Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 19:33

Những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực đối với các lớp TCLLCT-HC tại Trường Chính trị Bến Tre

Võ Kim Thanh
Phòng Đào tạo

Áp dụng phương pháp dạy học tích cực đang trở thành một phong trào sâu rộng trong ngành giáo dục nước ta nói chung và trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố nói riêng. Trong rất nhiều giải pháp đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học hiện nay thì đổi mới phương pháp giảng dạy được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Đối với Trường Chính trị Bến Tre đã có kế hoạch cụ thể trong việc trang bị kiến thức, phương pháp dạy học tích cực cho đội ngũ giảng viên. Trường đã cử giảng viên đi tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực và mời giảng viên tổ bộ môn phương pháp dạy học của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh vào hướng dẫn các phương pháp dạy học tích cực. Qua các lớp bồi dưỡng đã giúp giáo viên nắm vững các phương pháp từ đó có kế hoạch trong việc nghiên cứu soạn giảng để nâng cao chất lượng dạy và học, gắn giữa lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành ngay trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Mỗi giảng viên Trường Chính trị Bến Tre đã nhận thức đúng yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy và học, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Lãnh đạo nhà trường, các tổ chức đoàn thể đã động viên mỗi người nêu cao tính tự giác, tích cực để khắc phục những khó khăn về phương tiện, cơ sở vật chất, vượt qua những trở ngại về tâm lý do thói quen truyền thống từ những cách làm cũ thầy đọc trò ghi, vững tin vào quá trình đổi mới, quyết tâm vận dụng những phương pháp giảng dạy tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, học tập.

Trường Chính trị tỉnh Bến Tre là đơn vị hành chính sự nghiệp được Tỉnh Ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh, đứng trước yêu cầu của tình hình mới về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên chất lượng đào tạo luôn được lãnh đạo nhà trường quan tâm. Nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với đào tạo theo yêu cầu, kỹ năng giải quyết công việc. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường là đổi mới phương pháp giảng dạy. Thế mạnh của Trường Chính trị Bến Tre hiện nay là có đội ngũ giảng viên trẻ, có năng lực, được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong sư phạm tốt. Bên cạnh đó, nhà trường còn trang bị về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy như: Máy tính xách tay, máy chiếu,…tạo điều kiện phục vụ cho nhu cầu giảng dạy bằng giáo án điện tử cho tất cả giảng viên của trường cũng như các giảng viên kiêm chức; tất cả các hội trường, lớp học đều được trang bị màn chiếu để phục phụ cho việc giảng dạy của giảng viên. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào các lớp TCLLCT-HC lại gặp những thuận lợi và khó khăn như sau:

* Về thuận lợi:

Thứ nhất, nhà trường đã tổ chức cử giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực.
Thứ hai, đa số giảng viên trong nhà trường đã nhận thức được sự quan trọng và tính cấp thiết về việc đổi mới phương pháp dạy học.
Thứ ba, sau khi được trang bị kiến thức về phương pháp dạy học tích cực, một số giảng viên đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào quá trình soạn bài và lên lớp.
Thứ tư, ngoài những phương tiện dạy học truyền thống, giảng viên đã tích cực sử dụng các phương tiện dạy học mới nhằm nâng cao chất lượng cho bài giảng (máy vi tính, projecto, bảng ghim, tài liệu phát tay, …).
Thứ năm, đối tượng cán bộ ở cơ sở đã từng bước được trẻ hóa. Trình độ văn hóa và sự hiểu biết các lĩnh vực ngày càng được nâng lên trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng.
Thứ sáu, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường ngày hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho giảng viên.
Có thể nói, những thuận lợi trên đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên nhà trường.

* Về hạn chế:

Thứ nhất, do thói quen thụ động trong quá trình dạy và học. Đã từ lâu, trong các tiết học lý luận, hình ảnh người thầy thuyết trình một cách say sưa từ đầu đến cuối buổi, học viên thì nghe giảng và chép bài một cách thụ động đã thành một dấu ấn trong mỗi người.
Thứ hai, hiện nay, do nhu cầu đào tạo rất lớn, sĩ số học viên trong lớp khá đông, mỗi lớp có từ 70 đến 90 học viên, thậm chí có lớp đến 100 người. Với số lượng như vậy, việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cũng phần nào bị hạn chế.
Thứ ba, về cơ sở vật chất nhà trường đã từng bước hoàn hiện hơn, tuy nhiên phòng học để đáp ứng cho việc giảng dạy phương pháp tích cực hiện nay của trường cũng chưa thể đáp ứng đầy đủ mà từng bước khắc phục dần theo kế hoạch.
Thứ tư, một số học viên không những lớn tuổi mà lại có trình độ không đồng đều, sự nhiệt tình chưa cao, không dễ hợp tác với giảng viên.
Thứ năm, một số giảng viên trẻ, kinh nghiệm thực thực tế chưa nhiều. Điểm yếu dễ nhận thấy của các giảng viên trẻ là vốn sống kinh nghiệm thực tiễn tích lũy chưa được nhiều, trong khi học viên phần lớn lại là cán bộ công chức đã kinh qua nhiều năm công tác. Họ sẽ có cảm giác e ngại khi cho học viên thảo luận, nêu lên những vấn đề “nhạy cảm” hoặc quá khó, không thể xử lý được cho nên đôi khi còn lúng túng.

