Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 20:18

Phát huy vai trò của Nông dân Bến Tre trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh

             Sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đó minh chứng cho tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng. Song, sự phát triển đó vẫn chưa đồng bộ và toàn diện trên các lĩnh vực cũng như ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa. Nhằm tạo bước chuyển căn bản về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nông thôn, mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về “xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Để Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống và đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nông dân Bến Tre trong quá trình này.

             Trước hết, phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về vấn đề nông dân, về xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó nông dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng được thụ hưởng.

            Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới được ban hành trên cơ sở cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng bộ tỉnh và thực trạng nông thôn của tỉnh Bến Tre, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là Nghị quyết có vị trí đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đối với quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, trong đó cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở đóng vai trò lãnh đạo, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, nông dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng được thụ hưởng.

            Với đặc thù là một tỉnh thuần nông, nông thôn Bến Tre là nơi tập trung sinh sống của hơn 70% nông dân toàn tỉnh, là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi về thu nhập, mức sống, về hưởng thụ các điều kiện sinh hoạt xã hội so với mặt bằng chung của toàn xã hội. Sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới không có mục đích tự thân. Thực hiện thành công quá trình này sẽ đem lại những hiệu quả KT-XH, lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng, nhưng trên hết là đem lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Do vậy, các chỉ tiêu đạt được chỉ có ý nghĩa đích thực khi nó đáp ứng được từng bước những yêu cầu thỏa đáng của nông dân. Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải xuất phát từ nông dân, lấy nông dân làm mục tiêu của quá trình phát triển toàn diện trên các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Đời sống của nông dân như thế nào sẽ là cơ sở khách quan phản ánh tính đúng đắn của đường lối, chủ trương cũng như sự quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

            Với truyền thống cách mạng của quê hương, nông dân Bến Tre đã tích cực tham gia vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Vì vậy, việc phát huy vai trò, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của nông dân trong giai đoạn hiện nay vẫn là nhiệm vụ hàng đầu cần được tiếp tục thực hiện. Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre thành công đến đâu còn tùy thuộc vào tính tự giác của nông dân. Nhưng điều này trước hết lại phụ thuộc vào tính đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng, vai trò điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương, phải luôn hướng về nông thôn, thực sự xem nông dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển toàn diện xã hội nông thôn. Mọi biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, thái độ coi thường nông dân, quan liêu, xa rời nông dân sẽ là nguy hại lớn cho sự ổn định chính trị và phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

             Thứ hai, Xây dựng nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải gắn chặt giữa tăng trưởng kinh tế với chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, không ngừng phát huy quyền làm chủ của nông dân

            Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre trong giai đoạn hiện nay phải bảo đảm được tính hiệu quả và sự hài hòa trên cả hai phương diện:

            - Một là, xây dựng nông thôn mới phải tạo ra nhiều cơ hội để nông dân đẩy mạnh lao động sản xuất, giúp nông dân tự vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và làm giàu chính đáng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới suy cho cùng là nhằm tạo ra được nhiều công ăn việc làm tại chỗ cho nông dân với tinh thần “ly nông bất ly hương” bằng cách đẩy mạnh phát triển công nghiệp và ngành nghề, dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn; đồng thời có chính sách hỗ trợ về vốn, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học và công nghệ và đặc biệt là khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn nhưng vô cùng vẻ vang của Đảng bộ Bến Tre. Bởi mỗi bước phát triển của nông thôn, đời sống vật chất của nông dân được nâng cao càng chứng tỏ đường lối, chủ trương của Đảng thực sự đi vào cuộc sống. Một khi ý Đảng hợp lòng dân sẽ là điều kiện quan trọng để thực hiện chính sách an dân.

            - Hai là, cùng với việc đem lại cho nông dân có được một cuộc sống vật chất đầy đủ, no ấm và sung túc, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đem đến cho nông dân sự phát triển bền vững cả về đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội ngày một cao hơn. Trong đó cần chú trọng đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH và đặc biệt là đảm bảo môi trường sinh thái được bền vững, giữ gìn những nét đặc thù vốn có của người nông dân và địa bàn nông thôn. Điều quan trọng nhất là phải tăng cường mở rộng và phát huy dân chủ. Một khi mục tiêu dân chủ được đảm bảo sẽ là điều kiện quan trọng phát huy lòng nhiệt tình cách mạng của nông dân, góp phần tạo nên các phong trào hành động cách mạng ở từng địa phương trong phát triển KT-XH.

            Để thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở cần phải gắn liền với cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức và năng lực thực hành dân chủ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm thiểu đến mức thấp nhất những phiền hà cho nông dân đối với các cơ quan công quyền. Thực hiện tốt vấn đề dân chủ ở cơ sở sẽ có ý nghĩa rất lớn, trực tiếp quyết định trong việc đưa các giá trị dân chủ trở thành hiện thực trong cuộc sống. Song, cần phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tránh trường hợp lợi dụng dân chủ để có những đòi hỏi thái quá, dân chủ vô chính phủ, làm phương hại đến lợi ích của toàn xã hội.

           Thứ ba, Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội nhằm phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre

           Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh là công việc không đơn giản. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị này cần có sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm cao của toàn xã hội, trong đó cần tập trung vào các vấn đề sau:

            - Một là, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, giúp nông dân kéo giảm chi phí sản xuất, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về vốn cho sản xuất, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới để đảm bảo cho việc tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, phát triển các ngành nghề và dịch vụ nông thôn,… đây là yêu cầu cấp bách, trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

            - Hai là, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; Vận động nông dân tích cực tham gia các hình thức kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại. Từng bước hình thành các HTX kiểu mới hoạt động theo luật HTX với qui mô, hình thức, bước đi phù hợp theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ cùng có lợi theo hướng CNH, HĐH.

            - Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhất là những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ trong nông dân đối với Đảng và Nhà nước.

            Với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng bộ tỉnh nhà, cùng với truyền thống cần cù, siêng năng, ham học hỏi và truyền thống hào hùng của quê hương Đồng khởi, nông dân Bến Tre nhất định sẽ tham gia tích cực, quyết định sự thắng lợi của quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Lịch sử phong trào cách mạng trên quê hương Bến Tre đã minh chứng hùng hồn, trong mọi hoàn cảnh biết dựa vào nông dân, biết phát huy và phát huy có hiệu quả sức mạnh của nông dân là chìa khóa của mọi thành công./.

ThS Phạm Huỳnh Minh Hùng

Phó Trưởng Khoa  Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tin khác