt đầu bằng nghề phụ bếp rồi sau đó là công nhân trên tàu buôn Pháp. Nhờ đó, Người có dịp qua nhiều nước và trải nghiệm cuộc sống người dân thuộc địa làm thuê, dần dần Người nhận ra một điều là ở đâu cũng có người nghèo và sự giàu nghèo không phụ thuộc vào màu da, chủng tộc. Người lao động ở đâu cũng khổ cực và biết thương yêu nhau.

Điểm mốc quan trọng trong hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đầu năm 1919, Người vào Đảng Xã hội Pháp “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái” và “đã tỏ ra đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức”[3]. Người có dịp gần gũi và hoạt động với các nhà hoạt động chính trị và văn hoá nổi tiếng của Pháp và mở rộng tri thức, kinh nghiệm thực tiễn, từ đó hình thành phong cách và tác phong dân chủ. Giữa năm 1919, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản Yêu sách tám điểm. Nhưng bản yêu sách không được Hội nghị đáp ứng. Sự kiện này đã giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ “chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn” [4].  Người cho rằng "Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình"[5]. Chính điều nầy làm Nguyễn Ái Quốc khẳng định thêm rằng con dường cứu nước theo hệ tư tưởng giai cấp tư sản không thể chấp nhận.

Sự kiện cực kỳ quan trọng làm chuyển biến cơ bản nhận thức về con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Người là được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin trên báo Nhân đạo “L’Humanite” (tháng 7-1920) với 12 luận điểm đề cập đến những vấn đề mà Hồ Chí Minh đang trăn trở như quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc, tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản ở các nước tư bản và cuộc đấu tranh của nhân dân ở các thuộc địa, về vấn đề chính quyền… đã đem đến cho Hồ Chí Minh một định hướng chính trị rõ ràng và Người khẳng định “Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” [6]. Đến đây, Người tìm thấy trong Luận cương lời giải đáp về con đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam và lời giải đáp về vấn đề cách mạng thuộc địa trong mối quan hệ với phong trào cách mạng thế giới. Người nhấn mạnh “…Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới” [7]. Tháng 12-1920, tại Đại hội Đảng xã hội Pháp họp ở thành phố Tours, Người biểu quyết gia nhập Quốc tế III của Lênin (Quốc tế Cộng sản) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Như vây, từ tháng 7 đến tháng 12-1920 là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Đồng thời, sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình thành.

Khi trở thành chiến sĩ cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tích cực hoạt động phong trào cách mạng thuộc địa, nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam thông qua các tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), L’Humanite (Nhân đạo), Đời sống nhân dân và sau này là Bản án chế độ thực dân Pháp vạch trần bản chất chủ nghĩa đế quốc, phê phán thái độ “cầu xin” chủ nghĩa đế quốc, tư tưởng cải lương tư sản, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, tự giải phóng mình.

Tháng 6-1925, tại Quảng Châu, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức cách mạng đóng vai trò tích cực về chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một Đảng Cộng sản chân chính ở Việt Nam. Với tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), lần đầu tiên con đường giải phóng dân tộc theo lập trường vô sản được định hình. Trong đó, Người chỉ rõ: “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người” [8]. Tuy nhiên, “trước hết phải có Đảng cách mệnh, để vận động và tổ chức dân chúng, ngoài liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững mới thành công…”[9].