Như vậy, thông qua kết quả của việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực ở Trường Chính trị trong những năm vừa qua với những thuận lợi và  hạn chế nêu trên, bản thân đóng góp một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng phương pháp phương pháp dạy học tích cực.

Thứ nhất, về phía nhà trường

- Cần có văn bản quy định về việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực trong quá trình giảng dạy và đưa vào tiêu chí đánh giá giờ giảng.
- Thường xuyên tổ chức đưa giảng viên đi tập huấn thêm về phương pháp dạy học tích cực.
- Cần tiếp tục hỗ trợ cho giảng viên trong việc trang bị phương tiện hỗ trợ giảng dạy. Có kế hoạch mua sắm, bổ sung các phương tiện hỗ trợ giảng dạy.
- Cần đổi mới quy trình và hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên. Việc đánh giá kết quả học tập của học viên nên theo quá trình học tập của học viên, chứ không chỉ dừng lại ở công đoạn cuối cùng là thi và kiểm tra. Nếu áp dụng cách thức đánh giá học tập theo quá trình, học viên sẽ tích cực tham gia vào quy trình dạy học và đó cũng là điều thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới. Có thể hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên dựa trên những nội dung sau đây:
- Thảo luận, làm việc nhóm: 15% điểm.
- Kiểm tra: 15% điểm.
- Thi hết môn: 70% điểm.
Nếu áp dụng cách thức đánh giá học tập theo quá trình, học viên sẽ tích cực tham gia vào quy trình dạy học và đó cũng là điều thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực.

Thứ hai, về phía giảng viên

Nếu trước đây, hoạt động lên lớp chủ yếu là thời gian thuyết trình của giảng viên, thì bây giờ thời gian dành cho học viên chiếm phần lớn. Buổi học sẽ chia làm các giai đoạn:

- Ổn định, phân chia nhóm, giao các vấn đề về cho nhóm: Việc này có thể giao cho Ban Cán sự lớp tự điều hành hoặc để khách quan thì giáo viên hướng dẫn sẽ trực tiếp chia nhóm và phân câu hỏi. Phần này mất thời gian khoảng 15 phút.
- Học và thảo luận theo nhóm: Học viên sẽ thảo luận, tập hợp ý kiến theo các nhóm đã phân công. Thời gian cho phần này chiếm ½ tổng thời gian buổi học.
- Học và thảo luận với giáo viên: Sau khi thảo luận, thống nhất ý kiến, các nhóm sẽ tập hợp lại, giảng viên sẽ trực tiếp hỏi các thành viên của các nhóm, lấy ý kiến của các thành viên khác về vấn đề đặt ra. Sau đó là định hướng nội dung, chỉnh sửa ý kiến.
- Giảng viên tổng kết, cho điểm các nhóm, giao câu hỏi và hướng dẫn cho buổi học sau: Đây là việc làm khá quan trọng, mất khoảng 30 phút. Giảng viên phải tổng kết lại những nội dung cơ bản của bài học; nhận xét quá trình chuẩn bị, học tập của học viên. Tiến hành cho điểm các nhóm, cho điểm các ý kiến hay. Cuối buổi, giảng viên giao các nội dung cần nghiên cứu cho bài sau để học viên chuẩn bị trước.

Để áp dụng phương pháp dạy học tích cực có hiệu quả, giảng viên phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có kiến thức sâu rộng. Mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học, tự rèn để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, giảng viên cần đầu tư chiều sâu cho chuyên ngành của mình giảng dạy. Người giảng viên thực sự yêu nghề luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn dành tâm sức cho bài giảng. Trước mỗi buổi dạy, tiết dạy cần phải đầu tư nên sử dụng những phương pháp nào cho bài giảng và sau đó tự rút kinh nghiệm, nhằm không ngừng hoàn thiện nghề nghiệp của mình. Bài giảng muốn sinh động giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương, của bản thân mỗi học viên. Về thực tiễn thì các học viên trường chính trị vô cùng phong phú, vì thế giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận. Một trong những vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận ở trường chính trị nhất thiết phải chú trọng liên hệ với thực tiễn mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Bên cạnh đó, giảng viên phải nắm được đối tượng học viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Trên cơ sở đó, giảng viên chủ động có kế hoạch cho từng bài giảng, tiết giảng sẽ sử dụng những phương pháp nào, thiết bị gì cho phù hợp thì sẽ đạt được hiệu quả cao. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi giảng viên phải chủ động suy nghĩ tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nếu giảng viên không quan tâm chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy là tự đào thải mình. Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với giảng viên lý luận chính trị là phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong nghiên cứu và giảng dạy. Các phương tiện đó bao gồm: Vi tính, radio, ghi âm, video, đèn chiếu,…Các phương tiện này nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên. Đổi mới phương pháp giảng dạy cần gắn liền với nghiên cứu khoa học. Người giảng viên trường chính trị cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong đổi mới phương pháp. Tuy nhiên, đổi mới phương pháp giảng dạy phải bảo đảm tính Đảng, tính khoa học trong giảng dạy các môn lý luận.

Tóm lại, việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực là rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay, với những thế mạnh to lớn của mình, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Bến Tre đang cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy để ngày càng đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ công chức của tỉnh nhà góp phần thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 03-NQ-TU Bến Tre và góp phần thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước hiện nay./.

Tin khác