Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 16:36

Thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa nhân dân ta làm chủ đất nước

Nguyễn Thị Ninh

Khoa Xây dựng Đảng

Cách đây 70 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Chính với thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, một thời đại mới đã mở ra đối với mỗi người dân Việt Nam - thời đại nhân dân Việt Nam được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Trước khi thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất dưới quyền cai quản của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam nằm trong bối cảnh các nước đế quốc đang không ngừng xúc tiến chuẩn bị thực hiện mưu đồ cạnh tranh, giành giật các nước thuộc địa và khu vực ảnh hưởng. Sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược vào ngày 1/9/1858, triều đình nhà Nguyễn đã từng bước thỏa hiệp và đi đến đầu hàng hoàn toàn, Việt Nam trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”[1]. Thực dân Pháp đã tiến hành hai cuộc cuộc khai thác thuộc địa (1897-1914) và (1919-1929) áp đặt chính sách thống trị quy mô và triệt để trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá giáo dục... Với những thủ đoạn bóc lột tàn bạo, nhiều hình thức thuế khóa nặng nề và việc thi hành chính sách ngu dân để dễ bề cai trị của thực dân Pháp, đời sống nhân dân ta rơi vào cảnh điêu đứng, cực khổ trăm bề. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp càng thêm sâu sắc.

Chính vì vậy, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi như Phong trào Cần Vương - phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, phong trào nông dân tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế hay những cuộc đấu tranh theo khuynh hướng tư sản với những hình thức đấu tranh phong phú như cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh, cuộc khởi nghĩa Yên Bái…Tuy nhiên, do thiếu một đường lối chính trị đúng đắn và một phương pháp cách mạng khoa học, thiếu cơ sở trong quần chúng nên các phong trào trên đều bị thất bại, nhân dân Việt Nam chưa thể làm chủ vận mệnh của mình.

 

Với khát vọng giải phóng dân tộc, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành năm 1911 quyết định ra đi tìm đường cứu nước và sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và xác định được con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản, mở đường giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước đầu thế kỷ XX. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tạo những tiền đề và đồng thời là nhân tố quan trọng mang tính quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào cách mạng liên tục diễn ra, từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1936-1939….Toàn bộ hoạt động của Đảng đều xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, với ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trên cả nước, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng dâng cao, cả nước sục sôi trong không khí cách mạng, sẵn sàng nổi dậy. Ngay sau khi nhận được tin Nhật gửi công hàm cho Đồng minh chấp nhận đầu hàng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động sáng tạo trong sử dụng các hình thức, phương pháp thích hợp khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam đã vùng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và giành thắng lợi nhanh chóng. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta trở thành người dân một nước độc lập, được làm chủ vận mệnh của mình.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định địa vị làm chủ của nhân dân, coi đó là nội dung cơ bản của nền dân chủ mới: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”.[2] Trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, người dân đều có quyền làm chủ “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”[3]. Cán bộ từ Trung ương đến cán bộ các cấp các ngành đều là đầy tớ của dân, do dân cử ra và dân bãi miễn. Ngay cả chức Chủ tịch nước mà Người đảm nhiệm cũng được Người chỉ rõ “Tôi tuyệt nhiên không muốn ham danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng lệnh mệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui”[4].

Vì sao người dân lại có quyền hạn to lớn như vậy? Trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhân dân đã cung cấp cho Đảng những người con ưu tú nhất. Lực lượng của Đảng có lớn mạnh được hay không là do dân. Nhân dân là người xây dựng, đồng thời cũng là người bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ của Đảng: dân như nước, cán bộ như cá. Do vậy, nhân dân là lực lượng xây dựng đất nước, là lực lượng hợp thành, nuôi dưỡng, bảo vệ các tổ chức chính trị, do vậy nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ chế độ, làm chủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

