Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 17:53

Ngành tôi yêu

Ghi theo lời kể của cô giáo Lê Thị Bé (cô giáo Lê Thị Bé cùng học sinh của mình bị máy bay Mỹ thảm sát ngày 13 tháng 7 năm 1964, tại Trường tiểu học Tân Bình, Mỏ Cày Bắc)

Nguyễn Vũ Tiến
                                                         Nguyên Phó Giám đốc Trường Đảng Bến Tre
 
Từ thuở còn thơ ấu, trong giấc ngủ ban trưa, tôi thường nghe những lời ngọt ngào của mẹ theo tiếng ru hời:
 
Muốn sang thì bắt cầu Kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy
Cơm cha, áo mẹ, công thầy,
Lớn khôn con nhớ, ơn nầy chẳng quên…

Ở đây vai trò của người thầy cô giáo được xác định ngang hàng với bậc cha mẹ và chuẩn mực nào đó còn có vẻ vang hơn. Không biết mẹ tôi tình cờ hay có ý để giáo dục và định hướng đi tương lai cho tôi sau nầy chăng?

Dần dần tôi lớn lên và đi học, hết lớp trường làng lại đi học trường tỉnh. Thời kỳ này quê tôi còn chìm đắm trong nỗi đau chung của một dân tộc và đất nước đang bị chia đôi, hòng chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Ngày ngày đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh chiến tranh một phía. Chúng cho quân đội và lực lượng mật vụ, cảnh sát lùn sụt khắp nơi trong xã. Tìm bắt, bắn giết những người kháng chiến yêu nước mà chúng gọi là “Việt cộng nằm vùng”. Làm cho đời sống của người dân, đặc biệt là gia đình có người thân tham gia cách mạng hoặc tập kết ra Bắc phải chịu cảnh phạt vạ, khổ sở vô cùng. Là một miền quê nghèo, đời sống người dân lắm nổi khó khăn, do vậy nhiều bạn trẻ cùng lớp tuổi như tôi vẫn còn mù chữ và cũng không có được may mắn đến trường tỉnh để học.

Sau 4 năm miệt mày học tập tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa, tôi thi đậu và nhận được tấm bằng “Trung học đệ nhất”. Khi đó, cuộc Đồng Khởi của nhân dân Mỏ Cày, Bến Tre đã đi qua năm thứ hai. Nhiều vùng nông thôn huyện Mỏ Cày, trong đó có xã Tân Bình quê tôi đã được giải phóng.

Theo tiếng gọi của gia đình và quê hương, tôi thôi học trở về quê nhà, bước theo con đường phục vụ cách mạng.

Nơi phòng tuyển mộ tân binh xã, được gặp lại chú tôi. Chú tôi khi ấy là Bí thư chi bộ xã Tân Bình. Khi gặp lại tôi chú rất vui vẻ nhưng cũng không thiếu phần cương nghị: Chú bảo, xã nhà ngày nay đã được giải phóng, rồi đây cả miền Nam nhất định cũng sẽ được giải phóng. Bắc Nam nhất định sẽ được thống nhất. Chúng ta sẽ gặp lại người than vào được đón Bác Hồ vào thăm…

Dừng lại như để khẳng định điều muốn nói, rồi chú tiếp tục: Cháu bé (Lê Thị Bé) học khá, có vốn văn hóa tốt hơn các chú. Cháu khỏi phải đi đâu xa, chú giao cho cháu làm giáo viên để dạy dỗ trẻ em ở xã nhà, đây cũng là một nhiệm vụ cách mạng hết sức cần.

Không hiểu sao khi nghe chú bảo: Làm giáo viên để dạy dỗ trẻ em, đó cũng là nhiệm vụ cách mạng đang cần. Tôi hăng hái nhận lãnh ngay, không từ chối, mặc dù lúc ấy tôi chưa hiểu gì về sư phạm và cũng chưa lường hết những khó khăn mà mình phải trãi. Vã lại, có hiểu rõ khó khăn đi nữa, khi đó tôi cũng không thể nào từ chối một nhiệm vụ mà cách mạng đang cần. Thế là tôi bước vào ngành sư phạm kể từ mùa thu năm ấy, năm 1962.

Lúc đầu trường học nơi tôi dạy, xây cất khang trang trên giồng cát cao, kế bên Thánh thất Cao đài xã Tân Bình. Phía trước có sân chơi rộng rãi, phía sau trường có vườn dừa bóng che rợp mát. Mỗi ngày hai buổi sáng, chiều theo tiếng trống điểm, học sinh từ các ấp chung quanh nô nức cấp sách đến trường. Bà con nông dân lao động trên đồng, mỗi khi nghe tiếng trống tan trường, cũng biết hết giờ làm, lần lượt kéo nhau về nhà. Khắp xóm thôn điều rộn rã niềm vui với cuộc sống tự do bao năm khao khát. Giờ đây đã và đang phát triển vươn lên từng ngày dưới bóng cờ cách mạng. Song quân thù luôn  dã man tàn ác, chúng căm ghét tất cả những gì có được nơi vùng giải phóng quê tôi, kể  cả trẻ thơ và cành  cây ngọn cỏ. Chúng rải chất độc hóa học hủy diệt hoa màu, môi trường sống, ném bom bắn phá, giết hại người dân.

