Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 19 Tháng 3, 2024 - 13:09

C.Mác với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - Một sức sống mãnh liệt trong thời đại ngày nay

Sau khi Đông Âu và Liên Xô tan rã, chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào thoái trào, khủng hoảng và sụp đổ. Nhiều quan điểm, quan niệm của các học giả tư sản cũng như của một số nhà nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin đã rơi vào sự khủng hoảng niềm tin, tư tưởng dao động, hoài nghi, bi quan về chủ nghĩa xã hội cả phương diện lý luận cũng như hiện thực. Đặc biệt là sự xuyên tạc một cách trắng trợn về ý nghĩa lịch sử vĩ đại của cuộc cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917. Nghiêm trọng hơn là phủ nhận những thành tựu to lớn mà chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết đã đem lại cho loài người, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin dẫn đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Mặt khác, các trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Châu Phi, Châu Mỹ La tinh cũng như toàn nhân loại ngày càng nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc hơn về bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người, mang lại sự tự do, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh và dân chủ thật sự không chỉ cho quốc gia dân tộc mà cho cả nhân loại. Vì thế, một số quốc gia dân tộc này đã và đang khẳng định định hướng xã hội chủ nghĩa cho con đường phát triển tiến lên của quốc gia, dân tộc mình.

Đối với Việt Nam nói riêng cũng như các nước đi lên chủ nghĩa xã hội nói chung, thời đại ngày nay đang trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trước sự tác động nghiệt ngã của mặt trái của nó cùng với những âm mưu, thủ đoạn đen tối của chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là Mỹ đang điên cuồng chống phá chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác- Lênin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ngăn cản con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các quốc gia dân tộc. Vì thế, việc nghiên cứu và nhận thức lại một cách khách quan, khoa học, cách mạng hơn về chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và về chủ nghĩa xã hội lý luận cũng như chủ nghĩa xã hội hiện thực nói riêng, về ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của CNXH trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề mang tính chất hết sức khách quan và vô cùng cần thiết.