        Làm thế nào để dân thực hiện quyền làm chủ của mình? Đây là vấn đề được Người hết sức quan tâm. Theo Người, người dân chỉ thực sự làm chủ khi họ được giáo dục và nhận thức rõ ràng đâu là quyền lợi người dân được hưởng, đâu là nghĩa vụ người dân phải thực hiện “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân[5]. Hậu quả của chính sách ngu dân mà thực dân Pháp để lại sau hơn 80 năm đô hộ nước ta đó là hơn 95% người Việt Nam mù chữ. Chúng không muốn cho dân ta biết chữ để dễ bề lừa dối, bóc lột và đàn áp. Cái mà chúng gọi là khai hoá văn minh thực chất là đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện. Vì vậy, ngay sau khi giành được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là tiêu diệt giặc dốt, nâng cao dân trí. Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kịp thời phát động một chiến dịch chống nạn mù chữ trong toàn dân, đồng thời xây dựng một chương trình hành động thiết thực nhằm tổ chức lại nền giáo dục nước nhà.

Nhà nước là bộ máy hiệu lực nhất, sắc bén nhất mà thông qua đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Vì vậy mà Đảng ta chủ trương phải lãnh đạo xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hệ thống luật pháp lấy việc bảo vệ lợi ích của người dân làm mục tiêu hàng đầu, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân: “Cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng, xã đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của thực dâ Pháp và phát xít Nhật”[6]. Do đó, ngay sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc bầu cử ra cơ quan tối cao của Nhà nước. Chính Người đã đề nghị Chính phủ sớm tổ chức cuộc tổng tuyển cử ở Việt Nam với chế độ phổ thông đầu phiếu. Với kết quả tổng tuyển cử, ở Việt Nam đã xuất hiện mô hình Nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân, Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ. Bên cạnh đó, Người chủ động chỉ đạo thành lập Ban tổ chức soạn thảo Hiến pháp và Hiến pháp đã được thông qua vào tháng 11/1946. Đây thực sự là một Hiến pháp dân chủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước kiểu mới.

Vai trò làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của đất nước luôn luôn được Đảng đề cao và dần hoàn thiện. Trước Đổi mới, Đảng áp dụng triệt để đường lối nhân dân “làm chủ tập thể” trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH): “Xây dựng và phát huy chế độ làm chủ tập thể của Nhân dân lao động, coi làm chủ tập thể Nhân dân lao động là bản chất, mục tiêu và động lực của CNXH”[7]. Kể từ Đại hội VI đến nay, vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng rõ nét hơn và có sự nâng cao: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”[8] và “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách về kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng; quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân”[9]. Với hệ thống văn bản pháp luật ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện, với phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, triển khai sâu rộng, làm chuyển biến tích cực về nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội.

Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được trưng cầu ý kiến của Nhân dân, của cơ quan dân cử và các tổ chức, đoàn thể. Ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1922 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, việc góp ý sửa đổi Hiến pháp được chính quyền đưa đến từng hộ gia đình. Chương II của Hiến pháp 2013 cũng đã quy định đầy đủ các quyền của con người về dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục; quyền tự do lập hội, hội họp; quyền của các nhóm xã hội yếu thế; cả những quyền mới, như quyền về hưởng thụ một môi trường trong sạch, quyền hiến mô, tạng… Tất cả đều thể hiện ý chí của toàn dân hướng đến xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, vì con người, dân chủ và phồn vinh. Các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn là nguồn thông tin đa chiều và trở thành diễn đàn của nhân dân. Bộ máy Nhà nước ngày càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân. Những việc làm trên thể hiện sự quyết tâm của Đảng về tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tuy nhiên, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện nhưng chưa thực sự triệt để, chưa thực sự đi vào đời sống, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết, kiểm điểm theo định kỳ về việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở của một số cấp ủy chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Ðảng ta luôn xác định rõ phát huy quyền làm chủ của nhân dân để có thể thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, đạt tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn  tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002,t.10,tr.3.

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2011, t.7, tr. 434.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 6, tr.232.

[4] Trước ngày 21/6/1946, Bác Hồ tiếp và trả lời phỏng vấn các nhà báo

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 258

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, t.5, tr.201-410.

[7] Tổng Bí thư Lê Duẩn, 1986, Bài nói chuyện với các trường đoàn đại biểu dự hội nghị Ủy ban hợp tác Kế hoạch Hội đồng tương trợ kinh tế, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, H.2011, tr.100.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.145-146.

 

Tin khác