Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 23:26

Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí Minh

ThS Phan Văn Thuận
                                       Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Trong quá trình sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm thấy được vai trò to lớn của cán bộ và đội ngũ cán bộ. Người luôn xem “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, Người đặc biệt quan tâm đến công tác “huấn luyện cán bộ” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, vừa “hồng” vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng.

Theo Người, làm cách mạng cũng là một nghề. Đây còn là một nghề rất đặc biệt, đòi hỏi “phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng…”. Làm bất cứ một nghề nào thì cũng phải học và phải được “huấn luyện”. Đảng cần có kế hoạch thật tốt, thật chu đáo, đầu tư nhiều trí tuệ, công sức, tiến hành thường xuyên, kiên trì, công phu và không được làm đại khái, bôi bác trong công tác huấn luyện. Mục đích của việc huấn luyện cán bộ là xây dựng và không ngừng hoàn thiện đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất lẫn năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Người thường nói: “Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc, như thế Đảng mới thành công”.

Theo Bác, cách mạng là một việc “to tát”, là sự nghiệp “khổng lồ”. Vì vậy, cần phải huấn luyện cán bộ với những nội dung toàn diện bao gồm “huấn luyện nghề nghiệp”; “huấn luyện chính trị” (tức là huấn luyện về thời sự và chính sách); “huấn luyện văn hoá” và đặc biệt nhất là “huấn luyện lý luận”. Cán bộ một mặt phải giỏi chuyên môn, mặt khác phải am tường về lý luận, cho nên trong huấn luyện cán bộ, Người đặc biệt chú ý đến giáo dục lý luận cho cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Người nhấn mạnh: “Xem kinh nghiệm của các đảng anh em, thì chúng ta càng thấy sự bức thiết, sự quan trọng của việc học tập lý luận cho Đảng, trước hết là cho các cán bộ cốt cán của Đảng”.

Để đảm bảo công tác huấn luyện, Đảng phải quan tâm xây dựng đội ngũ “những người huấn luyện” - tức là đội ngũ giảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Không phải ai cũng huấn luyện được”, “Người huấn luyện” trước hết phải xác định huấn luyện là một nghề. Nghề huấn luyện cán bộ nằm trong nghề cách mạng. Đã làm nghề gì phải thông thạo nghề đó. Tức là người huấn luyện phải thông thạo nghề huấn luyện. Thông thạo là phải nắm vững nội dung, phương pháp, biết cái gốc, cái chính, biết những tài liệu cần thiết giúp cho người học đạt kết quả.

Khi nói về công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của các trường Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để “nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”. Người nhấn mạnh: “Trường Đảng là trường học đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”. Trường Đảng dạy lý luận Mác-Lênin để trang bị tri thức, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng, song điều quan trọng hơn là để đội ngũ cán bộ ấy học được cách vận dụng đúng đắn, vận dụng sáng tạo lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoạt động thực tiễn, trong giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Trường “huấn luyện của Đoàn thể” ở địa phương - tức là trường chính trị có nhiệm vụ vừa “huấn”, vừa “luyện” cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở và tương đương. Nội dung “huấn luyện” bao gồm những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản, Nhà nước và pháp luật; khoa học hành chính; một số nội dung cơ bản trong quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về kinh tế, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng - an ninh và kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể.

Vì vậy, đội ngũ giảng viên cần nổ lực phấn đấu về mọi mặt để đáp ứng vai trò “người huấn luyện của Đoàn thể”, với những yêu cầu cơ bản như sau:

Trước hết, phải có tri thức, kiến thức, trình độ chuyên môn giỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội”. Mà muốn giỏi, muốn thạo nghề, người huấn luyện phải không ngừng học hỏi, bồi bổ thêm kiến thức, tri thức. Dẫn lời của Khổng Tử và của V.I.Lênin, Bác nhấn mạnh rằng: Hơn ai hết, người huấn luyện phải ghi nhớ và thực hành việc học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Người đã nêu lên một quan niệm: “Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nát”. Vì vậy, “Người huấn luyện phải học thêm mãi” để “thu hái những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại” mới có thể làm được việc “huấn luyện” của mình là không chỉ cung ấp những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về kinh tế, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng - an ninh và khoa học hành chính mà còn trang bị những kiến thức về kỹ năng lãnh đạo, quản lí và nghiệp vụ về công tác đảng, chính quyền, đoàn thể nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, khả năng giáo dục, động viên, tổ chức quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: Tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Điều này là hiển nhiên, vì rõ ràng nếu người dạy không đạt đến mức “kiểu mẫu về mọi mặt” thì khó có thể hoàn thành được vai trò “huấn” và “luyện” cho người học. Trong khi đó, mục đích của các trường đảng trước đây, các trường chính trị hiện nay đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ ngay từ lớp học lý luận khóa đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc vào tháng 9 năm 1957 là “đào tạo những cán bộ biết vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể”. Gắn liền hữu cơ với vai trò “kiểu mẫu”, “tấm gương” của người huấn luyện là một nhiệm vụ rất quan trong của người dạy mà Hồ Chí Minh nhắc đến từ năm 1950, đó là “huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng” là vừa “huấn”, vừa “luyện” cho học viên.

Thứ ba, phải không ngừng trao dồi về phương pháp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp, cách thức huấn luyện, giảng dạy. Người nêu rõ: Việc cốt yếu là làm cho người học hiểu thấu vấn đề nhưng để hiểu thấu, hiểu sâu có nhiều cách dạy. Có cách dạy tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian, có cách dạy bao quát, khái quát, tùy điều kiện và hoàn cảnh. Song, điều mà Bác muốn người dạy chú trọng, quan tâm hàng đầu đó là dùng cách dạy, cách huấn luyện như thế nào để người học từ chỗ hiểu đúng, hiểu thấu vấn đề mà đi đến sử dụng sự hiểu biết đó của mình trong công việc có kết quả, hiệu quả. Muốn vậy, người giảng viên cần nghiên cứu, đầu tư cả về kiến thức lẫn phương pháp để có thể sử dụng và kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả các phương tiện hiện đại, các phương pháp dạy học tích cực để thực hiện nhiệm vụ “huấn luyện” của mình một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Tóm lại, trong chiều sâu tư tưởng Hồ Chí Minh “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, có tính quyết định chất lượng của đội ngũ cán bộ phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.  Với vai trò rất quan trọng của mình, “những người huấn luyện của Đoàn thể” phải nắm vững nội dung, phương pháp, biết cái gốc, cái chính, biết những tài liệu cần thiết để “huấn luyện” và phải là tấm gương, “kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Những lời dạy của Người có giá trị to lớn về nhiều mặt, là cẩm nang để đội ngũ giảng viên lí luận vận dụng vào thực tiễn giảng dạy và rèn luyện của mình, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm “cái gốc” cho công cuộc “Đồng khởi mới”, đẩy mạnh nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy lùi nghèo nàn và lạc hậu, từng bước xây dựng quê hương Đồng khởi giàu đẹp, văn minh./.

Tin khác