Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 03:50

Giảng viên Trường Chính trị Bến Tre học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương

Trần Thị Quỳnh Nghi
Khoa nhà nước và pháp luật

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở cho bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên có được nhận thức đúng đắn về yêu cầu phải giữ gìn đạo đức, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính kỷ luật, dân chủ trong tập thể, tinh thần đó phải luôn thể hiện với cấp trên, cấp dưới, với quần chúng nhân dân; phải nghiêm túc phê bình và tự phê bình, kiên quyết chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, để xây dựng nếp sống đẹp, sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, hết lòng vì dân, vì nước, nói phải đi đôi với làm; phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được Đảng ta đề cập từ Nghị quyết hội nghị Trung ương 4, khóa V năm 1983: “Đề cao việc học tập đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đôi với giáo dục, nâng cao ý chí chiến đấu và đạo đức, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước trong tất cả mọi cấp, mọi ngành”. Đến Văn kiện Đại hội VI (1986) nêu rõ: “Mỗi người cộng sản chúng ta cần phải suốt đời học tập, noi gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ…”. Đại hội VII (1991) khẳng định: “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những quan điểm đường lối của Đảng". Đại hội X đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ngày 14/5/2011 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW yêu cầu tiếp tục tổ chức học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã đưa ra yêu cầu tiếp tục tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, với chuyên đề: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương".

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh không bàn nhiều về đạo đức dưới dạng lý thuyết mà chủ yếu nói về thực hành đạo đức bằng cách làm gương và nêu gương. Bài học đó có ý nghĩa lớn lao và vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương. Vì thế, Người nhấn mạnh lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt, phải cần, kiệm, liên, chính, chí công, vô tư, nói đi đôi với làm. Trong đó, mỗi  đảng viên, cán bộ cũng như mỗi người cần nắm vững và giải quyết tốt ba mối quan hệ chủ yếu: Đối với mình, đối với người, đối với công việc. Đối với mình, không tự cao, tự đại, tự mãn, kêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để học tập đều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày. Đối với người luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, có thái độ khoan dung, độ lượng trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng bào. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải để việc công lên trước việc tư, làm việc gì cũng phải tận tâm, tận lực không sợ khó khăn gian khổ, việc gì lợi cho dân cũng phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Nêu gương có vai trò hết sức to lớn đối với việc hoàn thiện đạo đức con người. Trong gia đình thì người con chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ, anh, chị. Trong nhà trường, thầy cô phải là tấm gương sáng đối với học trò. Trong tổ chức, người lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới. Trong xã hội, người đi trước là tấm gương cho người đi sau.

Trường chính trị là nơi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Do vậy, trước hết, giảng viên trường chính trị phải là tấm gương đối với các học viên. Giảng viên trường chính trị thể hiện vai trò nêu gương cụ thể như sau:

- Một là, giảng viên trường chính trị phải nêu gương về niềm tin cộng sản, tin vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và sức mạnh của dân tộc. Để làm được điều đó, mỗi giảng viên phải đầu tư nghiên cứu những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để kịp thời định hướng tư tưởng đúng đắn cho học viên.

- Hai là, giảng viên trường chính trị phải nêu gương về phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói đi đôi với làm, tác phong sinh hoạt, lối sống trung thực, giản dị lành mạnh. Đó vừa là trách nhiệm của người giảng viên, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời là tấm gương cho học viên noi theo. Do vậy, giảng viên trường chính trị phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tha hóa về đạo đức, lối sống tham ô, lãng phí, gây thất thoát tài sản của nhà nước.

- Ba là, phải nêu gương về năng lực và hành động. Giảng viên trường chính trị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm tận tụy, gắn bó, hết lòng vì công việc, chủ động khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và gương mẫu trong mọi hoạt động. Mỗi giảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực, tích cực nghiên cứu học tập, tích lũy kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ để có thể trở thành người thầy của học viên cả về kinh nghiệm lẫn thực tiễn.

- Bốn là, phải nêu gương về tình thương và trách nhiệm. Giảng viên trường chính trị phải thật sự gần gũi, sâu sát với học viên để nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của học viên, sẵn sàng giúp đỡ học viên về mọi mặt trong học tập cũng như trong hoạt động thực tiễn ở cơ quan, đơn vị.

Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giảng viên trường chính trị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đem hết khả năng nhiệt tình vào từng bài giảng, tiết giảng, thường xuyên tự giác, nỗ lực trong học tập, rèn luyện, dạy và học gắn liền với thực tiễn công tác nhằm đạt được kết quản thiết thực nhất. Học tập phong cách nêu gương của Bác, người giảng viên không những phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có cái tâm của người thầy đem hết khả năng, nhiệt tình phục vụ người học. Trong giảng dạy, giảng viên phải thường xuyên cập nhật thông tin, vận dụng nhiều phương pháp, thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm cho bản thân để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất./.

Tin khác