Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 12:04

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng, phát triển sáng tạo vấn đề giai cấp và dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin vào quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa LLMLN, TTHCM

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực về sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ con người Việt Nam nói chung và cho Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, kế thừa và phát huy trong mọi điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

 Hệ thống tư tưởng của Người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được hình thành và kiểm nghiệm của lịch sử đã minh chứng một cách sinh động, Người là nhà hoạt động thực tiễn, nhà lý luận tiên phong về dân tộc, về giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có được hệ thống tư tưởng, cùng những giá trị thực tiễn ấy là quá trình bôn ba hơn ba mươi năm ra đi qua các châu lục nhằm tìm con đường cứu dân, cứu nước.

Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2014), Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2014) hơn nửa thế kỷ đã trôi qua thực tiễn của Cách mạng Việt Nam và thế giới đã có nhiều vận động, biến đổi nhưng việc “Chủ tịch Hồ Chí Minh người vận dụng, phát triển sáng tạo vấn đề giai cấp và dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin vào quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam”  vẫn còn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn của nó.

Trước hết, khi nghiên cứu về C.Mác hay toàn bộ chủ nghĩa Mác-Lênin thì vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp được đặt lên hàng đầu ngay khi chủ nghĩa Mác xuất hiện. Khi nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản ở điều kiện còn phát triển tự do cạnh tranh, bàn về vấn đề giai cấp, dân tộc, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tháng 2 năm 1848, C.Mác đã khẳng định: Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ.

Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo.

Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc.

C.Mác đi nghiên cứu về giai cấp từ việc phân tích kết cấu phương thức sản xuất đã có cách tiếp cận khoa học: Lấy lý luận về hình thái kinh tế - xã hội làm cơ sở nghiên cứu xã hội. C.Mác đã đi tìm cái gốc của cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp đó là kinh tế. C.Mác không đưa ra định nghĩa hoàn chỉnh về giai cấp, nhưng trong thư gửi Vây-đờ-mây-e đã thể hiện tư tưởng về giai cấp:

1. Sự phát triển của các giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển sản xuất.

2. Đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản.

3. Bản thân sự chuyển dịch này chỉ là bước quá độ tiến tới xoá bỏ mọi giai cấp và tiến lên xây dựng xã hội không có giai cấp.

Trên cơ sở lý luận của C.Mác, trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, V.I Lênin đã đưa ra định nghĩa giai cấp:

Người ta gọi giai cấp, những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được pháp luật qui định và thừa nhận đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định.

V.I. Lênin đã định nghĩa đấu tranh giai cấp: Là cuộc đấu tranh của một bộ phận nhân dân này chống lại một bộ phận nhân dân khác, cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền bị áp bức và lao động chống lại bọn có đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản.

Thực chất của đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn về mặt lợi ích giữa quần chúng bị áp bức, vô sản làm thuê chống lại giai cấp thống trị, bóc lột để giải phóng lao động, làm cho sản xuất phát triển. Đấu tranh giai cấp là một trong những động lực thúc đẩy xã hội có giai cấp phát triển.

Đấu tranh giai cấp góp phần xoá bỏ thế lực phản động, lạc hậu, đồng thời còn có tác dụng cải tạo bản thân các giai cấp cách mạng và quần chúng cách mạng. Qua đấu tranh giai cấp, các giai cấp bị thống trị mới gột rửa được tinh thần nô lệ và những tập quán xấu do chế độ người áp bức người tạo nên. Giai cấp nào đại biểu cho phương thức sản xuất mới, giai cấp đó sẽ lãnh đạo cách mạng.

Đấu tranh giai cấp không chỉ là đòn bẩy của lịch sử trong thời kỳ cách mạng, mà còn là động lực phát triển của xã hội ngay cả trong thời kỳ “hoà bình” của xã hội có giai cấp. Khi quan hệ sản xuất còn phù hợp với lực lượng sản xuất, đấu tranh giai cấp vẫn có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển mọi mặt. Thành tựu mà loài người đạt được trong tiến trình phát triển của lực lượng sản xuất, cách mạng khoa học và công nghệ, cải cách về dân chủ và tiến bộ xã hội,…không tách rời cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp tiến bộ chống lại giai cấp thống trị, các thế lực thù địch phản động.

Vai trò của đấu tranh giai cấp trong lịch sử được phát huy như thế nào là tuỳ thuộc vào bản chất, trình độ phát triển của các cuộc đấu tranh.

Không được coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất thúc đẩy xã hội có giai cấp phát triển. Vì bên cạnh đấu tranh giai cấp, xã hội còn có các nhân tố thúc đẩy sự phát triển khác như tiến bộ khoa học kỹ thuật, tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật.

Muốn thúc đẩy xã hội có giai cấp phát triển tất yếu phải đấu tranh giai cấp, chống phủ nhận, né tránh đấu tranh giai cấp, chống hoà bình chủ nghĩa.

Sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức đòi hỏi phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ giai cấp - dân tộc.

Giai cấp và dân tộc có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng đó là những phạm trù chỉ các quan hệ xã hội khác nhau, mỗi nhân tố có vai trò lịch sử của nó, dân tộc - giai cấp không thể thay thế lẫn nhau.

Tách rời giai cấp và dân tộc hoặc đem quy mối quan hệ này vào mối quan hệ kia sẽ là sai lầm. Giai cấp và dân tộc sinh ra, mất đi không đồng thời. Trong lịch sử loài người, giai cấp ra đời trước dân tộc hàng ngàn năm, nhưng khi giai cấp mất đi dân tộc vẫn tồn tại lâu dài.

Quan hệ giai cấp - với tư cách là sản phẩm trực tiếp của phương thức sản xuất trong xã hội có giai cấp - là nhân tố xét đến cùng quyết định đối với sự hình thành dân tộc tư bản, xu hướng phát triển dân tộc, quyết định bản chất xã hội của dân tộc, quy định tính chất của các quan hệ giữa các dân tộc.

Biểu hiện rõ nhất là từ sự xuất hiện của giai cấp tư sản, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, dẫn tới sự xuất hiện của các dân tộc hiện đại. Với sự hình thành một số dân tộc ở phương Đông diễn ra trước chủ nghĩa tư bản thì vai trò này thuộc về tập đoàn xã hội đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến đương thời - đó là tập đoàn phong kiến tiến bộ.

Bản chất xã hội của dân tộc được quy định bởi phương thức sản xuất thống trị trong dân tộc, bởi quan hệ giai cấp trong phương thức sản xuất đó.

Mỗi giai đoạn phát triển cụ thể của lịch sử, giai cấp nào gắn với phương thức sản xuất thống trị, giai cấp đó trở thành lực lượng tiêu biểu và lãnh đạo dân tộc. Giai cấp đứng đầu sẽ hướng dân tộc phát triển theo mẫu hình của nó. Giai cấp đó bằng mọi biện pháp quyết định hình thức phát triển của dân tộc. Hoạt động của giai cấp đó cũng ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, giải quyết quan hệ giữa lợi ích của dân tộc cũng rất phức tạp. Trong các xã hội và các phương thức sản xuất tồn tại dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, lợi ích của giai cấp thống trị và lợi ích của dân tộc. Không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau, thậm chí trái ngược nhau và đối lập với lợi ích dân tộc. Vì lợi ích giai cấp, trong nhiều trường hợp giai cấp thống trị bán rẻ lợi ích dân tộc. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, phương thức sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, khi ấy lợi ích của giai cấp công nhân về cơ bản phù hợp với lợi ích của cả cộng đồng dân tộc. Đương nhiên sự phù hợp đó phải thể hiện thông qua quá trình giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn.

Khi nhấn mạnh vai trò của nhân tố giai cấp, chủ nghĩa Mác-Lênin không hạ thấp vai trò của nhân tố dân tộc trong quan hệ giai cấp - dân tộc. Trong sự phát triển lịch sử, vấn đề dân tộc là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của cách mạng vô sản. Muốn nhận thức và giải quyết tốt vấn đề dân tộc “phải có quan điểm của giai cấp công nhân, đó là quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mang tính quốc tế. Đoàn kết quốc tế là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng người lao động. Chính vì vậy, C.Mác và Ăngghen đã thường xuyên nhấn mạnh vấn đề này.

Giai cấp công nhân các nước, đặc biệt là các nước tư bản lớn phải thoát khỏi thiên kiến của chủ nghĩa dân tộc tư sản.

Các Đảng của giai cấp công nhân phải thường xuyên giáo dục chủ nghĩa quốc tế chân chính cho quần chúng nhân dân, nhưng không được quên rằng cuộc đấu tranh giải phóng họ có tính chất dân tộc.

V.I.Lênin phát triển chủ nghĩa Mác trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, từ thực tiễn tình hình nước Nga, một nhà tù dân tộc, Lênin đã nêu lên Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa đây được xem như là cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Dân tộc là địa bàn trực tiếp của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân. Mỗi dân tộc có nhiều giai cấp, cùng tồn tại và phát triển. Do đó “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”.

Nếu như áp bức giai cấp là nguyên nhân sâu xa của áp bức dân tộc thì áp bức dân tộc tác động mạnh mẽ trở lại áp bức giai cấp. Áp bức dân tộc nuôi dưỡng áp bức giai cấp và làm sâu sắc thêm áp bức giai cấp. Đấu tranh giai cấp tác động vào đấu tranh dân tộc. Đấu tranh dân tộc tác động vào đấu tranh giai cấp. Nếu dân tộc chưa có độc lập thống nhất, thì giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất mới muốn trở thành “giai cấp dân tộc” phải đi đầu trong cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là khôi phục độc lập dân tộc. Chừng nào trong xã hội còn đối kháng giai cấp, đấu tranh giai cấp, thì vấn đề quan hệ giai cấp và dân tộc được giải quyết trên lập trường giai cấp nhất định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ một quốc gia dân tộc bị thực dân Pháp xâm lược, đô hộ cai trị Người ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước, Người đã đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu so với lợi ích giai cấp vì lúc bấy giờ mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp.

