Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 21:14

Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ của Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng
                                                                                    Phòng NCKH-TT-TL

Đối với mỗi quốc gia dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng - bất khả xâm phạm. Để có được giang sơn gấm vóc ngày nay, dân tộc ta đã phải trải qua thời gian dài gian khổ hy sinh, phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu và trí tuệ trong suốt hằng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong đó, quần đảo Hoàng sa và Trường sa mãi mãi là lãnh thổ của Việt Nam.

Nước ta là một dải đất hình chữ S, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, ở phía đông bán đảo Đông Dương, phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào, Campuchia, phía đông nam trông ra biển Đông và Thái Bình Dương. Bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo, biên giới đất liền dài 4.510 km[1].

Trên đất liền, từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam dài 1.650 km, từ điểm cực Đông sang điểm cực Tây nơi rộng nhất 600 km (Bắc bộ), 400 km (Nam bộ), nơi hẹp nhất 50 km (Quảng Bình).

Việt Nam có 12 hải lý ranh giới lãnh hải, thêm 12 hải lý tiếp giáp nữa theo thông lệ Quốc tế và vùng an ninh, 200 hải lý làm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Ven bờ Việt Nam có 2.779 hòn đảo lớn nhỏ hợp thành một hệ thống với tổng diện tích 1.636 km2. Do đặc điểm kiến tạo, các đảo này phân bố không đều chủ yếu tập trung ở hai vịnh, vịnh Bắc Bộ và Nam Bộ.

Trong 2.779 hòn đảo ven bờ Việt Nam, có 82 đảo có diện tích hơn 1km2 chiếm 92% tổng diện tích. Trong đó, có 23 đảo có diện tích lớn hơn 10km2, 3 đảo có diện tích lớn hơn 100 km2 và 1.295 đảo nhỏ chưa có tên. Tuy phân bố không đồng đều nhưng trên tất cả các vùng biển ven bờ Việt Nam đều có các đảo che chắn ở các mức độ khác nhau.

Việt Nam có 2 quần đảo xa bờ là Hoàng sa và Trường Sa.

Quần đảo Hoàng sa nằm ngoài vịnh Bắc Bộ ở phía Bắc biển Đông, cách Đà Nẵng khoảng 170 hải lý về phía Đông. Số đảo đá, bãi nổi của quần đảo nhiều ít tùy theo cách tính nước triều lên xuống, nhưng gồm rất nhiều đảo nhỏ các cỡ, đá, bãi nổi, bãi ngầm rải rác trong một vùng rộng khoảng 16.000km2.

Có những đảo nổi hẳn lên mặt nước hoặc chỉ những bãi cát phẳng nhô cao không có cây cối như đảo Tri Tôn, có đảo nhô lên mặt nước như đảo Phú Lâm. Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang ánh…

Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa hình thành hai nhóm: Nhóm đảo phía Đông còn gọi là nhóm đảo An Vinh gồm những đảo chính: Phú Lâm, đảo Tây, đảo Cây, đảo Bắc, đảo giữa, đảo Linh Côn. Nhóm đảo phía Tây còn gọi là đảo Lưỡi Liềm gồm các đảo chính: Hoàng Sa, Quang Ánh, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa, Bách Quy,…ở cực Nam là đảo Tri Tôn.

Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông, cách vịnh Cam Ranh khoảng 480km, cách đảo Hải Nam khoảng 1.150km. Có đảo có dạng hình vành khăn như đảo Subi. Có những bãi nước triều xuống mới nổi như bãi Thuyền Chài dài khoảng 32km, rộng 5-6km. Quần đảo có 23 hòn đảo đá, với tổng cộng khoảng 10km2. Đảo lớn là đảo Ba Bình, đảo Nam Yết, đảo Sông tử Đông, Sông tử Tây, Thị Tứ, Loại Ta, Sinh Tồn, Vĩnh Viễn, An Bang, Bến Lạc [2].

Quần đảo Trường Sa mãi mãi xứng đáng là “nơi đầu sóng ngọn gió”, là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam.

