Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 22:50

Nghề giáo

Đối với tôi, giảng dạy là một nghề nghiệp tuyệt vời có thể sánh ngang với bất kì loại hình nghệ thuật nào trên thế gian này. Vậy nên tôi đã thực sự sốc bởi một dòng thoại trong bộ phim mang đầy tính giáo dục “Mr.Holland’s opus”, dòng thoại tạm dịch là: “Mỗi người giáo viên có hai nhiệm vụ: Truyền đạt kiến thức cho học trò mình và định hướng cho học sinh cách sử dụng kiến thức ấy sao cho phù hợp.”

Với nghề giáo, ngoài nhiệm vụ truyền đạt kiến thức từ thầy sang trò thì sự định hướng cho người học có nhận thức đúng, có hành động đúng những gì được học và ứng dụng vào trong thực tiễn đó là điều vô cùng cần thiết.

 Là người thầy, chúng ta luôn ý thức được rằng nhiệm vụ truyền đạt kiến thức được xem như nghĩa vụ quan trọng hàng đầu của những ai đứng trên bục giảng và những giáo viên lấy làm tự hào vì điều đó. Chẳng phải quá trình giảng dạy thật kì diệu đó sao, khi mà những nội dung bài giảng có trong giáo trình, giáo án…được người thầy khéo léo dẫn dắt qua những con đường ngôn ngữ tinh tế và cuối cùng đưa sâu và đánh thức sự nhận thức của người học. Quả là một quá trình đòi hỏi ở người thầy phải có sự vận dụng của tất thảy những đức tính tốt đẹp nhất: Sự nhẫn nại, lòng bao dung, sự nhiệt tình, lòng tôn trọng đối với người học…Tóm lại, mỗi “kiến thức” được truyền tải đến người học là một thành công về nhiều mặt của những giáo viên và nếu bạn là một giáo viên, hãy xem đây là điều đáng để tự hào nhất trong sự nghiệp giảng dạy của mình.

Ta hãy tiếp tục con đường truyền tải của kiến thức mà ở trên còn dang dở: Sau khi kiến thức ấy đã có được trong quá trình học tập của người học, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Xin nói thêm cho chính xác, rằng những kiến thức ấy cũng còn được dùng một vài lần nữa trong các lần kiểm tra, thi với nhiều hệ số khác nhau và đến lúc này chúng mới thực sự ủ mình ngủ vùi trong vỏ não của người học nếu như thiếu đi sự định hướng cách vận dụng kiến thức ấy một cách đúng đắn, phù hợp của người dạy và sự tiếp nhận một cách hoàn chỉnh của người học qua mỗi bài học, phần học. Nói thế quả có phần khắc nghiệt và thiếu toàn diện vì đâu phải kiến thức nào cũng trở nên hoang phế như thế, đúng là có rất nhiều thứ vẫn được sử dụng tiếp tục, vậy nên câu hỏi tiếp theo đặt ra là: Liệu tất cả người học đều biết cách sử dụng vốn kiến thức mà người giáo viên đã dày công truyền đạt hay chỉ dừng lại ở những người học ưu tú, cần cù, siêng năng? Bạn đương nhiên không thể khẳng định là mọi người học được, vì rõ ràng đến cả chúng ta đôi lúc còn khó mà nhớ nổi lần cuối cùng ta dùng định lí Ta-lét để chứng minh hai đường thẳng song song là khi nào! Nếu nói thế, ta đã vô tình đi ngược lại với phương châm của giáo dục là mỗi người đều có quyền được biết như nhau, kể cả việc biết sử dụng kiến thức cũng là một điều cần học và do đó là điều cần có người dạy!

Suy cho cùng, sử dụng kiến thức chẳng phải là mục tiêu cuối cùng của cả quá trình giảng dạy đó sao? Nếu trong giảng dạy, chúng ta chỉ chú trọng đến nội dung truyền đạt cho người học, chúng ta ít chú ý hoặc giả chỉ qua loa, đại khái về sự định hướng, sự vẽ đường chỉ lối về hiệu quả ứng dụng qua mỗi bài học, mỗi bài tập hay cuộc thảo luận về sự liên hệ vận dụng vào thực tế những vấn đề đã học như thế nào. Nếu chúng ta ít chú trọng đến khâu này chẳng khác nào chúng ta chỉ mới đi được một nửa chặng đường của giáo dục, chúng ta chỉ mới định hướng cho người học của mình chiều cao, khí hậu đặc trưng của núi chứ chưa hướng cho người học biết cách leo núi, trèo đèo. Bởi vô tình chúng ta đã đặt sai mục tiêu mà ta quên còn cả một quãng đường dài gian nan gấp vạn lần ta còn chưa dẫn dắt, truyền đạt cho người học. Trong khi đó, nếu việc vận dụng quá khó hay sự gắn kết giữa nhận thức và hành động, lý luận và thực tiễn còn quá xa vời mà mỗi chúng ta là người thầy lại chưa tập trung cao vào quá trình giảng dạy, chúng ta chỉ toàn tâm, toàn ý trau chuốt cho khả năng truyền đạt kiến thức của mình sao cho nhiều hơn, nhanh hơn thì sẽ có bao nhiêu thế hệ rời khỏi ghế nhà trường với những hành trang đầy ắp kiến thức nhưng chưa được chỉ cách sử dụng, thật đáng tiếc vô cùng.

Từ vấn đề trên, đặt ra yêu cầu cấp bách và vô cùng cần thiết đối với chính chúng ta là những giáo viên: Ta cần quan tâm hơn nữa về định hướng giảng dạy của mình đến khi tìm ra con đường thích hợp nhất đối với cả giáo viên và học viên, hãy luôn tâm niệm rằng phải hiểu rõ những điều mình muốn thực hiện mới có thể vạch đường, chỉ lối cho người học của mình. Các thầy, các cô sẽ phải truyền thụ cho người học nhiều hơn những kiến thức có trong giáo án và những điều mới mẻ này còn khó truyền đạt hơn cả những dòng mực vô tri trên giấy. Nhưng khi ngẫm nghĩ, những khó khăn kia chẳng phải là ý nghĩa lớn lao nhất của nghề nghiệp đáng tự hào này hay sao?

Là giáo viên ở môi trường Trường Chính trị, nơi chuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở cho tỉnh nhà, tôi luôn nghĩ rằng việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức và định hướng cho người học một cách đúng đắn, khoa học, phù hợp, hiệu quả để sau khi rời ghế nhà trường, người học có thể ứng dụng những gì được học vào trong quá trình công tác là điều vô cùng cần thiết và có ý nghĩa.

 

                                                                          Nguyễn Thị Yến
                                                                        Trường Chính trị Bến Tre

Tin khác