Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 01:52

Nghệ thuật quân sự của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Đoàn Thị Mao
Khoa Dân vận

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó cũng là sự kết thúc của quá trình đấu tranh gian khổ, lâu dài, kiên trì, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Kết quả trên do nhiều yếu tố tạo thành, trong đó nghệ thuật quân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng góp phần không nhỏ. Đồng thời bổ sung vào kho tàng lý luận nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam những nét đặc sắc mới. Trong đó, nổi bật là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Về chỉ đạo chiến lược, Đảng ta đã có sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo về lý luận cách mạng phù hợp thực tiễn Việt Nam khi xử lý thành công mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam hay mối quan hệ giữa cuộc kháng chiến của nhân dân ta với phong trào cách mạng thế giới để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế tạo thế và lực cho ta. Ngoài ra, ta còn mở mặt trận ngoại giao đúng lúc (1967) thực hiện thành công nghệ thuật kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” rất có lợi cho ta.

Bên cạnh đó, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược còn thể hiện ở việc ta mở đầu cuộc chiến tranh đúng lúc, đúng cách. Khi Mỹ đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh, dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Đảng phong trào Đồng Khởi cuối 1959 đầu 1960 chủ yếu bằng lực lượng chính trị có vũ trang hỗ trợ ở mức độ hạn chế, tiến hành đánh địch trên toàn Miền Nam. Phong trào vẫn tiếp tục diễn ra gắn chặt giữa tiến công quân sự và phong trào đấu tranh của quần chúng tạo ra thế và lực để giành thắng lợi ngày càng lớn. Đây là sự sáng tạo độc đáo bằng lực lượng tại chỗ của miền Nam, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự ta giải quyết vấn đề của ta đến thời điểm nhất định thì vừa đánh vừa đàm, từ tháng 5/1968 sau khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Tất cả những điều đó có tác dụng hạn chế cuộc chiến tranh trên bộ trong phạm vi Miền Nam giữa ta và Mỹ.

Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta luôn nhất quán một chiến lược tiến công là chính, song phải đánh thắng địch từng chiến lược chiến tranh, kéo địch xuống thang từng bước mà đánh thắng địch. Vận dụng kinh nghiệm ấy, ta biết tạo thời cơ kết thúc chiến tranh có lợi nhất cho cách mạng Việt Nam. Vì thế, Đảng ta chủ trương: Trước hết, tập trung mũi nhọn loại khỏi vòng chiến, đối tượng chủ yếu là quân Mỹ; sau đó, giải quyết đối tượng còn lại là lực lượng tay sai ngụy quân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt phương châm chiến lược ấy trong câu thơ nổi tiếng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Thực hiện bước thứ nhất, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ bằng 3 cuộc chiến lược, chiến tranh của Mỹ: Chiến lược Chiến tranh đặc biệt, chiến lược Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh, buộc Mỹ rút quân về nước, để rồi sau đó đánh cho ngụy nhào bằng tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Toàn bộ chế độ ngụy tay sai đã sụp đổ tan tành như lâu đài xây trên cát. Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng ta là kết quả của sự kiên quyết, chính xác, sắc bén và linh hoạt để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước góp phần nâng cao nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới.

Bên cạnh đó nghệ thuật chiến dịch cũng được phát triển trong kháng chiến chống Mỹ, đóng vai trò quyết định trong các cuộc tiến công chiến lược lớn như: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, tiến công chiến lược năm 1972, Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Do đặc điểm của chiến tranh giải phóng, lực lượng ta phát triển từ nhỏ đến lớn cho nên nghệ thuật chiến dịch của ta lấy tiêu diệt sinh lực địch là chính để từng bước làm thay đổi sự tương quan lực lượng và mục tiêu là giành quyền làm chủ từ thấp lên cao. Bên cạnh đó, sự phát triển phong phú về các loại hình chiến dịch là một đặc trưng nổi bật của quá trình phát triển và hoàn chỉnh nghệ thuật chiến dịch như chiến dịch tiến công của các binh đoàn chủ lực của chiến trường nhằm tiêu diệt lực lượng quân sự địch, xuất hiện từ năm 1964 - 1965; những chiến dịch trên mặt trận nông thôn, kết hợp tiến công quân sự với phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đánh bại kế hoạch “bình định”, mặc dù quy mô chiến dịch nhỏ nhưng thắng lợi giành được có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng đánh thắng chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ; những chiến dịch tiến công từ năm 1965 - 1968 ta mở những chiến dịch phản công lớn trên mặt trận đô thị, đánh vào cơ quan đầu não của địch; từ năm 1972 là thời kỳ phát triển toàn diện về loại hình chiến dịch và nghệ thuật tiến hành chiến dịch. Các chiến dịch tiến công, phản công quy mô lớn được tiến hành. Đánh địch bằng ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận diễn ra ở cả nông thôn và thành thị.

