Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 18:34

Đôi điều suy nghĩ về người chủ nhiệm lớp ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

Huỳnh Sĩ Tân
Phòng Đào tạo

Trong các nhà trường, chủ nhiệm lớp là người có vai trò, vị trí rất quan trọng, giúp Hiệu trưởng trong công tác quản lý lớp học, quản lý học viên. Chủ nhiệm lớp là cầu nối giữa nhà trường với học viên. Do đó, để làm tốt công việc đó, chủ nhiệm lớp cần có những tiêu chuẩn và điều kiện nhất định, đồng thời phải nắm vững những yêu cầu và nhiệm vụ được giao, có như vậy mới thể hiện được vai trò, vị trí của mình. Trong phạm vi bài viết này xin đề cập đến tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và những điều kiện cần có ở người chủ nhiệm lớp  của Trường Chính trị.

Ở các Trường Chính trị tỉnh, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn chủ nhiệm lớp được quy định trong Quy chế chủ nhiệm lớp ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-TCT, ngày 02 tháng 06 năm 2010 của Hiệu trưởng Trường Chính trị và Quyết định số 268/QĐ- HVCT- HC QG, ngày 03 tháng 02 năm 2010 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Cụ thể, tiêu chuẩn chủ nhiệm lớp gồm hai yếu tố: Phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực.

- Về phẩm chất đạo đức: Chủ nhiệm lớp là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, có thái độ trung thực, khách quan, khiêm tốn, có lối sống lành mạnh, tác phong gần gũi, sâu sát với học viên.

- Về trình độ năng lực: Chủ nhiệm lớp là người có trình độ Đại học và trên đại học về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu là tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải qua đào tạo chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính; có kiến thức và kinh nghiệm quản lý giáo dục, nắm vững nội dung chương trình, quy chế đào tạo, các chế độ chính sách đối với giảng viên, học viên; có hiểu biết nhất định, có kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức quản lý học viên.

Trên cơ sở quy định của quy chế và yêu cầu từ thực tiễn, tôi cho rằng giáo viên chủ nhiệm lớp cần nhận thức và thực hiện tốt các nội dung sau:

- Thứ nhất, về công tác Đảng: Chủ nhiệm lớp là người được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phân công nhiệm vụ lãnh đạo trực tiếp đối với lớp. Do đó, chủ nhiệm lớp được dự các đại hội, hội nghị của chi bộ, theo dõi và kịp thời phản ánh với Đảng uỷ, Ban Giám hiệu về tình hình rèn luyện phẩm chất đạo đức và tư cách người đảng viên của học viên lớp chủ nhiệm, đồng thời có trách nhiệm truyền đạt những chủ trương của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường đến đảng viên trong chi bộ mình phụ trách.

- Thứ hai, về trách nhiệm quản lý: Chủ nhiệm lớp được Hiệu trưởng giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý lớp học theo quy chế đào tạo như: Theo dõi việc học tập và rèn luyện của học viên, truyền đạt những chủ trương của nhà trường đến lớp học theo chỉ đạo của Hiệu trưởng. Mặt khác, chủ nhiệm lớp còn phối hợp cùng Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị trong quản lý các hoạt động của học viên, đề nghị Hiệu trưởng xem xét quyết định cử và công nhận Ban cán sự lớp; thông báo đặc điểm tình hình của lớp cho khoa, phòng có liên quan biết để thuận lợi trong phối hợp công tác, quản lý chặt chẽ danh sách học viên, theo dõi giảng dạy và học tập của lớp mình phụ trách, nắm vững số học viên vắng mặt trong các buổi lên lớp; theo dõi tinh thần, thái độ học viên trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường, tổ chức theo dõi và thực hiện nghiêm túc các quy chế đào tạo. Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp cần phải:

+ Trước khi kiểm tra điều kiện hoặc thi hết môn học, phần học, giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giảng viên trực tiếp phụ trách môn học, phần học về danh sách học viên vắng mặt để xét điều kiện dự kiểm tra, dự thi của học viên. Báo cáo tình hình mọi mặt của lớp trong các cuộc họp giao ban.

+ Trong quá trình quản lý việc rèn luyện của học viên, phải nắm vững tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, những điểm mạnh và yếu của học viên. Thông qua việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ học tập, sinh hoạt, tiếp xúc cá nhân, giúp học viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình theo mục tiêu, yêu cầu khoá học.

+ Thực hiện nhiệm vụ sơ kết rút kinh nghiệm giữa các khoa, tổng kết và bình xét thi đua cuối khoá theo kế hoạch của nhà trường, một tuần trước khi bế giảng phải nộp báo cáo tình hình học tập và rèn luyện của học viên trong toàn khoá học và đề nghị khen thưởng học viên cho Hiệu trưởng thông qua Phòng Đào tạo.