Một hôm vào lúc 13 giờ, ngày 13 tháng 7 năm 1964, trong khi học sinh đang học trên lớp. ba chiếc máy bay lên thẳng của Mỹ ập đến, lượn qua một vòng rồi đột nhiên chúng dừng lại, hạ thấp xuống sân trường. Nó bắn Rót-két và đại liên như trấu rải xuống trường, xuống nơi học sinh đang ngồi học. Thấy cái chết đổ lên đầu, tôi liền giục: Các em chạy ra hầm trú ẩn nhanh lên! Giữa lúc sợ hãi kinh hoàng, các em không còn biết đường chạy, hầu hết bám lấy bên tôi, miệng luôn gọi: Chạy đâu cô ơi? Chết em cô ơi! Cứu con cô ơi! Cứu con cha mẹ ơi!

Tiếng kêu khóc gọi cứu của các em và cảnh đau thương hãi hung diễn ra trước mắt, lúc ấy tôi không còn sợ nguy hiểm cho mình. Liền bế ngay một em bị thương đang ngã xuống kế bên và ra lệnh: Tất cả hãy theo cô ra hầm trú ẩn nhanh lên!

Đạn từ trên ba chiếc máy bay Mỹ bắn xuống mỗi lúc càng điên cuồng vào học sinh của tôi. Mái trường lần lượt sụp đỗ, bàn ghế học sinh trong lớp bị hất tung lên theo tiếng đạn nổ. Theo cùng với tiếng đạn nổ là những thân hình bé bỏng, học sinh thân yêu của tôi phải nằm đau đớn, oằn oại trên vũng máu. Khi bế xong em học sinh bị thương vào long, cô trò chúng tôi vượt qua lửa đạn để đến điểm trú ẩn. Đến nơi tôi đặt em vào trong hầm, rồi trở lại bế những em khác. Tôi làm như vậy không biết được bao nhiêu lượt thì cũng đã ngã xuống và ngất đi.

Khi ba chiếc máy bay thôi bắn, bay đi, bà con xung quanh trường và gia đình học sinh đã lập tức chạy đến cấp cứu, tìm mang con về và đưa tôi và  các em học sinh bị thương đến trạm xá dân y để cứu chữa.

Khi tĩnh lại, nỗi nhớ thương các em học sinh và những băn khoăn về sự mất mát quá lớn của trường không gì bù đắp được, lòng tôi như ai vò ai xé! Hai ngày sau, tôi cương quyết xin ra viện. Thấu hiểu nỗi đau khổ của tôi, đồng chí phụ trách trạm xá, đồng ý cho tôi xuất viện.

Trên đường trở về nhà, tôi bước ngay đến điểm trường, nơi giặc Mỹ đã thảm sát cô trò chúng tôi. Khi đến nơi, lòng tôi mãi luôn bồi hồi. Mới hôm nào nơi đây còn rền vang tiếng trẻ nô đùa và tiếng đọc bài của học sinh trên lớp. Giờ đây tất cả đều vắng lặng chỉ nghe tiếng gió lùa và lá rơi từ  các cành cây bị đạn chao xuống. Mái trường sụp đỗ, chỉ còn trơ lại vách cửa xiêu vẹo, mang đầy vết đạn. Trên sân trường, những chiếc nón đội đầu, mãnh áo, cái cặp, cây viết thắm đầy máu của các em còn bỏ lại, vung vải nhiều nơi. Nhìn thấy rõ những kỷ vật mà hàng ngày các em luôn ôm ấp bên mình, long tôi càng đau đớn vô hạn. Mắt tôi bắt đầu hoa lên, rồi không thể nào nhìn rõ mọi vật được nữa. Một cảm giác lạnh buốt và mệt mỏi rả rời đã đè nặng lên toàn than tôi. Có lẽ do sức khỏe của tôi chưa bình phục và thần kinh đang bị tổn thương bởi cảm xúc tạo nên. Tôi ngồi xuống tựa lưng vào một thân cây gần đó cho khỏe lại.

Khi cơn choáng đột biến đi qua, tôi lần bước đến gia đình học sinh ở gần để tìm hiểu rõ những tổn thất đau thương mà giặc Mỹ đã gây ra cho trường.

Những ngày tiếp tôi lần lượt đến thăm các gia đình có học sinh chết  và bị thương. Khi bước vào nhà, mọi người nhìn thấy tôi đều vui mừng cảm mến nhưng rồi cũng gợi lại vết thương long, đau xót nhớ con, ngậm ngùi khóc. Tôi cũng không cầm được nước mắt trước nỗi đau thương của gia đình.

