Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 23:51

Vài nét tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre năm 2012

1. Tình hình chung

Năm 2012, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, giá nông sản, thủy sản giảm thấp, dịch bệnh trong nuôi thủy sản phát sinh, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các công trình triển khai chậm do khó khăn về nguồn vốn và vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng,…tình hình trên đã tác động bất lợi đến việc triển khai các nhiệm vụ đề ra, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, song được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy đạt kết quả khá trên một số lĩnh vực. Cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước tăng 6,61%; (NQ tăng 10%). Trong đó:

+ Khu vực nông, lâm thủy sản tăng 2,5%; (NQ tăng 5,9%);

+ Khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 11,9%; (NQ tăng 17,9%);

+ Khu vực dịch vụ tăng 8,48%; (NQ tăng 10,3%).

- Cơ cấu kinh tế: Khu vực I: 49,2%; khu vực II: 17,8% và khu vực III: 33%; (NQ là: 49,1%; 17,1%; 33,8%);

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 430,2 triệu USD, (NQ 430 triệu USD);

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10.712 tỷ đồng, (NQ 11.200 tỷ đồng);

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.350 tỷ đồng, (NQ dự toán Trung ương giao 1. 250 tỷ đồng và dự toán địa phương phấn đấu 1.325 tỷ đồng);

- Tỷ lệ lao động qua đào 44,6% (NQ là 45%); tạo việc làm cho 24.350 lao động (NQ là 23.000 lao động); trong đó xuất khẩu lao động 370 người, (NQ là 600 người);

- Tỷ suất sinh tăng 0,34%0; (NQ giảm 0,05‰);

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,13%; (NQ giảm còn 11%);

- Đạt 23 giường bệnh/vạn dân; 5,69 bác sĩ/vạn dân; (NQ 22,33 giường bệnh/vạn dân; 5,69 bác sĩ/vạn dân);

- Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đạt 10%; (NQ ít nhất 10%);

- Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 14%; (NQ là 15,5%);

- Công nhận 17 xã, phường, thị trấn văn hóa; (NQ 15 xã, phường, thị trấn);

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%, (NQ đạt 98,97%);

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 78%, (NQ 78%); trong đó hộ được sử dung nước sạch 34%, (NQ 36%). 

- Kéo giảm tai nạn giao thông 11,11%; (NQ ít nhất 10%);

- Khám phá án hình sự đạt 85,59% ; (NQ ít nhất 80%).

2. Những kết quả đạt được và hạn chế của từng khu vực trong cơ cấu kinh tế

2.1. Khu vực Nông lâm thủy sản

Giá trị tăng thêm ước tính 4.701,6 tỷ đồng, tăng 2,52% so năm 2011, NQ tăng 5,9% (năm 2011 tăng 7,33%). Trong đó : 

+ Nông nghiệp: Giá trị tăng thêm ước tính 2.450,1 tỷ đồng, tăng 1,07% so  năm 2011 (năm 2011 tăng 4,26%). Sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu như: Lúa, dừa, sản lượng gia cầm xuất chuồng tăng so cùng kỳ. Tuy nhiên, giá cả một số hàng nông sản: Lúa, dừa, heo giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân giảm sút, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng thấp so năm trước.

+ Thủy sản: Giá trị tăng thêm ước tính 2.233,8 tỷ đồng, tăng 4,2% so năm  2011 (năm 2011 tăng 11,03%). Sản lượng thủy sản nuôi tăng khá chủ yếu tăng từ sản lượng cá tra, sản lượng tôm biển giảm so năm trước do môi trường nuôi không thuận lợi, dịch bệnh phát sinh nhiều gây thiệt hại cho người nuôi. Giá tôm biển và cá tra không ổn định, chi phí đầu vào tăng cao, hiệu quả nuôi thủy sản đạt thấp so năm trước. Khai thác thủy sản khá thuận lợi, sản lượng tăng khá, nhưng giá xăng dầu tăng, hiệu quả khai thác không cao.

