Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 07:00

Tâm huyết với nghề là một phẩm chất cần có của người giảng viên Trường Chính trị tỉnh

ThS Trần Văn Hòa
                                                                                      Khoa Xây dựng Đảng
 
Yêu nghề và tâm huyết với nghề là một phẩm chất cần có ở bất kỳ công việc gì mà người lao động trong xã hội mới muốn đạt hiệu quả cao. Nhất là nghề giáo, nghề dạy người, chúng ta dạy học vì chúng ta thực sự thích thú với nghề này. Cảm giác về một sự hoàn thành sau một ngày làm việc hiệu quả, niềm vui sướng khi được chia sẻ một quyển sách hay, một nội dung truyền đạt có ý nghĩa, cùng ngẫm nghĩ một bài thơ giàu ý tứ, một câu châm ngôn, một lời bài hát hay đơn giản chỉ là cái cảm giác: Cảm thấy mình quan trọng trong cuộc sống. Những điều đó làm chúng ta say mê, thích thú với nghề.
 
Nghề giáo ở trường chính trị là nghề tương đối đặc thù trong ngành giáo dục hiện nay ở nước ta, vì đây là môi trường đào tạo dành cho cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Nội dung đào tạo là những kiến thức vừa khái quát, trừu tượng, vừa cụ thể, nhưng có tính chất rất biện chứng. Vì Vậy, đòi hỏi người giáo viên ngoài kiến thức đã có về các học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể,...về tự  nhiên, xã hội, còn phải tâm quyết với nghề, thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy một cách tốt nhất. Nghề giáo ở trường chính trị đặt ra cho đội giảng viên những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và nhiều thử thách nhưng rất vinh quang:
 
Về những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và nhiều thử thách, để có được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt giỏi cho tỉnh nhà, ngoài việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, còn phải đảm bảo nâng cao trình độ lý luận chính trị. Người cán bộ theo Bác là phải “vừa hồng vừa chuyên”, vì “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc có thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, trách nhiệm của người giảng viên trường chính trị là phải đào tạo cho được người cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, có lập trường, quan điểm vững vàng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt nắm được tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trước những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi người giảng viên phải phấn đấu, nỗ lực không ngừng trau dồi kiến thức về chuyên môn, kỹ năng về phương pháp. Có như vậy, người giáo viên trường chính trị mới đảm nhận nhiệm vụ truyền đạt một cách tốt nhất về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kỹ năng quản lý, nghiệp vụ công tác Đảng và đoàn thể,...Để đạt được mục tiêu trên, người thầy, cô giáo trường chính trị cần có những năng lực  sau:

Một là, có năng lực về tri thức và tầm hiểu biết. Đây là năng lực cơ bản, chủ yếu của người thầy trường chính trị, là điều kiện để giảng dạy, “biết mười dạy một”. Ngày nay, người học không nhất nhất cái gì cũng tuân thủ, phục tùng thầy vô điều kiện, nhất là học viên của trường chính trị. Họ được tiếp cận và hiểu biết rất nhiều thông tin từ thực tiễn công tác, nghiên cứu khoa học, là thầy, phải chinh phục trò bằng kiến thức sâu rộng của mình, điều đó còn có tác dụng tạo ra uy tín cho người thầy, mà nhất là những thầy, cô giáo còn trẻ.

Hai là, có năng lực xử lý thông tin, tài liệu. Thầy, cô giáo trường chính trị phải có phương pháp nghiên cứu, lựa chọn tài liệu dùng soạn bài cho mình và học tập cho học viên của từng đối tượng. Vì vậy, người thầy giỏi là người thầy hiểu học viên, đặt mình vào vị trí người học để tiếp thu, trình bày những nội dung phù hợp với đối tượng. Người thầy có khả năng phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa được kiến thức, thấy được nội dung nào là trọng tâm, nội dung nào không trọng tâm. Ngoài ra, người thầy phải có sự sáng tạo trong cung cấp kiến thức cho người học, bên cạnh kiến thức tinh tế và chính xác, đòi hỏi phải liên hệ được nhiều mặt giữa kiến thức cũ và mới, kiến thức bộ môn này với bộ môn khác, liên hệ thực tiễn gắn với từng chuyên ngành đào tạo.

Ba là, kỹ năng về phương pháp dạy học. Người thầy, cô giáo dạy giỏi không chỉ truyền kiến thức cho người học về những nội dung phong phú, sâu sắc, mà còn phải sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học tích cực để hướng người học tập trung một cách thích thú, say mê. Vì vậy, người thầy phải luôn luôn rèn luyện năng lực ngôn ngữ truyền đạt kiến thức rõ ràng, dễ hiểu, vừa sức, đặc biệt là nghệ thuật khéo léo khi sử dụng phương pháp giảng dạy.

Về những vinh quang của nghề giáo trường chính trị, người thầy ở trường chính trị tỉnh được Đảng và nhân dân giao phó trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho tỉnh nhà. Do đó, người thầy ở trường chính trị, là rất vinh dự và tự hào về vị trí công tác của mình; đồng thời cũng thấy rõ trách nhiệm nặng nề trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Vì nơi đây là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho cách mạng mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cán bộ là “gốc” của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Một lần nữa, chúng ta muốn nhấn mạnh lời dạy của Bác về công tác cán bộ để thấy rằng vinh quang của người thầy, nhất là người thầy ở trường chính trị hiện nay. Vì vậy, việc đào tạo cán bộ ở trường chính trị cũng phải được coi là “công việc gốc” của Đảng bộ tỉnh nhà. Thông qua hoạt động đào tạo cán bộ của nhà trường sẽ góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng, hình thành phát triển cả “đức” và “tài” của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh nhà.

Các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất quan trọng trong mục tiêu đào tạo toàn diện của trường. Vì vậy, hiện nay bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học các môn thuộc khoa học hành chính, Nhà nước và Pháp luật, Xây dựng Đảng, Lịch sử Đảng, Quốc phòng An ninh, Dân vận, Địa phương học,…Trường Chính trị Bến Tre còn rất coi trọng công tác dạy học các môn chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xem đây là mắc khâu quan trọng trong toàn bộ hệ thống chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Chất lượng giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị Bến Tre phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau, trước hết là đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Càng vinh dự, tự hào bao nhiêu, người thầy lại càng ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề của mình trong Trường Chính trị tỉnh. Bản chất nghề nghiệp đòi hỏi người thầy phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là yêu cầu hàng đầu đối với cán bộ làm công tác giảng dạy lý luận và giáo dục chính trị của Đảng.. Bất cứ nhà giáo dục nào cũng cần có lý tưởng chính trị. Nhà giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lại cần phải có lý tưởng chính trị vững vàng. Người thầy cần phải có sự nhạy cảm và đồng cảm chính trị với Đảng như tư chất hữu cơ. Có như vậy, chúng ta mới giải phóng được khỏi sức ép tâm lý tư tưởng mà trong điều kiện kinh tế xã hội phức tạp hiện nay đang bủa vây xung quanh, mới có được tâm trí thoải mái và sự hứng khởi nghề nghiệp, mới nuôi dưỡng được giấc mơ và hoài bão khoa học.

Tóm lại, nghề nào cũng có những cái vất vả nhưng nghề dạy học thì vất vả hơn rất nhiều, muốn vượt qua vất vả ấy, người giáo viên không chỉ cần phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, mà quan trọng hơn cả phải có tình thương và tâm huyết với nghề. Thành công lớn nhất của người là được sự kính trọng của người học và toàn xã hội. Để đạt được điều này người thầy phải không ngừng phấn đấu trong suốt cả cuộc đời./.

Tin khác