Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 22:24

Tình cảm của Bác Hồ dành cho các gia đình Việt Nam

Nguyễn Thị Hiền
Phó Trưởng phòng Đào tạo

Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam...Có thể nói trong suốt cuộc đời của mình, Người đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, cho áo ấm, cơm no của mọi người nhưng riêng mình thì sống vô cùng giản dị và thanh đạm, bởi vì lẽ sống của Người là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Tôi đã đọc được mẫu chuyện: “Bác không thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai” được trích trong cuốn 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong câu chuyện ấy, tôi như đọc được tình cảm thiêng liêng của Bác dành cho mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam nhất là dành cho những người nghèo. Chuyện kể rằng:

“Thấy người lạ, mấy em quay ra nhìn tôi. Em lớn, cặp mắt như dò hỏi nhưng vẫn lễ phép:

- Cháu chào bác ạ!

- Mẹ cháu đâu? - Tôi vội hỏi.

- Bác ạ, bác hỏi gì cháu? - Chị Chín từ trong bếp đi ra, vai quẩy đôi thùng, có lẽ chị đi gánh nước để sớm mai khỏi bị “dông”.

Chị vừa trả lời vừa nhìn tôi hơi ngạc nhiên, tôi vội bảo:

- Chị ạ, chị ở nhà...

Chị Chín vẻ lo lắng, quay lại nhìn lũ trẻ. Hình như chị lo lũ trẻ nghịch dại nên cán bộ tới chăng? Tôi vội bảo thêm:

- Chị ở nhà, có khách đến thăm Tết đấy!

Vừa lúc ấy, Bác đã bước vào. Chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bổng rơi khỏi vai chị. Chiếc thùng sắt gieo xuống đất kêu loảng xoảng. Tôi vội xếp lại hộ chị. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác, Bác Hồ” rồi chạy lại quanh Bác.

Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác và bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu bạc rung lên từng đợt.

Bác đứng lặng, hai tay Người nhẹ nhẹ vuốt lên mái tóc chị Chín. Chờ cho chị bớt xúc động, Người an ủi:

- Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?

Tuy cố nén, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:

- Có bao giờ... có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con,...mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá...thành ra con khóc...

Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo:

- Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?

Người xoa đầu các cháu và cho các cháu kẹo, rồi hỏi chị Chín:

- Thím hiện nay làm gì?

- Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ!

- Như vậy là làm công nhân chứ! Sao lại gọi là phu?

- Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.

- Thím vẫn chưa có công việc ổn định à?

- Dạ, cháu đã ngoài ba mươi tuổi, lại kém văn hoá nên tìm việc có nghề nghiệp cũng khó.

Bác quay nhìn đồng chí Phó Bí thư Thành uỷ và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội. Bác lại hỏi:

- Mẹ con thím có bị đói không?

- Thưa Bác, hồi Tây còn ở đây thì dẫu có cả bố cháu cũng vẫn đói ạ! Bây giờ bố cháu mất rồi, nhưng đói thì không ngại, rét cũng không lo, song việc chi tiêu thì còn chắt chiu lắm ạ!

Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt.

Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi:

- Cháu có đi học không?

- Dạ, cháu đang học lớp bốn ạ! Cháu nó vất vả lắm! Sáng đi học, chiều về phải trông các em và đi bán kem, hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu...Còn cháu thứ hai thì học lớp ba, cháu thứ ba học lớp hai. Dạ, khó khăn nhưng vợ chồng cháu trước đã dốt nát, nay cũng phải cố cho các cháu đi học.

Bác tỏ ý bằng lòng. Người ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học tập cho các cháu. Nhân dân trong ngõ đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc Tết bà con. Mọi người cùng mẹ con chị Chín theo tiễn Bác ra xe. Khi chiếc xe từ từ lăn bánh, mấy mẹ con chị vẫy chào Bác, nhưng nét mặt chị Chín vẫn bàng hoàng như việc Bác vào thăm Tết mà chị không rõ là thật hay hư.

Trên xe về Phủ Chủ tịch, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy nghĩ.

Tôi khẽ trình bày với Bác:

- Thưa Bác, năm nay Thành uỷ Hà Nội đã để ra mười vạn đồng trợ cấp cho các gia đình túng thiếu.

Bác quay lại nhìn tôi rồi bảo:

- Bác biết, nhưng muốn cho mọi người vui Tết, trước hết phải lo cho ai cũng có việc làm. Phải chú ý những người có khó khăn đặc biệt”.

Như vậy, Bác cũng như chúng ta, là con người bình thường nhưng ở Người đã trở nên vĩ đại, bởi vì đã vượt lên trên cái bình thường của chính mình với mục đích đem lại cái bình thường và hạnh phúc cho nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị phai nhạt; tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên,...những hạn chế này đang khiến cho nhiều gia đình Việt Nam có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Vì vậy, nhân ngày Gia đình Việt Nam, mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm cùng với lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm giáo dục và rèn luyện theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, thực hiện tốt các chính sách cho người nghèo, phát huy vai trò của gia đình và giáo dục gia đình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Tin khác