Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 22:08

Chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của đảng, nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng tám 1945

Nguyễn Thị Thùy Giao

Khoa Xây dựng Đảng

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2 tháng 9 năm 1945 mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đánh dấu tầm nhận thức của Đảng ta đã vượt qua các hạn chế trong việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc theo lập trường phong kiến và tư sản. Nó là kết quả thực tiễn của một đường lối đúng đắn của Đảng từ năm 1930 đã nêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945. Chủ trương này vạch ra ở Hội nghị Trung ương sáu, được bổ sung ở Hội nghị Trung ương bảy, và hoàn chỉnh ở Hội nghị Trung ương tám.

Chiến lược là tổng thể các sách lược, các kế hoạch, các nội dung chương trình, các bước đi, mục tiêu, phương châm, phương thức thực hiện đường lối, chương trình của Đảng.

Theo GS.PTS.Phan Ngọc Liên, thì chiến lược cách mạng là đường lối chung và cơ bản về nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng, về phương thức đấu tranh, về tổ chức sắp xếp lực lượng, về phân định bạn thù trong toàn bộ cuộc cách mạng và trong từng giai đoạn cách mạng.

Chỉ đạo chiến lược (GS Nguyễn Văn Kiện) là việc xem xét, giải quyết mối quan hệ giữa các vấn đề chiến lược từng thời kỳ lịch sử cụ thể, xuất phát từ những đổi thay về tình hình thế giới và trong nước.

Chuyền hướng chỉ đạo chiến lược là sự điều chỉnh, xem xét về đối tượng cách mạng, nhiệm vụ cách mạng, lực lượng cách mạng, phương pháp đấu tranh trong đó đối tượng cách mạng, nhiệm vụ cách mạng là quan trọng nhất.

Tại Hội nghị Trung ương sáu, tháng 11/1939, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng về tư duy chính trị và sự chỉ đạo thực tiễn của Đảng trong công cuộc lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước sự phát triển gay gắt của những mâu thuẫn giữa đế quốc Pháp và các dân tộc Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị kịp thời đưa ra những quyết định chiến lược rất quan trọng về con đường cách mạng của các dân tộc ở Đông Dương: “Bước đường sinh tồn của dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giải phóng dân tộc”1. Hội nghị đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên vị trí hàng đầu, cách mạng ruộng đất và mọi vấn đề khác cũng phải phục vụ cho mục tiêu cao nhất đó. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được thực hiện bằng sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Đông Dương trong Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương và Mặt trận phản đế của từng quốc gia dân tộc Việt, Miên, Lào. Mặt trận đó là sự liên hiệp các dân tộc, các giai cấp và tầng lớp xã hội, các đảng phái chính trị chống đế quốc Pháp và bọn tay sai của chúng, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương.

 Như vậy, Hội nghị đã cụ thể hóa một bước đường lối cứu nước trên tinh thần của Cương lĩnh đầu tiên hoạch định từ khi thành lập Đảng. Đây là sự chuyển hướng từ đấu tranh chính trị, hòa bình đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh vũ trang-bạo lực, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền; từ hoạt động công khai hợp pháp, nửa hợp pháp là chủ yếu chuyển sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp là chủ yếu.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu, đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chỉ đạo chiến lược của Đảng, mở đầu tiến trình trực tiếp chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giành chính quyền. Những chủ trương của hội nghị Trung ương sáu được tiếp tục bổ sung ở Hội nghị Trung ương bảy, hoàn chỉnh ở Hội nghị Trung ương tám.

Tại Hội nghị Trung ương bảy, tháng 11/1940, sau khi phân tích tình hình thế giới và ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới thứ Hai tới Đông Dương, Hội nghị dự đoán: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy, Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: lĩnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”2. Kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Pháp-Nhật. Vì vậy, Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế lúc này là Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp-Nhật ở Đông Dương. Hội nghị chủ trương, đi đôi với việc mở rộng Mặt trận phản đế, phải lựa chọn những người hăng hái nhất trong các đoàn thể của mặt trận, tổ chức các đội tự vệ, “trực tiếp võ trang cho dân chúng”, “tổ chức nhân dân cách mạng quân”, tiến lên võ trang bạo động. Ngoài ra Hội nghị có những quyết định quan trọng về khởi nghĩa Bắc Sơn, và xem xét hoản khởi nghĩa Nam Kỳ. Những quyết định của Hội nghị Trung ương tháng 11/1940 đánh dấu sự bổ sung chuyển hướng chỉ đạo chiến lược mà Hội nghị Trung ương sáu vạch ra, chuẩn bị điều kiện cho khởi nghĩa võ trang giành chính quyền.

Tiến theo xu hướng đó, Hội nghị Trung ương tám, tháng 5/1941 đã bổ sung, kế thừa và hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Hội nghị Trung ương sáu. Hội nghị Trung ương tám đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc. Sau khi quân Nhật vào chiếm đóng Đông Dương. Thực dân Pháp và Phát xít Nhật cấu kết nhau áp bức, bóc lột nhân dân làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ở Đông Dương và đế quốc Pháp – Nhật ngày càng gay gắt. Trước tình hình đó, Hội nghị quyết định: “Khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được  các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp- Nhật”3 . Nhiệm vụ chủ yếu của Đảng là phải tập hợp tối đa các giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc chống đế quốc Pháp-Nhật. Tất cả quyền lợi của giai cấp đều phải được đặt dưới quyền lợi dân tộc. Trên cơ sở đó, Hội nghị nhất trí với chủ trương của Hội nghị Trung ương sáu là tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và chỉ mới thực hiện giảm tô, chia ruộng đất công cho nông dân.

