Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 11:56

Trường Chính trị với nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Thạc sĩ  Nguyễn Trung Dương
Hiệu trưởng Trường Chính trị

 

Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã viết: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... 

Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hụt hẫng, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”. Trong ba vấn đề cấp bách mà nghị quyết chỉ ra, nghị quyết cũng chỉ rõ: “Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây:

Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”.

Ngày 24-02-2012, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 15-CT/TW về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Chỉ thị đã nêu rõ, mục đích, yêu cầu, nội dung và cách tổ chức thực hiện Nghị quyết. Việc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng viên là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết hiện nay. Trong đó tập trung vào một số vấn đề như: “Thực hiện các nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế, chính sách và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng” và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải: “Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết này. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Chủ động ngăn ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong Đảng. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội”.

Trường Chính trị với nhiệm vụ: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; cán bộ dự nguồn các chức danh trên; cán bộ, công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước và một số lĩnh vực khác”.

Với nhiệm vụ của mình Trường Chính trị không chỉ truyền thụ kiến thức và kỹ năng như: Trang bị những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số nội dung về khoa học hành chính; một số kiến thức về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ về công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, khả năng giáo dục, động viên, tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ của người học, mà còn phải thông qua truyền thụ kiến thức và kỹ năng, Trường Chính trị góp phần nâng cao niềm tin vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và học viên qua đây góp phần “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”, từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị của người đảng viên được hình thành qua giáo dục và rèn luyện trong tổ chức của Đảng và đồng thời cũng là kết quả của quá trình tích lũy vốn sống thực tiễn mà người đảng viên trải qua. Vốn sống ấy chứa đựng cả tri thức và cả kinh nghiệm, bao quát những lĩnh vực hoạt động và những quan hệ xã hội. Khi đã có vốn sống thực tiễn phong phú, kinh nghiệm dày dặn, cần có thêm tri thức để phân tích, chắt lọc, khái quát thành giá trị, để có thể tổng kết những vấn đề thực tiễn, phát triển lý luận, để không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm cũng như tình trạng tách rời giữa lý luận và thực tiễn.

Xét về sự phát triển nhân cách của người đảng viên, mối quan hệ giữa vốn sống thực tiễn và học vấn; giữa kinh nghiệm và lý luận, giữa lý thuyết và thực hành, nếu được xử lý đúng đắn sẽ tạo nên cơ sở cho sự phát triển tính tích cực và sáng tạo của mỗi người. Người đảng viên trong công cuộc đổi mới và con người mới được đào luyện trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là con người có học thức, có tư duy khoa học, có tính tư tưởng cao, đồng thời, cũng là con người thiết thực trong hành động. Phải tránh rơi vào những cực đối lập làm cho con người không có sự phát triển lành mạnh về nhân cách hoặc thô thiển, thực dụng (sống và hành động tùy tiện, buông thả, chạy theo lợi ích vật chất) hoặc lý thuyết suông, không phải con người hành động (do tách rời lý thuyết với kinh nghiệm trong thực tiễn).

Trường Chính trị góp một phần rất quan trọng trong hình thành và phát triển nhân cách trên, để thực hiện tốt nhiệm vụ từ yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Thứ nhất, từ sự truyền cảm của người giảng viên thông qua luận giải cơ sở khoa học và thực tiễn của đường lối đổi mới của đất nước, phản bác những luận điệu xuyên tạc, do đó người giảng viên không chỉ có kiến thức lý luận và thực tiễn mà còn phải có niềm tin và tình cảm, có đạo đức trong sáng (không thể được coi là người có đạo đức, là người xứng đáng với danh hiệu giảng viên - đảng viên của Trường Chính trị nếu người đó chỉ làm tròn nhiệm vụ, bổn phận của mình trong cơ quan, trong tập thể chi bộ, đảng bộ ở Trường nhưng lại thờ ơ với các sinh hoạt công dân ở địa phương, trước hết ở nơi cư trú. Càng chưa thể có đạo đức, nếu như mỗi giảng viên - đảng viên không góp phần vào việc hình thành dư luận xã hội tích cực, phê phán cái tiêu cực, cái ác, cái xấu đang diễn ra hằng ngày trong đời sống xã hội, trong thực tế), thông qua niềm tin và tình cảm, gương đạo đức của mình mà truyền cảm cho người học, củng cố, nâng cao niềm tin người học, muốn người học có niềm tin và đạo đức người dạy phải có niềm tin và đạo đức trước.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa chính trị chuẩn mực, yếu tố môi trường văn hóa chính trị ở đây là những nhân tố tác động bên ngoài gây ảnh hưởng niềm tin, lý tưởng và đạo đức người học.

- Các chuẩn mực trong giao tiếp, xử lý các mối quan hệ: thầy-trò, cấp trên-cấp dưới, đảng viên-đảng viên (đồng chí); nhân viên-học viên…
- Tính công bằng trong quản lý, quá trình rèn ruyện và học tập của người học, trong đánh giá kết quả học tập.
- Xây dựng văn hóa công sở.

Thứ ba, phát huy dân chủ, tính sáng tạo, tích cực của người học. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Dự báo các biểu hiện chưa đúng có thể xảy ra để phòng tránh.

Tăng “sức đề kháng”, “miễn dịch” cho học viên để khi học viên tiếp xúc với xã hội, với các trang website, với các nguồn tin không chính thống thì biết phân biệt đúng sai, hợp lý hay bất hợp lý,…để củng cố niềm tin và hình thành cách nhìn, cách đánh giá cho đúng.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trường Chính trị tiếp tục khẳng định và tăng cường những nội dung môn học về tư tưởng Hồ Chí Minh trong  đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức việc học tập một cách thiết thực, hiệu quả.

Trường Chính trị không chỉ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức mà còn là nơi tiên phong trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Góp phần quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 xây dựng phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của học viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay./.

Tin khác