Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 15:13

Nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang

Từ cổ chí kim, hầu như chẳng có ai thành đạt mà không cần phải học. Học chữ ở trường lớp, học nghề, học kinh nghiệm ở người đi trước; và muốn học phải có “thầy” dạy. Chính vì vậy mà ông cha ta đã đúc kết nên câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Trong xã hội ta, vai trò, vị trí của người thầy càng được khẳng định và luôn được tôn vinh.

Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng tại Trường tiểu học dân lập Hàng Ngang - Hà Nội

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và tôn sư, trọng đạo. Một trong những con người tiêu biểu cho truyền thống hiếu học, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nền giáo dục cách mạng Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sự nghiệp giáo dục và chỉ rõ: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và rất vẻ vang,…xây dựng kinh tế, không có giáo dục không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói đến gì đến kinh tế, văn hóa”(1).

Trong chiều sâu tư tưởng Hồ Chí Minh, Người cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đặc biệt, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước tiên cần phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Vì vậy, việc “trồng người” - nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Người quan tâm thực hiện. “Trồng người” là vấn đề chiến lược, “là trực tiếp bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng”. Trách nhiệm đó là của toàn Đảng, toàn dân mà người thầy đóng vai trò “rất quan trọng và rất vẻ vang”. Trách nhiệm đó bao gồm cả việc “dạy dỗ cho con em nhân dân” trở thành “những công dân tốt” và “huấn luyện cán bộ” cho sự nghiệp cách mạng.

Đến Trường Đại học sư phạm Hà Nội vào ngày 21 tháng 10 năm 1964, Bác Hồ đã nói: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”(2). Để đủ sức “làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp”, “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”, Bác cho rằng thế hệ trẻ Việt Nam phải được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, tư tưởng và đạo đức, trí tuệ và tài năng. Người thầy phải giáo dục bằng tình yêu thương và sự tin tưởng đối với các em; phải giáo dục bằng tấm lòng nhân ái, vị tha, khoan dung; bằng tình yêu thương của người cha, người mẹ đối với các em. Mọi biện pháp giáo dục phải bắt nguồn từ lòng yêu thương, tuyệt đối không mắng nhiếc, nhục mạ, đánh đập… các em. Người thầy phải tin tưởng vào sự tiến bộ của học sinh; việc ghi nhận các ưu điểm của học sinh chính là giúp các em có niềm tin và động lực để phấn đấu. Đặc biệt, người thầy cần tìm hiểu rõ đặc điểm tâm lý và hoàn cảnh của từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp với từng em. Thầy giáo “không nên làm mất cái hồn nhiên, cái vui tươi, thoải mái”, không biến các em thành “các ông cụ non”.

“Trồng người” là cách nói truyền thống, là công việc cơ bản lâu dài. Đối với sự nghiệp cách mạng thì “trồng người” chính là công tác “huấn luyện” cán bộ, đào tạo họ thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo Bác, "cán bộ quyết định tất cả", “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(3), “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(4). “Cán bộ tốt không phải trên trời rơi xuống, mà do rèn luyện mà nên”.

Nói chuyện với Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc vào ngày 23 tháng 3 năm 1956, Bác Hồ nêu rõ: “Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, học trò tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”(5).

Trong nội dung của việc “trồng người” - đào tạo cán bộ cách mạng, Bác chú trọng tính toàn diện cả về đạo đức và năng lực; tri thức, kinh nghiệm và bản lĩnh. Trong đó, Người đặc biệt chú trọng việc rèn luyện tư cách đạo đức của người cán bộ cách mạng. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác chỉ ra 23 điều xử thế của người cán bộ, làm rõ nhiệm vụ của cán bộ là thông hiểu chính trị và có đạo đức tốt, Bác coi tiêu chuẩn đạo đức là hàng đầu. Đạo đức và chính trị là hai vấn đề quan trọng, còn tài năng rất cần nhưng tài năng mà không có đức thì không thể làm cán bộ được. Vì vậy, Bác vạch ra 3 vấn đề cần huấn luyện cho cán bộ là “huấn luyện nghề nghiệp”, “huấn luyện chính trị” và “huấn luyện văn hóa” với các “cách thức huấn luyện” cụ thể. Trong đó, đặc biệt nhất là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn; giữa tính nghiêm khắc, kỷ luật với tình thương yêu và sự quan tâm chu đáo đối với người học, tạo nên sự thoải mái, hứng thú, tự nhiên, không “gò bó”, khô cứng đối với người học.

Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì tính ưu việt của cơ chế thị trường sẽ là tiền đề tạo ra cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, ổn định và không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân…; tuy nhiên chính cơ chế thị trường cũng sẽ tạo ra những tiêu cực xã hội, lối sống thực dụng, làm cho đạo đức, văn hóa dân tộc bị ảnh hưởng, nhân cách người thầy bị tha hóa, khoảng cách giàu - nghèo càng nới rộng…Nền giáo dục tốt với những người “thầy giáo tốt” sẽ là vũ khí hữu hiệu để chống lại những sự tha hóa đó.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và thầy cô giáo đã được đánh giá lại đúng vai trò vị trí quan trọng của mình. Với tinh thần “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, chúng ta tin rằng, tất cả thầy giáo, cô giáo luôn luôn phấn đấu để xứng đáng với niềm tin yêu và lời khen tặng của Bác Hồ: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là điều rất vẻ vang”(6). Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi thầy cô giáo chúng ta phải luôn phấn đấu trau dồi trở thành những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. “Thầy, cô giáo như những tấm gương trong sáng, mẫu mực để học sinh noi theo”. Thầy giáo cũng phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao tri thức và phẩm chất. Chỉ có vậy, thầy giáo mới không bị lạc hậu…; phải thật thà yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải “Tiên ưu Hậu lạc”. Nghĩa là khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ; phải yên tâm công tác, phải thật thà đoàn kết, phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình; đồng thời phải “luôn luôn ra sức thi đua trong công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, HN. 1996, tr.184

2. Sđd, tập 11, tr.331

3. Sđd, tập 5, H.1995, tr.269

4. Sđd, tập 5, tr.240

5. Sđd, tập 8, tr.137-138

6. Sđd, tập 11, tr.331

Thạc sĩ  Phan Văn Thuận
                                                                                 Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tin khác