- Thứ ba, về quyền hạn của chủ nhiệm lớp: Chủ nhiệm lớp được dự các cuộc họp giao ban của nhà trường bàn về những việc có liên quan trực tiếp đến lớp được phân công phụ trách. Tham gia ý kiến với Ban Giám hiệu về xây dựng quy chế học viên, tham gia hội đồng xét tốt nghiệp, khen thưởng, kỷ luật học viên lớp do mình phụ trách. Được hưởng mọi chế độ ưu đãi, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu thực tế hàng năm.

Có quyền phản ánh ý kiến của học viên đối với Khoa hoặc từng giảng viên ở các Khoa trong trường hợp thấy cần thiết. Cho phép học viên nghỉ 01 (một) buổi; dự các buổi họp lớp, họp Ban cán sự lớp khi cần thiết có thể yêu cầu Ban cán sự lớp họp bất thường; chủ trì cuộc họp với Ban cán sự lớp khi nhận xét học viên cuối kỳ, cuối khoá.

Để làm tốt công tác quản lý lớp học, quản lý học viên, bên cạch những tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn như đã nêu, người chủ nhiệm lớp cần có những điều kiện sau:

Một là, giáo viên chủ nhiệm phải tâm huyết với công việc mình làm. Đây là điều kiện số một, vì điều kiện này sẽ tạo cho người chủ nhiệm đức tính khiêm tốn học hỏi, có quyết tâm tìm kiếm biện pháp để đưa lớp vào quỹ đạo (học tập tốt và rèn luyện tốt). Thực tế cho thấy, khi chủ nhiệm lớp có tâm huyết thì luôn sáng tạo và tự làm chủ với công việc của mình, luôn chú ý tới phong trào thi đua giữa lớp mình phụ trách với các lớp khác. Đồng thời, luôn có sự phối kết hợp với khoa chuyên môn, các giảng viên giảng dạy ở lớp mình cùng quản sĩ số trên lớp; kết hợp với các bộ phận trong Trường (Phòng đào tạo, Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị,...) để đưa lớp học vào đúng nội quy, quy chế của nhà trường.

Hai là, chủ nhiệm lớp phải là người trung thực, thẳng thắn, chân tình cởi mở, có lối sống chan hoà, thân ái và là người trong sáng. Do chủ nhiệm lớp là cầu nối giữa tập thể học viên với Hiệu trưởng và khoa chuyên môn, phòng chức năng, nếu không thẳng thắn, không trung thực thì khó được nghe những thông tin chính xác từ lớp học, dẫn đến những quyết định không có sức thuyết phục, không chan hoà cởi mở thì không nắm được tâm tư nguyện vọng của học viên, không nắm được những thuận lợi, khó khăn của học viên để phản ảnh với Ban Giám hiệu, khoa chuyên môn và phòng chức năng.

Ba là, chủ nhiệm lớp phải là người có kinh nghiệm, ngôn ngữ gọn rõ, không khề khà vòng vo, không tự tôn trước tập thể. Thực tế cho thấy, sức lan toả và ảnh hưởng của chủ nhiệm lớp với lớp học rất lớn, học viên luôn nhìn sâu vào những việc làm cụ thể của giáo viên chủ nhiệm, vì họ đã trải qua thực tế phong phú, họ ưa sự trung thực, thẳng thắn, nói và làm thống nhất với nhau.

Do đó, người làm chủ nhiệm lớp, ngoài yêu cầu cần có về  trình độ như một giảng viên giảng dạy vào loại trung bình nhưng phải biết làm công tác tổ chức và quần chúng vào loại khá. Vì nội dung của công tác chủ nhiệm là tổ chức và đối nội, hơn nữa một yếu tố không thể thiếu ở người chủ nhiệm là phải nắm vững quy chế đào tạo, nội quy, quy định mà nhà trường đã đề ra như: ăn, ở, ra, vào,…luôn đi sát với tập thể lớp học, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, đưa tập thể lớp học trở thành tập thể tiên tiến, đúng như nhà trường mong muốn.

Bốn là, chủ nhiệm lớp là hạt nhân của khối đoàn kết và bảo đảm dân chủ trong mọi việc. Bởi lẽ, lớp học là một tập thể, mỗi người một ý nên khi thiếu dân chủ, sẽ xảy ra mất đoàn kết. Vì vậy, chủ nhiệm lớp phải là hạt nhân của khối đoàn kết và hết sức dân chủ, mọi việc phải phổ biến cho cán bộ lớp, cán bộ về phổ biến cho các học viên, bàn bạc thống nhất từ đó tự tổ chức làm. Chủ nhiệm lớp chỉ làm công tác kiểm tra, đôn đốc, không bao biện làm thay.

Trên đây là một số điểm tổng kết trong quá trình quản lý các lớp của bản thân, xin được trình bày để các đồng chí làm công tác chủ nhiệm tham khảo và cũng để giúp các đồng chí lãnh đạo xem xét, cân nhắc khi cử giảng viên làm công tác chủ nhiệm./.

Tin khác