Đảo Sông Tử tây cách bờ biển nước ta khoảng 450km, đảo dài khoảng 700m, rộng 300m. Tấm bia chủ quyền mang cờ đỏ sao vàng cao hơn 2m đặt gần đúng trung tâm đảo. Trên đường đi đến đảo Nam Yết, nếu chúng ta thường gặp tàu treo cờ nước ngoài thì đó là vì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trên tuyến hàng hải ngang qua Biển Đông. Đảo Nam Yết dài gần 800m, rộng 200m, từ đảo Nam Yết đi về phía Đông Bắc khoảng 18 hải lý là đảo Sơn Ca. Đây là đảo nhỏ, nhiều cát, nổi lên giữa bãi san hô.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hai đảo san hô ở giữa Biển Đông, từ xa xưa đã gắn liền với cuộc sống nhân dân ta bao đời nay, là vùng lãnh thổ thân thiết thuộc chủ quyền của nước ta. Trên đảo Hoàng Sa có trạm khí tượng được thành lập năm 1938 và một đài khí tượng vô tuyến điện với mã số 48.860 (48 chỉ số liệu khu vực của Việt Nam, 860 là biểu số trạm khí tượng) [3].

Hằng mấy trăm năm lịch sử, ông cha ta đã đổ biết bao mồ hôi công sức, xương máu để tuyên bố khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với biển đảo của đất nước mình, quyết không để một tấc đất nào bị các thế lực thù địch bên ngoài lấn chiếm. Từ bao đời cho đến nay biết bao tấm gương anh dũng, kiên trung bảo vệ tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc mình.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập, Việt nam càng khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trên cơ sở luật pháp quốc gia là các cứ liệu lịch sử mang tính pháp lý hẳn hoi, chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam liên tục qua các thời kỳ lịch sử một số nội dung văn bản từ các triều đại Phong kiến Việt Nam như thời chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi đến đầu triều Nguyễn từ vua Gia Long đến các triều Minh Mạng, Thiệu Trị qua hoạt động thủy quân Đại Nam nhất thống chí (bắt đầu soạn năm 1865, xong 1882 và ấn hành năm 1910) luôn luôn khẳng định Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân

Các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến cho đến thời kỳ hiện nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như những vùng biển đảo khác trong Biển Đông. Những tư liệu, bản đồ tại triển lãm lần này là những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Những bằng chứng này bao gồm: Các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ TK XVII đến đầu TK XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, đáng chú ý là 20 bản sao Châu bản triều Nguyễn, niên đại từ triều vua Gia Long (1802-1819) đến triều Bảo Đại (1925-1945).

Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sưu tập 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay. Đáng chú ý hơn là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản 1919) và Trung Hoa dư chính bưu đồ (xuất bản 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Cương giới cực Nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam [4].

Hiện nay vấn đề tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp đáng lo ngại, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá nước ta, đưa ra những luận điệu xâm hại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là đường “lưỡi bò”, đường chữ “U” hay đường “đứt khúc 9 đọan” mà chúng đã công bố.

 Với cứ liệu nêu trên, làm căn cứ nhằm giúp cho mỗi cán bộ, công chức, nhân dân phải thấm nhuần, khơi dậy truyền thống yêu nước của cả dân tộc, tinh thần tự tôn, tự cường, lòng tự hào dân tộc, lớp lớp thế hệ người Việt Nam dù sống, cư trú, làm việc hay học tập ở bất cứ nơi đâu cũng phải luôn luôn bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc mà tổ tiên để lại, giữ vững, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tùy vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mỗi công dân Việt Nam chúng ta đều phải có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước mà tìm hiểu, đọc thêm những kiến thức về biển đảo của Việt Nam để càng thêm yêu, thêm tự hào với di sản thiêng liêng mà cha ông đã để lại cho chúng ta, phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam [5]./.

_______________________________

Ghi chú:

[1]. Tổng quan về  biển Việt Nam, NXB Thống kê, năm 1980, trích trong cuốn “Dư địa chí của Nguyễn Trãi”, năm 1435 thời vua Lê Thánh Tông, tr.9.
[2]. Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, NXB Thời Đại, năm 2011 của Nguyễn Thái Anh, tr.6.
[3]. Một số Tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam, NXB Thời Đại, năm 2011 của nhóm tác giả Nguyễn Thái Anh,  Nguyễn Đức và Đàm Xuân, tr. 33.
[4]. Các Văn bản của Đảng và Nhà nước CH XHCN Việt Nam cũng như Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, NXB thống kê, tr.47.
[5]. Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường sa, NXB Thời Đại, năm 2011, tr.122-123.

Tin khác