Xuất phát từ chủ trương khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do của từng dân tộc Việt, Miên, Lào, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương và giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào thành lập Mặt trận Cao Miên độc lập đồng minh và Mặt trận Ai Lao độc lập đồng minh; các hội quần chúng đều lấy tên hội cứu quốc để thu hút rộng rãi các lực lượng yêu nước tham gia; khi giành độc lập, sẽ xây dựng một nước Việt Nam dân chủ mới và thành lập chính quyền cách mạng của chung toàn thể dân tộc không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào.

Những quyết định của Hội nghị Trung ương Đảng tại Hội nghị sáu, bảy, tám thể hiện rõ sự chuyển hướng rất quan trọng trong việc xác định chiến lược cách mạng, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám đã viết: “Cần phải thay đổi chiến lược (Thế giới nhấn mạnh). Sự thay đổi về kinh tế, chính trị Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho hợp với tình hình thay đổi, Đảng ta phải có một chính sách cách mạng thích hợp với tình trạng ấy, mới chỉ dẫn cuộc cách mạng đến thắng lợi chắc chắn được.” 4 . Đó chính là từ chỗ đánh Pháp ở Hội nghị Trung ương sáu đến Hội nghị Trung ương tám “đánh Pháp đuổi Nhật, giành quyền độc lập cho xứ Đông Dương” 5.

Giải thích sự thay đổi chiến lược đó, Nghị quyết nêu rõ: “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng” 6.

Các luận cứ trên, có thể nhận biết chủ trương từ Hội nghị Trung ương sáu đến Hội nghị Trung ương tám là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Chiến lược cách mạng ngày càng được hoàn thiện với những sách lược cách mạng mềm dẻo, thêm bạn bớt thù (như thu hút cả cai ký, đốc công, phú nông, địa chủ chống Pháp - Nhật vào Mặt trận cứu quốc). Từ chỗ xác định kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai ở Hội nghị Trung ương sáu đến Hội nghị Trung ương bảy, tám kẻ thù của nhân dân Đông Dương là Pháp-Nhật; Thay khẩu hiệu "Phản đế" (của Hội nghị Trung ương sáu) hay "Phản đế cứu quốc" (của Hội nghị Trung ương bảy) bằng khẩu hiệu "Cứu quốc". Đồng thời, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương chuyển thành ba mặt trận "cứu quốc" của ba dân tộc Việt, Miên, Lào. Chiến lược, sách lược đó phù hợp với yêu cầu cách mạng và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, được cụ thể hoá trong Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Qua nhiều con đường bí mật và bán công khai, Chương trình thâm nhập vào đại chúng, tạo nên Cao trào tiền khởi nghĩa rộng lớn, dẫn đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công.

Chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng như đã trình bày phản ánh sự lĩnh hội và phát triển những luận điểm và chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc và đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên. Từ đó có thể thấy rõ những giá trị to lớn và quý báu của tư tưởng Người càng thêm ngời sáng qua sự kiểm nghiệm của thực tiễn cách mạng.

Tóm lại, Hội nghị Trung ương tám, tháng 5/1941 đã phát triển, hoàn chỉnh những chủ trương được đề ra ở Hội nghị trung ương sáu (11/1939) và bảy (11/1940). Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 đã phát triển sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản trong điều kiện công cuộc giải phóng dân tộc như nước ta. Hội nghị Trung ương tám chủ trương đặt nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập lên hàng đầu, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, Đảng đã bắt mạch đúng nguyện vọng thiêng liêng, cấp bách nhất của toàn dân tộc. Nhờ vậy, lời kêu gọi cứu nước và những chính sách của Đảng tập hợp, đoàn kết và tổ chức quần chúng đấu tranh nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng và thực hiện. Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc và lực lượng vũ trang kết tụ, phát huy được sức mạnh to lớn và toàn diện của nhân dân cả nước hướng vào thực hiện mục tiêu giành độc lập dân tộc. Cho dù trong tiến trình Cách mạng Tháng tám, kể từ tháng 11/1939 đến Tổng khởi nghĩa, hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt, sát hại, nhân dân ta vẫn gửi trọn niềm tin ở sự lãnh đạo của Đảng, ra sức chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền. Khi thời cơ Tổng khởi nghĩa xuất hiện, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân đứng dậy khởi nghĩa theo tinh thần mang sức ta mà tự giải phóng cho ta, đưa Cách mạng tháng Tám 1945 đến thắng lợi.

Chú thích:

1. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG.H2000, tr 538

2. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7 (1940-1945), Nxb CTQG.H2000, tr 58 

3. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG.H2000, tr 112

4. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG.H1998, tr 118

5. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG.H1998, tr 119

6. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG.H1998, tr 119

Tài liệu tham khảo

1. GS.PTS.Phan Ngọc Liên, Thuật ngữ khái niệm lịch sử phổ thông, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 1996.

2. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 6,7 Nxb CTQG.H2000.

3. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG.H1998.

4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1930-2006, Nxb Lao động, 2006.

Tin khác