Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 16:21

Sự hòa hợp ý Đảng và lòng dân là cội nguồn sức mạnh để bảo vệ và phát triển Tổ Quốc

                                                                     Nguyễn Thị Ninh
                                                                     Khoa Xây dựng Đảng

Vượt qua những khó khăn và đôi khi vấp phải những sai lầm trong từng lúc từng mặt nhưng qua đó Đảng ta đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Sự lãnh đạo, tính tiên phong của Đảng đã nhận được sự đồng thuận to lớn của đông đảo đồng bào cả nước. Trong bất cứ thời điểm nào, sự hòa hợp ý Đảng và lòng dân cũng là cội nguồn sức mạnh để bảo vệ và phát triển Tổ quốc.

Trước khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã bị áp bức dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Các phong trào yêu nước đã dấy lên mạnh mẽ nhưng tất cả lần lượt bị thất bại. Nguyên nhân căn bản là do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một học thuyết khoa học tiên tiến soi đường. Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng nguyện vọng thiêng liêng của nhân dân và gắn bó với sứ mệnh của cả dân tộc vì  “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác… Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”[1].

Ý Đảng trước hết thể hiện rõ rệt nhất là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng thông qua việc tìm hiểu và lựa chọn đường lối chính trị phù hợp với hoàn cảnh đất nước (cương lĩnh, nghị quyết, chính sách, khẩu hiệu…), ở nghệ thuật tuyên truyền, vận động, giáo dục, tập hợp, tổ chức quần chúng tham gia các lực lượng cách mạng; sử dụng mọi biện pháp, hình thức đấu tranh từ bí mật, bất hợp pháp đến công khai, hợp pháp…Ngay từ những buổi đầu đảm đương sứ mệnh lịch sử, Đảng ta đã đề ra những nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”, “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[2] . Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng trào dâng mạnh mẽ với các nội dung đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc (của công nhân), đòi giảm sưu thuế (nông dân) với các hình thức đình công, bãi công, biểu tình… Sau đó, trước những chuyển biến mới của tình hình thế giới là giai cấp tư sản thống trị ở nhiều nước chuyển sang nền chuyên chính phát xít, với chủ trương của Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII xác định kẻ thù chính của nhân dân thế giới lúc này là chủ nghĩa phát xít thì ở tại nước ta, căn cứ vào trình độ tổ chức và khả năng đấu tranh, Đảng đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và thay đổi sách lược kịp thời. Mục tiêu đấu tranh trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chống chiến tranh đế quốc, đòi dân sinh, dân chủ và hòa bình. Hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp với quần chúng và hoàn cảnh lúc này là kết hợp hình thức tổ chức bí mật, không hợp pháp với tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, nhằm tập hợp và hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp tới cao, thông qua đó giáo dục và phát triển đội ngũ cách mạng. Với sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai và chính sách cai trị phản động của đế quốc Pháp – phát xít Nhật thì nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu “cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”[3]. Việc xác định đúng đắn mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phù hợp với sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước và đề ra cách thức tổ chức, vận động quần chúng đấu tranh thích hợp trong từng thời điểm đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc làm nên thắng lợi hoàn toàn Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước. Từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam trở thành một nước độc lập, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Để có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại làm nên thắng lợi lịch sử,  ý Đảng ngay từ đầu đã xác lập mối quan hệ mật thiết như máu thịt giữa Đảng và dân tạo nền tảng cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Người đã dạy “Đảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng? Dân không có Đảng thì lấy ai dẫn đường?” Trong kháng chiến, Đảng dựa vào dân, bám vào dân để hoạt động và lãnh đạo các cuộc cách mạng giành độc lập, tự do cho nhân dân. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc “Mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản”[4]. Trong khi đó, dân hết lòng hết sức bảo vệ Đảng, che chở cho cán bộ Đảng hoạt động cách mạng và đóng góp hết thảy những gì có thể cho Đảng từ lực lượng tới sự mưu trí, anh dũng…Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng phải là quần chúng được giác ngộ và tổ chức. Với vai trò là đội tiền phong của giai cấp công nhân và của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt nam đã nhận thức sâu sắc điều đó và trong thực tế hoạt động của mình, đã phát huy khả năng to lớn của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, nếu ý Đảng không hợp lòng dân thì không thể nào tập hợp được sức dân triệu người như một nhất tề đứng lên giành lấy chính quyền.  Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng các chính sách khủng bố, tù đày, bắn giết dã man những người yêu nước ở miền Nam, hòng ly gián Đảng và dân. Với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, chúng đã lê máy chém khắp miền Nam gây tổn thất nặng nề cho Đảng và giết hại hàng triệu ngươi dân vô tội nhưng vẫn không đè bẹp được ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ 15. Sau nhiều lần họp bàn, thảo luận, Nghị quyết 15 ra đời xác định nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiến quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai, thực hiện độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Nghị quyết 15 như ngọn đuốc soi sáng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, là cơ sở trực tiếp cho phong trào Ðồng khởi nổ ra và giành thắng lợi. Kết quả to lớn và dễ nhận thấy của phong trào Ðồng khởi là sự khôi phục hoạt động của Ðảng bộ Miền Nam. Ðội quân đấu tranh chính trị, đặc biệt là "đội quân tóc dài", một lực lượng đấu tranh độc đáo và hiệu quả của phụ nữ Nam Bộ ra đời. Cũng từ phong trào Ðồng khởi, lực lượng vũ trang ba thứ quân từng bước củng cố, phát triển về số lượng và chất lượng. Phong trào Ðồng khởi thực sự là một mốc son lịch sử đánh dấu bước chuyển giai đoạn cách mạng quan trọng, đẩy Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn vào thế bị động chống đỡ và thất bại. Như vậy, chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng nhất định sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ đất nước.