Nhận thức về chủ nghĩa xã  hội

Chủ nghĩa xã hội lý luận
C.Mác và Ph.Ăngghen nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn phát triển tự do cạnh tranh và đã cống hiến cho nhân loại những phát minh vĩ đại đặt tiền đề, nền tảng cho chủ nghĩa xã hội lý luận:
- Thứ nhất, việc tìm ra chủ nghĩa duy vật lịch sử mà đặc biệt là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội đã khẳng định sản xuất vật chất là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trong đó phương thức sản xuất là yếu tố quyết định mà lực lượng sản xuất là yếu tố động. Sự vận động biến đổi và phát triển của xã hội loài người là sự thay thế kế tiếp nhau của các hình thái kinh- tế xã hội như một quá trình lịch sử tự nhiên. Đây là cơ sở phương pháp luận khoa học cho việc phân kỳ lịch sử, phân chia các chế độ xã hội loài người mà cho đến nay chưa có một cơ sở nào có thể thay thế được. Điều đó chứng minh rằng sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa xã hội lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen vẫn còn nguyên giá trị của nó.
- Thứ hai, qua bộ Tư bản C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch trần bản chất bóc lột của giai cấp tư sản với nhiều hình thức khác nhau như lợi nhuận bình quân, địa tô chênh lệch… Đặc biệt là tìm ra học thuyết về giá trị thặng dư khẳng định một lần nữa bản chất bóc lột tàn bạo của giai cấp tư sản và sức lao động không công của giai cấp vô sản bị giai cấp tư sản chiếm đoạt một cách lạnh lùng và tàn nhẫn.
- Thứ ba, phát hiện ra giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, C.Mác đã khẳng định: Trong thời đại ngày nay, giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến, có sứ mệnh lịch sử là xoá bỏ chủ nghĩa tư bản xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
- Thứ tư, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là dấu mốc đặc biệt quan trọng đánh dấu sự thành thục của chủ nghĩa Mác, là tác phẩm cho thấy sự trưởng thành của chủ nghĩa Mác, của chủ nghĩa xã hội khoa học cả về quan điểm, tư tưởng, lý luận và phương pháp.
 Ngay từ khi ra đời, Tuyên ngôn đã được xem là Cương lĩnh chính trị của phong trào công nhân, đó là cương lĩnh hành động của những người cộng sản và Đảng của nó, nhằm tập hợp vô sản và những người lao động trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội tương lai cộng sản chủ nghĩa; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản cách mạng là giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội loài người ra khỏi ách bóc lột, áp bức và thống trị của chủ nghĩa tư bản, tiến tới một chế độ xã hội tốt đẹp nhất, xứng đáng nhất với con người, xoá bỏ mọi sự tha hóa, phi nhân tính, làm cho con người được tự do và làm chủ, có đời sống hạnh phúc, cả vật chất lẫn tinh thần.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã khẳng định mục đích trực tiếp của cuộc cách mạng chính trị là giải phóng vô sản và lao động ra khỏi tình cảnh nô lệ bởi xiềng xích thống trị của chủ nghĩa tư bản, rằng giai đoạn thứ nhất của cuộc cách mạng công nhân là giai cấp công nhân (vô sản) phải trở thành một giai cấp thống trị, giành lấy quyền lực vào tay mình, tự mình trở thành lực lượng thống trị trong lòng dân tộc. Đó chính là dùng bạo lực cách mạng, xóa bỏ trật tự hiện tồn, tức quyền lực nhà nước của giai cấp tư sản và thiết lập quyền lực nhà nước mới của mình, đại biểu cho lợi ích của cả phong trào, của dân tộc và xã hội.
Một trong những giá trị căn bản nhất làm nên sức sống, mãi mãi còn có tính thời sự và hiện đại của tác phẩm bất hủ này là ở chỗ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đưa lại nhận định: Thất bại của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là một tất yếu lịch sử như nhau. Điều đó cũng có nghĩa là, CNTB nhất định sẽ bị diệt vong và CNCS nhất định sẽ sinh thành và thắng lợi.
Khẳng định đó có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc không gì bác bỏ được bởi chính quy luật phổ biến và phổ quát của lịch sử, ấy là quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của  LLSX.
