Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 15:32

Một số kinh nghiệm đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị

Ths Nguyễn Thành Phương
                            Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 

Trước sự vận động và biến đổi không ngừng của thực tiễn, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử cụ thể ở Việt Nam người giảng viên nói chung, đặc biệt là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói riêng để phấn đấu trở thành giảng viên dạy giỏi tất yếu phải tuân thủ các quy trình sau:

Thứ nhất, người giảng viên phải có:

Lượng tri thức lý luận chính trị vững vàng bao gồm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chính sách, của Đảng và Nhà nước để nói, viết và làm theo nghị quyết của Đảng; sống làm việc theo pháp luật.

Kinh nghiệm và vốn sống thực tiễn phong phú, thông qua việc thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, đi nghiên cứu thực tế, nhất là học hỏi ở phong trào quần chúng, ở cơ sở nhằm làm cho bài giảng phong phú, tiết học sôi nổi. Điều nhất thiết là phải thực hiện nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin gắn lý luận với thực tiễn.

Có kỹ năng, năng khiếu, nghiệp vụ sư phạm được đào tạo chính quy, vững vàng về chuyên môn, tinh thông về phương pháp, ứng biến linh hoạt trong quá trình lên lớp.

Có lương tâm, tâm quyết với nghề nghiệp, lòng nhiệt tình, sự say mê với công việc dạy học. Đó chính là đạo đức nghề nghiệp, điều làm cho người giảng viên phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau.

Người giảng viên phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, nhất là đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị. Có uy tín trong quá trình giảng dạy mà đặc biệt là uy tín khoa học được học viên và đồng nghiệp đánh giá cao.

Người giảng viên phải có một bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường, quan điểm, tư tưởng kiên định nhất quán với mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng về việc làm của mình. Phấn đấu suốt đời cho mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Thứ hai, người giảng viên phải nắm:

Nắm vững nội dung, phương pháp, mục đích yêu cầu dạy học của các môn học thuộc lý luận chính trị.

Nắm vững sự vận động, yêu cầu của thực tiễn nhằm gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình dạy học.

Nắm vững đối tượng và yêu cầu của đối tượng về mọi mặt nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình dạy học.

Nắm vững và sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại làm công cụ đắc lực cho việc thực hiện mục đích, yêu cầu bài học.

Thứ ba, người giảng viên phải làm:

Giáo án soạn đúng theo quy định giáo án mẫu của Học viện bao gồm năm bước cơ bản. Đây là khâu quan trọng và quyết định cho sự thành bại của bài giảng sau này. Tất cả những nội dung cơ bản, những phương pháp và phương tiện hỗ trợ tích cực, hiện đại được xếp theo thứ tự nhất định. Mọi ý đồ, kế hoạch nhằm đạt được mục đích, yêu cầu của bài giảng đã xác định đều được người giảng viên chuẩn bị một cách công phu, hệ thống.

Giảng dạy đúng với chương trình và yêu cầu lớp học, khóa học nhất là bám sát mục đích, yêu cầu của từng bài giảng. Mục đích bài giảng nhằm trang bị tri thức lý luận chính trị cho học viên, giúp học viên vận dụng những tri thức ấy vào chỉ đạo hoạt động cải tạo hiện thực một cách linh động, sáng tạo, có hiệu quả cao nhất.

 Xác định yêu cầu bài giảng giúp cho người giảng viên và học viên phân công trách nhiệm rành mạch. Giảng viên phải yêu cầu học viên xem bài trước ở nhà, sau đó vào lớp học tùy từng vị trí công tác ở địa phương và trình độ nhận thức của cá nhân mà tham gia đóng góp xây dựng bài một cách sôi nổi, tạo không khí sinh động cho lớp học.

 Phải bao quát lớp trong quá trình lên lớp, trước khi bắt đầu một bài giảng, giảng viên nên đến sớm kiểm tra phòng học và những phương tiện hỗ trợ quá trình giảng dạy. Giảng viên có thể nói chuyện thân thiện với một số học viên. Khi vào bài giảng, người giảng viên phải tuân thủ nghiêm ngặt việc thực hiện những nội dung và phương pháp đã chọn theo một hệ thống nhất định, phải thực hiện đúng các bước lên lớp được xác định trong giáo án. Mặt khác, giảng viên nên bao quát lớp, phát hiện và giải quyết kịp thời các biểu hiện không phù hợp của đối tượng dự học, nhằm chống hiện tượng học viên không chú ý tiếp thu bài giảng để tạo không khí sôi nổi trong từng nội dung giảng dạy, trao đổi.

Phải hết sức linh hoạt trong việc nắm bắt và đáp ứng yêu cầu của học viên trong quá trình lên lớp cũng như trong thảo luận, xêmina. Bởi vì, những tri thức lý luận mà giảng viên cung cấp cho học viên một cách phù hợp bao gồm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nghị quyết, chính sách, của Đảng và Nhà nước, nghị quyết cấp ủy các cấp và kiến thức thực tiễn được minh họa phù hợp, thuyết phục người học bao gồm tình hình thế giới, trong nước đặc biệt là những vấn đề thời sự chính trị hoặc những vấn đề có liên quan mật thiết đến bài giảng.