Trong các chiến dịch ta vận dụng và phát triển 4 phương hướng tác chiến chủ yếu là đánh điểm, diệt viện (dùng một bộ phận lực lượng đánh tiêu diệt cứ điểm, cụm cứ điểm của địch, tạo điều kiện cho bộ phận lực lượng chủ yếu tiêu diệt quân địch ở nơi khác đến cứu viện); bao vây tiến công trận địa; kết hợp đột phá thọc sâu với bao vây chia cắt, đánh địch trên toàn bộ chiều sâu phòng ngự chiến dịch của địch và bao vây tiến công đô thị. Trong chiến dịch phản công, ta kết hợp được lực lượng mạnh tại chỗ với lực lượng cơ động lớn, đánh gãy từng cánh quân tiến công của địch, buộc chúng từ chủ động tiến công sang bị động đối phó, thất bại, rút lui. Còn trong chiến dịch tiến công, tổng hợp đánh phá bình định ta sử dụng lực lượng quân sự và chính trị để vừa tiêu diệt địch vừa mở rộng vùng, giành dân. Trong thực hiện chiến dịch, ta còn tạo thời cơ đánh thắng những trận then chốt, dùng thế, dùng mưu điều địch theo ý định của ta, nghi binh lừa địch làm cho địch bất ngờ, lúng túng buộc phải theo ý định và cách đánh của ta. Nghệ thuật chiến dịch thể hiện những nét độc đáo và được phát triển hoàn chỉnh hơn trong kháng chiến chống Mỹ.

Nghệ thuật quân sự có thành công hay không cần có sự đóng góp của chiến thuật quân sự. Chiến thuật nảy sinh từ thực tiễn chiến đấu, từ yêu cầu phải đánh thắng địch bằng khả năng thực tế của ta về lực lượng, trang bị vũ khí, cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức chỉ huy. Chiến thuật được đúc kết từ kinh nghiệm và trí tuệ của nhân dân và các lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu với địch. Chiến thuật của ta rất năng động, linh hoạt không rập khuôn theo công thức định sẵn hay dừng lại ở kinh nghiệm đã có mà không ngừng phát triển với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.

Chiến thuật của ta luôn quán triệt tư tưởng lấy ít đánh nhiều, tuy nhiên kiên quyết tập trung lực lượng ưu thế ở nơi và lúc cần thiết để tiêu diệt gọn từng lực lượng quân địch, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của chúng. Trong chiến đấu ta xác định chỗ mạnh của địch là quân đông, vũ khí nhiều, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao. Chỗ yếu là tinh thần chiến đấu kém, ỷ vào sức mạnh vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ta thường yếu về trang bị vũ khí nhưng chỗ mạnh của ta là ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm. Điển hình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, kết quả lớn nhất của ta là đánh bại ý chí xâm lược của địch, làm cho lính Mỹ cảm thấy xấu hổ khi mặt quân phục - điều mà trước đó họ rất tự hào.

Căn cứ vào đặc điểm của ta và địch sự sáng tạo của ta là tận dụng được lợi thế về địa hình, thời tiết tìm ra cách đánh địch có hiệu quả nhất. Ta chú trọng cách đánh đêm, đánh gần, nhằm hạn chế chỗ mạnh của địch và phát huy được sở trường của ta. Đảm bảo các yếu tố bất ngờ, bí mật làm cho quân địch hoang mang, dao động, rối loạn về chỉ huy, hiệp đồng. Trong những năm đầu chống Mỹ phần lớn các trận đánh trong công sự, đánh trú quân dã ngoại đều diễn ra ban đêm, giai đoạn cuối chiến tranh khi vũ khí được tăng cường ta tiến hành đánh địch cả ngày lẫn đêm.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam đã có bước phát triển mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước về mặt chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Minh chứng cho nhận định trên là chúng ta đã đánh thắng từng chiến dịch, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh và thắng lợi hoàn toàn bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đó là sự kết tinh của truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, tri thức quân sự của thời đại và kinh nghiệm được đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ trong cuộc chiến đấu với nhiều hy sinh, mất mát để giành và giữ độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.

Tin khác