Theo đó, nền sản xuất TBCN đã không ngừng tạo ra tính chất xã hội hóa ngày một rộng lớn và sâu sắc của lực lượng sản xuất, nó tất yếu không thể dung nạp được quan hệ sản xuất chật hẹp dựa trên chế độ sở hữu tư sản - chiếm hữu tư nhân TBCN về những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội.
Biện chứng của lịch sử là ở chỗ, tất yếu phải tìm thấy một hình thái quan hệ sản xuất mới, tiên tiến, mang tính xã hội, tương ứng với tính xã hội hóa không ngừng lớn lên của lực lượng sản xuất. Vậy là, những tiền đề vật chất khách quan của CNXH và CNCS đã được tích lũy và dần dần chín muồi ngay trong lòng phương thức sản xuất TBCN.
Lực lượng xã hội để phủ định CNTB và khẳng định CNXH và CNCS chính là giai cấp vô sản cách mạng (giai cấp công nhân hiện đại), con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp do chính giai cấp tư sản tạo ra. Mác-Ăngghen đã chỉ rõ, chính giai cấp tư sản đã rèn đúc vũ khí để giết chết mình ngoài ý muốn của nó. Vũ khí ấy chính là giai cấp vô sản, giai cấp có sứ mệnh lịch sử tự giải phóng mình để giải phóng cho toàn thể xã hội loài người. Đó là một giai cấp cách mạng, mà sở dĩ nó là một giai cấp cách mạng bởi vì, nó là đại biểu cho một phương thức sản xuất tiên tiến của lịch sử.
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, trong đà phát triển của đại công nghiệp, mọi giai cấp đều suy tàn đi, duy nhất chỉ có giai cấp vô sản mới là một giai cấp cách mạng. Cho đến khi CNXH và CNCS đã thắng lợi trọn vẹn trên trái đất này, khi mục đích tự thân, chân chính nhất của lịch sử đã được thực hiện, rằng “sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do và toàn diện của tất cả mọi người” thì đó là lúc sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản cách mạng đã được thực hiện trọn vẹn. Đến lúc ấy, giai cấp vô sản cũng tự xóa bỏ mình với tính cách là một giai cấp. Cách mạng và tính triệt để cách mạng là ở đó. Nghèo khổ là một trạng thái mà cách mạng sẽ xóa bỏ, chứ nghèo khổ không đồng nghĩa, càng không tự động đồng nhất với bản chất cách mạng của giai cấp công nhân.
Là cách mạng, chỉ bởi vì giai cấp công nhân là đại biểu đích thực, chân chính cho phương thức sản xuất tiên tiến, đại biểu cho xu thế phát triển của lịch sử hiện đại mà cuối cùng lịch sử đã tìm thấy. Đây là chỗ phân biệt căn bản nhất giữa lập trường khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác, của CNXH khoa học với chủ nghĩa dân túy, với mọi trào lưu không tưởng về CNXH tư sản, tiểu tư sản và phong kiến mà C.Mác-Ph.Ăngghen đã phê phán trong Tuyên ngôn.
Bằng cách đó, Tuyên ngôn tự biểu hiện và tự khẳng định mình là một Cương lĩnh chính trị giác ngộ cho giai cấp công nhân và phong trào công nhân về địa vị và trọng trách lịch sử của mình. “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”, đó là kết luận hành động trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác-Ph.Ăngghen nêu ra và sau này V.I.Lênin đã có sự bổ sung một cách sáng tạo ở chỗ là cùng đứng trong sự liên hiệp ấy còn có các dân tộc bị áp bức. Để thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại ấy, tất yếu cần đến sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản - đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và lý luận cách mạng, soi sáng đường đi của lịch sử - ấy là CNXH khoa học. Lý luận ấy lại do chính thiên tài trí tuệ của C.Mác-Ph.Ăngghen đặt nền móng. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là hiện thân sinh động nhất sự kết tinh lý luận ấy.
Cũng không nên quên một sự thật lịch sử là, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã sống đời sống của nó trong phong trào công nhân suốt từ khi nó lọt lòng cho tới nay. Nó đã trở thành sách gối đầu giường của những người công nhân giác ngộ, là niềm cổ vũ tinh thần thiêng liêng của những người cộng sản và những người có niềm tin khoa học đối với lý tưởng CSCN.
Trong các văn phẩm của chủ nghĩa Mác, suốt 164 năm qua, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, được tái bản rất nhiều lần, được in với số lượng lớn nhất và tư tưởng của Tuyên ngôn đã từng được truyền bá ở khắp mọi nơi, đã soi sáng cho đức tin vào hành động của công nhân và lao động ở khắp mọi nơi trên thế giới này.

