Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 17:46

Sự cần thiết việc soạn đề cương đối với thảo luận - xê-mi-na

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến
                                                                                   Trưởng khoa Dân vận

Thảo luận - xê-mi-na là một trong những khâu quan trọng trong quá trình học tập. Ngoài việc kiểm tra, thi,…để đánh giá khả năng tiếp thu kiến thức của người học, thảo luận - xê-mi-na lại rất cần cho việc trao đổi, giải đáp, làm rõ những vấn đề khi lên lớp giảng viên chưa có cơ hội làm rõ những vướng mắc, yêu cầu, ý kiến đề xuất từ phía người học, những điều này thường dành trong thời gian thảo luận - xê-mi-na. Song một buổi (một ngày) thảo luận - xê-mi-na thành công hay không là do việc chuẩn bị tốt đề cương của người học và vai trò chủ trì của giảng viên quyết định. Đó là điều cần thiết đối với việc học tập nói chung, đặc biệt là học tập lý luận chính trị. Nhận thức rõ vấn đề này nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở Trường Chính trị, theo tôi cần làm rõ các nội dung sau:

1. Đối với người học

Thông thường sau mỗi bài giảng, giảng viên nêu lên những nội dung trọng tâm để học viên độc lập nghiên cứu. Qua mỗi câu hỏi, người học phải tìm những vấn đề trọng tâm, cốt lõi để lý giải vấn đề một cách tốt nhất.

Khi soạn đề cương thảo luận - xê-mi-na, tùy vào cách học của mỗi người cho nên khi phân tích vấn đề, luận giải từng phần, từng mục mỗi người thực hiện cũng khác nhau và cách chứng minh cũng khác, song điểm chung mà mọi người có được đó là sự nghiên cứu, kiên nhẫn tập trung khai thác và khám phá cái mới nhằm giải quyết những vấn đề rắc rối có trong từng câu thảo luận - xê-mi-na.

Thật tiếc nếu học viên đến lớp dự thảo luận - xê-mi-na không chuẩn bị đề cương một cách chu đáo, thậm chí không chuẩn bị một câu nào (với rất nhiều lý do khác nhau). Điều này sẽ đưa đến sự thất bại mà tôi cho là “tổn thất lớn” đối với người học. Vì thời gian có hạn, giảng viên không thể đi sâu từng vấn đề, người học sẽ không có cơ hội trình bày những gì mình còn vướng mắc và số lượng câu hỏi do người học không chuẩn bị sẽ kéo dài ra; có những học viên lại chuẩn bị đề cương mang tính đối phó, khi giảng viên hỏi đến đâu, học viên lật bài giảng hoặc giáo trình ra và đọc liền một mạch, thế là xong. Học viên lúc bấy giờ cứ đọc mà không biết cách tạo những điểm nhấn của kiến thức đã học để nó hằn sâu vào vỏ não, vào hệ thần kinh, họ cứ mặc nhiên để nó trôi tuột vào bầu không khí lạnh lùng nhưng vô cảm đó.

Thảo luận - xê-mi-na còn là quá trình để học viên rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, chính vì vậy nếu không chuẩn bị tốt đề cương sẽ không thể phát biểu tốt trong quá trình học tập tại trường. Khi trở về địa phương công tác, tiếp cận những yêu cầu thực tiễn đặt ra nhất là công tác vận động quần chúng, kỹ năng nói sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác vận động quần chúng kém hiệu quả.

2. Đối với người dạy

Đối với một học viên việc không soạn đề cương khi đến lớp, xin mỗi người hãy tự đặt mình vào trường hợp của giảng viên khi đứng lớp thảo luận - xê-mi-na mà người chuẩn bị đề cương thì ít, người chờ ghi chép nội dung thảo luận thì nhiều, tâm thế của người giảng viên lúc ấy sẽ vô cùng buồn do:

+ Học viên không thể thực hành theo hướng dẫn của giảng viên trên lớp.

