Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 19:40

Khiếu nại, phương thức thực hiện quyền khiếu nại của công dân trong giai đoạn hiện nay

Thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Nghi
Phó Trưởng Phòng TC-HC-QT

Trong các quyền công dân, quyền khiếu nại có vai trò đặc biệt quan trọng, là cách thức để công dân bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời là phương diện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến khiếu nại, thực hiện quyền khiếu nại của công dân: Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Cạnh tranh...

Dưới góc độ pháp lý, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011). Trên cơ sở đó, chúng ta có thể hiểu quyền khiếu nại của công dân là nhu cầu và khả năng của công dân được nhà nước bảo đảm thực hiện để phản ứng lại quyết định hành chính, hành vi hành chính được ban hành hoặc thực hiện trong quá trình thực thi quyền hành pháp khi công dân cho rằng quyết định, hành vi đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, quyền khiếu nại là quyền chính trị cơ bản của công dân, là quyền dân chủ của công dân. Với tư cách là quyền công dân, quyền khiếu nại luôn gắn liền với bản chất của Nhà nước và pháp luật, vì pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất trong việc thực hiện quyền khiếu nại của công dân. Khi công dân thực hiện quyền khiếu nại là công dân thực hiện “quyền bảo vệ quyền”; vì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, công dân có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng khi công dân thực hiện quyền khiếu nại nghĩa là công dân đã yêu cầu cơ quan, tổ chức Nhà nước bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình trước sự xâm phạm từ các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Ghi nhận quyền khiếu nại của công dân, pháp luật đã đưa ra các phương thức, quy định cụ thể để công dân thực hiện như các quy định về thủ tục hành chính, thủ tục tư pháp.

Thủ tục hành chính trong thực hiện quyền khiếu nại của công dân là các nguyên tắc, thể thức giải quyết khiếu nại giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại với chủ thể thực hiện quyền khiếu nại. Thủ tục hành chính trong thực hiện quyền khiếu nại của công dân là thủ tục kiểm tra xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính. Kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính là thủ tục pháp lý chủ yếu đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại của công dân. Trong thủ tục này có ba nhóm chủ thể chính có quyền, nghĩa vụ liên quan mật thiết với nhau, bao gồm: người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Luật Khiếu nại không quy định trực tiếp về nguyên tắc xác định thẩm quyền, tuy nhiên căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, có thể khái quát nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau: người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là người đã ra quyết định hành chính bị khiếu nại hoặc người đứng đầu cơ quan có hành vi hành chính bị khiếu nại; người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Trình tự giải quyết khiếu nại ở mỗi lần giải quyết gồm các giai đoạn: thụ lý; xác minh, tổ chức đối thoại; ra quyết định giải quyết khiếu nại. Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là hoạt động trung tâm mang tính chất quyết định trong việc giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại được thể hiện bằng văn bản và phải được công bố công khai. Nếu công dân không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 02 của cơ quan có thẩm quyền, công dân có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa án theo thủ tục tư pháp.

Thủ tục tư pháp trong thực hiện quyền khiếu nại của công dân là hoạt động xét xử các khiếu kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Thủ tục tư pháp trong đảm bảo thực hiện quyền khiếu kiện của công dân đòi hỏi tính khách quan, dân chủ trong việc xem xét, đánh giá tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015, khiếu kiện thuộc thẩm quyền thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; khiếu kiện danh sách cử tri. Thủ tục tư pháp trong đảm bảo quyền khiếu nại của công dân đã quy định khá rõ về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết cũng như trách nhiệm của các chủ thể trong giải quyết khiếu kiện; điều này đã mở rộng quyền khởi kiện hành chính đem lại sự khách quan công bằng trong vệc xem xét, sửa chữa quyết định hành chính, hành vi hành chính đồng thời giảm áp lực cho Tòa án trong giải quyết khiếu nại đặc biệt là các khiếu nại hành chính của công dân.

Trong bối cảnh hiện nay, Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận quyền khiếu nại là quyền chính trị quan trọng của công dân, do vậy để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, thực hiện quyền khiếu nại của công dân hiện nay, Nhà nước cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết khiếu nại, trước hết là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Các cấp ủy cần có nghị quyết lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết, các cơ quan nhà nước phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, kết luận rõ đúng, sai, đề ra phương án giải quyết phù hợp, có lý, có tình.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước phải củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân; đây là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của công dân, đồng thời là một kênh thông tin quan trọng góp phần cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại sát với tình hình thực tế. Đối với những vụ việc phức tạp, lãnh đạo phải trực tiếp tiếp dân, đối thoại với công dân và chỉ đạo giải quyết.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự đồng bộ, nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, có nội dung phong phú thiết thực thu hút nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại để kích động, gây rối; các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Tóm lại, khiếu nại là hình thức thể hiện quyền dân chủ của nhân dân và là một trong những phương thức thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước; việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ sở đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại của công dân. Do vậy, Nhà nước luôn coi trọng công tác giải quyết khiếu nại của công dân; đảm bảo các quy định pháp luật về khiếu nại, giải quyết khiến nại được triển khai, thực hiện một cách công khai, minh bạch; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật về khiếu nại, thực hiện quyền khiếu nại của công dân./.

Tin khác