Thực tế cho thấy trong quá trình tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin không phải ngẫu nhiên mà lịch sử đã khiến xuôi cho Người tìm đến Luận cương của Lênin về “Vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Người vui mừng bật khóc vì tìm được cẩm nang cho dân tộc:

Luận cương đến Bác Hồ.
Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười 

Và cũng từ đó Người khẳng định: Muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng vô sản ở đây không phải chỉ là cuộc đấu tranh giai cấp nữa mà là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân một phạm trù của cách mạng vô sản. Bởi vì, mâu thuẫn chủ yếu của Việt Nam lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đây chính là sự vận dụng một cách tài tình, sáng tạo vấn đề giai cấp và dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cách mạng Việt Nam.

Ngay trong Cương lĩnh 1930 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã khẳng định: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản. Điều đó có nghĩa là sau khi làm xong tư sản dân quyền cách mạng đánh đổ thực dân Pháp xâm lược đem lại độc lập dân tộc. Làm thổ địa cách mạng là đánh đổ bọn phong kiến, địa chủ đem lại ruộng đất cho dân cày (sau này cả hai cuộc cách mạng cùng tiến hành song song ấy chúng ta gọi đó là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân) là đi lên chủ nghĩa xã hội tức là đi vào giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đây là điều hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề giai cấp và dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam.

Khi thì tình thế và thời cơ cách mạng Việt Nam tháng 8 năm 1945 xảy ra đã được Người chớp lấy và vận dụng một cách sáng tạo.

Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 15 tháng 8 năm 1945. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, lập Uỷ ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Trên cơ sở Bản Tuyên ngôn độc của Mỹ 1776 và Bản Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp 1791, đồng thời kế thừa và phát huy hai Bản Tuyên ngôn thời Lý - Trần là Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt và Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Người đã viết Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 nhằm để khẳng định tinh thần dân tộc, độc lập dân tộc và bản chất nhân dân của cách mạng Việt Nam.

Thông qua lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946 và lời kêu gọi Toàn quốc chống Mỹ cứu nước 1967, Người khẳng định một lần nữa tinh thần dân tộc, độc lập dân tộc và bản chất nhân dân của cách mạng Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước khẩu hiệu: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Đó chính là sự kế thừa và phát huy tinh thần dân tộc, ý chí độc lập dân tộc, việc  Chủ tịch Hồ Chí Minh người vận dụng, phát triển sáng tạo vấn đề giai cấp và dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin đã lý giải một các khoa học về các hiện tượng của xã hội có giai cấp. Học thuyết đã vạch rõ những tiêu chí đưa đến sự tồn tại của các giai cấp, chỉ rõ nguyên nhân kinh tế của sự xuất hiện giai cấp, nó cũng chỉ rõ kết cấu giai cấp - xã hội của xã hội có phân chia giai cấp. Đặc biệt với học thuyết này, chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định vai trò của đấu tranh giai cấp - một trong những động lực thúc đẩy xã hội có giai cấp phát triển. Học thuyết cũng chỉ rõ mối quan hệ đan xen, phức tạp của giai cấp với dân tộc, giai cấp với nhân loại trong điều kiện hiện nay. Học thuyết giai cấp đấu tranh, giai cấp là cơ sở lý luận cho các Đảng Cộng sản xây dựng đường lối, chiến lược, sách lược trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích của nhân loại. Trong khi thực hiện nhiệm vụ giai cấp và nhiệm vụ dân tộc, Đảng, nhà nước và nhân dân ta rất coi trọng và góp phần tích cực vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trước hết là bảo vệ sự sống của con người trên trái đất, đấu tranh góp phần loại bỏ chiến tranh hủy diệt, bảo vệ môi trường sinh thái, chống đói nghèo, các căn bệnh thế kỷ…Việt Nam chủ trương hợp tác chặt chẽ với các dân tộc, các lực lượng xã hội có thiện chí trên thế giới để cùng phấn đấu vì tương lai tốt đẹp của nhân loại.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay với những thành tựu to lớn về lý luận và thực tiễn của hơn 25 năm đổi mới càng khẳng định cơ sở vững chắc những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Người đã vận dụng một cách sáng tạo vấn đề giai cấp và dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam là duy nhất đúng đắn. Chúng ta hiện nay hoàn toàn có đầy đủ tiền đề và điều kiện để biến những hoài bảo to lớn, những ham muốn tột bậc của Người trở thành hiện thực chính là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tin khác