+ Buổi học sẽ không đạt yêu cầu về thời gian, nội dung, thay vì trong lớp cả giảng viên và học viên cùng trao đổi nhau những vấn đề đã học, giờ đây học viên cứ ghi chép, giảng viên cứ “thao thao bất tuyệt” những nội dung của đề cương, như vậy người dạy lại giảng bài tiếp lần hai, học viên lại ghi bài tiếp lần hai, xung quanh chỉ là bầu không khí trầm lắng, chỉ có tiếng giảng viên nhắc lại nội dung đã giảng và tiếng sột soạt của những ngòi bút thi nhau chạy rào rào trên trang giấy trắng.

+ Không khí thảo luận - xê-mi-na sẽ “biến tướng” thành một giờ nhắc lại bài cũ một cách bất đắc dĩ, người dạy cứ tiếp tục dò đường, người học tiếp tục ghi nhận những thông tin được giảng viên truyền đạt, có những thông tin có trong sách vở nhưng vẫn cứ ghi. Với tôi cách học như vậy là không chấp nhận được, điều này sẽ thành tiền lệ nếu như nhà trường, giảng viên không có biện pháp kiên quyết trong việc nâng cao chất lượng trong các lần thảo luận - xê-mi-na. Muốn như vậy, đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp. Theo tôi cần tập trung các phương pháp sau:

Một là, học viên phải tranh thủ soạn đề cương thảo luận - xê-mi-na sau mỗi bài vừa học. Khi chuẩn bị soạn thảo luận - xê-mi-na, tất yếu phải có quyển tập dành riêng để ghi chép, trong đó phải ghi chú cẩn thận: Môn học, bài học, nội dung thảo luận - xê-mi-na…

Với cách học này, khi soạn bài sẽ giúp người học nhớ lại những điểm chưa rõ; những nội dung cần tra cứu thêm theo gợi ý của giảng viên; chúng ta không quên soạn đề cương thảo luận - xê-mi-na như giảng viên đã dặn dò; số lượng câu hỏi ít, không quá ngại về mặt nội dung. Việc có quyển đề cương thảo luận - xê-mi-na sẽ tạo cho học viên cách làm việc khoa học, hiệu quả; có sự ghi chép cẩn thận, lưu trữ lại những thông tin mới, những tư liệu quý mà cả thầy và trò cùng nhau khám phá. .

Hai là, một trong những điều tối cần thiết là học viên phải đọc kỹ câu hỏi, gạch dưới những từ cần chú ý, xác định nội dung câu hỏi, khi soạn hãy tự vấn mình về câu hỏi giảng viên đặt ra, đâu là lý luận? Đâu là thực tiễn? những nghị quyết, văn kiện, tài liệu có liên quan; đồng thời kèm theo những câu hỏi như: Tại sao, vì sao, nếu như…thì sẽ…để người soạn có thể lật ngược vấn đề, có như vậy bài soạn mới thực sự là kiến thức của chính mình.

Ba là, khi soạn đề cương người học phải biết sắp xếp những thông tin, tài liệu tham khảo, biết phân biệt ý chính, ý phụ, luận cứ, luận điểm phải rõ ràng; nên soạn khái quát có thể theo dạng sơ đồ, hình xương cá, chân chim, mindmap…điều cần tránh người học không bê toàn bộ bài giảng của giảng viên hoặc những nội dung có trong giáo trình cũng như những nội dung được tra cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa vào, điều này sẽ thiếu sự kích thích, sáng tạo của người học.

Bốn là, khi soạn đề cương thảo luận - xê-mi-na, học viên cần chú ý số liệu, tư liệu tham khảo, nguồn, những thông tin liên quan; mối liên hệ của từng nội dung, tìm những thông tin phù hợp, không phù hợp để lập luận, diễn giải,…cho rõ ý.

Năm là, không nên thực hiện phương pháp phân công một nhóm đối tượng biên soạn, số còn lại sẽ góp ý bổ sung (nếu cần). Đây là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan, trông chờ, ỷ lại, là điều vô cùng tai hại đối với người học, do người trong tổ (nhóm) được phân công sẽ yên tâm đã có người thực hiện thay, với lối suy nghĩ này buổi thảo luận sẽ không mang hiệu quả cao, vì số lượng học viên chuẩn bị đề cương chỉ chiếm số ít người trong lớp, do đó khâu chuẩn bị đề cương thảo luận - xê-mi-na bị dẫn dắt sai đường, lệch hướng,…kém hiệu quả. Từ đó sẽ tạo nên tâm lý coi thường những buổi thảo luận - xê-mi-na, sự chán ngán, uể oải, tạo sức ì khi tham gia học tập của người học.