2.2. Khu vực công nghiệp - xây dựng

 Giá trị tăng thêm ước tính 2.442,5 tỷ đồng, tăng 11,89% so năm 2011, NQ tăng 17,9% (năm 2011 tăng 11,15%). Trong đó:

+ Ngành Công nghiệp: Giá trị tăng thêm ước tính 1.905,4 tỷ đồng, tăng 14,63% so năm 2011 (năm 2011 tăng 13,05%). Trong đó công nghiệp khai thác gồm khai thác cát sông và muối biển xấp xỉ năm trước. Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước ước tăng 8,57% (năm 2011 tăng 2,45%). Riêng ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng khá lớn trong nhóm ngành công nghiệp, giá trị tăng thêm ước 1.745 tỷ đồng, tăng 15,52% so năm 2011 (năm 2011 tăng 18,82%). Khu vực nhà nước phát triển ổn định; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm tăng 62,49%, nhưng vẫn thấp hơn so với năm trước (năm 2011 tăng 89,49%). Riêng khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 6,35% so năm trước.

+Ngành xây dựng: Giá trị tăng thêm ước tính 537,1 tỷ đồng, tăng 3,13% so năm 2011 (năm 2011 tăng 5,51%). Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn nhà nước giảm. Riêng xây dựng trong doanh nghiệp và hộ dân cư có tăng lên, nhưng mức độ tăng chậm hơn năm trước.

2.3. Khu vực dịch vụ

Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ ước tính 4.194,7 tỷ đồng, tăng 8,48% so năm 2011, NQ tăng 10,3% (năm 2011 tăng 8,89%). Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn nhưng tăng trưởng thấp so với năm trước như: Vận tải, Bưu chính viễn thông tăng 9,58% (năm 2011 tăng 20,98%); ngành tài chính tín dụng tăng 7,61% (năm 2011 tăng 8,01%); kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn tăng 13,02% (năm 2011 tăng 13,81%); ngành y tế tăng 19,99% (năm 2011 tăng 21,9%). Các ngành Quản lý nhà nước; khách sạn nhà hàng; khoa học công nghệ; hiệp hội tăng trưởng cao hơn so với năm 2011, nhưng những ngành này chiếm tỷ trọng không lớn. Riêng ngành thương nghiệp và phục vụ cá nhân cộng đồng tăng trưởng thấp do đời sống khó khăn, sức mua trong dân giảm sút.

3. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội

3.1. Khoa học và công nghệ

 Các đề tài, dự án triển khai đã mang lại kết quả khả quan, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn. Năm 2012, tỉnh đã quản lý và tổ chức triển khai 66 đề tài, dự án, trong đó có 45 đề tài, dự án năm 2011 chuyển sang.

Đã tuyển chọn được 7 giống mía có năng suất chất lượng cao trên vùng phèn, mặn; lọc mặn, thanh lọc tính kháng sâu bệnh và xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác các giống lúa chịu mặn; xây dựng mô hình và quy trình canh tác sầu riêng có tỷ lệ sượng trái thấp; thực hiện mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học; mô hình thử nghiệm nuôi thuần dưỡng nghêu cám thành nghêu giống trong ao ở Ba Tri; ...Hỗ trợ 03 doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, nâng tổng số doanh nghiệp được hỗ trợ là 09 doanh nghiệp.

Công tác thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa,... được tiến hành thường xuyên, đã nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

3.2. Giáo dục-Đào tạo

 Năm học 2011-2012, quy mô giáo dục ở các cấp học tiếp tục phát triển, với 40.445 cháu mầm non, 98.191 học sinh tiểu học, 69.605 học sinh THCS, 35.093 học sinh THPT.

Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh các cấp học đạt loại giỏi tăng so năm học trước.

Việc tổ chức dạy 02 buổi/ngày ở bậc tiểu học được phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) tiếp tục được củng cố và nâng chất, tính đến hết năm học 2011-2012, có 32/164 xã, phường đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 40/164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2; 164/164 xã, phường, thị trấn và có 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS; 48/164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD trung học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,12%, tăng 13,64%; hệ giáo dục thường xuyên đạt 72,44%, tăng 18,55%.

Số lượng học sinh các cấp bỏ học có xu hướng giảm như: Tiểu học tỷ lệ 0,11%, giảm 0,02%; THCS tỷ lệ 0,97%, giảm 0,43%; THPT tỷ lệ 3,43%, giảm 0,09%; GDTX tỷ lệ 19,35%, giảm 1,7%.

 Khai giảng năm học 2012-2013, với 173 trường mầm non, 40.511 cháu; 189 trường tiểu học, 97.859 học sinh; 136 trường THCS, 68.559 học sinh; 31 trường THPT, 34.027 học sinh; trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố có 4.468 học viên và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh có 4.000 học viên.

