Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 18:21

Những thành tựu đường lối đối ngoại của Việt Nam sau 30 năm đổi mới đất nước

Nguyễn Thị Thùy Giao
Khoa Xây dựng Đảng

 

Qua 30 năm đổi mới theo đường lối của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu quan trọng về đối ngoại.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện, coi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta thể hiện quan điểm mới, như cho rằng: Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy sự hình thành thị trường thế giới,…sự lựa chọn duy nhất đúng đắn là “thi đua về kinh tế”; xu thế mở rộng phân công hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế - xã hội khác nhau, là điều kiện quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng đã chủ trương: Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, tháng 5/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới, khẳng định mục tiêu chiến lược và lợi ích cao nhất của Việt Nam là giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế; đồng thời nêu rõ quyết tâm, chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình. Bộ chính trị xác định, đổi mới về tư duy đối ngoại bao gồm: Đổi mới tư duy cho kịp với sự phát triển nhanh chóng của tình hình thế giới, kết hợp sức mạnh của thời Đại trong điều kiện mới của tình hình thế giới. Nghị quyết 13 đánh dấu sự đổi mới tư duy về công tác đối ngoại. Đây là cơ sở hình thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Đại hội Đảng lần thứ VII của Đảng (6/1991) tiếp tục chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại. Đại hội khẳng định mạnh mẽ: “Hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”, với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Nhiệm vụ đối ngoại bao trùm là giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.

Đại hội còn nhấn mạnh: Cần nhạy bén và dự báo được những diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế để có những chủ trương đối ngoại phù hợp. Như vậy, đường lối đối ngoại của Việt Nam từ Đại hội VI đến Đại hội VII đã có chuyển biến lớn trong nhận thức; chuyển từ đường lối đối ngoại mang đậm tư tưởng ý thức hệ sang đường lối đối ngoại coi trọng lợi ích quốc gia và tư tưởng chính trị thực tế.

Từ Đại hội VII đến Đại hội XI, Đảng chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại theo phương châm: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã kế thừa những nội dung cơ bản của đường lối đối ngoại được thông qua tại các kỳ Đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XI và có những bổ sung, phát triển mới. Đại hội chủ trương tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu.

Qua 30 năm đổi mới các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Kiên định trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc. Quản lý và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với các nước láng giềng. Làm tốt công tác bảo hộ công dân.

Tăng cường hợp tác và đối thoại chiến lược với nhiều đối tác; nâng cấp quan hệ song phương với một số quốc gia thành đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện; đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Đã chủ động tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc. Kiên trì cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tích cực triển khai các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã có và đàm phán, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.

Tuy nhiên, công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa thật chủ động và hiệu quả chưa cao. Quan hệ đối ngoại có mặt còn hạn chế. Chưa tạo được nhiều sự đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác. Ngoại giao đa phương chưa phát huy hết các lợi thế. Khai thác những thuận lợi trong hội nhập hiệu quả chưa cao. Chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong hội nhập. Cơ chế phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế còn bất cập. Thông tin về hội nhập quốc tế chưa được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, doanh nhân chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Sự gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, ngoại giao nhân dân có mặt còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Một , thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc. Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực.

Hai là, triển khai đồng bộ hoạt động đối ngoại, cả về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và chủ động, tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khai thác tối đa các cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực để mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác tham mưu về đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bốn là, đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Khuyến khích và hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển và hòa nhập tốt với cộng đồng nước sở tại, đóng góp vào tăng cường hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Tạo thuận lợi để kiều bào tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Làm tốt công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài.

Qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, với những thành tựu đạt được trong hoạt động đối ngoại, chúng ta đã giành những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, quan hệ quốc tế có những thay đổi sâu sắc: Chúng ta đã thiết lập quan hệ với 185 nước trong tổng số 193 nước của Liên hợp quốc; tham gia vào 70 tổ chức quốc tế, khu vực; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 15 đối tác trên thế giới, 10 đối tác toàn diện, hợp tác nhiều mặt với bạn bè khác tạo ra sự tin cậy gắn bó chặt chẽ tranh thủ được nguồn lực để phát triển đất nước, đồng thời cũng tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước…Những  thành tựu này đã cho thấy  tư duy của Đảng trên lĩnh vực đối ngoại đã từng bước đổi mới đáp ứng yêu cầu trong nước và xu thế quốc tế góp phần rạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tin khác