Khi còn sống, các tác giả của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã từng được chứng kiến sự kiện vĩ đại, bi tráng của Công xã Pari 1871. Thắng lợi của Công xã là sự thể nghiệm lịch sử giá trị và ý nghĩa của Tuyên ngôn. Thất bại của Công xã là thực tiễn để C.Mác-Ph.Ăngghen, bổ sung, phát triển Tuyên ngôn. Chúng ta đều biết, từ sau Công xã (1871) cho đến trước khi Ph.Ăngghen qua đời năm 1895, trong 24 năm liền, C.Mác và Ăngghen đã 7 lần viết lời tựa cho mỗi lần xuất bản Tuyên ngôn. Những lời tựa đã thực sự trở thành nội dung của Tuyên ngôn không gì chia cắt được. Các ông đã nêu lên một mẫu mực kinh điển về tinh thần khoa học và cách mạng trong nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn, làm cho Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản luôn sống động trong thực tiễn phong trào cách mạng của công nhân và lao động trên toàn thế giới, đấu tranh chống CNTB và hướng tới xã hội tương lai xã hội CSCN. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mãi mãi còn giá trị, nó định hướng cho sự phát triển của lịch sử ngày nay.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực

Qua thời gian tồn tại và phát triển, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu, Liên Xô và một số nước khác đã cống hiến cho dân tộc và toàn nhân loại những thành tựu hết sức to lớn:
- Lần đầu tiên trong lịch sử, con người được giải phóng hoàn toàn từ chỗ là người bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Chủ nghĩa xã hội hiện thực từng cứu nhân loại ra khỏi thảm hoạ diệt vong của chủ nghĩa phát xít làm sụp đổ hoàn toàn âm mưu thôn tính và tiêu diệt các dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự thắng lợi toàn diện của chủ nghĩa xã hội.
- Chủ nghĩa xã hội hiện thực từng là chỗ dựa vững chắc cho phong trào cộng sản, phong trào công nhân quốc tế và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phụ thuộc.
- Chủ nghĩa xã hội hiện thực từng là lực đối trọng trên nhiều lĩnh vực nhất là quốc phòng an ninh, thăm dò khai thác vũ trụ…với chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là Mỹ tạo ra một cục diện thế giới cân bằng đa cực bảo vệ hoà bình thế giới làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, chủ nghĩa xã hội hiện thực trong quá trình xây dựng và phát triển cũng tồn tại những khuyết tật của nó:
- Do kéo dài quá lâu nền kinh tế với cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp khi nó không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời bình là lực cản cho quá trình phát trỉển của chủ nghĩa xã hội hiện thực.
- Khi phát hiện được sai lầm, khuyết tật, chủ trương cải cách, cải tổ xa rời mục tiêu, buông bỏ nguyên tắc, bất chấp quy luật… rơi vào âm mưu của kẻ thù làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng, thoái trào sụp đổ.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực chỉ là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội chủ quan, nóng vội, duy ý chí…thực tế lịch sử đã chứng minh chủ nghĩa xã hội hiện thực ở những nước còn lại vẫn là mục tiêu, lý tưởng, khát vọng của các dân tộc và của toàn nhân loại.

Vận dụng một cách sáng tạo lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin và khẳng định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản tức là làm cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân rồi đi lên CNXH, đi vào giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội CSCN.