Xây dựng được 1.784 phòng học và 199 phòng công vụ theo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, trong đó có 1.336 phòng học đưa vào sử dụng, đang thi công 448 phòng, còn 655 phòng chưa triển khai; 171 phòng công vụ đưa vào sử dụng, đang thi công 28 phòng, còn 20 phòng chưa thi công. Ước giải ngân năm 2012 là 182,38 tỷ đồng, đạt kế hoạch vốn.

Toàn tỉnh có 127/529 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 9 trường so cùng kỳ; trong đó: 20 trường MN, 62 trường TH, 39 trường THCS, 5 trường THPT và 1 trường phổ thông nhiều cấp học;

3.3. Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân

 Thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn, nhất là các bệnh truyền nhiễm; tuy nhiên các bệnh sốt xuất huyết, hội chứng tay chân miệng có diễn biến khá phức tạp và đã xảy ra tử vong. Tính đến ngày 30/9/2012, bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra 1.668 cas, tăng 1,2% so cùng kỳ, 01 cas tử vong; hội chứng tay chân miệng 3.494 cas, tăng 30,8% so cùng kỳ, 01 cas tử vong,…đã phát hiện 154 cas nhiễm HIV, 107 cas chuyển sang AIDS, tử vong 49 cas. 

Triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình y tế quốc gia về tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, phòng chống bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Công tác khám chữa bệnh được đảm bảo.

Cuối năm 2012 các chỉ tiêu như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 14%; tỷ lệ trẻ dưới 01 tuổi được tiêm đầy đủ 7 loại vaccin đạt 99%; công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 92,44%, đạt 23 giường bệnh/vạn dân, 5,69 bác sĩ/ vạn dân.

Trong năm 2012, đã tuyển được 108/249 cán bộ y tế học đường, số còn lại sẽ tiếp tục tuyển vào các năm sau.

Mạng lưới y tế cơ sở được duy trì và củng cố, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 98% (có 03 xã của huyện Châu Thành chưa có bác sĩ), 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 98,78% xã có y tế ấp.

Ước đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 125.000 người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, chiếm 10% dân số.

Dự án bệnh viện đa khoa 600 giường đã hoàn chỉnh hồ sơ,  hiện đang chờ đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng bệnh viện Lao, Tâm thần, bệnh viện đa khoa huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Châu Thành và 07 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; đang tiếp tục thi công khoa Nội A, Khu cấp cứu bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

3.4. Văn hóa-thể dục thể thao

 Trong năm, đã tổ chức tốt nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là tập trung chỉ đạo và thành công Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 cấp quốc gia.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển sâu rộng, chất lượng nâng lên. Trong năm đã công nhận thêm 17 xã văn hóa, hiện toàn tỉnh có 01 huyện (Châu Thành); 145/164 xã, phường, thị trấn văn hóa.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, số người tập luyện TDTT thường xuyên chiếm tỷ lệ 31% dân số; số hộ gia đình thể thao chiếm 29,5% tổng số hộ toàn tỉnh. Thể thao thành tích cao được duy trì và có chiều hướng phát triển, các đội tuyển, đội trẻ tham dự các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt được thành tích khá.

3.5. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội

Đã cấp 132.812 thẻ BHYT cho hộ nghèo, với kinh phí 69,9 tỷ đồng; hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT cho 7.249 người cận nghèo, kinh phí trên 2,1 tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho 45.661 hộ nghèo theo Quyết định 268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí trên 16 tỉ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho 5.609 nhân khẩu nghèo tại các xã bãi ngang ven biển, kinh phí 448,7 triệu đồng…Tổ chức 5 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 12 câu lạc bộ giảm nghèo cấp huyện và 38 câu lạc bộ cấp xã. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn 40.238 hộ nghèo, tỉ lệ 11,13%; 21.863 hộ cận nghèo, tỉ lệ 5,5%. Qua thống kê, toàn tỉnh còn 6.341 hộ nghèo khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ theo Quyết định 167/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2).

Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách đạt kết quả rất tốt; trợ cấp 649 người tham gia kháng chiến nhưng chưa hưởng chính sách; vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 1.041 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, trong đó có 650 căn hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Trợ cấp xã hội thường xuyên cho 45.168 đối tượng bảo trợ xã hội; trợ cấp khó khăn đột xuất do bệnh tật và thiên tai cho 1.012 trường hợp, kinh phí 2,2 tỷ đồng...

3.6. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động

 Số lao động được giải quyết việc làm là 24.350 lao động, đạt 105,9% kế hoạch, có 370 người đi xuất khẩu lao động. Tổ chức đào tạo nghề cho 8.264 người, trong đó có 1.829 người thuộc Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và 1.500 người thuộc Đề án thí điểm cấp thẻ học nghề cho lao động nông thôn Bến Tre 2010-2011. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 44,6%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 18,2%; giảm tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,5%.