3. Tổ chức thảo luận - xê-mi-na

Đây là khâu làm việc giữa giảng viên và học viên, đỏi hỏi phải có sự chuẩn bị thật chu đáo, trong buổi thảo luận - xê-mi-na phải được xem là cuộc trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa giảng viên và học viên; giữa những học viên với nhau. Giảng viên có thể dùng phương tiện giảng dạy như phấn bảng, giấy viết, bảng nhóm, hình ảnh minh họa,…với những phương pháp như đóng kịch, làm việc nhóm, trò chơi hỏi – đáp,… Học viên có thể đặt ra những vấn đề cần giảng viên và các học viên cùng lớp giải quyết, đó là thông tin, số liệu, sự việc liên quan đến nội dung buổi thảo luận - xê-mi-na.

Những điều cần tránh trong buổi thảo luận - xê-mi-na:

Không thách đố nhau, không làm khó nhau, không tra vấn, không nên quá sa đà vào những nội dung không cần thiết, không nên biến một buổi thảo luận - xê-mi-na thành một cuộc tranh luận vô bổ, không nên thảo luận những vấn đề quá chi tiết, vụn vặt mà cần tập trung những vấn đề trọng tâm…

Không nêu ra những vấn đề khó hiểu, tế nhị, nhạy cảm,…người giảng viên chủ trì thảo luận - xê-mi-na phải có nghệ thuật làm cho không khí buổi thảo luận - xê-mi-na được thoải mái, phải có không khí của một cuộc tranh luận, khám phá và đi tìm cái đúng, cái cần thiết do người học đặt ra trong mỗi buổi thảo luận - xê-mi-na.

Điều cần tránh trong buổi thảo luận - xê-mi-na là không nên tạo ra bầu không khí quá trầm lắng, ý kiến phát biểu ít, hạn chế sự tranh luận, giảng viên phó mặc cho thời gian trôi, học viên mong chờ cho hết giờ để ra về, nếu một buổi thảo luận - xê-mi-na như vậy cho thấy rõ cả hai phía giảng viên và học viên chưa làm hết việc của mình, thật uổng phí và đáng tiếc.

Tôi thiết nghĩ khi đến lớp dự buổi thảo luận - xê-mi-na, người giảng viên vừa phải có tri thức khoa học vững vàng; có năng lực và nghệ thuật tổ chức buổi thảo luận - xê-mi-na thật hào hứng, sôi nổi; người giảng viên phải có cách ứng phó trước mọi tình huống: Đó là học viên soạn hoặc không soạn đề cương; học viên hỏi ít, hỏi nhiều hoặc không hỏi; người giảng viên phải luôn chủ động để xử lý những tình huống thụ động của mỗi buổi thảo luận, xê-mi-na để truyền cảm hứng đến người học để người học thấy rõ ích lợi của buổi thảo luận, xê-mi-na. Cốt lõi của vấn đề ở đây là người dạy giữ vai trò chủ đạo, người học giữ vai trò chủ động.

Với người học, cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt nội qui, qui chế học tập của nhà trường khi đến lớp, người học phải thấy được tầm quan trọng đặc biệt của buổi thảo luận - xê-mi-na. Bản thân mỗi người học phải biết hòa vào không khí học tập của lớp, biết thực hiện đúng theo lịch học, giờ nào việc ấy, phải xem thảo luận - xê-mi-na cũng là một buổi học chính thức, mỗi chúng ta phải chấp hành đúng nhiệm vụ học tập của những buổi học chính thức ấy.  

Thảo luận - xê-mi-na sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều bổ ích nếu chúng ta hiểu đúng về nó, hy vọng rằng qua bài viết này sẽ phần nào giúp cho người học thấy rõ hơn giá trị của buổi thảo luận - xê-mi-na./.

Tin khác