Qua mỗi phần học, từng nội dung cần có chuyển ý một cách logic, dẫn dắt người học cuốn theo trình tự trình bày của giảng viên. Ngoài ra, giảng viên cần chuẩn bị câu hỏi cho học viên nhằm thực hiện hệ thống các phương pháp dạy học tích cực; chuẩn bị và phân chia thời gian một cách khoa học trong việc sử dụng hệ thống các phương pháp dạy học tích cực một cách linh hoạt góp phần chuyển tải nội dung bài giảng đến người học tốt nhất.

Giảng viên phải biết khơi dậy và phát huy cao độ nguồn cảm hứng của học viên trong quá trình lên lớp cũng như trong thảo luận, xêmina. Muốn đạt mục đích ấy, người giảng viên phải sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học tích cực một cách thuần thục, khoa học và sáng tạo phù hợp điều kiện, yêu cầu lớp học  bằng các yếu tố trực quan sinh động tạo sự tin tưởng của học viên vào tri thức lý luận.

Từng nội dung xác định rõ ràng đâu là tri thức mới cần trang bị, đâu là lý luận, đâu là thực tiễn nhằm gắn lý luận với thực tiễn một cách khoa học, sáng tạo. Trao đổi hệ thống những tri thức đã học, những tri thức mới đối với học viên tạo nên bầu không khí sôi động trong tiết dạy và học. Xử lý tình huống một cách kịp thời, linh hoạt, phù hợp khi có vấn đề trên lớp học.

Đối với giáo án điện tử, giảng viên phải sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ cho giảng dạy thông qua việc đầu tư, sưu tầm những hình ảnh minh họa phù hợp. Với từng phần học nên chia nhóm hợp lý, các nhóm hoạt động tích cực tham gia tốt bài giảng của giảng viên, trong từng slide, từng trang, mục, phần, …giảng viên sử dụng màu sắc hài hòa, fond chữ rõ, sáng, trình bày hợp lý.

Nội dung bài dạy được hiệu ứng hài hòa, diễn tiến hợp lý, học viên hứng thú theo dõi nhằm tiếp thu tốt bài giảng.

Giảng viên hướng dẫn việc học tập trên lớp nhẹ nhàng, học viên hoạt động tích cực đóng góp xây dựng bài sôi nổi và tiếp thu bài tốt.

Thứ tư, người giảng viên phải luôn luôn cải tiến trong quá trình giảng dạy:

Người giảng viên phải luôn luôn chân thành lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của đồng nghiệp.

Người giảng viên phải luôn luôn chân thành lắng nghe ý kiến của học viên trong quá trình lên lớp cũng như trong thảo luận, xêmina, nhất là phiếu tham khảo.

Phải không ngừng học hỏi, tự học, tự rèn, tự vươn lên trong bất kỳ tình huống nào, khó khăn, gian khổ nào.

Phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, của thời đại đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử với những nhiệm vụ cách mạng cụ thể của đất nước, dân tộc, địa phương.

Bản thân người giảng viên cần rèn luyện cho mình đức tính: Thắng không kiêu, bại không nãn; không bi quan, tự mãn, tự cao, tự ti, tự hài lòng với những gì mình đã có.

 Tóm lại, ngoài những yếu tố trên đối với giảng viên thì đối tượng học viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, vai trò của lãnh đạo, môi trường nói chung, đặc biệt là môi trường Trường Chính trị nói riêng là những nhân tố hết sức quan trọng, quyết định cho chất lượng giờ giảng của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói chung và giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các Trường Chính trị nói riêng.

 Người học phải thật sự phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, năng động, linh hoạt để lĩnh hội tri thức mới. Phải xác định mục đích học tập rõ ràng, để có động cơ học tập đúng đắn nhằm đạt được kết quả cao như Bác Hồ kính yêu đã dạy: Học để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại chớ không phải học để làm quan cách mạng.

Các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật trang thiết bị phục vụ cho quá trình giảng dạy và học tập phải được hiện đại, đồng bộ cùng một lúc đáp ứng kịp thời cho yêu cầu thực tiễn của quá trình dạy và học đặt ra.

Điều đáng chú ý là cấp ủy và ban lãnh đạo cần có sự quan tâm đầu tư lãnh chỉ đạo kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quá trình dạy và học tập lý luận chính trị. Có như thế thì quá trình giảng dạy và học tập lý luận chính trị mới đạt được kết quả khả quan, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

Nhân tố quyết định sau cùng của mọi vấn đề đó là sự phối hợp một cách nhịp nhàng, đồng bộ giữa chủ thể và đối tượng./.

Tin khác