Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 18 Tháng 4, 2024 - 22:56

Giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong giai đoạn hiện nay

Hồ Thị Thùy Dung
Khoa Lý Luận Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Người Việt Nam đã xây dựng và vun đắp cho mình rất nhiều truyền thống quý báu như: Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, hiếu học, tôn sư trọng đạo, cần cù, siêng năng,…Những truyền thống ấy như những sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết dính từng thế hệ người Việt, tạo nên một bản chất Việt Nam đặc sắc không lẫn vào đâu được. Chính vì vậy, là người Việt Nam thì phải có truyền thống yêu nước và biết phát huy, giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc mình.

“Truyền thống là nề nếp, thói quen tốt đẹp được lưu giữ từ đời này sang đời khác”[1]. “Truyền thống là cốt lõi, là bộ phận bền vững nhất của văn hoá tộc người. Truyền thống xấu có tác dụng duy trì chế độ xã hội và nền văn hoá lỗi thời. Thuyền thống tốt đẹp (trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, trong quan hệ giữa người với người...) góp phần tích cực xây dựng xã hội mới, con người mới”.[2]  Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống đẹp của người Việt, truyền thống ấy đã góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Từ thuở xa xưa cha ông ta đã đề cao vai trò của người thầy:

“Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”

 Yêu kính thầy đã trở thành một chuẩn mực đạo đức của con người. Trong các gia đình Việt thời phong kiến, khi con của họ được dăm bảy tuổi thì họ bắt đầu tìm thầy dạy học cho con mình. Họ sẽ phải đem đến nhà thầy một ít lễ vật để làm lễ bái sư. Những lễ vật này thường đơn giản như một ít hoa quả và nhang đèn. Thầy làm lễ nhận học trò, từ đó gia đình sẽ an tâm giao con cái của mình lại cho thầy và “trăm sự nhờ thầy” dạy dỗ cho con mình nên người. Thầy sẽ dạy cho học trò đạo lý làm người, bởi “tiên học lễ, hậu học văn” sau đó sẽ dạy chữ cho học trò và cả dạy võ nữa. Sau khi người học trò lĩnh hội hết những tinh hoa của thầy thì có thể vào Kinh đô ứng thí. Nếu người học trò có đủ trí tuệ và tài năng, đỗ đạt thì sẽ được triều đình bổ nhiệm làm quan. Được hưởng vinh hoa phú quý, được mọi người tôn sùng kính nể. Nhưng người học trò ấy không bao giờ quên công ơn dạy dỗ của thầy, họ sẽ trở lại báo đáp công ơn thầy, phụng dưỡng khi thầy đau yếu, về già, chăm lo cho thầy như cha mẹ. Bởi vì: “Không thầy đố mày làm nên”.

Trong xã hội ấy không chỉ có những người thầy dạy chữ mà còn có những người thầy dạy nghề, những ông tổ của nghề. Như ông tổ của nghề dệt, nghề làm gốm, nghề hát,…bất cứ việc gì, nghề gì cũng phải có thầy chỉ dạy, hướng dẫn thì ta mới có thể thành công và nên người được.

Người thầy luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo, ngoài việc có kiến thức uyên bác thì người thầy phải có đạo đức lối sống mẫu mực, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái nghĩa tình, trọng đạo lý được mọi người kính trọng. Có vậy mới xứng đáng được gọi là thầy, được các bậc cha mẹ tin tưởng giao con cái cho thầy dạy dỗ. Vì lẽ đó mà người Việt ta luôn nhắc nhở nhau phải “Tôn sư trọng đạo”, phải biết yêu kính thầy, nghe lời thầy dạy dỗ, làm theo những gì thầy dạy bảo và chớ bao giờ cải thầy vì “cải thầy núi đè”.

Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tôn sư có nghĩa là: Kính trọng, yêu quý thầy, lễ phép với thầy cô giáo, ghi nhớ công ơn dạy bảo của thầy. Trọng đạo là tôn trọng ghi nhớ những gì thầy dạy bảo, phải vận dụng linh hoạt những kiến thức quý báu mà thầy đã dạy vào thực tế cuộc sống của mình. Những kiến thức mà thầy dạy đó là những tri thức đúng đắn về tự nhiên, xã hội và tư duy. Đạo lý mà thầy truyền dạy là những quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, những chuẩn mực đạo đức mà thầy rèn luyện cho học trò là chuẩn mực của nền đạo đức mới, nền đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Bác Hồ đã dạy: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Mà làm sao để có những con người xã hội chủ nghĩa? Trọng trách đó được vinh dự giao cho những người thầy, những người chiến sĩ cách mạng trong lĩnh vực giáo dục. Người thầy hôm nay không những dạy chữ, dạy nghề cho học trò mà còn truyền đạt cho học trò những chân lý đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin. Làm nhiệm vụ truyền bá lý tưởng cộng sản, người thầy phải thổi bùng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, rèn luyện những chuẩn mực đạo đức mới cho những học trò của mình.

Ngày nay xã hội ta phát triển vượt bật về mọi mặt, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân được nâng cao. Vì vậy, mà vấn đề giáo dục và đào tạo được quan tâm đặc biệt và được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu. Truyền thống tôn sư trọng đạo ngày càng được nhân dân ta trân trọng, giữ gìn và phát huy hơn nữa. Trong đó, hơn ai hết mỗi người thầy, cô giáo ở Trường Chính trị luôn phải tự ý thức phấn đấu và rèn luyện để làm sao cho xứng đáng và làm sao để phát huy tốt truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Với ước mơ và sự phấn đấu rèn luyện để trở thành giảng viên của Trường Chính trị, bản thân tôi cảm thấy tự hào vì tương lai mình sẽ được đứng trên bục giảng với cương vị là một người thầy và càng tự hào hơn nữa khi nội dung kiến thức mà mình truyền đạt là những tri thức quý báu của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương chính sách, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Để xứng đáng là một người giảng viên của Trường Chính trị và truyền thống của các thế hệ giảng viên đi trước, các giảng viên tương lai như chúng tôi phải luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định với mục tiêu lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải phấn đấu rèn luyện đạo đức suốt đời, thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương. Ngoài việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức, mỗi người phải trau dồi thêm chuyên môn nghiệp vụ của mình. Bởi vì, chuyên môn nghiệp vụ có vững thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy. Đồng thời, phải kịp thời bổ sung cho mình kiến thức về ngoại ngữ, tin học, các phương pháp giảng dạy tích cực, bổ sung cập nhật thông tin kiến thức thực tiễn,…để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giảng dạy hiện nay. Có như vậy, giảng viên mới có điều kiện cần và đủ thực hiện tốt nhiệm vụ của một người giảng viên Trường Chính trị nói chung và giảng viên của Trường Chính trị Bến Tre nói riêng.

Lịch sử đã vinh danh những người thầy xuất sắc như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành,…những người thầy được nhiều thế hệ học trò yêu quý và cả dân tộc kính trọng. Bến Tre là quê hương Đồng Khởi và cũng là một trong những địa danh anh hùng giàu truyền thống tôn sư trọng đạo. Kế thừa và nối tiếp truyền thống lịch sử hào hùng đó, các thế hệ thầy cô giáo nói chung và đội ngũ giảng viên trẻ của Trường Chính trị Bến Tre nói riêng phải rèn luyện thành những người giảng viên “vừa hồng vừa chuyên”, đồng thời lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Có như vậy, thầy cô giáo mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, mỗi giảng viên không chỉ là một chiến sĩ cách mạng mà còn là một tấm gương mẫu mực cho học viên noi theo. Quyết tâm xứng đáng với vai trò là người truyền lửa giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta./.

____________________________________________
[1] Đại từ điển Tiếng Việt, NXB văn hóa thông tin, 1998.
[2] Từ điển Bách khoa toàn thư.

Tin khác