Chủ nghĩa xã hội Việt Nam

- Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam trước năm 1930 đây là giai đoạn khủng hoảng về đường lối lãnh đạo. Các phong trào yêu nước mang nhiều hệ tư tưởng khác nhau, theo nhiều khuynh hướng, con đường cứu nước khác nhau, song lịch sử không thừa nhận. Sự tàn bạo của thực dân Pháp đã khơi dậy tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh oanh liệt của nhân dân Việt Nam nhưng tất cả điều bị thất bại mà nguyên nhân sâu xa chính là do thiếu một con đường cứu nước đúng đắn.
- Xuất phát từ yêu cầu khách quan ấy của lịch sử, Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước và đã tìm đến với Chủ nghĩa Lênin Người khẳng định: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng học thuyết cách mạng nhất và chủ nghĩa chân chính nhất là chủ nghĩa Lênin. Muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đây là con đường mà lịch sử đã lựa chọn một cách duy nhất đúng đắn.
- Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị một cách đầy đủ cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam về chính trị, tư tưởng và tổ chức để ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
- Ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra cương lĩnh đầu tiên với nội dung đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam một cách cụ thể: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản. Đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội hoàn toàn phù hợp với quy luật của cách mạng Việt Nam, là con đường mà lịch sử đã lựa chọn một cách duy nhất đúng đắn.
Từ thực tiễn Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đến việc xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, viết về 30 năm hoạt động của Đảng, đăng trên báo Nhân Dân (6-1-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, CNXH trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”; rằng “Mục đích của CNXH là gì? Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội (CNXH) bao gồm:
- CNXH là một chế độ do nhân dân làm chủ, Nhà nước phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân để huy động được tính tích cực và sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng CNXH.
- CNXH có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
- CNXH là một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức, trong đó người với người là bè bạn, là đồng chí, là anh em, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú, được tạo điều kiện để phát triển hết mọi khả năng sẵn có của mình.
- CNXH là một xã hội công bằng và hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, các dân tộc bình đẳng, miền núi tiến kịp miền xuôi.
- CNXH là một công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân tự xây dựng lấy dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và từ tình hình thực tiễn của Việt Nam:
Trước hết, Người đã lưu ý chúng ta cần nhận thức rõ tính quy luật chung và đặc điểm lịch sử cụ thể của mỗi nước để nhận rõ đặc trưng, tính chất của thời kỳ quá độ của Việt Nam đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc điểm và mâu thuẩn của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, trong đó đặc điểm bao trùm nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đặc điểm này thâu tóm đầy đủ những mâu thuẩn, khó khăn, phức tạp, chi phối toàn bộ tiến trình quá độ lên CNXH ở nước ta, từ đó phải tìm ra con đường với những hình thức, bước đi và cách làm phù hợp với đặc điểm Việt Nam.
Về nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ, Người nói "Chúng ta phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH, đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài".
Về những nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi CNXH ở Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước; phát huy tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị- xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức và tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
- Kiên định nhất quán con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, 37 năm qua mà nhất là hơn 25 năm đổi mới đã đem lại những thành tựu hết sức to lớn cả về lý luận cũng như thực tiễn chứng minh một cách hùng hồn chân lý của thời đại ngày nay từ sau cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 vẫn là thời kỳ quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới mà cụ thể là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tóm lại:
- Hơn 164 năm trôi qua, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn là ngọn cờ chiến lược, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng không chỉ cho giai cấp vô sản, cho các Đảng Cộng sản mà nó còn là con đường, phương thức, hình thức, biện pháp giải phóng cho toàn nhân loại lao khổ, bần hàn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột tàn nhẫn của giai cấp tư sản, của chủ nghĩa tư bản tiến tới xây dựng một xã hội-xã hội chủ nghĩa không còn người bóc lột người, một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản của C.Mác và Ph.Ăngghen vào tình hình nước Nga xô viết trong điều kiện đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lênin đã tổ chức lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại mở ra một kỷ nguyên mới cho thời đại, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tinh thần bất diệt và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 vẫn còn sống mãi trong lòng của mỗi dân tộc và toàn nhân loại đang đi tìm cho mình một con đường đến với CNXH.
- Sự kiên định nhất quán và duy nhất đúng đắn của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là một minh chứng hào hùng cho chân lý của thời đại ngày nay, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới xoá bỏ một cách triệt để mọi áp bức, bất công, mới giải phóng hoàn toàn con người và tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.
- Trung thành tuyệt đối với những nội dung tư tưởng chiến lược trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo, tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Viêt Nam, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nhất định thắng lợi, chủ nghĩa xã hội Việt Nam nhất định thu được nhiều thành tựu to lớn trong thế kỷ XXI.
Dù cho thực tiễn ở các quốc gia dân tộc và thời đại ngày nay có vận động biến đổi, song những nội dung tư tưởng lý luận về CNXH trong Tuyên ngôn của đảng Cộng sản vẫn còn sống mãi với thời gian.
Giá trị lý luận và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn còn chói  sáng mãi trong lòng các dân tộc bị áp bức, bóc lột.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng./.
                                                                Nguyễn Thị Yến
                                   Trưởng khoa Dân vận

 

Tin khác