Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 21:09

Những phẩm chất cơ bản của người thầy giáo

Thạc sĩ Trần văn Hòa
                                                                                      Khoa Xây dựng Đảng

1. Người thầy giáo phải thật sự mẫu mực dạy người, dạy chữ

Trong mọi giai đoạn lịch sử, người thầy bao giờ cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Nghề giáo được coi là một trong những nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa. Bác xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người xây dựng xã hội. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng nếu trở thành một người thầy giáo tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang. Vì thế, Người dạy: Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.

 Nhiệm vụ của người thầy giáo không chỉ là sự truyền bá tri thức, phương pháp, tay nghề cho người học mà thầy giáo cũng như học trò, tất cả đều phải tham gia vào các công việc xã hội một cách thật tích cực. Nhà trường phải gắn liền với thực tiễn xã hội, gắn liền với đời sống của nhân dân. Đồng thời, Bác Hồ còn chỉ ra bản chất ưu việt của nền giáo dục trong xã hội mới là hoàn toàn khác với giáo dục trong xã hội cũ: Động cơ của người làm nghề thầy giáo không phải là mục đích kinh tế thuần túy mà là động cơ giáo dục gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người.

Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, người làm thầy giáo phải luôn là tấm gương không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để làm tấm gương sáng cho học trò noi theo, để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trên mọi phương diện.

Người thầy giáo phải luôn gương mẫu trong học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, tri thức khoa học, phải là tấm gương tự học với quan niệm “Sự học không bao giờ cùng” để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trước tình hình mới. Đặc biệt là trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì tấm gương tự học của người thầy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Người thầy giáo luôn tự rèn luyện và trở thành tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho người học nói riêng và mọi người nói chung noi theo. Hình ảnh người thầy giáo luôn được xã hội xem là biểu tượng của văn hóa, là đại diện cho văn minh thời đại.

2. Người thầy giáo cần phải có những phẩm chất: Cái “tâm”, “tài” và “đức” trong nghề dạy học của mình

Về cái “Tâm” đối với nghề giáo là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu được. Người thầy phải có tâm huyết với nghề mới có hứng thú, say mê chăm chút từng bài giảng, từng nội dung tiết giảng; mới thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học. L.N.Tônxtôi đã nói: Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất - đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt.

Cái “Tâm” người thầy giáo tốt không phải chỉ lòng yêu ngành, yêu nghề mà phải được biểu hiện thành những hành động cụ thể:

Thứ nhất, phải biết hiến thân cho nghề dạy học, biết hi sinh vì lợi ích tương lai, vì học sinh thân yêu.
Thứ hai, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp. Phải cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi được đứng lớp. Không có thái độ miễn cưỡng khi được phân công lên lớp.
Thứ ba, luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để đem lại chất lượng cao nhất khi giảng dạy, thầy giáo không bị giới hạn không gian (lớp học) và thời gian (08 giờ vàng ngọc), không phải bước ra khỏi lớp học là chấm dứt hoạt động sư phạm mà vẫn tiếp tục suy nghĩ về nội dung, phương pháp giảng, về thái độ tiếp nhận bài học của sinh viên để tự đổi mới.
Thứ tư, nhiệt tình trong xây dựng đơn vị, chân thành trong giúp đỡ đồng nghiệp.

Về cái “Tài” của người thầy, “Tài” ở đây thể hiện tài năng về trí tuệ và tài năng nghiệp vụ sư phạm. Tài năng sẽ giúp cho người dạy nắm vững và nhuần nhuyễn nội dung hệ thống các kiến thức cơ bản của môn học, khả năng phát hiện vấn đề bổ sung vào nội dung bài giảng; tài năng nghiệp vụ sư phạm thể hiện ở việc áp dụng các phương pháp giảng dạy, khả năng trình bày và khả năng xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình giảng dạy. Kết hợp được giữa nội dung và phương pháp sẽ làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động, hấp dẫn và có hiệu quả cao, làm cho người học hứng thú, say mê, tránh nhàm chán, từ đó chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu trong học tập. Để thỏa mãn các điều đó, người thầy phải hội tụ đủ các năng lực sau đây:

Một là, có năng lực về tri thức và tầm hiểu biết.