Từ nhận thức cơ bản trên và yêu cầu cấp thiết của phong trào cách mạng Việt Nam, Người từ Xiêm (Thái Lan) về Hương Cảng (Trung Quốc) chủ trì Hội nghị họp nhất các tổ chức Đảng ở trong nước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Đây là cột mốc quan trọng, là bước ngoặt quyết định trong sự phát triển của dân tộc ta, tạo những tiền đề và nhân tố quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nét đặc sắc nhất cuộc hành trình cứu nước 30 năm là không bao giờ Người xa rời mục đích về nước cứu đồng bào. Khi ở Liên Xô dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên, Người nói với nhà văn I. Êrenbua: "Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc"[10]. Khi đang hoạt động trong Bát lộ quân Quế Lâm (Trung Quốc), Người vẫn bí mật liên lạc với Ban lãnh đạo Đảng trong nước chuẩn bị xây dựng căn cứ địa vùng biên giới Việt Trung. Cuối tháng 6 năm 1940, ngay sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, Người chỉ thị gấp cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Diên An nữa mà cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đi Quế Lâm, Nam Ninh (Quảng Tây) hướng về Cao Bằng đón thời cơ mới. Sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Một trang mới mở ra trong sự nghiệp cách mạng của Người và cũng là bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Từ tư cách là người tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, Người đã trở thành người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam.

Ra đi tìm đường cứu nước là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng tìm thấy con đường ấy và điều quan trọng tiếp theo là bổ sung, hoàn thiện nó cho phù hợp với điều kiện cụ thể rồi đưa về áp dụng trong nước là việc khó gấp bội phần. Sau nhiều lần thất bại của các bậc tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên kết hợp thành công sức mạnh trong nước và quốc tế - dân tộc và thời đại, yếu tố khách quan và chủ quan để tìm ra lời giải cho "Bài toán thế kỷ" đã đặt ra trước dân tộc từ đầu thế kỷ XX. Người đã khảo sát thực tế, nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm của nhiều thế hệ đã tìm thấy con đường cứu Việt Nam khỏi ách thống trị thực dân phong kiến. Tuy nhiên cần thấy rõ, đây không phải đơn giản là việc lựa chọn một mô hình con đường có sẵn để áp dụng vào Việt Nam mà là sự vận dụng sáng tạo Luận cương của Lênin, những nguyên tắc, quan điểm của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam không chỉ tạo ra bởi tác động mạnh mẽ của bối cảnh lịch sử mà còn có sự đóng góp đầy sáng tạo của Hồ Chí Minh. Thắng lợi công cuộc giải phóng ở Việt Nam đã mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi thế giới. Đó tác động trở lại của cách mạng Việt Nam với thế giới, dấu ấn của Hồ Chí Minh với thời đại.

Việc tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử to lớn, đó là:

Một là,  đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; chấm dứt khủng hoảng đường lối cứu nước triền miên từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; tìm thấy đường lối phát triển đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với trào lưu tiến hoá chung của nhân loại và xu thế của thời đại.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, mà sau này biểu tượng sáng chói trong hai cuộc kháng chiến lừng lẫy của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ba là,  với việc tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn, thiết thực chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới và châu Á nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm con đường giành độc lập, tự do cho Tổ quốc với tấm lòng của một người Việt Nam yêu nước. Con đường cứu nước mà Người đã đi qua trong 30 năm (1911 - 1941) là một cuộc hành trình huyền thoại, thể hiện bản lĩnh chủ tịch Hồ Chí Minh: từ lúc tìm đường, lựa chọn con đường đến sự dung hợp một cách xuất sắc giữa chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa dân tộc và kiên trì đến cùng để thực hiện lý tưởng giải phóng dân tộc, làm cho mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; với mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới'' xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất,công bằng, dân chủ, văn minh [11]. Thế hệ hôm nay nguyện thực hiện tốt di chúc của Người, ra sức phấn đấu học tập, thi đua góp phần lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12.

 

GHI CHÚ

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội.1995, t1, tr.32

[2] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự Thật, Hà Nội.1976, tr.13.

[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.39.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội.2002, t1,tr.416.

[5] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.CTQG-Nxb.TN,H.1994,tr.31

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội.1996, t10,tr127

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội.1996, t10, tr.128

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội.2002, t2, tr.261-262.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội.2002, t2, tr.267-268

[10] Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, xuất bản lần thứ 2,Nxb.CTQG, H.2006,t.2,tr.63.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội.2000, t12, tr.512

Tin khác