Khi đến thăm những em học sinh đang bị thương, một ký ức và kỷ niệm mà tôi nhớ mãi mãi không thể nào quên. Gặp lại tôi các em thường hỏi:

- Bao giờ mới học lại hả cô! – Em có còn được đi học nữa không cô! – Tay em như thế này làm sao cầm viết được hỡ cô!...

Mỗi khi nghe các em hỏi lòng tôi đau như ai thắc, nước mắt rơi rơi! Có trường hợp tôi biết chắc rằng sự sống đối với em là quá mỏng manh. Có được sự sống đối với em là đều hết sức đáng quý lắm rồi. Một cảm xúc và tình yêu đã dâng tràn mạnh mẽ trong tôi. Lòng tôi tự hỏi mình phải làm gì và làm như thế nào để đáp lại sự khao khát hồn nhiên đáng yêu của các em? Từ tận sâu thẳm lòng mình, tôi khẳng định: Sẽ mãi mãi hết lòng thương yêu dạy trẻ, yêu lấy suốt đời với ngành sư phạm. Tôi thật sự yêu ngành sư phạm, yêu trẻ và yêu mến thiết tha kể từ khi đó. Kể từ ngay những giây phút mà cơ thể bé bỗng của em đau đớn, đang hấp hối trên giường bệnh mà tôi đã thấy và đã hiểu được lòng hiếu học của em.

Qua vụ máy bay Mỹ thảm sát học sinh Trường tiểu học xã Tân Bình vào ngày 13 tháng 7 năm 1964, trường chúng tôi phải mãi mãi mất đi 17 em học sinh thân yêu, tuổi đời mới lên 7-8 tuổi  và có 28 em học sinh khác bị thương. Tội ác của đế quốc Mỹ và nỗi đau thương của trường quá to lớn! Lịch sử hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi không bao giờ quên mối căm thù đối với quân xâm lược.

Từ ngày bị thảm sát này trở về sau, máy bay Mỹ thường xuyên bắn phá xóm làng. Bom đạn giặc đã tiêu hủy nhà cửa dân cư, đình chùa, nhà thờ, thánh thất, trường học trong vùng giải phóng. Trường học tân Bình phải phân tán nhỏ từng lớp, di dời nhiều nơi và cũng như những trường khác phải ẩn mình trong các vườn cây kín đáo. Hoặc phải lấy hầm trú ẩn, chiến hào làm lớp học…

Cuối năm 1965, cũng là thời kỳ đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh ra cả nước. Bộ binh Mỹ và quân đội đồng minh của chúng đổ bộ vào miền Nam ngày càng đông. Cùng với lực lượng bộ binh, hàng triệu tấn bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ cũng đã ném bom bừa bãi xuống đất này. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn quyết liệt và ác liệt. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Toàn Đảng, quân dân ta đều có chung một ý chí và lòng quyết tâm: “Tất cả cho tiền tuyến, tất  cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Để đánh thắng quân thù xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, người chiến sĩ cách mạng phải có tinh thần chiến đấu dũng cảm phi thường nhưng cũng không thể thiếu kiến thức văn hóa. Do vậy, tôi được điều động lên trên giảng dạy các lớp bổ túc văn hóa cho thanh niên nhằm phục vụ theo yêu cầu của tiền phương. Thế là tôi phải tạm xa mái trường thân yêu, nơi cô trò chúng tôi đã từng thắm máu.

Những năm sau này, khi cuộc chiến đấu của nhân dân ta bước vào giai đoạn cuối. Trên các nẻo đường công tác, tôi luôn gặp lại học sinh trường cũ cùng những em học sinh bổ túc sung nặng oằn vai trong đoàn quân giải phóng đang cùng tôi hành quân hối hả ra phía trước để cùng cả nước làm nên chiến thắng 30/4/1975 lịch sử. Đến nay đã có nhiều em thành sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng cũng có những em đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc được độc lập hòa bình, cho tuổi trẻ hôm nay có được cuộc sống vui tươi và tự do cắp sách đến trường.

Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, quê hương đất nước đã đổi mới giàu đẹp. Song mỗi khi hồi tưởng lại kỷ niệm của thời khói lửa chiến tranh, lòng tôi mãi luôn bồi hồi, xót xa. Những bóng hình bé nhỏ thân thương, những đôi mắt sáng thân thương của một thế hệ trẻ năm nào đã mãi in sâu trong ký ức tôi. Giục tôi đi lên không dừng bước trên con đường nghiệp vụ. Mặc dù cuộc sống đã qua, cũng như hiện tại chúng tôi vẫn chưa hết khó khăn. Nhưng tôi vẫn vui và chấp nhận vì nơi đó có ánh mắt tuổi thơ đang mong chờ sự dạy đỗ của chúng tôi. Tôi chỉ yêu và yêu mãi suốt đời một nghề mà trong đó quá khứ và kỷ niệm viết nên bằng máu đào của biết bao học sinh và đồng nghiệp của mình. Đó là nghề dạy trẻ./.

Tin khác