Ý Đảng còn là nghị lực, là quyết tâm và bản lĩnh chính trị của tổ chức Đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vào đầu những năm 90, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, cách mạng xã hội chủ nghĩa tạm thời lâm vào thoái trào khiến cho chúng ta đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng. Trước tình hình ấy, Đảng ta đã sáng suốt kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới, đặc biệt đó chính là quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc. Nhờ đó mà chúng ta đã thoát khỏi khủng hoảng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Ngoài việc nắm vững thực chất lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta thì nắm chắc, dựa vững vào lòng dân sẽ làm cho ý Đảng trở thành hiện thực và đi vào quần chúng. Điều kiện tiên quyết để ý Đảng và lòng dân hòa hợp đó là Đảng phải hiểu lòng dân.

Lòng dân, đó là sự cố kết tâm trí, lực lượng của toàn dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn của cách mạng. Đảng đã tập hợp quần chúng dưới nhiều hình thức như lập Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội nông dân…. Dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta đã không ngừng sáng tạo để hình thành nhiều hình thức tổ chức vận động ngày càng phong phú hơn như hình thức các hiệp hội, các câu lạc bộ, các diễn đàn…đóng góp, bổ sung cho nhiều nguồn lực quan trọng cho Đảng. Muốn hiểu lòng dân tường tận hơn, sâu sắc hơn thì Đảng phải gần dân, lắng nghe dân nói. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, Đảng càng cần đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, có sự liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân; giải thích cho nhân dân hiểu rõ; sẵn sàng học hỏi nhân dân; lấy ý kiến của nhân dân để các nghị quyết chuyên đề như nghị quyết về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, về giai cấp công nhân, nông dân, doanh nhân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên…thực sự đi vào cuộc sống.

Khi ý Đảng dựa vào lòng dân thì sự đồng thuận của toàn dân sẽ kết thành ý chí của Đảng. Đảng đã lấy ý kiến đóng góp của toàn dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tất cả những nội dung góp ý đều được nghiên cứu, thảo luận, chọn lọc và tiếp thu một cách nghiêm túc, cầu thị. Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp sửa đổi với đa số phiếu tuyệt đối, thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Điều 4 của Hiến pháp nói về vai trò lãnh đạo của Đảng khẳng định sâu sắc mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, nói rõ Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Cũng trong nhiều tháng qua, đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài rất đồng tình, hoan nghênh việc Trung ương công bố dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng, thể hiện tinh thần dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và xã hội, đặc biệt là phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo Người, Đảng cần “phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng”. Mỗi ý kiến là tâm huyết của cán bộ, đảng viên, nhân dân hướng về Đảng, thực hiện khát vọng được đóng góp xây dựng chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng ngày càng đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng, tâm tư của nhân dân, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với các đối tượng xấu lợi dụng việc góp ý để phát tán thông tin, quan điểm sai trái, đi ngược lại với quan điểm, đường lối của Đảng.

Âm mưu của các thế lực thù địch là bằng những luận điệu xuyên tạc và công phá niềm tin của nhân dân ta đối với tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và đối với đường lối đổi mới của Đảng, khiến cho sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân bị giảm sút. Đồng thời chúng cũng tăng cường lợi dụng các vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để kích động chia rẽ mối quan hệ Đảng – dân, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức phản động đẩy mạnh thực hiện âm mưu bạo loạn, lật đổ và tự diễn biến hòa bình.

Trước thực tế trên, với trọng trách của mình, Đảng ta luôn nghiêm túc tự chỉnh đốn, kiên định nền tảng tư tưởng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đưa đất nước ta vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa to lớn: “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng – an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”[5].

Bất cứ giai đoạn nào, ý Đảng và lòng dân xa rời, không gắn bó mật thiết thì chắc chắn cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí nhanh chóng thất bại. Ngược lại, nếu thường xuyên củng cố, tăng cường mối quan hệ khăng khít, biện chứng của hai yếu tố ý Đảng và lòng dân thì trong bất cứ tình huống nào, cách mạng cũng sẽ đủ sức vượt qua mọi trở lực, chiến thắng mọi kẻ thù và nhất định giành thắng lợi. Ý Đảng xuất phát từ lòng dân, lòng dân là gốc của ý Đảng. Trong suốt 86 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành nhiều thắng lợi trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và vững bước đi lên phát triển ngày một giàu mạnh hơn, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Sự hài hòa ý Đảng, lòng dân tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam ngày càng phát triển cao hơn trong các giai đoạn tiếp theo.

 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.5, tr.250-251.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr2.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.119.
[4] Hồ Chí Minh: Sđd, t.7. tr.243.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Trung ương - Ban Chỉ đạo tổng kết: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb. Chính trị quốc gia, H.2015, tr.190-191.

 

Tin khác