Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 12:12

Sự tác động tích cực của dư luận xã hội đối với ý thức pháp luật

                                                                      Trần Thị Quỳnh Nghi
Khoa Nhà nước và Pháp luật

Dư luận xã hội luôn là một vấn đề chiếm vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, nó đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, hình thành, tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Dư luận xã hội có sự tác động đối với nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là ý thức pháp luật của con người và nhất là trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ta đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, tính dân chủ, bình đẳng của con người ngày càng được nâng cao, coi trọng và thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật. Chính vì vậy, sự tác động của dư luận xã hội đến ý thức pháp luật của con người cũng cần phải được nghiên cứu, làm rõ.

Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến, thái độ có tính chất phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước những vấn đề mang tính thời sự, có liên quan tới lợi ích chung, thu hút được sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện trong các nhận định hoặc hành động thực tiễn của họ. Trong thời kỳ cộng sản nguyên thủy, khi chưa có nhà nước, chưa có pháp luật dư luận xã hội đã từng được sử dụng để điều hòa các mối quan hệ xã hội, định hướng hành vi của con người.

Ý thức pháp luật xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước, của pháp luật, nó chịu ảnh hưởng sâu sắc của các hệ tư tưởng, quan điểm và quan niệm trong xã hội, ý thức pháp luật là một trong những yếu tố không thể thiếu trong đời sống xã hội. Ý thức pháp luật là toàn bộ các học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm thịnh hành trong xã hội, thể hiện mối quan hệ giữa con người với pháp luật, trình độ hiểu biết pháp luật, thái độ, sự đánh giá về pháp luật của giai cấp, tầng lớp xã hội, về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi ứng xử của con người, trong tổ chức và hoạt động của các thiết chế xã hội. Ý thức pháp luật thể hiện mối quan hệ của con người với pháp luật, được biểu hiện thành hành vi pháp luật, tình cảm pháp lý, văn hóa pháp lý.

Ý thức nói chung và ý thức pháp luật nói riêng được hình thành trong quá trình con người tiếp cận với đời sống thực tiễn và bắt đầu có nhận thức cơ bản về chúng. Dư luận xã hội cũng vậy, theo nhiều con đường khác nhau, đuợc truyền đạt đến các cá nhân, trên cơ sở nhận thức của mình, các cá nhân bắt đầu đưa ra các ý kiến phán xét, đánh giá về sự kiện đó, sự trao đổi ý kiến giữa các cá nhân sẽ dẫn tới sự hình thành các luồng ý kiến chung tạo thành dư luận xã hội. Như vậy, dư luận xã hội sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của con người nói chung và ý thức pháp luật ở những nội dung sau:

Thứ nhất: Góp phần hình thành ý thức pháp luật, điều chỉnh hành vi pháp lý cho công dân

Dư luận xã hội tác động trực tiếp đến ý thức pháp luật của con người. Thông qua dư luận xã hội, con người sẽ ý thức được đâu là hành vi vi phạm pháp luật cần lên án hoặc đâu là những hành vi hợp pháp cần được khích lệ, cổ vũ, động viên. Chẳng hạn, những vụ vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng như giết người dã man, xâm hại an ninh quốc gia,…đã gây xôn xao dư luận trong xã hội, khiến cho dư luận xã hội hết sức căm phẫn, đòi trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội. Trên cơ sở của dư luận xã hội, cá nhân sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, với chuẩn mực pháp luật. Trải qua một thời gian nhất định, các cá nhân sẽ tự cảm nhận được những điều nên làm và không nên làm, điều đó cho thấy dư luận xã hội có ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật của cá nhân.

Qua đó, dư luận xã hội luôn có tác động mạnh mẽ đến ý thức pháp luật, hành vi của con người. Tác động đó được thể hiện trên ba phương diện:
Một là, tác động tới tình cảm pháp luật của con người, góp phần định hướng cho sự hình thành tình cảm pháp luật của mỗi công dân.
Hai là, tác động tới tâm trạng của con người trước pháp luật cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực.
Ba là, tác động đến sự tự đánh giá, tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cá nhân trong phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hiện hành.

Thứ hai: Dư luận xã hội có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho công dân

Trong cấu trúc của dư luận xã hội luôn có mặt tất cả các thành phần, các yếu tố cấu thành ý thức xã hội: Nhận thức, tình cảm và ý chí, tâm lý xã hội và hệ tư tưởng, ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý thức đạo đức và thẩm mỹ,...Bất kỳ khi nào, có một sự việc, sự kiện, hiện tượng xã hội nào đó có đụng chạm đến lợi ích của cộng đồng xã hội và thu hút được sự quan tâm chú ý của họ, thì khi đó sẽ nảy sinh dư luận xã hội. Ví dụ: Khi quyền lợi của quốc gia, dân tộc bị xâm hại thì dư luận xã hội xuất hiện lên án, phản đối gay gắt các cá nhân có hành vi xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc,…sẽ hình thành tính lan truyền.

Xét ở góc độ ý thức pháp luật, dư luận xã hội lan truyền càng rộng càng làm cho mọi người trong xã hội nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề mang tính bản chất của pháp luật và các hiện tượng pháp luật. Do đó, dư luận xã hội có vai trò to lớn trong việc phổ biến, tuyên truyền những giá trị pháp luật, các tư tưởng, quan điểm pháp luật đến với các chủ thể trong xã hội, trong đó có từng cá nhân con người.

Như vậy, dư luận xã hội luôn hỗ trợ cùng pháp luật trong việc nâng cao ý thức pháp luật, điều chỉnh hành vi của con người, duy trì trật tự trong toàn xã hội cũng như trong mỗi cộng đồng. Nó góp phần giáo dục nhận thức đúng đắn về điều tốt, cái xấu, điều gì đúng pháp luật, điều nào sai pháp luật…để từ đó, nó răn đe con người cần tránh xa những cái xấu xa trong xã hội. Đồng thời, dư luận xã hội cũng góp phần nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân và cũng là phương tiện để các cơ quan nhà nước có thể đánh giá được khả năng nhận thức, việc sử dụng pháp luật và phản ứng của nhân dân đối với các vấn đề pháp luật, từ đó tiến hành các hoạt động thực hiện pháp luật như thế nào cho phù hợp với khả năng nhận thức và thực hiện pháp luật ở đại đa số quần chúng nhân dân. Chúng ta có thể xem dư luận xã hội như là "người lính canh giữ", bảo vệ những quyền lợi, các giá trị phổ biến của xã hội, cũng như các giá trị, lợi ích chính đáng của con người. Do vậy, trong quá trình xây dựng, nâng cao ý thức pháp đối với từng cá nhân, nhà nước cần phát huy những luồng dư luận có tác động tích cực./.

Tin khác