3.7. Công tác xã hội hóa

- Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch:

Đã huy động các thành phần kinh tế tham gia vào công tác tuyên truyền cổ động, triển lãm lưu động, tham gia lễ hội, hội xuân. Đặc biệt, Festival Dừa Bến Tre lần thứ 3 đã vận động được 146 đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tài trợ, với số tiền trên 20 tỷ đồng;

Vận động xây dựng nhà bia đặt tại đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, với số tiền trên 600 triệu đồng; nhiều đơn vị và cá nhân đã tài trợ các giải bóng chuyền, bóng đá, xe đạp, việt dã… với kinh phí trên 800 triệu đồng. Nhiều địa phương đã có hình thức khuyến khích, huy động sự đóng góp của nhân dân xây dựng nhà văn hóa, cổng chào, tham gia bảo vệ và trùng tu các di tích lịch sử; ủng hộ sách báo, tạp chí cho tủ sách cơ sở, xây dựng các sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, với kinh phí đầu tư mỗi sân khoảng 500 triệu đồng.

- Trên lĩnh vực giáo dục: đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, cấp học bổng, học cụ, với tổng số tiền hơn 19,4 tỷ đồng và 1.100 m­2 đất, qua đó giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường. Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Bến Tre lên Trường Đại học Bến Tre đã hoàn chỉnh theo góp ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên hiện nay đang tạm thời dừng lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương quy hoạch lại mạng lưới các trường Cao đẳng, đại học trong cả nước.

- Trên lĩnh vực y tế: Duy trì một số mô hình từ thiện đã được hình thành như: Chương trình đem lại ánh sáng cho người mù nghèo; chương trình vá hở môi hàm ếch cho trẻ khuyết tật; mổ tim bẩm sinh; khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thuộc diện nghèo và chính sách tại các vùng khó khăn; bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện. Duy trì 4/12 bệnh viện tỉnh/huyện đã thực hiện chuyển giao dịch vụ ngoài chuyên môn kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân ngoài công lập đảm nhận; 6/12 Bệnh viện tỉnh/huyện thực hiện xã hội hóa trang thiết bị y tế mang tính kỹ thuật cao nhằm hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

- Trên lĩnh vực an sinh xã hội: Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí trên 1,3 tỷ đồng để cấp 8.550 kg gạo và xây dựng 02 căn nhà mái ấm tình thương cho trẻ em mồ côi ở huyện Giồng Trôm; trao 517 suất học bổng và 1.151 phần quà cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phẫu thuật tim cho 10 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; tổ chức thăm và tặng quà cho 490 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các huyện, thành phố và 60 trẻ em vi phạm pháp luật đang được học tập tại Trường Giáo dưỡng số 5 - tỉnh Long An.

Nhận xét chung: Trong điều kiện hết sức khó khăn nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng 6,61%; các chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm,... đều đạt kế hoạch và tăng cao so với năm 2011. Công tác giáo dục và đào tạo, y tế có chuyển biến và nâng lên về chất lượng; các chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo được quan tâm thực hiện, an sinh xã hội được đảm bảo, đã góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả chủ yếu đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng đạt thấp và chưa vững chắc, sức cạnh tranh sản phẩm yếu, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành kinh tế thấp. Một số chỉ tiêu chủ yếu như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh có chuyển biến nhưng thực hiện chưa đạt theo kế hoạch đề ra; do tình hình lạm phát và thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết của Chính phủ, nhiều công trình chậm tiến độ, huy động vốn khu vực dân doanh gặp khó khăn...Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp còn chậm; Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân của dự án. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN mới vào sản xuất, đời sống chưa nhiều, chưa tạo ra sức lan tỏa lớn. Cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày; đội ngũ giáo viên tuy đã được bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Tỷ suất sinh tăng cao; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân; mức chi trả của Bảo hiểm Y tế cho khám, chữa bệnh ở tuyến xã còn thấp. Xuất khẩu lao động đạt thấp; tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn còn cao, một số vùng có nguy cơ tái nghèo, lao động chưa có việc làm, chưa qua đào tạo nghề còn lớn (Bài viết tham khảo tài liệu: Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội năm 2012)./.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Dương
Hiệu trưởng Trường Chính trị Bến Tre

 

Tin khác