Đây là năng lực trụ cột của năng lực sư phạm, là điều kiện để giảng dạy, “biết mười dạy một”. Ngày nay, người học không nhất nhất cái gì cũng tuân thủ, phục tùng thầy vô điều kiện. Họ được tiếp cận rất nhiều thông tin, hiểu biết rất nhiều, là thầy, phải chinh phục trò bằng kiến thức sâu rộng của mình, điều đó còn có tác dụng tạo uy tín cho người thầy.

Hai là, có năng lực chế biến tài liệu học tập từ chương trình khung

Thầy giáo phải gia công về mặt sư phạm đối với tài liệu học tập cho phù hợp với đặc điểm từng lớp học, đối tượng, chuyên ngành đào tạo. Thực trạng cho thấy, vẫn còn nhiều giáo án trong tình trạng “chết”, không được bổ sung cập nhật, giáo án sử dụng chung cho tất cả các hệ học. Cho nên, người thầy giỏi là người thầy hiểu học sinh, đặt mình vào vị trí người học để chế biến, trình bày tài liệu đúng với đối tượng. Người thầy có khả năng phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa được kiến thức, thấy được cái gì là cơ bản nhất và mối quan hệ với cái thứ yếu. Ngoài ra, người thầy phải có sự sáng tạo trong cung cấp kiến thức cho người học, bên cạnh kiến thức tinh tế và chính xác, đòi hỏi phải liên hệ được nhiều mặt giữa kiến thức cũ và mới, kiến thức bộ môn này với bộ môn khác, liên hệ thực tiễn gắn với từng chuyên ngành đào tạo.

Ba là, có năng lực dạy học tốt

Người thầy tốt không chỉ truyền kiến thức cho người học mà có nhiệm vụ tổ chức và điều khiển hoạt động của họ, hướng họ đi tìm kiếm và lĩnh hội tri thức. Disterwey - một nhà sư phạm người Đức đã nhấn mạnh: “Người thầy giáo tồi là người mang chân lý đến sẵn, còn người thầy giáo giỏi là người biết dạy học sinh đi tìm chân lý”. Chính vì vậy người thầy phải: Nắm vững và sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học tiên tiến; rèn luyện năng lực ngôn ngữ truyền đạt kiến thức rõ ràng, dễ hiểu, vừa sức.

Ngoài ra, người thầy còn phải có cái “Đức”, “Đức” là yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi giảng viên. Có “Tâm”, có “Tài” cũng chưa là người thầy tốt. Bác Hồ đã từng nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức là người vô dụng”. Càng quan trọng đối với lĩnh vực giáo dục, để tạo ra nhân cách người học thì trước hết người thầy phải biết thuyết phục học sinh bằng chính nhân cách của mình...

Muốn xây dựng được nhân cách cho người học, người thầy trước hết phải có “Đức” thể hiện ở thái độ, tác phong chuẩn mực khi thực hiện giảng dạy và trong lối sống, trở thành tấm gương, vừa là người thầy, vừa là người cán bộ ưu tú, chuẩn mực cho người học noi theo. Phải làm sao để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm.

Cái “Đức” của người thầy thể hiện ở sự hi sinh vô tư “tất cả vì học sinh thân yêu”, giúp đỡ người học một cách chân thành, không vì vụ lợi, không phân biệt đối xử, giúp đỡ trong hỗ trợ kiến thức phải đến nơi đến chốn; giúp đỡ không có nghĩa là cho điểm cao, dễ dãi đối với người học trong học tập. Cái “Đức” ấy còn được biểu hiện ở sự kiên quyết đấu tranh chống những cái xấu, cái sai trong xã hội, trong chính bản thân mình và trong đồng sự. Bác Hồ dạy: Thầy giáo và học sinh phải thật thà. Sống thật, nói thật, làm thật để cống hiến thật sự, để lời nói đi đôi với việc làm, làm có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho xã hội, cho chính bản thân mình.

Ngày nay, những tình cảm tốt đẹp có tính truyền thống đó của người thầy vẫn được duy trì. Đảng và nhà nước ta cũng đã xác định "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", đã và đang làm những gì có thể đối với ngành giáo dục bởi tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của ngành đặc thù này đối với sự phát triển trong hiện tại cũng như tương lai của xã hội và đất nước. Sứ mệnh "trồng người" hết sức thiêng liêng, cao quí nhưng cũng hết sức nặng nề được đặt lên vai người thầy./.

Tin khác